Thần Siva trong Bà-la-môn giáo của người Chăm
Ảnh hưởng ấy đã tác động sâu đậm nhất trong tôn giáo, trong nền tảng của kinh thánh Vê-đa, trong đó có bộ Rích - Vê - đa là quan trọng nhất. Vê - đa có nghĩa là “biết”, cái biết tuyệt đối và toàn diện. Theo quan niệm Bà-la-môn giáo của người Chăm tất cả các thần linh chỉ là biểu hiện khác nhau của cùng một thực tại này qua 3 ngôi, hay còn gọi là “Tam vị nhất thể”:
Thần Pônintri (Thần Siva) thần huỷ diệt và sáng tạo, thần Pôpachơn (Vishnu) thần bảo tồn, thần Pôdêpadrơn (Brahma) thần sáng tạo. Trong đó thần Siva được người Chăm đề cao và được coi là thần linh tối cao. Thần Brahma, Vishnu không được tôn thờ, ngay tại Ấn Độ, thần Brahma bị lu mờ ít được tôn thờ. Qua tài liệu chứng minh trong 127 bia ký tìm thấy tại các di tích có đến 92 bia ký nói về Siva có tầm quan trọng đối với vương quốc Chăm-pa (Theo Mesférô, 1928)
Ảnh hưởng của Ấn Độ giáo là phải theo những quy tắc chung khi thể hiện các vị thần của tín ngưỡng này. Tuy nhiên, điêu khắc cổ Chăm-pa đã hiện lên mọi sắc thái riêng với vẻ đẹp riêng biệt, không dập khuôn như nghệ thuật Campuchia, Indonesia.
Thần Siva theo quan niệm của Ấn Độ cũng như người Chăm là thần huỷ diệt và sáng tạo, đây là quy luật của tạo hoá, huỷ diệt những cái xấu xa để tái tạo lại những cái mới, cái tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho muôn loài. Ở trần thế không có gì là vĩnh cửu, sáng tạo, bảo tồn rồi huỷ diệt, quy luật này theo chu kỳ luân hồi.
Thần Siva có 3 mắt, ngoài 2 con mắt thường còn con mắt thứ 3 ở giữa trán hay còn gọi là nhãn huệ có thể nhìn xuyên suốt để huỷ diệt, một cái nhìn nảy lửa khiến Kama - vị thần ái tình cháy thành tro, do ông ta quấy nhiễu thần Siva. Đầu đội mũ Kirita Mukata có nhiều tầng, trang trí hoa văn ngọn lửa cách điệu, ngực và thân thể để trần, mặc quần “pláh tọh” kiểu sampot.
Thần Siva thường có 4 tay hoặc 6 tay tuỳ theo cách tạc của người thợ, đa số là tạc 4 cánh tay: một tay cầm con rắn, một tay cầm dây thòng lọng tượng trưng cho quyền lực của chúa tể vũ trụ, một tay cần cây ba chỉa và một tay cầm nụ sen.
Tượng thần Siva trên tháp cổ Pô Klong Gi-rai với tư thế múa 6 cánh tay, biểu tượng cho sự vận động vũ trụ (Kamar), 2 chân khuỵu xuống vừa phải, trọng tâm rơi vào giữa, chân trái mở, chân phải dựng đứng cong, đầu và chân làm bố cục vững chắc cho tổng thể của pho tượng và được xem là pho tượng điêu khắc hoàn mỹ nhất trong các tượng điêu khắc Chăm pa.
Có thể họ đã dùng ngôn ngữ điêu khắc để lột tả cái chân, cái tư thế chuẩn xác trong không gian chiều đứng và hài hoà, cân đối để biểu hiện uy lực của thần linh.
Nói đến thần Siva trong nghệ thuật điêu khắc Chăm pa không thể bỏ qua ngẫu tượng Kaich (Linga). Linga được cấu tạo thành 3 phần: phần đầu tròn biểu tượng của thần Siva, phần giữa là Visnu có 7 cạnh (Chuh tan nứh xa) hiểu theo lý trí của người Chăm là biểu tượng của vũ trụ và cuối cùng là thần Brama có 4 cạnh tượng trưng cho 4 hướng: bắc (ca bráh), nam (camron), tây (caharay kôh), đông (carahay mư).
