"Thổ dân" Đồng Tháp Mười
“Ông Ba ve chai” và 25 năm ở rừng
Rời phố thị Sài Gòn đầu những năm 1980, xa người vợ mới cưới, ông tìm tới vùng đất hoang vu Đồng Tháp Mười để nghiên cứu cây tràm gió Long An. Lúc đó nơi này là đồng hoang. Vậy mà bây giờ nơi này đã trở thành khu bảo tồn với 600ha rừng tràm, các khu bảo vệ cây giống quí (nhiều loại có tên trong sách Đỏ) với 21 loài thực vật bậc cao, gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười nguyên bản như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu... Đây cũng là nơi đang sở hữu bộ sưu tập tinh dầu đầy đủ nhất khu vực Đông Nam Á. |
Ở vùng này, thạc sĩ Dược Nguyễn Văn Bé có nhiều tên gọi thân thương được người dân nơi đây đặt cho, thường gọi nhất là “ông Ba đất phèn”, mới đây là “ông Ba ve chai”. Trông ông Ba không khác gì một nông dân với chiếc áo đã ngả sang màu cháo lòng, đi chân đất, nước da cháy nắng.
Khi chúng tôi đến, ông đang hoàn thành công đoạn cuối cho hệ thống trạm bơm chiết với những chiếc máy do ông và các cộng sự chế tạo theo công nghệ mới. Bên cạnh máy, những nông dân Đồng Tháp Mười đang bóc vỏ nghệ, vỏ tỏi, trải thành phẩm lên thành từng đống lớn. Nụ cười của ông Ba thật mãn nguyện:
“Bà con mình trồng những loại này rất cực, để buôn bán lẻ thì đâu có bao nhiêu, hằng năm chúng tôi đặt hàng họ, thu nhận hàng tấn tỏi, nghệ để làm thuốc”. Loại thuốc từ tỏi, nghệ đã được ông nghiên cứu và sản xuất như Garlic Film, nhiều năm qua được dùng làm thuốc chống nhiễm trùng, huyết áp cao, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch...
Với củ gừng, ông bào chế thành thuốc Ninon (thường gọi là “nín nôn”) trị chứng đầy bụng, buồn nôn. “Tui đặt tên thuốc theo những kiểu tên này để bà con dễ hiểu, nhớ lâu” - ông Bé nói. Chẳng hạn thuốc Tragutan là phối hợp ba cái tên tràm, gừng, tần trị ho, cảm cúm. Ông chủ trương biến rác thành của quí, những gì thuộc về phế phẩm mà nông dân bỏ lại trên đồng sau khi thu hoạch ông cũng cất công lội đồng gom hết về để nghiên cứu, chế biến. Đây chính là lý do tên ông gắn thêm hai chữ “ông Ba ve chai”.
Những năm tháng nằm rừng cải tạo khai hóa đất hoang, ông đã có nhiều lần thất bại vì áp dụng công thức theo như trong sách vở. Rồi ông rút ra một điều mà không giáo trình, giáo án nào dạy cả: cứ làm theo ca dao tục ngữ, thậm chí những câu ca mục đồng của nông dân là trúng phóc.
“Đó không phải văn thơ đọc lên cho vui mà chính là qui luật đúc kết nhiều đời, một tài sản quí của VN” - ông nói. Một minh chứng của nó là câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Vùng đất này toàn phèn, ông đã nghiên cứu một hệ thống kênh mương để giải quyết vấn đề nước sạch.
Giống cũng vậy, phải làm cho nó thích hợp với đất chứ không phải chỉ là cải tạo đất. Và ông đã thành công trong việc trồng cây cỏ ngọt, một loại cây khó trồng trên đất phèn. Đây là loại cây chiết xuất hoạt chất steviosid, được hội đồng khoa học cấp Nhà nước đánh giá xuất sắc.
Ngồi giữa đồng nước lộng gió, ông Ba mang ra đãi khách trái mít giống Mã Lai được ông mang về trồng ở đây. Múi ngọt và vàng ươm, khó ai có thể hình dung trên đất phèn này lại có giống cây quả ngon như thế. Đu đủ cũng vậy, chính ông là người đưa ra qui trình trồng tập trung để chiết xuất papain dùng trong công nghệ dược phẩm và xuất khẩu... Suốt gần một phần tư thế kỷ sống giữa đồng, ít ai biết ông Ba lại là một trong bảy nhà cung cấp hương liệu trên khắp thế giới của hãng dầu gió xanh nổi tiếng Eagle.
Mang hạnh phúc về đồng nước nổi
Nhiều năm qua đã có nhiều thế hệ sinh viên sinh hóa, y dược VN xem khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười của ông Ba là cuốn từ điển sống để nghiên cứu, học tập. Cả sinh viên nước ngoài cũng tìm đến xin “thọ giáo” thầy Nguyễn Văn Bé. Khi dạy, ông luôn đưa học trò xuống đồng, lội ruộng một cách cực nhọc như người nông dân vì “trăm lần nghe không bằng một lần thấy”, đã xuống vùng đất này thì phải về với cỏ, cây, hoa, lá, chim muông...
Từ nhỏ, ông Bé đã có thói quen tự học. Cho đến khi là một trong những bộ đội miền Nam được Nhà nước cử ra Bắc học, ông được xếp vào học chương trình lớp 8. Giải phóng, ông học tại khoa dược ĐH Y Dược TP.HCM và được giữ lại trường giảng dạy, ông lại đề xuất hình thành một xưởng thực hành, sản xuất dược dành cho sinh viên (SV).
Làm ra được những sản phẩm bán trên thị trường nhưng thời điểm ấy không được chấp nhận. Ước mơ ấy vẫn luôn thôi thúc, nhen nhóm mãi cho đến khi ông được điều đi phụ trách Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đầu những năm 1980.
Ở trung tâm hiện nay vẫn còn có 20 người “cựu trào”, trình độ học vấn của họ chưa cao nhưng rất thuần thục trong điều khiển, sửa chữa máy móc, công nghệ thích hợp tại nơi này. Họ gắn bó với ông từ thuở ban đầu, được ông dựng vợ gả chồng và cung cấp cho họ cả những ngôi nhà di động đầy đủ tiện nghi. Ông đang xây dựng kế hoạch để mở trường công nhân kỹ thuật giữa Đồng Tháp Mười.
“Để những người nông dân nơi đây được học hành đàng hoàng. Tôi muốn mang lại sự công bằng cho cả những người không có điều kiện học lên cao”, ông Ba nói. Ngôi Trường tiểu học Hương Tràm cũng do ông xây và bên cạnh đó hình hài một bệnh xá khang trang cũng sắp được khánh thành. Đây là tiền của khu bảo tồn và những người bạn có tâm của ông góp sức để người nông dân mà ông gắn bó bao năm nay có điều kiện được chăm sóc tốt hơn.
Hạnh phúc lớn nhất của đời ông là hai người con đều lấy học làm trọng. Người con đầu đang là SV ngành công nghệ thông tin, con út vừa được tổ chức tuyển chọn nhân tài quốc tế cấp học bổng học tại Singapore . Người vợ cùng nghề với ông chính là nguồn động viên lớn suốt gần một phần tư thế kỷ khi ông “bỏ phố về rừng”.
Nguồn: tuoitre.com.vn