Thế giới thư viện ảo
Chỉ cần click...
Trước đây, nếu muốn tra cứu phải đến phòng đọc của thư viện, tìm chọn trong một núi sách thì giờ đây chỉ một cái "click" là tất cả hiện ra. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu miễn là có thể kết nối được Internet thì ở đó có thư viện ảo. Đối với thư viện ảo, chuyện phải đem theo thẻ, xếp hàng đăng ký, chỉ được đọc trong giờ quy định, phải giữ trật tự khi người khác đọc, mượn sách, trả sách và vô số những quy định khác của thư viện truyền thống chỉ còn là... dĩ vãng. Ngoài những tiện ích cho người sử dụng, bản thân những thư viện kiểu này cũng giúp con người tránh được các mối bận tâm như chi phí trả cho nhân viên, cơ sở vật chất, bảo quản sách, cập nhật và bổ sung sách...
Hình thành thư viện ảo
Công nghệ tiên tiến như hiện nay đã biến thư viện ảo trở thành một phần của cuộc sống con người. Tuy nhiên, không dễ dàng gì mà tất cả mọi thông tin mặc nhiên nằm trên mạng chờ được "lôi ra" sử dụng. Quá trình đưa thông tin từ sách lên mạng rất công phu và tốn kém. Để rút ngắn thời gian, nhiều phần mềm thư viện, robot đã ra đời để scan thông tin, hoặc tự động tải thông tin từ các nguồn trên mạng để đưa vào thư viện. Một robot do Thụy Sĩ sản xuất với khả năng scan hơn 1.000 trang/giờ có giá gần nửa triệu USD. Một robot khác do Mỹ sản xuất cũng có giá từ 100.000-150.000 USD. Thư viện Trường Đại học Stanford (Mỹ) đã chi đến 250 triệu USD để đưa lên mạng hết 8 triệu đầu sách của mình. Thư viện ảo cũng có nhiều loại. Có loại ra đời trên cơ sở chuyển đổi thư viện đang hiện hữu; cũng có loại thiết lập bộ sưu tập điện tử bên cạnh bộ sưu tập in ấn nhưng cũng có loại chỉ cung cấp đường dẫn đến các nguồn thông tin đang hiện hữu trên mạng. Tuy nhiên, trên thực tế ranh giới giữa 3 loại này không thật rõ ràng mà thường trộn lẫn.
Bản quyền - vấn đề nan giải
Nhiều thư viện điện tử hiện nay như Project Gutenberg, Ibiblio và Internet Archieve đang có số lượng đầu sách điện tử khổng lồ với chủng loại rất đa dạng cho phép độc giả đọc nhiều loại sách miễn phí. Tuy nhiên, các tiện ích này đang phải đối mặt với các quy định về bản quyền. Trong khi tìm kiếm giải pháp cho vấn đề trên, sự ra đời của thư viện ảo lại làm cho những nhà xuất bản mất ăn mất ngủ. Họ chỉ còn biết níu áo các nhà làm luật, đồng thời trông cậy vào lương tâm của người sử dụng thông tin. Đó là chưa kể đến một mối đe dọa tiềm tàng đối với thư viện ảo: tin tặc.
Kế hoạch trị giá 200 triệu USD đến năm 2015 sẽ đưa 15 triệu đầu sách của thư viện các trường đại học nổi tiếng như Stanford, Michigan, Havard và thư viện công New York lên mạng vừa được Google công bố hồi tháng 12.2004 đã bị nhiều nhà xuất bản phản đối. Hiệp hội Đại học báo chí của Mỹ đại diện cho 125 nhà xuất bản phi lợi nhuận đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này là vi phạm quy định bản quyền quy mô lớn.