Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học: Con đường đau khổ
Thuốc Ruvintat điều trị rối loạn mỡ trong máu, huyết áp cao là kết quả nghiên cứu khoa học của thạc sĩ Dương Thị Mộng Ngọc (trường Đại học Y dược TPHCM). Đây là công trình nghiên cứu sử dụng kinh phí nhà nước và kết quả nghiên cứu đã được Công ty cổ phần Dược phẩm OPC tiếp nhận, tổ chức sản xuất sản phẩm. Bà Ngọc cùng với OPC đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng cho việc công nhận thuốc để sản phẩm được chính thức lưu hành.
Bà Ngọc đã bắt đầu công trình nghiên cứu thuốc Ruvintat từ 17 năm trước. Thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng trên hơn 400 bệnh nhân trong nhiều năm qua và cho kết quả khả quan. Ruvintat là một trong rất ít kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng và đưa vào sản xuất thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Được yêu cầu, ứng dụng vẫn khó
TPHCM hiện có 170 kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 2.000 ki lô mét, trong đó có gần 1.000 ki lô mét bị lục bình, cỏ dại phủ mặt nước, cản trở dòng chảy và giao thông đường thủy, phát sinh dịch bệnh. Để dọn dẹp lục bình, một vị lãnh đạo tại một công ty thủy lợi của thành phố cho rằng mỗi năm thành phố cần phải tiêu tốn vài chục tỉ đồng.
Trong năm 2013, để vận động thanh niên xung phong, sinh viên tại bảy quận, huyện ra quân vớt lục bình, thành phố đã phải chi hơn 2,7 tỉ đồng. Do phải sử dụng nguồn kinh phí và nhân lực không nhỏ, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố, đã chỉ đạo phải nhanh chóng nghiên cứu ứng dụng các thiết bị máy móc trục vớt lục bình dọc theo sông Sài Gòn và trên các kênh, rạch.
Sau chuyến thực địa tại huyện Bình Chánh giữa năm 2013, ông Quân đã yêu cầu thử nghiệm hệ thống máy cắt, vớt lục bình của Tiến sĩ Bùi Trung Thành ở trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Sau đó, chính quyền thành phố đã có hơn chục văn bản và nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan việc cải tiến máy cắt của Tiến sĩ Thành.
Vào năm 2009, trong một đề tài nghiên cứu cấp bộ được cấp kinh phí 3,8 tỉ đồng, Tiến sĩ Thành đã cho ra đời máy cắt, vớt lục bình làm việc trên sông lớn. Sau khi có chỉ đạo của thành phố, ông Thành phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ thủy lợi TPHCM cải tiến máy để ra phiên bản nhỏ gọn hơn, thích hợp làm việc trên các kênh, rạch nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Dịch vụ thủy lợi TPHCM, nhận xét máy cắt, vớt lục bình phiên bản cải tiến làm việc hiệu quả, giải phóng được lao động chân tay. “Tuy nhiên, để đảm nhận được việc vớt lục bình trên khoảng 1.000 ki lô mét sông, kênh, rạch thì cần tới vài chục chiếc như vậy”. Riêng Công ty Dịch vụ thủy lợi TPHCM cũng phải cần có vài chiếc máy mới đảm nhận hết công việc chứ không phải chỉ một máy như hiện nay. Nhiều đơn vị khác cũng muốn có những chiếc máy này nhưng lại thiếu kinh phí mua máy.
Năm 2013, Sở KH-CN TPHCM cấp kinh phí cho 183 đề tài, dự án và trong năm nghiệm thu 125 đề tài, dự án. Trong chín tháng đầu năm 2014, sở này cũng đã triển khai 420 đề tài, dự án và đã có 197 đề tài, dự án được nghiệm thu.
Vào giữa tháng 5-2014, Sở KH-CN TPHCM đã chuyển giao 11 kết quả nghiên cứu từ những năm trước đó cho các công ty, xí nghiệp để sản xuất, thương mại sản phẩm. Công ty Thời Đại Xanh đã được chuyển giao bộ kit ELISA phát hiện nhanh dư lượng melamine trong sữa và thức ăn chăn nuôi. Ông Đỗ Văn Thường, Giám đốc công ty, cho biết sau gần sáu tháng, đến nay quá trình chuyển giao cũng mới chỉ dừng ở các bước thủ tục chuyển giao nên công ty chưa thể triển khai sâu hơn kết quả nghiên cứu này. Trong khi đó, thạc sĩ Bùi Quốc Anh, người nghiên cứu ra bộ kit, khẳng định đây là sản phẩm hoàn chỉnh, đã sẵn sàng cho việc thương mại.
Dân cần sản phẩm, còn kết quả nghiên cứu thì bị nhốt trong tủ
Đầu mùa mưa những năm 2005 - 2006, bọ đậu đen ồ ạt bay vào nhà dân tại các vùng trồng cao su của tỉnh Bình Dương. Người dân mua các loại thuốc diệt côn trùng có trên thị trường về phun, bọ trước khi chết tiết ra một mùi hôi khó chịu và mùi hôi này sẽ thu hút đợt bọ sau vào nhà.
Trước tình trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Bình Dương đã đặt hàng PGS.TS. Hồ Sơn Lâm ở Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TPHCM (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) chế tạo một loại thuốc đặc trị bọ đậu đen.
Kết quả thử nghiệm thuốc, bọ đậu đen chết nhưng không tiết ra mùi hôi và ngăn được những đàn bọ sau. Vào tháng 9-2009, công trình nghiên cứu thuốc diệt bọ đậu đen được nghiệm thu và đánh giá cao. Ông Lâm cũng đã chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Sở KH-CN tỉnh Bình Dương để sản xuất thuốc. Thế nhưng cho đến nay, sau 5 năm chuyển giao, kết quả nghiên cứu này vẫn chỉ nằm im trên báo cáo. Theo giải thích của một cán bộ ở Sở KH-CN tỉnh Bình Dương, đó là vì tỉnh chưa có điều kiện để sản xuất và cũng không nhường quyền sản xuất cho nơi khác vì đây là sản phẩm trí tuệ của tỉnh nhà.
Ở những vùng bị bọ đậu đen hoành hành, từ Bình Dương, Đồng Nai tới huyện Củ Chi (TPHCM), người dân vẫn tiếp tục gọi điện thoại tới PGS.TS. Lâm để “xin mua” thuốc diệt bọ đậu đen. Thời gian đầu, ông Lâm còn thuốc được sản xuất trong quá trình nghiên cứu nên có thể cung cấp cho dân. Đến khi hết thuốc, ông “chỉ” lên Sở KH-CN tỉnh Bình Dương nhưng... nào có thuốc! Người dân phải quay về mua thuốc ngoài thị trường để diệt bọ đậu đen và tiếp tục chịu đựng mùi hôi cùng nỗi thấp thỏm lo lắng những đàn bọ khác lại kéo nhau vào nhà.
Trước nhu cầu nhiều năm chưa được đáp ứng của người dân, ông Lâm cho biết, nếu Sở KH-CN tỉnh Bình Dương vẫn không triển khai sản xuất thuốc, tự ông sẽ nghiên cứu một công thức thuốc tương tự để phối hợp với một đơn vị thương mại cung cấp thuốc ra thị trường.