Thách thức trong sự phát triển
1. Nâng cao vị thế của Việt Nam
Ngày 11 - 1 - 2007 Việt Nam được công nhận là thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại thế giới (WTO)
Ngày 16 - 10 - 2007 tại phiên họp Đại hội đồng LHQ, 183/190 quốc gia đã bỏ phiếu bầu Việt Nam là uỷ viên không thường trực của HDBA LHQ.
Thành tựu này đánh dấu thành công của chính sách và hoạt động đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam .
Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9 – 11 – 2007, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 91 trong bảng xếp hạng 178 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kết quả khảo sát về triển vọng thu hút đầu tư của hội nghị thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) công bố xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong tổng số 141 nền kinh tế được khảo sát (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil).
Giữ vững ổn định chính trị, dân chủ hoá đời sống xã hội, phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tôn trọng thực thi cam kết quốc tế; tích cực cải thiện hành chính, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãm phí; nghiêm chỉnh thực thi pháp luật; chủ động trong quan hệ đa phương và song phương với các nước trên thế giới… là những vấn đề tiếp tục mang tính thách thức trong quá trình phát triển để giữ vững và nâng cao vị thế Việt Nam.
2. Duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế
Tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2007 đạt gần 8,5 %; GDP theo giá hiện hành xấp xỉ đạt tương đương 71,3 tỷ USD; bình quân đầu người đạt 835 USD (kế hoạch là 820 USD);
Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,6% so với năm 2006. Trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 1%, và thuỷ sản tăng 11%.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1% so với năm 2006. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ tăng 21,6%.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7% so với năm 2006 là 18%, giải quyết việc làm gần 1,68 triệu lao động.
Năm 2007, là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, nhưng đã hoàn thành vượt mức 10 chỉ tiêu chủ yếu, hoàn thành cơ bản 17 chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm.
Các chỉ số tăng trưởng trên đất rất ấn tượng và là cao nhất trong 10 năm qua. Nâng cao mức tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2008 với chỉ tiêu trên 9% năm và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 là mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ trong thách thức giá cả tăng cao và lạm phát với hai con số.
3. Hấp thụ và vốn đầu tư
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 ước đạt 464,5 ngàn tỷ đồng, bằng 40,6% GDP tăng 16,4% so với năm 2006. Trong đó vốn đầu tư khu vực dân cư và tư nhân tăng 19,5% và chiếm 34,4% vốn đầu tư toàn xã hội.
Camkết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 20,3 tỷ USD tăng 69,1% so với năm ngoái và vượt 56% kế hoạch năm.
Cam kết viện trợ chính thức (ODA) của quốc tế hơn 5,4 tỷ USD; hiện có 25 quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn đang tham gia đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam . Lượng kiều hối của kiều bào ở nước ngoài chuyển về qua dịch vụ ngân hàng trong năm tăng đột biến hơn 6 tỷ USD ở TP HCM, ước trên phạm vi cả nước gần 10 tỷ USD.
Các nhà đầu tư xem tư cách thành viên WTO không chỉ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn, mà cả sự an tâm về khả năng tiên liệu trước những việc xảy ra và quyết tâm thực hiện các cải cách chính sách đi kèm. Hấp thụ vốn đầu tư là một thách thức khi cơ chế chính sách liên quan chưa thay đổi đồng bộ và kịp thời trong việc giải ngân, giải phóng mặt bằng… làm chậm tiến độ thực hiện đầu tư.
