Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 19/07/2007 23:46 (GMT+7)

Sử thi Dăm duông bị bắt làm tôi tớ

1. Vấn đề sưu tầm và văn bản hoá tác phẩm

Ở Kon Tum, dân tộc Xơ Đăng có khoảng 100.000 người với các nhóm Xơ Teng, Tơ Đra, Ca Dong, Hà Lăng, Mơ Năm... phân bố rải rác ở nhiều làng thuộc các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon PLong... Kết quả điều tra, sưu tầm của chúng tôi cho thấy người Xơ Đăng nhóm Tơ Đra ở các làng thuộc hai huyện Đăk Hà, Kon Rẫy đang lưu giữ một di sản quý giá suốt bao đời nay. Đó là hệ thống các tác phẩm sử thi, với dung lượng trên một trăm tác phẩm. Toàn bộ nội dung các câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Dăm Duông và một loạt các nhân vật liên quan đến nhân vật chính diện như ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè... Bên cạnh đó, còn có hàng chục nhân vật khác cùng với những sự kiện và biến cố lớn nhỏ diễn ra trong đời sống con người được phản ánh trong bộ sử thi lớn này. Có thể nói, sử thi của người Xơ Đăng là sử thi liên hoàn. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện độc lập nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau. Tác phẩm dài nhất có độ dài khoảng mười băng catxet 90 phút, còn lại, tính trung bình mỗi tác phẩm được nghệ nhân diễn xướng trong vòng tám tiếng đồng hồ.

Tác phẩm Dăm Duông bị bắt làm tôi tớđược chúng tôi sưu tầm ngày 18 tháng 7 năm 2002, tại làng Kon Gu 1, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Xã Ngọc Wang cách thị trấn Đăk Hà 15 km và cách thị xã Kon Tum khoảng 35 km. Ngọc Wang có tám làng người Xơ Đăng thuộc nhóm Tơ Đra sinh sống và một làng người Kinh mới thành lập. Tám làng cũ là Kon Chon, Kon Ré, Kon Ri, Kon STiêu, Kon Gu 1, Kon Gu 2, Kon Prăm, Đăk Kdem.

Làng Kon Gu 1 thuộc xã Ngọc Wang, hình thành từ lâu. Người dân ở đây còn bảo lưu được di sản văn hoá truyền thống của tộc người mình, trong đó có sử thi với hình thức diễn xướng sinh động và hấp dẫn.

Nghệ nhân hát kể cho chúng tôi là A Ar, sinh năm 1935, người Xơ Đăng nhóm Tơ Đra, hiện sống với gia đình con gái và các cháu ở làng Kon Gu 1. Ông là người tầm thước, đôi mắt sáng luôn ánh lên sự thông minh với trí nhớ tuyệt vời. Ông có giọng diễn xướng sử thi rành rõ, có sức truyền cảm mạnh mẽ, hấp dẫn. Khi diễn xướng sử thi, nghệ nhân thường ngồi tựa vào vách, mắt mở. Cả gương mặt, ánh mắt và miệng ông thể hiện một cách sinh động trạng thái tính cách cũng như tình cảm của nhân vật trong tác phẩm. Nghe ông hát kể không chỉ bằng tai mà cả bằng mắt, nói cách khác, cảm nhận và thưởng thức nghệ thuật diễn xướng sử thi qua ông phải bằng thính giác và cả thị giác mới thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ nghệ thuật mà ông đem lại. Giọng hát kể của ông lúc ngân vang, lúc trầm, lúc nhanh, lúc chậm, lúc giận dữ mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng tình cảm. Người nghe cảm nhận được tiếng nhạc ngựa, tiếng gió thổi, tiếng chim kêu và các loại âm thanh của khí giới, giông bão...

