“Thạc sĩ Mía”
Nghĩa tình quê hương
Tôi quen biết anh từ năm 1992, khi tỉnh Trà Vinh mới được chia tách từ tỉnh Vĩnh Trà. Khi ấy, Trà Vinh đang gặp khó khăn trăm bề, trong đó có cái khó lớn về sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ KHKT. Lâm Quang Thảo lúc bấy giờ đã là một kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt. Với trình độ chuyên môn này anh thừa cơ hội tìm cho mình một công việc thích hợp ngay trung tâm tỉnh lỵ hoặc nơi khác ngoài tỉnh. Thế nhưng, Lâm Quang Thảo vẫn nhất mực trở về Trà Cú quê mình để làm việc. Không ít bạn bè đồng giới cho là đầu óc anh có “vấn đề”. Lâm Quang Thảo bỏ ngoài tai tất cả những lời chê bai, khích tướng. Bởi ai hiểu anh hơn chính bản thân anh: “Cuộc sống vật chất đủ đầy ai mà không muốn. Nhưng còn có những thứ quý hơn vật chất như tình quê hương, tâm nguyện của đấng sinh thành... Có giàu sang cỡ nào tôi cũng không thể rời quê hương Trà Cú”. Lâm Quang Thảo từng tâm sự với tôi như vậy.
Tuổi thơ ấu và thời niên thiếu của Lâm Quang Thảo là những ngày tháng cút côi, cơ cực. Từ khi còn trong bụng mẹ Lâm Quang Thảo đã mồ côi cha. Bà Nguyễn Thị Đẹp, mẹ anh, thân góa bụa phải nuôi 3 đứa con thơ và chờ ngày sinh nở cậu con trai út Lâm Quang Thảo. Gia đình có 10 công ruộng, nhưng đất nhiễm nặng phèn, mặn, mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, năng suất bấp bênh nên năm thì đủ ăn, năm phải chạy gạo từng bữa. Vất vả, khó cực bao nhiêu thì bà Đẹp càng quyết lòng cho cậu con trai út mình ăn học bấy nhiêu. Mong muốn lớn nhất của bà là út Thảo phải trở thành một kỹ sư nông nghiệp để “ trị” cái đồng đất bất kham Trà Cú. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, suốt 12 năm học phổ thông út Thảo luôn là học sinh giỏi. Năm 1985, út Thảo thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Trồng trọt.
Bước vào cổng trường đại học, Lâm Quang Thảo thuộc lớp sinh viên nghèo, vừa học vừa phải lo kiếm thêm việc làm để bù khoản chi tiêu mà gia đình đã không còn khả năng lo liệu. Bạn bè anh nhiều người có khiếu ăn nói nên người đi làm gia sư, người thì làm bồi bàn cho các nhà hàng. Riêng anh thì xin vào làm ở nông trại cho trường vào những ngày thứ bảy và chủ nhật. Công lao động làm cỏ, chăm sóc cây trồng được trả khoán 3kg gạo/25m 2. Nguồn thu nhập tuy không nhiều, nhưng đối với anh đây là dịp để trau dồi thêm kiến thức thực tiễn trong nghề trồng trọt. “Sách vở cộng với thực tế sẽ giúp mình được việc ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường” - Lâm Quang Thảo nghĩ như thế mà không ngán ngại khó cực. Năm 1989, Lâm Quang Thảo tốt nghiệp đại học và trở về quê hương Trà Cú công tác, đúng với tâm nguyện của mẹ.
Không gặp nhau hơn 7 năm, Lâm Quang Thảo bây giờ trông già hơn nhiều so với tuổi đời. Có lẽ thời gian của mười mấy năm trời đối mặt với mưa nắng, gió sương và độc thoại với những công trình nghiên cứu, nên dáng vẻ bề ngoài của Lâm Quang Thảo trông giống nông dân nhiều hơn là một nhà khoa học. Anh tiếp tôi trong ngôi nhà của mình rộng chưa hơn 70m 2, nhưng được xây tường, mái lợp tôn, tươm tất hơn ngôi nhà ngày trước. Hơn 7 năm dài không gặp nhau là khoảng thời gian Thảo thay đổi nhiều và mang lại nhiều thành quả cho đồng ruộng Trà Cú. Hơn chục công trình nghiên cứu về giống cây trồng, mô hình sản xuất mới không chỉ tăng thu nhập cho người dân, mà còn làm thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu vốn đã ngự trị trên những giồng cát Trà Cú từ ngàn đời. Anh nói với tôi: “Mình là người mang nhiều nợ với đồng ruộng. Mắc nợ thì phải trả, chứ có làm chuyện gì trọng đại đâu”. Có mắc nợ như anh nghĩ hay không tôi không chắc, nhưng những gì anh kể về những tháng ngày đã qua, tôi biết chắc một điều trong sâu lắng tâm hồn anh mang nặng một tình yêu quê hương da diết. Yêu quê hương nên anh chấp nhận cuộc sống nghèo trở về quê làm việc, mới dồn hết tâm trí mình cho những công trình nghiên cứu dành cho đồng ruộng Trà Cú...
Say mê nghiên cứu khoa học
Năm 1989, sau khi tốt nghiệp đại học, Lâm Quang Thảo về công tác ở Ban Kinh tế - Xã hội, UBND huyện Trà Cú. Công tác ở UBND huyện nhưng tâm trí của Thảo lại dành cho những chương trình nghiên cứu đưa các cây màu như: bắp lai, đậu phộng, bí đỏ... xuống chân ruộng và những triền giồng cát. Cái “bệnh ghiền trồng trọt” của Lâm Quang Thảo “nặng” đến độ chưa quá 2 năm UBND huyện Trà Cú buộc lòng phải điều động anh về phòng nông nghiệp để cho anh có đất dụng võ. Đúng nghề, đúng sở nguyện, những chương trình nghiên cứu về cây trồng mới đã ấp ủ trước đây được Lâm Quang Thảo bắt tay vào thực hiện ngay.
Ở đồng ruộng Trà Cú, từ bao đời nay, nông dân chỉ có độc canh cây lúa, chuyện đưa cây màu xuống ruộng để trồng là chuyện “cãi trời”. Nhưng rồi cái mô hình trồng bắp lai có một không hai của ông kỹ sư “lãng lãng” cho thu hoạch 500 - 600 kg hạt/công, lợi nhuận gấp 5-6 lần so trồng lúa. Đồng ruộng Trà Cú cũng từ đó không chỉ có bắp lai mà còn có dưa hấu, dưa leo, bí đỏ... Cũng như đất ruộng, đất giồng cát Trà Cú mùa nắng thì nóng đến độ cây tre trơ cành, thân khô trắng vỏ, mùa mưa thì chỉ có trồng khoai lang may ra có thu hoạch. Còn chuyện trồng cây đậu phộng trên đất giồng cát thì chỉ có lấy thân đậu để... nuôi bò. Ấy vậy mà ông kỹ sư “lãng lãng” trồng đậu phộng sử dụng “nilon” (màng phủ nông nghiệp) cho năng suất đến ba, bốn chục giạ một công. Và cũng từ đó, Lâm Quang Thảo phải bận rộn thêm với những lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng màu cho nông dân quê mình học tập.
Năm 1999, huyện Trà Cú được tỉnh Trà Vinh xây dựng Trại thực nghiệm giống cây trồng, vật nuôi do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ((UNDP) tài trợ, Lâm Quang Thảo được đề cử làm Trưởng trại thực nghiệm. Anh như cá gặp nước, cái “bệnh ghiền” đã có điều kiện để thả sức nghiên cứu. Chỉ trong vòng một năm anh đã nghiên cứu ứng dụng thành công phương pháp tưới nhỏ giọt để trồng xoài cát Hòa Lộc, táo, nhãn trên đất giồng cát; nghiên cứu ứng dụng thành công qui trình sản xuất các giống lúa mới thích hợp đồng đất Trà Cú và cho năng suất, chất lượng cao như: OMCS - 2000, IR - 64...
