Tàu lặn điều khiển từ xa ra sông Hương
Tàu Hoàng Sa chạy thử nghiệm ở bể bơi - Ảnh: B.N.L |
Là một công nhân kỹ thuật của Nhà máy bia thuộc Công ty TNHH bia Huế, đồng thời là thành viên của Câu lạc bộ Máy bay mô hình Huế, với niềm đam mê của mình, ông Ngà (50 tuổi, trú P.Tây Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã bỏ ra gần hai năm ròng rã để nghiên cứu chế tạo một chiếc tàu lặn mô hình.
Chạy trình diễn
Bắt đầu từ năm 2013, với những nguyên vật liệu tự có, tranh thủ những ngày nghỉ và thời gian ban đêm, ông Ngà đã mày mò tìm hiểu tài liệu về thiết kế tàu lặn, tự tìm kiếm vật liệu rồi gò hàn, lắp ráp... “Làm một mình tuy có vất vả nhưng bù lại là được thỏa mãn niềm đam mê khi bỏ công sức vào từng chi tiết, tự lắp ráp từng bộ phận cho đến hoàn thành cả con tàu, đó là niềm vui khi gặt hái kết quả thành công”, ông Ngà chia sẻ.
Bằng nhiệt huyết của mình, tôi mong sẽ nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện. Hy vọng tàu Hoàng Sa sẽ có ích để phục vụ công việc nghiên cứu dưới nước với nhiều mục đích khác nhau sau này Ông Lê Ngà (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) |
Chiếc tàu lặn hoàn thành vào cuối năm 2014, có kích thước dài 2,7 m, cao 1 m, đường kính thân tàu 0,4 m, nặng 120 kg, thân tàu được làm từ vỏ của bình gas công nghiệp dày 5 cm nên khi xuống độ sâu có thể chịu áp lực cao của nước. Phần máy và bộ điều khiển của tàu được lắp ráp từ loại máy điện và thiết bị của máy bay mô hình. Tàu hoạt động theo nguyên lý hút nước vào khoang chứa để lặn xuống và bơm nước ra để nổi lên. Phần đuôi gồm có hệ thống chân vịt với tốc độ quay 10.000 vòng/phút để tạo lực đẩy cho tàu. Hệ thống lái và cân bằng được chế tạo bằng 3 lá chắn tự động ở đuôi, cùng với tháp điều khiển. Trên tàu có hệ thống đèn pha cùng với camera gắn phía trước.
Sau nhiều lần thử nghiệm và chỉnh sửa, cuối năm 2014, nhân đầy tháng của con trai mình, ông đã đưa tàu ra sông Hương để chạy trình diễn. Sau khi chiếc tàu nặng 120 kg được thả xuống nước, ông Ngà khởi động máy và tàu đã di chuyển trên sông Hương trong sự thán phục của mọi người. Trước đó, trong các lần thử nghiệm tại bể bơi ngoài trời, ông cũng đã cho tàu lặn sâu xuống khoảng 3 m, di chuyển rồi nổi lên rất nhẹ nhàng.
Điểm độc đáo của tàu lặn Hoàng Sa so với các loại tàu lặn do một số cá nhân ở các địa phương khác chế tạo là vận hành bằng thiết bị điều khiển từ xa và không cần người lái.
Sẽ có ích cho nhiều nghiên cứu dưới nước
Ông Ngà cho biết: “Hiện tại bộ tín hiệu điều khiển có thể cho phép tàu lặn sâu được hơn 10 m, tuy nhiên ra sông Hương tôi chưa dám cho lặn sâu. Vì nếu gặp sự cố trục trặc gì, nó không nhận được tín hiệu điều khiển mà lặn mất thì cũng khó khăn trong việc dò tìm. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm và đang đặt mua bộ điều khiển đặc chủng dành cho tàu lặn để tàu hoạt động tốt hơn”.