Nghệ nhân A Ar là người thuộc nhiều tác phẩm sử thi. Vốn liếng sử thi của ông có được là nhờ truyền thống gia đình. Ông bà và đặc biệt là cha mẹ là những người nổi tiếng về hát kể sử thi. Ngay từ khi mới lọt lòng và cả tuổi thơ, ông được tắm mình trong không khí sinh hoạt văn hoá dân gian. Mỗi lần cha mẹ đi hát kể là cậu bé A Ar luôn được đi theo. Cứ như thế ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cậu đã nghe và nhớ đến thuộc lòng không biết bao nhiêu câu chuyện xưa được cha mẹ và các nghệ nhân khác hát kể. Tiếp xúc với sử thi từ nhỏ trong một môi trường sinh hoạt sống động và với trí nhớ tuyệt vời, vốn sử thi trong ông được nhân lên rất nhiều. Có thể nói, ông là người nhớ và thuộc nhiều sử thi Xơ Đăng nhất hiện nay.

Tác phẩm Dăm Duông bị bắt làm tôi tớđược nghệ nhân diễn xướng hơn mười tiếng đồng hồ. Người phiên âm tiếng Xơ Đăng và dịch ra tiếng Việt là A Jar, hiện đang sinh sống tại làng Plei Don, phường Quang Trung, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

2. Tóm tắt nội dung tác phẩm

Dăm Duông, con trai của Bok Glaih đi chăn trâu chẳng may do sơ suất để chúng phá hoại năm mươi bụi chuối và năm mươi bụi mía của ông Dur Teh. Con trai của Dur Teh là Duông Nâng thấy thế tức lắm bèn chém chết đàn trâu của Bok Glaih. Chưa hết, Duông Nâng còn bắt Dăm Duông đền bù số chuối và mía bị phá hoại.

Cha của Dăm Duông không thèm đoái hoài còn bắt cậu phải đứng ra lo và tự giải quyết việc này. Dăm Duông buồn lắm. Duông Nâng quát tháo, mắng chửi rồi đánh đập Dăm Duông mặc cho ông Dur Teh, ông Tur Rơ Mu và Bar Mah khuyên can nhưng Duông Nâng vẫn không nghe lại còn bắt Dăm Duông đưa về nhà làm tôi tớ cho mình. Dăm Rok và Dăm Gap đến xin thay thế em mình nhưng Duông Nâng không đồng ý. Thế là Dăm Duông bị bắt ép làm tôi tớ cho Duông Nâng. Hằng ngày cậu phải lên rẫy làm cỏ rất vất vả, lại bị đối xử tồi tệ, ăn uống cầm chừng, có nhiều hôm còn bị bỏ đói. Bar Mah là cô bé cùng đi chăn trâu thấy thế rất thương, có hôm cô còn mang cơm và thức ăn của nhà cho Dăm Duông.

Sau khi làm xong cỏ cả một rẫy lớn, Duông Nâng đưa Dăm Duông về nhà. Hắn cho cậu ăn uống tử tế và hứa cho sang Lào chơi, nhưng kì thực là đem Dăm Duông đi bán. Khi sang đất nước Lào, Duông Nâng gặp ông Set Sam Bram. Ông ta hỏi mua Dăm Duông để giúp việc trong nhà với giá lúc đầu Duông Nâng đưa ra là hai trăm năm chục con trâu. Nhưng rồi Duông Nâng thay đổi nâng giá liên tục: Lúc thì hai nghìn năm trăm con trâu, rồi năm nghìn con trâu. Set Sam Bram tất nhiên là không thể mua nổi với giá đó. Duông Nâng quay trở về, hắn đi đến nhà ông Tung Brung và ông Pom Moh và lần này bán với giá là hai trăm sáu chục con trâu cho hai người. Mua được Dăm Duông cả hai ông tỏ vẻ ưng ý. Tung Brung và Pom Moh hỏi Dăm Duông vì sao bị bắt làm tôi tớ. Dăm Duông kể lại rõ ngọn ngành, làm cho Tung Brung và Pom Moh bực tức và giận dữ Duông Nâng vô cùng.

