Tạo sinh kế dưới tán rừng
Dự án phòng hộ bền vững của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD, thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) được triển khai tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã mở ra hướng đi mới trong quản lý, bảo vệ bền vững rừng tại địa phương này.
Chính sách bất cập
Diện tích rừng phòng hộ của huyện Phú Lương tập trung ở 6 xã: Ôn Lương, Phú Đô, Yên Ninh, Phủ Lý, Yên Lạc và Hợp Thành. Trong tổng số trên 3.500 ha rừng phòng hộ thì diện tích rừng trồng chiếm đa số, khoảng 2.400 ha. Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ của huyện đều là keo lai, keo tai tượng.
Theo ông Ngô Thanh Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, thì việc đưa giống keo vào trồng rừng phòng hộ là chưa hợp lý bởi đây là giống cây có tuổi khai thác từ 7 - 10 năm. Nếu quá độ tuổi ấy, lõi keo sẽ bị xốp và rỗng giữa, dần dần bị khô và chết.
Theo quy định của Bộ NN&PTNT thì với rừng phòng hộ sẽ được phép khai thác tỉa thưa không quá 20% diện tích mỗi năm và phải trồng bù diện tích đã khai thác ngay trong vụ kế tiếp. Đây là quy định phù hợp, bởi nếu khai thác quá tỷ lệ, rừng sẽ mất đi giá trị phòng hộ (giữ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái...).
Tuy nhiên, nếu mỗi năm khai thác 20% diện tích và sau 5 năm mới khai thác hết 100% diện tích cây trồng ban đầu thì sẽ có nhiều diện tích keo quá tuổi, hiệu quả sử dụng thấp hoặc không thể sử dụng được nữa. Rõ ràng, đang có sự bất hợp lý giữa quy định và thực tế.
Một thực tế khác, nguồn sống của người dân 6 xã gắn với rừng phòng hộ đều có thu nhập từ hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, không có nguồn thu từ các hoạt động khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay dịch vụ.
Mặc dù thu nhập từ rừng sản xuất chỉ chiếm 20 - 30% tỷ trọng thu nhập từ hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp, nhưng là nguồn tiền mặt của người dân, trong khi sản xuất lúa, trồng màu chỉ để phục vụ cho nhu cầu của gia đình và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Những vấn đề trên dẫn đến hậu quả là người dân khai thác trộm, cùng với kinh phí hỗ trợ bảo vệ thấp, không liên tục, làm cho người dân buông lỏng trách nhiệm bảo vệ rừng được giao
Hướng đi hợp lý
Muốn quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả cần phải gắn với lợi ích sinh kế, chỉ có phát triển tiềm năng sinh kế của cộng đồng hiệu quả và ổn định thì người dân mới có trách nhiệm và cam kết tham gia quản lý, bảo vệ rừng bền vững.
Từ quan điểm đó, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững đã xây dựng dự án phòng hộ bền vững tại 3 xã: Động Đạt, Yên Lạc và xã Ôn Lương (huyện Phú Lương).
Có hơn 700 hộ dân tham gia dự án với tiêu chuẩn là hộ nghèo, ưu tiên phụ nữ, hộ dễ bị tổn thương trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, hộ dân tộc thiểu số, hộ đang được giao quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và sẵn sàng tham gia và áp dụng các kiến thức vào sản xuất và bảo vệ rừng.
Dự án đã thành lập các Tổ quản lý bảo vệ rừng, Tổ sinh kế và Quỹ tín dụng thôn bản. Chị Hầu Thị Cường (Tổ trưởng sinh kế xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc) cho biết, tổ có hơn 20 hội viên, quản lý tổng số 70 ha rừng sản xuất đã chuyển thành rừng phòng hộ. Nguồn sống chủ yếu trước đây nhờ rừng, nay rừng đến tuổi mà không được khai thác, nguồn sống bị thu hẹp.
Ban đầu, mọi người không thiết tha mấy với việc gia nhập tổ sinh kế vì cho rằng tham gia chỉ để nghe tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng chứ không có lợi gì. Với hàng loạt kế hoạch được triển khai, hỗ trợ như chăn nuôi gia cầm, gia súc, trồng cấy các loại dược liệu, một số cây bản địa dưới tán rừng phòng hộ, nguồn sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Vậy là nhiều gia đình đã đăng ký, xin tham gia hoạt động với tổ sinh kế.
Nhóm sở thích khác đã hình thành quỹ tín dụng thôn bản. Ông Trần Văn Sỹ (xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc) cho biết, đa phần những hội viên thành lập quỹ đều là những người sống phụ thuộc vào rừng. Quỹ được thành lập để hỗ trợ cho các thành viên vay vốn, phát triển kinh tế. Người cho vay thì được dùng chính đồng tiền của mình tiết kiệm được để hỗ trợ hội viên, không mất thuế mà vẫn có lãi.
Các hộ vay được dự án tổ chức đi tham quan mô hình nuôi giun quế, chăn nuôi gia cầm, trồng cấy một số loại cây cho thu nhập ổn định…Định kỳ, các hội viên tổ chức trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kỹ thuật sản xuất. Mọi người hăng say, yên tâm phát triển sản xuất. Tình đoàn kết làng xóm ngày càng được vun đắp chặt chẽ với nhau hơn.
Bà Nguyễn Thị Lâu (Tổ trưởng Tổ QLBV rừng bản Thâm Trung, xã Ôn Lương) cho biết, sự hỗ trợ và những lợi ích thực tế từ dự án chính là chỗ dự và mang lại cho người dân ý thức tự giác quản lý, bảo vệ rừng. Các thành viên của tổ sinh kế, quỹ tín dụng thôn bản hay tổ quản lý, bảo vệ rừng đều là những hộ dân đang quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ. Thực tế, những năm trước, dù biết phá rừng phòng hộ là vi phạm pháp luật nhưng “đói ăn vụng, túng làm liều”.
Tham gia dự án, người dân được tạo cơ hội việc làm, có thu nhập nên bây giờ cứ nghe tiếng cưa lốc là cả xóm "a lô" cho nhau đuổi lâm tặc, giữ rừng. Bà Lâu cho hay, nếu những kế hoạch phát triển sinh kế tiếp theo của dự án tiếp tục phát huy hiệu quả thì người dân sẽ yên tâm ổn định kinh tế, khi đó chẳng ai dại dột mà đi phá rừng nữa.