Thừa Thiên Huế: Xây dựng và phát triển Hội vững mạnh
Trong công tác xây dựng tổ chức, Hội tập trung củng cố hoạt động của Ban chấp hành, Ban Thường vụ hội trở thành tổ chức khoa học trí tuệ, dân chủ, xây dựng hội thành một hội khoa học mạnh không những đối với trong tỉnh mà cả trong gia đình sử học Việt Nam.. Từ đó, uy tín của hội được nâng cao, đội ngũ sử học của tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển.
Trong năm 2014, Hội kết nạp thêm 17 hội viên mới, nâng tổng số hội viên có 217 hội viên, trong đó có 16 phó giáo sư, 25 tiến sĩ. Ban chấp hành Hội đã có 04 người được tín nhiệm bầu làm Uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Hội còn quan tâm tới nâng cao cơ sở vật chất của Hội như: chỉnh trang trụ sở Văn phòng Hội, Toà soạn Tạp chí, trang cấp Phòng Tư liệu tại 28 Nguyễn Tri Phương, bổ sung các thiết bị làm việc tại Văn phòng Hội và Tạp chí.
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học Hội có khá nhiều hoạt động được đánh giá cao như: triển khai đề án thành lập “Trung tâm Phan Bội Châu”; thực hiện đề tài khoa học cơ bản cấp nhà nước (Quỹ Nafosted) “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885” và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, lễ kỷ niệm lịch sử: phối hợp với Đặng tộc Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm 600 năm hy sinh Tể tướng Đặng Dung, Hội thảo kỷ niệm 500 năm sinh của Dương Văn An với chủ đề: Dương Văn An với vùng đất Thuận Quảng; Toạ đàm cuộc Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân tại Huế năm 1916; Hội thảo khoa học Thừa Thiên Huế - Đất học và tài năng; hội thảo khoa học Văn hoá Huế - Đặc điểm lịch sử và vấn đề bảo tồn, phát triển…
Công tác phản biện và giám định xã hội, Hội tham gia đính chính tư liệu lịch sử, tư vấn, truyền thông lịch sử, phản biện các đề tài nghiên cứu khoa học của hội viên. Với chuyên môn cao, Hội và các hội viên trở thành lực lượng nòng cốt trong tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án công trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến khoa học lịch sử của tỉnh. Cụ thể, Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Nội vụ về Hội thảo “Đặt tên thành phố và các phương án tổ chức hành chính của thành phố trực thuộc Trung ương”; tư vấn cho UBND tỉnh xét duyệt di tích cấp tỉnh Miếu Tiên Y và Lăng Cơ thánh do Trung tâm bảo tồn di tích cố đo Huế lập hồ sơ; tư vấn cho UBND tỉnh đặt tên đường phố Huế lần thứ 7; tư vấn cho Trung tâm BTDT cố đô Huế về: Tẩm điện và sân Bái đình lăng Minh Mạng, dự án tu bổ hệ thống Hoàng thành, Đại Nội, Huế; dự án Bảo tồn và phát huy giá trị cung An Định, Huế; Phương án mở tuyến đường bộ vào Thành Nội song song với cửa Ngăn.
Ngoài ra, Hội còn là mũi nhọn trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Với nhiều hoạt động góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của lãnh đạo, hội đồng biên tập Tạp chí Huế xưa và nay; tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện tốt việc xuất bản 6 số có chủ đề về đô thị Thừa Thiên Huế và chuyên mục về biển đảo.
Hội cũng biên soạn và xuất bản nhiều sách: Đô thị Thừa Thiên Huế - tiến trình phát triển và giải pháp quy hoạch; Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo tổ quốc thế kỷ; Huế và Triều Nguyễn; Nguyễn Hoàng: Người mở cõi… Đặc biệt, đề tài cấp tỉnh “Địa chí Thừa Thiên Huế Phần Dân cư và Hành chính” do Hội làm cơ quan chủ trì và Chủ tịch Hội làm chủ nhiệm được trao giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII, năm 2014.
Trong năm qua, Hội tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn về lịch sử. Ngoài ra, Hội đang tích cực chuẩn bị để ra mắt Trang thông tin điện tử của Hội, tạp chí Huế xưa và nay, chuẩn bị thông số để ra mắt ấn phẩm Danh bạ Hội Sử để giới thiệu về các hoạt động của Hội.
PGS.TS.Đỗ Bang - Chủ tịch Hội cho biết: Trong năm 2015, Hội chủ trương đẩy mạnh những hoạt động cụ thể, như củng cố tổ chức, thu hội phí, thành lập một số các chi hội mới liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, phát triển hội viên mới và cấp thẻ hội viên; nâng cao vị thế Tạp chí Huế xưa & nay trở thành tạp chí khoa học có uy tín trong cả nước; chính thức ra mắt trang Thông tin điện tử của Hội; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương và Trung ương để thực hiện các chuyên mục về lịch sử, văn hoá Huế và hoạt động của Hội; chuyên mục về Đại hội lần thứ V của Hội; thành lập Trung tâm Phan Bội Châu, triển khai hoạt động nhân kỷ niệm 110 năm Phong trào Đông Du và 75 năm ngày mất của cụ Phan Bội Châu; tiến hành xuất bản các sách: Thừa Thiên Huế: Đất học và tài năng; văn hoá Huế: Đặc điểm lịch sử và vấn đề bảo tồn, phát triển; tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn; biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần vương. Ngoài ra, Hội sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc tổ chức các Hội thảo khoa học: 40 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế; biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương (1885-1888); Phan Bội Châu và Phong trào Đông Du; Cách mạng Tháng Tám Thừa Thiên Huế năm 1945 và vấn đề trí thức, tôn giáo, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám.
Với những hoạt động của mình, năm 2014 được xem là năm đánh dấu bước trưởng thành lớn của Hội cả về chất lẫn lượng. Hy vọng với quyết tâm và những định hướng đúng đắn, Hội sẽ ngày càng có những đóng góp thiết thực hơn đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế.