“Thầy Đạo ra đi quá đột ngột!”
Khuôn mặt của chị Vũ Thị Quý, hiện là Phó Tổng thư ký - Chánh Văn phòng Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và từng là cộng sự với ông từ những ngày đầu thành lập ĐHQG Hà Nội, trưa nay (11/12) vẫn còn ngân ngấn nước mắt mỗi lần nhắc lại một kỷ niệm với GS. Nguyễn Văn Đạo.
Cùng với gia đình, bạn bè, chị đã túc trực trong Bệnh viện Việt Đức ngay từ lúc biết tin về vụ tai nạn.
Như một định mệnh, chị Quý ngậm ngùi kể, ngày hôm qua, ngồi cùng bạn bè bên giường bệnh, ngẫm lại tất cả các sự kiện vừa xảy ra, chị lờ mờ nhận ra những "linh tính" kỳ lạ.
Ngày 6/12, nhân một cuộc họp ban thường vụ Hội liên lạc, GS đã nhắc đi nhắc lại với chị Quý về chuyện phải mời bằng được tất cả các thành viên đến dự đông đủ. Và đó là một cuộc họp đủ người nhất từ trước đến nay. Mọi công tác về nhân sự, về kế hoạch hoạt động để tiến tới Đại hội của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, diễn ra vào tháng 2/2007) đều đã được GS Đạo thông qua. Ông đặc biệt đã có sự chuẩn bị về nhân sự làm thường trực hỗ trợ cho mình.
"Cả Viện Cơ đều bất ngờ. Bác Đạo ra đi quá đột ngột".
Một nhân viên phòng hành chính của Viện Cơ học Việt Nam tâm sự: "Cách đây 2 tháng, sếp vừa đến Viện để xin lại bản photo một hồi ký ngắn về giai đoạn thành lập Viện. Bản hồi ký vài trang ấy sếp viết và phát biểu trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Viện. Lúc ấy, trông sếp vẫn đầy nhiệt huyết làm việc".
Còn ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT bùi ngùi: "Trưa thứ 7 (9/12), ĐH FPT tổ chức tuyển sinh, bác Đạo vẫn ra tận cơ sở của trường để xem xét tình hình thi cử. Thế mà, ngay chiều hôm đó, chúng tôi nhận tin bác bị tai nạn. Tối đó, khi vào thăm, chúng tôi đã hiểu không có hi vọng gì trong việc chữa chạy, các bác sỹ cũng bất lực không thể làm gì hơn".
Khi chúng tôi gọi điện báo hung tin, GS Phan Huy Lê đang công tác miền Trung đã nghẹn ngào: "Thế là người bạn thân nhất của tôi đã ra đi".
Có chính kiến, biết lắng nghe
Bạn bè và đồng nghiệp của GS cho biết, tuy là người rất có chính kiến nhưng ông cũng rất biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của tập thể, cho dù đó chỉ là một chuyên viên trẻ ở một phòng ban rất nhỏ. Một chị lao công, người lái xe ở ĐHQG cũ hay ở Hội đều rất kính nể GS bởi ông là người lãnh đạo nhưng rất quan tâm đến đời sống của nhân viên, thường xuyên đến gặp gỡ trao đổi để cùng tháo gỡ khó khăn.
"GS là người thẳng thắn, đức độ, rất cầu toàn, khắt khe trong công việc nhưng lại nhiệt tình và quan tâm đến những người xung quanh", chị Quý tâm sự. Và chị nhắc lại kỷ niệm, có lần, tình cờ biết được đứa con nhỏ của chị lao công (ở trường ĐHQG cũ) bị bệnh, GS Đạo đã nhiệt tình giới thiệu ngay cho chị một vị thầy thuốc giỏi mà ông quen.
Tầm nhìn lãnh đạo
Vào những năm 70 của thế kỷ 20, việc thành lập một Viện nghiên cứu ở Việt Nam còn rất khó khăn. Có thời kỳ, cả chục năm trời cũng không có thêm một viện nghiên cứu mới nào ra đời.
Cho đến năm 1979, tổ chức nghiên cứu cơ học mới chỉ là Phòng cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam .
Cùng với những đồng nghiệp sáng lập, GS Nguyễn Văn Đạo đã nỗ lực vạch ra kế hoạch thành lập Viện, trong đó soạn thảo các phương hướng phát triển chuyên môn, tập hợp trí tuệ của một số cán bộ năng lực mới tốt nghiệp từ Liên Xô và Đông Âu về, đặc biệt là tổ chức một hội nghị quy mô lớn về "Phương pháp phát triển Cơ học ở Việt Nam" vào năm 1978, thu hút các cán bộ khoa học đầu ngành về Cơ học trong cả nước, để thông qua các phương hướng phát triển cơ học. Và ngày 10/4/1979, Viện Cơ học ra đời.
Lãnh đạo một cơ quan khoa học (Viện trưởng Viện Cơ, kiêm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) trong những năm bao cấp, GS Nguyễn Văn Đạo đã thể hiện một tầm nhìn xa.
Ông đã đưa Viện Cơ học trở thành một trong những đơn vị đầu tiên nắm bắt đúng tư tưởng đổi mới, đặc biệt là việc thực hiện Nghị định 268 của Chính phủ về kết hợp Nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Anh em ở Viện rất yêu mến bác. Bác Đạo có công rất lớn trong việc xây dựng Viện, không những về mặt khoa học mà còn về mặt đời sống. Về chuyên môn, bác rất chú tâm đến việc đào tạo cán bộ. Anh chị em có nhà cửa như bây giờ là cũng nhờ tư tưởng cải cách của bác" - cô Nguyễn Thị Chung, từng làm việc với GS, VS Nguyễn Văn Đạo từ những năm 70, khẳng định.
Năm 1975, khi xin đất làm trụ sở xây dựng, khu Viện Cơ khi đó mới còn là một đầm sen sình lầy, GS Đạo có làm một câu thơ mà cả Viện ai cũng nhớ:
Đầm Sen một bóng lâu đài
Viện Cơ ta đó ngày mai huy hoàng
"Không chỉ giỏi chuyên môn, mà về phương diện nhà quản lý, GS Đạo thực sự là con người biết nhìn xa trông rộng, có con mắt rành rẽ để giao đúng người đúng việc", chị Quý cho biết.
.... Cuộc trao đổi với những người bạn, người thân của ông dang dở khi vào cuối buổi sáng, nhận được tin buồn về GS Đạo, nghệ sĩ quan họ Thúy Hường đã không kiềm chế được xúc động.
Là bởi, ít ai biết, theo lời khuyên nhủ của GS, Thúy Hường hiện đang theo học một khóa học về quản lý xã hội để tới đây, khi quan họ được đưa lên UNESCO để xét công nhận, thì đã có những nghệ sĩ quan họ vừa có năng lực hát vừa có năng lực quản lý xã hội như Thúy Hường.
Nguồn: Vietnamnet.vn (11/12/06)