Thông ‘khùng’ và vũ trụ
Thông ví von: “Tuổi trẻ đâu có dài, nó quét qua giống như một cơn lũ. Nhưng sau lũ người ta có thể xây làng mới, còn tuổi trẻ một khi đã qua làm sao xây lại được!”.
Cũng bởi vậy, Thông mong mỏi nhận được từ xã hội một thói quen cảm thông với những tìm tòi mới và mơ "có nhiều thông tin, những qui định cho những người nghiên cứu tự do bằng nhiều cách; cần mở rộng tinh thần khoa học ở khắp mọi nơi… để một người “khùng” thì cũng biết là mình “khùng” chỗ nào".
Ý tưởng lạ đời
Biến âm thanh thành ánh sáng - một ý tưởng lạ đời của Lê Đức Thông, một thanh niên 22 tuổi, ở ấp Tân Lễ B, Châu Pha, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thông mô tả quá trình đó như thế này: bắn một sóng âm thanh vào một bong bóng khí được giữ yên trong một bình nước trong suốt.
Sóng âm đó được khuếch đại đủ lớn để tạo ra một “vụ nổ” nơi quả bong bóng và năng lượng chuyển thành ánh sáng cùng với một lượng nhiệt cao. Ứng dụng là ở chỗ chế biến chúng thành những dạng năng lượng khác như điện, hoặc ứng dụng hiệu quả của quá trình đó là việc xử lý chất thải công nghiệp, độc hại...
Chuyện khó tin nên Thông bị gọi là khùng. Anh thanh niên - lúc đó là sinh viên năm 1 ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, nay đang học năm 3 - bảo đó chỉ là bước ban đầu trong những ý tưởng về vật lý lượng tử, vũ trụ mà thôi.
Ai nói sao thì nói, chàng học sinh giỏi vật lý của tỉnh này ngày đêm ngồi nhai bánh mì viết công trình của mình để nhờ một ai đó có thể giúp mình thí nghiệm. Thật ra đây là đề tài thứ tư trong số những công trình Thông đã hoàn thành về mặt lý thuyết như “Những quan điểm mới về bản chất từ trường, cơ bản của vật chất trong vũ trụ”, “Cơ chế phát sinh ánh sáng từ âm thanh”, “Nghiên cứu sự bức xạ và qui luật hình thành hố đen trong vũ trụ”....
Con đường đi tìm người giúp đỡ
Thông đến gõ cửa nhà các giáo sư ngành vật lý, từ những số điện thoại tra được qua tổng đài hoặc nhờ người chỉ. Hầu như ở nơi nào cũng vậy, câu đầu tiên Thông được hỏi là: “Anh là ai?”. Sau khi biết đây là một sinh viên, chưa kịp nghe trình bày đề tài, một đáp số giống nhau mà Thông nhận được là: “Anh về học thêm đi”. Trong số đó có một vị tiếp đãi Thông rất ân cần.
Sau khi dành hết một buổi chiều để nghe Thông trình bày, vị này hỏi: “Anh bảo vệ luận án tiến sĩ à?”. “Thưa không, em là một sinh viên” - Thông đáp. “Nếu anh bảo vệ tiến sĩ, tôi sẵn sàng là người hướng dẫn. Còn sinh viên, anh về học tiếp đi” - vị giáo sư thay đổi thái độ.
Thông còn gõ cửa ít nhất ba nhà vật lý nữa và nhận ra mình chỉ đem đến cho họ những ngao ngán về một anh chàng bay bổng đến “khùng”. “Các nhà vật lý đã vậy, làm sao tôi dám nghĩ đến các trung tâm hướng dẫn của sinh viên, thanh niên” - Thông nói.
Nhưng hễ biết được đơn vị, trung tâm nào có dính líu đến vấn đề này là Thông đi, lúc bằng xe đạp, lúc xe gắn máy mượn người quen, lúc xe buýt và cả đi bộ cũng có.
GS.TS Nguyễn Mộng Giao (Viện KH&CN Việt Nam): Cần khuyến khích những thanh niên có khát vọng sáng tạo và hơn thế nữa cần hướng dẫn họ đi vào khoa học. Cần tạo ra một cơ chế để những người có khát vọng và hoài bão được khuyến khích giúp đỡ, để họ bớt khó khăn trong tìm tòi sáng tạo. Nên chăng Báo Tuổi Trẻthành lập một câu lạc bộ khoa học, mời những nhà khoa học giỏi thường xuyên gặp gỡ giới trẻ - những bạn như Lê Đức Thông - để lắng nghe, giúp đỡ và khuyến khích họ đi vào khoa học. |
Nơi nào Thông cũng xin được giới thiệu cho mình một người hướng dẫn hoặc cho mình bảo vệ đề tài. Vẫn lại nghe những câu quen thuộc: “Đề tài này nước mình chưa có. Muốn thì ra nước ngoài”. Hoặc là những chỉ bảo “quay về cuộc sống thực tế”, từ bỏ những “chuyện viển vông”...
Thông đến Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh xin cho mình được báo cáo đề tài. Nhưng nguyên tắc của sở là phải có người hướng dẫn thì đề tài mới được báo cáo. “Một người nghiên cứu tự do như tôi cần một người hướng dẫn thật khó” - Thông ngậm ngùi. Rồi đột ngột đặt câu hỏi: Phải chăng sinh hoạt khoa học ở Việt Nam chỉ là chuyện của một lớp người?
Thông hỏi cho hai anh “Hai Lúa” mà cũng là cho chính mình. “Chế tạo trực thăng đâu phải là điều mới mẻ. Có mới chăng vì tác giả là những nông dân bình thường nên khó tiếp cận được những thông tin cần biết”.
Hé mở một cánh cửa
Thông hoàn thành phần lý thuyết “Âm thanh từ ánh sáng” và tự đem đến Cục Bản quyền đăng ký bản quyền hồi giữa năm ngoái. “Dù sao đây cũng là một cách giúp tôi vững tin hơn” - Thông bảo thế.
Rồi có một vị giáo sư đón Thông bằng một câu hỏi khác: “Anh cần gì ở chúng tôi?” - chứ không phải: “Anh là ai?”. Sau khi biết ý định cần một người định hướng, hướng dẫn của Thông, vị này cho bạn địa chỉ email của GS.TS Nguyễn Mộng Giao, lúc đó đang ở nước ngoài. “Hãy chờ tôi về” - GS Giao trả lời từ nước ngoài qua email. “Tôi vui lắm! Vì ít nhất tôi cũng sẽ được biết mình sai chỗ nào” - Thông tự tin hơn.
Sau khi về nước, GS Giao bảo với Thông: “Anh có những tính cách khá giống tôi thời trẻ”. Ông giới thiệu sách để Thông tìm đọc và khuyến khích bạn làm từng bước. Ngày 16/2/2004, giáo sư đã đưa Thông nghiên cứu một đề tài mới liên quan đến tầng khí quyển, tính tuổi Trái đất và sao Hỏa.
Nguồn: : www.tuoitre.com.vn 21/2/2004