Thể hiện tình yêu với biển, đảo Lý giải về mục đích sáng chế của mình, ông Ngà cho biết là một người dân yêu nước, ông luôn khát khao làm một điều gì đó để thể hiện tình yêu đối với biển đảo, với Hoàng Sa, Trường Sa. “Chính tình yêu này đã thôi thúc tôi chế tạo chiếc tàu và đặt tên là Hoàng Sa để bày tỏ tình cảm của mình với biển đảo quê hương và mong muốn ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu, những việc làm ý nghĩa hướng về chủ quyền biển đảo”, ông Ngà nói. |
Ngoài ra, ông cũng đang dự kiến sẽ gắn thêm hệ thống định vị cũng như hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi tàu gặp sự cố để xử lý những tình huống đột xuất khi tàu hoạt động. "Khi tàu hoạt động tốt hơn sẽ cho phép lặn sâu ở những môi trường sông, hồ, ao, đầm để ghi hình, dò tìm các vật liệu… Sau khi hoàn thiện thêm, tôi sẽ mời một số nhà khoa học, các chuyên gia và ban ngành chức năng để tổ chức một buổi giới thiệu và trình diễn”, ông Ngà lạc quan.
Ông cũng chia sẻ: "Là một người đam mê nên chắc chắn cũng sẽ còn nhiều thiếu sót, nhưng bằng nhiệt huyết của mình, tôi mong sẽ nhận được sự ủng hộ, góp ý của các nhà chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện. Hy vọng tàu Hoàng Sa sẽ có ích để phục vụ công việc nghiên cứu dưới nước với nhiều mục đích khác nhau sau này".
Hải quân Mỹ đang sử dụng nhiều Thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa (ROV) bắt đầu được nghiên cứu phát triển vào thập niên 1960 và đến nay được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, công nghiệp thăm dò dầu khí đến khoa học. Hải quân Mỹ đang sử dụng nhiều thiết bị dạng này cho công tác rà phá mìn và ngư lôi đồng thời đang nghiên cứu loại tàu lặn mang tên Slocum Glider dài 1,5 m có khả năng mang đầu đạn để tấn công. Trong khi đó ROV mang tên Nereus, cũng của Mỹ đã chinh phục thành công độ sâu 10.902 m tại Challenger Deep, nơi sâu nhất thế giới (11.000 m), thuộc rãnh Marianas, BBC dẫn lời Andy Bowen, một trong những chuyên gia thiết kế Nereus, tự hào rằng với thiết bị này, các nhà khoa học có thể thăm dò gần như mọi nơi dưới lòng đại dương. Trọng lượng trên mặt đất của Nereus là 2.800 kg và dùng ắc quy có thể sạc lại được. Thiết bị có trọng tải là 25 kg và tốc độ tối đa đạt 3 hải lý/giờ. Còn “lợi hại” hơn là ROV Kaiko của Nhật có thể lặn sâu tối đa 10.911 m. Khác với Nereus, Kaiko kết nối với một con tàu trên mặt biển để nạp năng lượng hoạt động. Cả hai tàu lặn trên đều dùng để khám phá đáy đại dương, khảo sát các mẫu sinh vật biển sâu... Mới đây, theo Đài CRI, Trung Quốc đã hoàn tất thử nghiệm thiết bị lặn không người lái mang tên Hải Yến. Trong cuộc thử nghiệm mới nhất, thiết bị hoạt động liên tục trong 21 ngày và đạt độ sâu 1.094 m với vận tốc di chuyển khoảng 6 km/giờ. Giới chức Trung Quốc tuyên bố Hải Yến là thiết bị dân sự dùng để khám phá đại dương và hỗ trợ các sứ mệnh cứu hộ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thiết bị này có thể dễ dàng nâng cấp thành cỗ máy tuần tra dưới nước dùng để quét thủy lôi, phát hiện tàu ngầm nhằm bảo vệ tàu Trung Quốc và các giàn khoan. Danh Toại |