Ngoài dạng trên, thần Siva còn được thể hiện dưới dạng Mukha Linga như ở tháp cổ Pô Klong Gi-rai (1903), tháp cổ Pô Mômê (1659). Các cột Linge ở đây đã khắc hoạ rất rõ nét. Qua hình tượng Mukha Linga ấy, mỗi nhà vua tự đồng nhất với thần linh. Từ đó cho thấy các vị vua Chăm là những vị vua kết hợp vương quyền và thần quyền.
Truyền thuyết Ấn Độ giúp ta hiểu thêm về Linga. Truyện kể rằng: Một hôm trong lúc có cuộc xung đột xảy ra giữa thần Vishnu và thần Brahma để tranh giành ai là người sáng tạo ra thế giới, bỗng hiện ra trước mắt 2 vị thần một cây cột lớn đang cháy. Muốn tìm hiểu cây cột ấy cao và sâu đến đâu, thần Brahma liền biến thành con ngỗng bay lên trời, thần Vishnu thì biến thành con heo rừng chui xuống đất. Cả hai đều không thấy được điểm chót và đều cho rằng đây là hiện tượng của siêu tự nhiên, bèn quỳ xuống lạy. Lúc ấy thần Siva ẩn vào trong cây cột và truyền cho các vị thần biết rằng, họ chẳng qua là sự thể hiện từng mặt của một chân lý duy nhất, chân lý đó là bản thân thần Siva.
Đặc biệt có truyền thuyết kể rằng thần Siva đã thể hiện tinh thần và hành động cao cả (thần từng há mồm hứng lấy tất cả nọc độc của con rắn Vasuki đến nỗi cổ họng tím bầm để cứu vớt trần gian thoát khỏi nạn). Ngoài ra, còn có truyền thuyết về sông Hằng: Ngày xưa, có một hoàng đế Ấn Độ tu thân tích đức cao độ đã cầu xin thần linh đưa con sông Hằng từ trên trời chảy xuống trần gian.
Sông Hằng đã chấp thuận và dẫn nước từ trên trời xuống, do nước chảy quá nhiều mà gây nên ngập lụt, dân làng chết đuối rất nhiều. Thần Siva đã ra tay cứu giúp bằng cách đưa đầu ra chắn, nhằm chặn bớt sức mạnh của dòng chảy, giảm bớt thiệt hại cho dân làng. Chính vì nghĩa cử cao đẹp ấy mà trong nghệ thuật điêu khắc đá, các nghệ nhân đã thể hiện con sông Hằng bằng con cá người (nửa người, nửa cá) trên búi tóc của thần Siva. Thần Siva cũng là thần Ái Tình, vì chính ông là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở trên thế gian này.
So sánh thần Siva Chăm với thần Siva Campuchia có những nét tương đồng như mắt mở to, mũi nở rộng. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ mỹ thuật, thần Siva Chăm có nét hài hoà, tinh tế gần với đời thường, không giống như thần Siva Campuchia mặt dữ tợn, nét mặt và thân không cân đối, vì họ cho rằng đã là thần phải dữ tợn, biểu lộ cái uy nghi của thần thì dân chúng mới sợ và tin vào sức mạnh của thần linh.
Qua tượng thần Siva đã phản ánh phần nào điêu khắc Chăm pa chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nghệ thuật điêu khắc được coi là ảnh hưởng rất sâu đậm. Họ đã tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo những yếu tố truyền thống. Điều đáng quan tâm hơn là quá trình tiếp thu văn hoá Ấn Độ, yếu tố bản địa dần dần phục sinh để trở về với sắc thái dân tộc.
Chính từ nhân sinh quan ấy đã đưa nghệ thuật điêu khắc phát triển, biến nó thành cái riêng, không thể nhầm lẫn với điêu khắc Ấn Độ, Campuchia, Java hay một nền nghệ thuật nào khác.
Nguồn: Dân tộc & Thời đại, Xuân Giáp Thân, số 62, tr 17, 18