Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 29/08/2014 16:55 (GMT+7)

Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di trúc về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng

  Về vấn đề đoàn kết trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân. Người yêu cầu các cấp ủy đảng “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”1. Ngay từ năm 1924, trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, Người đã viết bài “Đoàn kết giai cấp”2. Người nhắc đến bài “Quốc tế ca” và có một nhận định quan trọng: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”3. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi đại đoàn kết và chỉ có đại đoàn kết mới dẫn đến đại thành công.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết trong Đảng, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ; đoàn kết trong dân và mở rộng mặt trận đoàn kết quốc tế, nhất là đoàn kết với các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, cùng đấu tranh chung để thế giới không còn chiến tranh, loại trừ cái ác, nhân lên cái thiện, tất cả đều sống chung trong một mái nhà hòa bình và dân chủ. Sống yên vui, sống thuận hòa giữa người và người, giữa các dân tộc với nhau là điểm hẹn và điểm đến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tư tưởng này đã làm cho bầu bạn trên thế giới đến với Người, có tình cảm với Người và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Thực hiện tư tưởng đoàn kết và đại đoàn kết của Người, từ khi thành lập đến nay, trong Đảng, tuy có lúc đoàn kết có vấn đề như vụ Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1941, nhưng đã được giải quyết ổn thỏa, nhìn chung, đã đoàn kết chặt chẽ, vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong xã hội, nhân dân đã đoàn kết một lòng đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh.

Với phong trào cách mạng thế giới, trong Di chúc, Người kêu gọi đoàn kết giữa các đảng cộng sản và đảng công nhân. Rất tiếc là có giai đoạn vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, thế kỷ XX, hai Đảng Cộng sản lớn nhất thế giới là Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không đoàn kết lại được. Hai Đảng này đã đả kích nhau dữ dội trên các diễn đàn thông tin quốc tế, xoay quanh vấn đề “xét lại” và “chân chính”. Trong Di chúc, Người viết rằng, Người rất đau lòng vì sự bất bình đã xảy ra giữa các đảng anh em, cụ thể là giữa hai Đảng Cộng sản lớn nhất. Người mong Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Rất tiếc là cho đến nay, phong trào cộng sản quốc tế vẫn chưa khôi phục được sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và châu Âu.

Về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đó là quy luật phát triển của Đảng. Trong các bài viết, bài nói chuyện, có lúc người đưa tự phê bình lên trên, nhưng có lúc, Người đưa phê bình lên trên, nhưng nhìn chung, Người thường nhấn mạnh đến tự phê bình. Trong Di chúc, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”4. Người nêu mục đích tự phê bình và phê bình là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, giúp nhau tiến bộ.

Kiểm điểm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, thấy rằng, trong những năm đổi mới, vấn đề tự phê bình và phê bình luôn luôn được đặt ra trong các nghị quyết của Đảng. Tính từ Đại hội VI, Đại hội ghi dấu ấn đổi mới toàn diện, đến này, Trung ương Đảng đã có 4 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI, ngày 20-6-1988: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VII, ngày 29-6-1992: “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, ngày 2-2-1999: “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, ngày 16-1-2012: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Cả 4 nghị quyết này đều đặt vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Như vậy, trong Đảng, tự phê bình và phê bình là phương pháp cải tạo mang tính chất cách mạng của Đảng. Còn trong xã hội, tự phê bình và phê bình cũng là phương pháp hoạt động của toàn dân, là một trong những động lực thúc đẩy xã hội phát triển, là nguyên tắc tự giáo dục và giáo dục của con người về mặt đạo đức. Thông qua tự phê bình và phê bình mà sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm, làm cho công việc tiến nhanh và có hiệu quả. Ở đây, có một vấn đề thuộc về nhận thức và phương pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng, đó là tự phê bình và phê bình nhằm giải quyết mâu thuẫn nội bộ, đơn vị, cơ quan, đoàn thể, chứ không phải biến nó thành đối kháng, đả kích nhau, không dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc, nhưng cũng không e dè, nể nang, chiếu lệ, làm cho qua chuyện; tự phê bình và phê bình để mang lại hòa thuận, chứ không phải làm tăng thêm bất hòa. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên mỗi khi tự phê bình mình và phê bình người phải hết sức trung thực, thành khẩn và có dũng khí. Trong phê bình, không được lấy lòng nhau, nhưng cũng không được vu cáo nhau, bới móc ra những chuyện không có sự thật. Mang thù hằn cá nhân vào trong phê bình là một việc làm thiếu thiện chí. Thật ra, trong cuộc sống và công tác, chẳng có ai là hoàn hảo, chỉ có những người ít khuyết điểm và những người nhiều khuyết điểm. Những người nhiều khuyết điểm thì sửa nhiều, những người ít khuyết điểm thì sửa ít, phải biết cách chuyển hóa khuyết điểm thành ưu điểm bằng cách tự cải tạo bản thân, phải hết sức thành khẩn, thành tâm, cầu tiến bộ. Phê bình và sửa chữa phải đi đôi với nhau. Phê bình mà không chịu sửa chữa, thì có khác gì “đánh trống bỏ dùi”. Người nói: “Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ”5.

Tự phê bình và phê bình có ý nghĩa ngày càng lớn trong điều kiện hiện nay do quy mô và tính chất phức tạp của những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ đổi mới ngày càng tăng, do việc chuyển sang chủ yếu là các nhân tố phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước, sang việc nâng cao hiệu quả và chất lượng của toàn bộ công tác và nghiên cứu khoa học. Muốn làm tốt tự phê bình và phê bình, phải làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng” 6.