4. Xuất khẩu và nhập siêu
Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006 và vượt 3,1 % so với mục tiêu đề ra là 46,76 tỷ USD, và cao nhất từ trước đến nay. Nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD đã có 10 thành viên. Ngoài 9 mặt hàng quen thuộc thì đã xuất hiện thêm nhóm sản phẩm cơ khí. Trong đó có 3 nhóm hàng trên 3 tỷ USD, 2 nhóm hàng trên 2 tỷ USD. Cụ thể: Thuỷ sản đạt 3,75 tỷ USD; gạo 1,48 tỷ USD; cao su 1,41 tỷ USD; dầu thô 8,4 tỷ USD; dệt may 7,7 tỷ USD; giày dép 3,9 tỷ USD; điện tử và linh kiện máy tính 2,2 tỷ USD; sản phẩm gỗ 2,34 tỷ USD/ Đặc biệt, nhóm sản phẩm cơ khí đã có sự tăng trưởng mạnh xấp xỉ 1 tỷ USD năm 2006 lên 2,2 tỷ USD trong năm 2007.
Tăng trưởng xuất khẩu năm qua có tính đột biến, ghi nhận kết quả bước đầu phát huy lợi thế trong năm đầu gia nhập WTO.
Kim ngạch nhập khẩu trong năm ước đạt 60,83 tỷ USD, cũng là cao nhất từ trước đến nay, tăng 35,5% so với năm 2006. Nhu cầu đầu tư lớn và nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào đi kèm với mở rộng sản xuất công nghiệp. Nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng trên 10 tỷ USD, xăng dầu trên 7 tỷ USD, và thép trên 5 tỷ USD, vải trên 4 tỷ USD, điện tử máy tính và linh kiện gần 3 tỷ USD…
Như vậy tốc độ tăng nhập khẩu cao gấp rưới tốc độ tăng xuất khẩu, nên đã nâng mức nhập siêu lên mức kỷ lục với kim ngạch tăng 12, 45 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu/ xuất khẩu đã tăng trên 70% so với năm 2006. Sự mất cân đối này tiếp tục là thách thức trong năm 2008 trong điều hành khai thác, chế biến sản xuất của nền kinh tế.
5. Tiếp tục phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm
Theo Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TW, năm 2007 số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng 60% so với năm cũ. Các cơ quan thanh tra đã tiến hành 8601 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội và chuyên ngành; đã kết thúc 5904 cuộc, qua đó đã phát hiện sai phạm với tổng giá trị hơn 2870,8 tỷ đồng; 1,24 triệuUSD, 1371,1 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 1200,1 tỷ đồng, 0,7 triệu USD, 889,3 ha đất. Kiến nghị xử lý kỷ luật hơn 1464 cán bộ công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 52 vụ với 89 đối tượng và nhiều tập thể có sai phạm.
Kiểm toán nhà nước đã triển khai kiểm toán hơn 70 cuộc, phát hiện xử lý về tài chính 1519,2 tỷ đồng.
Các Bộ Ban ngành địa phương đã phát hiện 441 vụ, khởi tố 406 vụ với 826 bị can về các tội danh tham nhũng, xử lý hành chính 306 cá nhân. Tổng giá trị thiệt hại xác định do tham nhũng trong số các vụ việc trên gần 286 tỷ đồng.
Ngoài 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng đã chỉ đạo, hiện ban chỉ đạo đang đôn đốc đẩy mạnh tiến độ điều tra một số vụ nghiêm trọng mới như vụ Đề án 112, vụ Tổng giám đốc Công ty vật tư nông nghiệp, vụ tham ô đất đai ở Quán Nam (Hải Phòng)…
Trong phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh do cơ chế chính sách và tổ chức quản lý còn nhiều sơ hở, đặc biệt trong quản lý vốn đầu tư và chi phí công. Đối tượng tham nhũng thực hiện giám sát chưa đủ mạnh. Vấn đề thực thi pháp luật chưa nghiêm… Vấn tiếp tục là thách thức trong quản lý kinh tế xã hội.
6. Môi trường và dịch bệnh
Năm 2007 liên tục đối phó ngăn chặn và dập tắt các dịch gia cầm, gia súc xảy ra trên diện rộng, các vùng miền đất nước. Nhưng thành công nhất là khống chế thành công dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở người.
