Thiên thạch trở thành mục tiêu
Có rất nhiều thiên thạch trên những quỹ đạo cắt ngang Trái đất và trong quá khứ những vụ đâm vào Trái đất của các thiên thạch này đã gây ra những thiệt hại lớn, thậm chí đã làm loài khủng long tuyệt chủng từ cách đây 65 triệu năm.
Dự án này mang tên Quihote vẫn đang còn trong giai đoạn lên kế hoạch nhưng Cơ quan không gian châu Âu đã chọn hai thiên thạch mà xem ra có thể là những mục tiêu đầy triển vọng.
Vài tháng trước NASA đạ̃ phóng một phần ba tấn kim loại vào một sao chổi, tạo ra một hố sâu bằng cả một sân vận động trên bề mặt của nó, vụ nổ cũng tạo một vầng bụi và tuyết lớn bốc lên có thể nhìn thấy từ trái đất.
Kế hoạch của châu Âu cũng tương tự như vậy, nhưng là phóng vào một thiên thạch, chứ không phải là một sao chổi bằng tuyết.
Cũng giống như trong bộ phim Deep Impact của Mỹ, sẽ có một phi thuyền không gian bay tới gần đó để ghi lại những diến biến này ở cự ly gần, nhưng dự án này sẽ không phải chỉ là một phi thuyền đơn lẻ bay ngang như phi vụ do NASA thực hiện.
Tiến sĩ Willy Benz của trường Đại học Tổng hợp Bern , là một trong những nhà thiên văn học đã thúc đẩy dự án này.
Ông cho biết sẽ có phi thuyền thứ nhất bay tới gần thiên thạch này vài tháng trước đó khi nó ở gần trái đất nhất và thực hiện nhiều nghiên cứu. Sau đó sẽ lao vật phóng vào thiên thạch, ông cho biết, sẽ có rất nhiều mảnh vụn bắn ra vì thế phi thuyền không gian sẽ phải rút lui tới một khu vực có một khoảng cách an toàn.
Khi mọi sự đã lắng xuống thì phi thuyền này sẽ tiến tới gần thiên thạch hơn để quan sát, nghiên cứu.
Chuyển hướng bay của thiên thạch
Ngoài việc tìm hiểu cấu trúc và thành phần của một thiên thạch, dự án này sẽ thử nghiệm những ý tưởng chuyển hướng đi của những thiên thạch đe dọa đâm vào trái đất.
Việc dùng vật phóng nhỏ lao vào thiên thạch sẽ tác động rất ít để làm chệch hướng đi của thiên thạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học theo dõi thiên thạch trong nhiều tháng tiếp theo đó để phát hiện thay đổi hướng đi của thiên thạch, xác định cần phải làm gì trong tương lai nếu xuất hiện một nguy cơ thực sự.
Không chỉ các khoa học gia châu Âu mới quan tâm tới thiên thạch. Một phi thuyền của Nhật, mang tên Hayabusa, hiện đang bay xung quanh quỹ đạo của thiên thạch Itokawa, và sẽ mang mẫu vật về trái đất vào năm 2007.
Các nhà khoa học ngày càng quan tâm đến các thiên thạch, theo tiến sĩ Benz, chúng có thể cho biết nguồn gốc của các hành tinh. Ông tin rằng những vật thể nhỏ bé này sẽ cho con người biết về những giai đoạn sơ khai hình thành và phát triển của các hành tinh.
Nguồn: bbc.co.uk/vietnamese/ 28/9/2005