Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/01/2005 22:49 (GMT+7)

Sydenham (1624-1689): Người mở đường cho y học lâm sàng

Năm 1648, ở tuổi 24, Sydenham đậu bằng Cử nhân Y khoa ở Oxford rồi được bầu làm Uỷ viên của trường All Soul. Nhưng chẳng bao lâu, anh lại phải bỏ dở công việc vì phải tái ngũ khi Hoàng tử Charles đổquân vào xứ Scotland. Suốt thời gian chiến đấu trong đội kỵ binh, anh được khen thưởng vì lòng dũng cảm nhưng rồi bị thương và phải rời quân ngũ. Mãi tới năm 1655, khi đã 31 tuổi, Sydenham mới bắtđầu hành nghề Y khoa, thoạt tiên ở Westminster một miền phụ cận của London, nơi anh có điều kiện theo dõi nhiều vụ dịch bệnh xảy ra ở thủ đô nước Anh. Chính các dữ kiện điều tra thu thập được trongthời gian này về sau đã giúp ông có cơ sở để bàn luận về cách điều trị các dạng sốt.

Sau đó, Sydenham qua Pháp, đến Montpellier, một thành phố ở miền Nam, cách bờ biển Địa Trung Hải chừng hai mươi cây số. Tại đây có trường Đại học Y khoa được xây dựng từ năm 1221, nổi tiếng suốt thờiTrung Cổ, nơi ông đã say mê làm việc và nghiên cứu học hỏi thêm.

Gần mười năm sau (1663), khi 39 tuổi Sydenham mới trở về quê hương và được “Trường các thầy thuốc” cấp giấy phép hành nghề tại London. Mặc dù việc học tập luôn bị gián đoạn, mãi tới năm 1676, khi 52tuổi, ông mới chính thức nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa của Đại học Cambridge, nhưng Sydenham đã sớm nổi danh như một người thầy thuốc có tài năng và nhất là có lương tâm nghề nghiệp cao. Chịu ảnhhưởng của Francis Bacon (1561-1626, nhà triết học người Anh) và Robert Boyle (1627-1691, là người thầy thuốc kiêm nhà hóa học, người Anh), Sydenham luôn tuân thủ phương pháp quan sát tỉ mỉ rồi mô tảđầy đủ các chi tiết bệnh tật trước khi kết luận. Ông quan niệm muốn thấu hiểu bệnh tật, trước hết phải xác định bản chất chung, quá trình diễn biến cũng như mức độ lan rộng, sau đó mới chú ý ghi nhậnnhững triệu chứng đặc biệt (chính quan niệm này đã giúp ông xác nhận rằng bệnh dịch hạch thường gây những triệu chứng lạ kỳ và bất ngờ trong nhiều vụ dịch xảy ra ở London).

Do thói quen chăm chỉ đọc sách để học hỏi thêm và luôn so sánh đối chiếu lý thuyết với thực tiễn trên người bệnh nên Sydenham đã sáng tạo nhiều kỹ thuật trị bệnh độc đáo… Chính ông đã giới thiệuphương pháp làm lạnh để điều trị bệnh đậu mùa với quan điểm hoàn toàn trái ngược với cách hiểu thông thường thời đó. Ông cũng là người đề xuất ra nhiều phương thức điều trị mới như: chữa bệnh giangmai bằng thủy ngân, khuyên dùng các loại thuốc chứa chất sắt để trị các bệnh thiếu máu, khuyên người bệnh lao nên sống ở những vùng thoáng khí, chỉ định dùng quinine lấy từ vỏ cây cinchona của Peruđể điều trị bệnh sốt rét. Từ đó, chất quinine được ghi vào Dược điển London.

Trong cuốn sách “Phương pháp điều trị tốt” (1666), ông đề xuất việc dùng nhiều loại thuốc khác nhau để chữa bệnh và ghi nhận những kết quả khả quan trong phương pháp này. Do những thành công nổi trộinên Sydenham được những người đương thời đặt cho biệt hiệu là “người chữa bệnh sốt mát tay”. Năm 1669, ông công bố bí mật của chất thuốc “laudanum” (do ông sáng chế và mang tên “cồn thuốc Sydenham”)gồm hỗn hợp các loại thuốc phiện, bột nghệ, đinh hương và quế trúc nghiền nát ngâm trong rượu.

Được sự giúp đỡ của người bạn thân là John Locke và John Mapletoft, giáo sư Vật lý học ở trường Grasham, London, ông tập trung sức để viết và cho xuất bản cuốn sách “Nhận xét Y học” (London, 1675)trong đó phân biệt bệnh sởi và bệnh tinh hồng nhiệt. Đây là cuốn sách tham khảo chuẩn trong suốt hai thế kỷ sau. Sydenham cũng viết một cuốn khác bằng tiếng La tinh để phân định rành mạch bệnh gútvới những loại viêm khớp dạng thấp khác (bản thân ông đã tự điều trị bệnh gút bằng laudanum). Năm 1686, ông mô tả tỉ mỉ và giải thích chứng múa giật ở người trẻ do nhiễm khuẩn (về sau chứng này đượcmang tên ông và còn gọi là cơn nhảy múa Thánh Guy hoặc Thánh Vitus).

Sydenham quan niệm dịch bệnh là những đề tài cần được nghiên cứu so sánh như một lĩnh vực quan trọng trong lịch sử khoa học mô tả, vì vậy ông luôn chú ý nghiên cứu những tác động của thiên nhiên trêncác dịch bệnh (như dịch hạch, đậu mùa, dịch tả, v.v…) và mối liên quan với tuổi bệnh nhân, ngày tháng và thời tiết bốn mùa trong năm. Ông coi bệnh tật như một thực thể ngoại lai với cơ thể con ngườivà khuyên nên chú ý quan sát các triệu chứng bệnh hơn là dựa vào lý luận sách vở. Có thể nói đây thực sự là một cuộc cách mạng trong tư duy y học thời đó. Những quan điểm này đã phá đổ các giáo điềutừ thời Galen và nhiều điều mê tín thần bí. Là một thầy thuốc rất được người bệnh mến mộ, nhưng quan điểm của Sydenham về bệnh tật đã vượt xa thậm chí trái ngược với những hiểu biết thời đó, vì vậylúc sinh thời ông chưa được đánh giá đúng mức: ông không được bầu làm Uỷ viên trường Hoàng Gia các thầy thuốc. Là một thầy giáo giỏi, Sydenham đã đào tạo nhiều học trò tài năng trong đó nổi trội nhấtlà Thomas Dover, nổi tiếng với các loại thuốc bột, và Hans Sloane, người sáng lập Viện Bảo tàng Anh.

Sydenham qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1689 tại London, thọ 65 tuổi và được an táng trong Tu viện Wesminster. Ba năm sau khi ông qua đời người ta mới xuất bản cuốn “Sách thực hành Y học của bác sĩSydenham” với đề tặng người con trai William (sau này cũng là thầy thuốc) và cuốn “Nghệ thuật Y học chỉ đạt được qua thực hành”.

Vào đầu thế kỷ 18, sau khi tìm hiểu đầy đủ các công trình nghiên cứu của ông, giới Y học mới xác nhận Sydenham thực sự là người sáng lập ngành Y học lâm sàng và Dịch tễ học, đồng thời ông rất xứngđáng với danh hiệu “Hippocrate của nước Anh”.

Nguồn: Trần Phương Hạnh, 17 nhà khoa học lỗi lạc, NXB Trẻ, TP. HCM, 2003.

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).