Cùng một lúc xảy ra với hơn 30 ổ dịch không liên quan với nhau về địa bàn trên 13 tỉnh thành phố. Lúc đỉnh điểm của dịch đã xảy ra trên hàng trăm điểm, hàng ngàn người phải nhập viện, gần 1/3 số bệnh nhân có vi khuẩn tả, môi trường xung quanh điểm dịch xét nghiệm có vi khuẩn tả, gây mối lo ngại không chỉ cộng đồng dân cư trong nước mà còn cả nước ngoài.
Bằng nhiều biện pháp kìm hãm, khống chế, huy động sức mạnh và hiệu quả của hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các đơn vị trong và ngoài ngành y tế, kết quả không có xuất hiện các ca bệnh thứ phát và xảy ra tử vong và rút ngắn thời gian chỉ trong vòng 4 tuần cơ bản đã dập được dịch. Và sau đó công bố khống chế thành công dịch bệnh.
Trong năm 2008 tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh do tình trạng biến đổi khí hậu bất thường mang tính toàn cầu, môi trường nước, không khí; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; vấn đề lây nhiễm HIV… vẫn là thách thức lớn trong quản lý xã hội
7. Cải cách hành chính
Ngày 1 - 7 - 2007 Luật Cư trú có hiệu lực. Từ thời điểm này, hàng triệu người dân diện KT3, KT4, sau nhiều năm tạm trú trong nhà mình được nhập khẩu vào các thành phố lớn. Riêng tại thành phố Hà Nội và TP HCM, khoảng 1 triệu người được đăng ký hộ khẩu thường trú do điều kiện mở tối đa; đã tạm trú một năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp. Tốc độ giải quyết thủ tục nhanh chưa từng có, nhận sổ hộ khẩu sau không quá 15 ngày nộp hồ sơ.
Ngày 1 - 7 - 2007 Luật Công chứng có hiệu lực, là thời điểm đáng nhớ trong lịch sử công chứng Việt Nam, khi mà hoạt động chứng thực bản sao được chuyển về cấp phường xã. Các phòng công chứng hết cảnh chen chúc, chỉ còn thực hiện chức năng chính là công chứng các hợp đồng giao dịch.
Việc cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam thực hiện theo Nghị quyết 136 của Chính phủ. Từ ngày 15 - 10 - 2007 chỉ cần có chứng minh thư, sau tối đa 8 ngày người dân được nhận hộ chiếu thời hạn 10 năm. Cảnh ăn chực nằm chờ xin hộ chiếu, cảnh mua số qua “cò” hàng triệu đồng cũng chấm dứt.
Cải cách hành chính còn nhiều công việc phải vượt qua như thủ tục hành chính còn phức tạp; bộ máy cồng kềnh chồng chéo trong chức năng thực thi quản lý; hiện tượng một cửa nhưng chưa liên thông; khoảng cách giữa người dân và chính quyền các cấp còn trở ngại do chưa thành hệ thống chính phủ điện tử; thách thức hiện hữu trong đời sống.
8. Cách mạng viễn thông
Hết năm 2007, cả nước đã có 46 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động chiếm 75%. Mật độ điện thoại đạt 54 máy/ 100 dân. Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển điện thoại nhanh nhất thế giới.
Bên cạnh sự tăng trưởng đầy ấn tượng của mạng di động, dịch vụ internet băng thông rộng (ADSL) cũng đang phát triển nhanh. Hiện cả nước có trên 5,1 triệu thuê bao internet với 18,2 triệu người sử dụng, tỷ lệ dân số sử dụng internet là 21,6% và đạt mức bình quân cao trên thế giới. Internet được phủ khắp 64 tỉnh thành phố, kết nối tới 1005 trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. 100% các viện nghiên cứu, bệnh viện TW, nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Hiện cả nước có 8020 điểm bưu điện văn hoá xã đang hoạt động, trong đó có hơn 50% số điểm kết nối internet.
Internet Việt Nam đã góp phần chuyển hoá và tạo nên những thay đổi lớn lao trong xã hội. Đồng thời đánh dấu Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới, có tốc độ phát triển internet đứng tốp đầu toàn cầu hiện nay, và đã vượt một số nước như Thái Lan, Trung Quốc.