Về vấn đề Đảng cầm quyền, Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiêm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”7.

Đảng cầm quyền chính là Đảng lãnh đạo chính quyền. Muốn lãnh đạo chính quyền được tốt, Đảng phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, xét cho cùng, cũng quy về đạo đức cách mạng. Đảng không có trí tuệ, không có năng lực lãnh đạo, không có đạo đức cách mạng trong sáng thì Đảng không thể lãnh đạo được chính quyền. Bộ máy của Đảng trong sạch, bộ máy chính quyền cũng trong sạch. Cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu thì công chức, viên chức của bộ máy chính quyền cũng gương mẫu. Đó là lôgích của vấn đề.

Trở thành Đảng cầm quyền là bước phát triển mới về chất của chính bản thân Đảng và của toàn bộ hệ thống chính trị. Là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, Nhà nước nằm trong lòng nhân dân, bảo vệ và phục vụ lợi ích của nhân dân. Là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội chủ yếu thông qua Nhà nước và bằng Nhà nước. Vì vậy, Đảng cần có phương thức phù hợp nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò, hiệu lực của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước là hai mặt của một vấn đề, mang tính thống nhất, tuy không đồng nhất. Khi hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước được phát huy cũng chính là thước đo trình độ lãnh đạo của Đảng.

Là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, lãnh đạo Đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng phải đặc biệt đề phòng vi phạm các sai lầm như quan liêu, lộng hành, lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi, thoái hóa, biến chất, nhất là sai lầm về đường lối và phương pháp lãnh đạo. Muốn vậy, vấn đề đặt ra là phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của Nhà nước. Lãnh đạo và quản lý khác nhau ở chỗ nào, bổ sung cho nhau ra sao, cũng cần phải tính đến. Trên thực tế, trong một số lĩnh vực, có một số vấn đề không thể phân chia rạch ròi, máy móc giữa lãnh đạo và quản lý, nhưng cũng không nên đồng nhất giữa lãnh đạo và quản lý, vì hai vấn đề có sự khác nhau về hình thức thể hiện, chủ thể thực hiện, về cách thức và công cụ thực hiện. Cần phải thông qua thực tiễn để từng bước xác định rõ nội dung, phạm vi, mức độ và mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý. Đảng thành công hay không thành công trong việc lãnh đạo xã hội, phụ thuộc vào Đảng có phát huy được trí tuệ, sáng tạo to lớn và sức mạnh của nhân dân hay không?

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng cầm quyền, trong những năm đổi mới, Đảng đã xây dựng mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được xác định đầu tiên trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (1994)8. Nói đến Nhà nước pháp quyền là nhấn mạnh đến phương pháp, cách thức quản lý bằng pháp luật, theo pháp luật, nêu cao vai trò của pháp chế, yêu cầu mọi tổ chức, mọi công dân đều phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là nhà nước do nhân dân làm chủ, lấy liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, không ngừng củng cố và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Nội dung lãnh đạo đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng quan điểm, các nghị quyết, nguyên tắc giải quyết các vấn đề trọng đại của quốc gia. Đảng lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách lớn của Đảng thành Hiến pháp, luật pháp, kế hoạch, các chương trình mục tiêu lớn của Nhà nước, bảo đảm cho nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống một cách đầy đủ và kịp thời. Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức hệ thống chính trị phù hợp với nhiệm vụ mới, bảo đảm xây dựng Nhà nước vững mạnh, tinh khiết, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua việc thống nhất lãnh đạo và quản lý công tác tổ chức và đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể; đồng thời, phát huy tính chủ động trong hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy mọi sáng kiến đóng gớp của cán bộ, đảng viên và người dân. Kết hợp chặt chẽ lãnh đạo bằng tổ chức với lãnh đạo qua cá nhân đảng viên theo nguyên tắc tập trung dân chủ và nêu cao vai trò trách nhiệm của đảng viên là thủ trưởng. Đảng kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy công quyền thông qua các tổ chức đảng, đảng viên, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng; đồng thời, lãnh đạo công tác thanh tra của Nhà nước. Thông qua kiểm tra, kiểm soát, tổng kết kinh nghiệm để bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước bảo đảm cho Nhà nước hoàn thành tốt chức năng đối nội và đối ngoại. Đảng tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhà nước phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ. Đó là Đảng cầm quyền vì nước, vì dân.

Đã 45 năm trôi qua kể từ khi Đảng, Nhà nước, Nhân dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kinh tế - xã hội của đất nước đang có sự phát triển về chất, nhưng cũng đang đứng trước những thách thức mới khi sự xâm lược từ bên ngoài vẫn đang rình rập. Trong lúc này, toàn Đảng, toàn dân cần phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng của Người, xây dựng thành công và bảo vệ Tổ quốc vững chắc trong mọi hoàn cảnh. 

------- 
* Báo cáo tại cuộc Tọa đàm Khoa học kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9-1969 - 9-2014) do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức, ngày 27- 8-2014.

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 12, tr.497.

2 “Xem Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 1, tr. 265.

3 “Xem Hồ Chí Minh Toàn tập”, tập 1, sđd, tr. 266.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 1, tr. 497.

5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 232.

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 239.

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr. 498.

8Lúc đầu ghi là Nhà nước pháp quyền Việt Nam, của dân, do dân, vì dân, rồi trong những văn kiện sau đó, ghi là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.