Ở nhà Tung Brung và Pom Moh, hằng ngày Dăm Duông đan rổ rá, nong nia... còn hai ông vào rừng chặt lồ ô, lấy dây mây mang về cho Dăm Duông làm. Những thứ Dăm Duông làm rất xinh xắn, đẹp mắt nên khi Măng Yang và Rang Hu mang đi bán ai cũng thích mua, hàng bán hết nhanh. Tung Brung và Pom Moh thường mang hàng đi bán ở những nơi xa, thậm chí mang sang bên Lào để bán. Thường mỗi thứ đổi được tấm chăn đắp, chiếc áo, hoặc chiếc khố. Măng Yang, con gái của Tung Brung và Rang Hu con gái của Pom Moh sống với Dăm Duông rất vui vẻ, cậu nhận mình là em của hai chị.

Bar Mah, con gái ông Tur Rơ Mu biết tin Dăm Duông đang ở nhà ông Tung Brung nên cô bèn xin cha cho mình đến chỗ Dăm Duông để mua rổ rá. Bar Mah được gia đình ông Tung Brung đón tiếp ân cần. Họ mở cuộc uống vui vẻ, Dăm Duông và Bar Mah lại có dịp được chuyện trò tâm tình bên nhau.

Chuyện trâu của Dăm Duông phá hoại mía và chuối của Duông Nâng là do sơ suất, nhưng Duông Nâng đã giết một trăm năm mươi con trâu của Dăm Duông, lại còn mắng chửi, bạt tai, xô ngã, rồi bắt cậu làm tôi tớ và đem đi bán làm cho Tung Brung và Pom Moh hết sức tức giận. Hai ông gọi thêm Măng Lăng và một số người khác họp nhau bàn việc đánh Duông Nâng, trả thù cho Dăm Duông. Cả hai ông bảo Dăm Duông đến báo cho Duông Nâng chuẩn bị, trong vòng ba ngày tới họ sẽ giao chiến. Dăm Duông lấy làm ngần ngại bèn nhờ hai chị là Mang Yang và Rang Hu đi báo giùm. Cả hai chị em đi đến làng của Bar Mah và nhờ cô báo cho bọn Duông Nâng biết cuộc chiến sắp tới.

Dân làng Tur Rơ Mu nghe thế lấy làm sợ hãi. Họ lo cất giấu đồ đạc, của cải và lánh sang các làng khác vì sợ tai hoạ giáng xuống đầu. Trong lúc đó, Tung Brung, Pom Moh tập hợp thêm lực lượng với những người hùng mạnh có tài như Măng Lăng, Ding Grang và Ring Rông để hợp sức giao chiến.

Được tin chuẩn bị đánh nhau, Duông Nâng tìm kiếm đồng bọn để tăng thêm sức mạnh. Duông Nâng cho gọi mời Gat Kong Bung, Tek Teo, Greo Yang, Tre Wet Krong Buông và một số tên khác để chuẩn bị lực lượng.

Đúng thời hạn đã báo, Măng Lăng dẫn đầu đoàn quân đi đánh Duông Nâng. Từ trên không trung, Măng Lăng kể tội Duông Nâng và gọi hắn cùng đồng bọn lên đánh nhau. Hai bên gặp nhau và cuộc chiến diễn ra trên không thật khốc liệt: Trời đất rung chuyển ầm ầm, gió bão, nhà cửa cháy ngùn ngụt, dân làng nhớn nhác chạy nạn,... cuối cùng bọn Tre Wet Krong Buông, Rok Kok, Tak Teo, Greo Yang, Duông Nâng đều bị Măng Lăng, Ding Grang, Ring Rông,... giết chết còn Rang Neng bị bắt sống.