Sự phát triển công nghệ thông tin mang tính cách mạng về khoa học kỹ thuật, nhưng hiện tại rất thiếu đội ngũ kỹ thuật viên, lập trình viên có chất lượng để nâng cao hiệu quả khai thác. Mặt khác đòi hỏi phải tìm ra phương pháp quản lý nội dung thông tin trên mạng như bùng nổ hiện tượng blog, tung tin và hình ảnh phản cảm trên mạng, ngăn chặn những hành vi kinh doanh trái phép internet… đang là sự thách thức trong quản lý.
9. Kìm chế tai nạn giao thông
Đội mũ bảo hiểm đã có chủ trương từ năm 2001. Nhưng thái độ quản lý chưa kiên quyết, người dân chưa nhận thức đầy đủ tác hại, nên tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra.
Ngày 15 - 11 - 2007, theo Nghị quyết 32/2007/CP, thời điểm bắt buộc mọi người tham gia giao thông trên các tuyến đường bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Đồng thời quy định rõ mức phạt hành chính, thẩm quyền xử phạt đối với những người không thực hiện. Việc tổ chức thực hiện được huy động đồng bộ các lực lượng quản lý chuyên ngành của chính quyền các cấp, tỏ rõ thái độ kiên quyết trong việc thực hiện pháp luật. Nhận thức người dân được nâng cao, nên đã nghiêm chỉnh thực hiện. Đánh giá kết quả này, báo chí trong nước cho rằng thái độ nghiêm chỉnh chấp hành của người dân đội mũ bảo hiểm đã trở nên một nét đẹp văn hoá. Còn báo chí nước ngoài lại nhìn nhận: Việt Nam luôn có nhiều luật và lệ, nhưng việc áp dụng luật, nhất là luật giao thông vẫn còn đầy lỗ hổng. Vì thế, quyết định đội mũ bảo hiểm được thực hiện hiệu quả là một điểm son cho ngành hành pháp.
Trật tự an toàn giao thông còn phức tạp. Không ngừng nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông cho người dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đảm bảo hài hoà với phát triển phương tiện giao thông; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh; chưa có chiến lược về về phát triển phương tiện giao thông công cộng… Giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi có thời gian, có biện pháp phù hợp từng giai đoạn, cho nên còn nhiều thách thức trước mắt và lâu dài.
10. Ngành xây dựng mừng và lo
Năm 2007 là năm được mùa của lĩnh vực công nghệ cao và bất động sản. Nhiều dự án đầu tư có giá trị nhiều tỷ USD được triển khai thực hiện, hoặc cam kết đặt cọc đầu tư. Năm 2008 số lượng và giá trị dự án đầu tư còn nhiều hơn. Trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng để đáp ứng yêu cầu phát triển là nặng nề và khó khăn.
Tăng tốc phủ kín quy hoạch xây dựng, đổi mới chính sách thực hiện đầu tư xây dựng gồm nhiều thành phần tham gia cạnh tranh theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tổ chức quản lý giám sát thực hiện… tạo điều kiện để hấp thụ vốn đầu tư.
Hoạt động xây dựng trở nên quá nhiều công việc, quy mô ngày càng lớn, đã và đang phát sinh sự bất cập giữa cung và cầu lao động có năng lực quản lý và tay nghề cao để thực hiện hiệu quả các dự án có vốn đầu tư nhiều tỷ USD. Lực lượng xây dựng trong nước có thể thua trên sân nhà trong đấu thấu công trình cả về năng lực tài chính cũng như năng lực thực hiện. Nhà đầu tư có thể thuê người quản lý và công nhân có tay nghề, cũng như trang thiết bị thi công hiện đại từ nước ngoài, mà không bị ràng buộc vì theo cam kết của ta khi vào WTO. Lao động trong nước không đảm bảo cung ứng theo yêu cầu đang là một thách thức.