Từ lòng nhiệt tình cùng với những đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp huyện Trà Cú, năm 2000 anh được kết nạp vào Đảng. Từ đây, mỗi việc làm của ông kỹ sư “lãng lãng” này ngoài tình yêu quê hương còn có trách nhiệm của người đảng viên. Lâm Quang Thảo tâm sự: “Nông dân quê mình còn nghèo lắm và đang cần lắm khoa học kỹ thuật. Bao nhiêu công việc mình đã làm chưa thấm vào đâu so với cái mà bà con Trà Cú đang cần”. Năm 2000, Lâm Quang Thảo sắp xếp thời gian thi cao học để lấy bằng thạc sĩ khoa học trồng trọt, nhằm nâng cao kiến thức để tiếp tục nghiên cứu khoa học, mang lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân quê mình.
Ở Trà Cú, nghề trồng mía đường đã trải qua hàng chục đời người, nhưng năng suất và lợi nhuận thu được rất bấp bênh. Nguyên nhân chính là do nông dân chỉ trồng mía mỗi năm 1 vụ, thu hoạch tập trung vào thời điểm tháng 1- 2 hàng năm, các cơ sở và nhà máy chế biến không thể tiêu thụ hết nguyên liệu trong một thời gian ngắn. Mía thu hoạch đồng loạt, dội hàng, bị tư thương chèn ép giá. Có những năm giá mía rẻ như bèo, thu hoạch bán không đủ tiền thuê mướn nhân công đốn mía. Xót cho người trồng mía quê mình, Lâm Quang Thảo lao vào nghiên cứu trồng mía rải vụ và công thức bón phân hợp lý cho cây mía trên đồng đất Trà Cú. Lần đầu tiên, triển khai đề tài nghiên cứu, Thảo không gặp may. 6 ha mía trồng giống mới chín sớm là ROC 23 được tổ chức cho 12 hộ nông dân ở xã Lưu Nghiệp Anh trồng thực nghiệm, gặp phải thời tiết lạnh của tháng Chạp âm lịch kéo dài đã trổ cờ sớm, trữ đường không cao, năng suất chỉ đạt 40 tấn/ha. Lâm Quang Thảo lãnh đủ những lời chì chiết, chê trách của các hộ trồng mía.
Không nản lòng, anh tiếp tục du khảo ở các tỉnh để tìm các giống mía mới đem về trồng và nghiên cứu. Cả chục giống mía mới như: ROC 16, ROC 23, ROC 10, QĐ 11, VN 84, QĐ 86368, K 84 - 200... được đưa về Trà Cú để trồng. Năm 2003, đề tài nghiên cứu trồng mía rải vụ và phương pháp bón phân hợp lý cho cây mía của anh thành công. 3 giống mía do anh chọn lọc để trồng rải vụ với thời gian thu hoạch từ chín sớm đến trung bình và chín muộn là ROC 16, QĐ 86368, K 84 - 200 đều cho năng suất từ 120 -140 tấn/ha và hàm lượng từ 11-12 chữ đường được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá rất cao. Với phương pháp bón phân của Lâm Quang Thảo, nhẩm tính mỗi ha tiết kiệm 1,5 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm cho nông dân trồng mía Trà Cú từ 7,5 - 8 tỉ đồng. Đây cũng là đề tài nghiên cứu làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ khoa học của Lâm Quang Thảo. Và cũng từ đây người trồng mía quê anh vì quý mến, nể trọng mà gọi anh là “Thạc sĩ Mía”.
Đầu năm 2006, “Thạc sĩ Mía” được điều động về công tác tại Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Trà Vinh, với nhiệm vụ chuyên viên nghiên cứu khoa học. Tôi hỏi anh: “Lần này anh không có điều đình để ở lại Trà Cú theo sở nguyện của mình sao?”. Anh cười trả lời: “Là đảng viên đâu cũng phục vụ nhân dân. Vả lại, Trà Cú là nơi sinh thành, Trà Vinh là quê hương, đâu có khác biệt gì”. “Thạc sĩ Mía” lại cười thật tươi.
Nguồn: baocantho.com.vn 22/4/2006