Sau khi đánh thắng Duông Nâng và đồng bọn trả thù cho Dăm Duông, Măng Lăng đưa Dăm Duông về thăm nhà và gặp ông Nhâk Kân. Được Nhâk Kân truyền cho nhiều phép thuật, Dăm Duông liền nghĩ ngay đến việc cứu những người đã chết trong các cuộc giao chiến trước đây. Sau một thời gian, Dăm Duông xin phép ông Nhâk Kân trở về quê Bar Mah, chàng biến thành rắn bò về gặp Măng Yang, Rang Hu, Bar Mah đang đi xúc cá làm cho cả ba chị em rất sợ hãi. Thấy thế, Dăm Duông lại hiện nguyên hình là chính mình và trò chuyện với họ. Một lát sau, chàng lại biến thành một cô gái xinh xắn, rồi biến thành ông lão râu tóc bạc phơ và cuối cùng lại hiện nguyên hình như cũ làm cho mấy chị em vừa sợ hãi, vừa hết sức ngạc nhiên.

Dăm Duông cùng Bar Mah quay về làng gặp Tur Rơ Mu, Tung Brung và Pom Moh. Với tài phép thuật của mình, chàng lấy gậy thần đập xuống đất và một ngôi nhà đẹp, khang trang như lời ước nguyện được mọc lên. Dăm Duông tiếp tục khấn và đập gậy thần xuống đất để làm sống lại ngôi làng xưa. Những ngôi nhà đẹp đẽ, mới mọc lên, bao nhiêu người chết được sống lại. Dân làng đông đúc, cuộc sống bắt đầu hồi sinh. Bar Mah đón cha mình là Tur Rơ Mu về trông coi và cai quản làng mới.

Dăm Gap và Dăm Diă là hai anh em của Dăm Duông một lần đi đến làng ông Tur Rơ Mu bán nồi đồng và được Bar Mah kể cho hai anh em nghe tài biến hoá của Dăm Duông làm cho cả hai rất kinh ngạc. Bar Mah còn cho hai anh em biết rằng Dăm Duông rất buồn vì bị cha mẹ ruồng bỏ nên chàng không muốn quay trở về với quê hương.

Về nhà, Dăm Diă tức giận cha mẹ đã đối xử không tốt với Dăm Duông nên người anh đã bỏ đi xa.

Bok Glaih, cha chàng lấy làm hối hận và dày vò mình về sự việc xảy ra trước đây khi để mặc Dăm Duông tự giải quyết và gánh chịu mọi hậu quả.

Từ ngày gặp lại Dăm Duông, Bar Mah rất nhớ chàng. Trong ngôi nhà mới của Dăm Duông, nàng cần mẫn dệt tấm khố có đính hạt cườm thật đẹp để tặng chàng. Ngày đêm nàng mong Dăm Duông tới thăm. Được tin, Dăm Duông hoá phép cho con chim sáo bay đến vỗ về an ủi nàng trong những ngày chàng ở phương xa.

Măng Lăng ở nơi xa nghe tin Dăm Duông cho dựng lại ngôi làng của ông Dur Teh và hoá phép cho dân làng sống lại như trước đây khiến chàng không tin và muốn đến xem thực hư ra sao. Măng Lăng tìm đến và quả đúng như lời đồn đại, khiến chàng rất thán phục Dăm Duông. Măng Lăng bèn rủ Bar Mah đến thăm ông Nhâk Kân và gặp Dăm Duông, nhưng chàng đi vắng, vài ngày sau chàng mới trở về. Dăm Duông, Bar Mah, Bia Kơ Ton cùng trở về quê. Sau đó Dăm Duông đến thăm Măng Lăng. Lúc đầu, Măng Lăng không tán thành việc làm của Dăm Duông nhưng qua sự bộc bạch của chàng, Măng Lăng cũng hiểu và chia sẻ về việc làm đó.

Ở làng ông Tur Rơ Mu, người ta tổ chức học dệt, thêu thùa, học thổi sáo, đánh đàn và múa... cho đàn bà, con gái. Người đến học ngày càng đông, cuộc sống hồi sinh, tấp nập trở lại.

Dăm Duông với tài biến hoá, chàng làm cho Tung Brung, Pom Moh hai ngôi nhà mới, chữa cho Pom Moh có hai lỗ mũi bình thường còn Tung Brung không còn râu ria rậm rạp nữa.

Bok Glaih cùng gia đình đến thăm làng ông Tur Rơ Mu và gặp Dăm Duông ở đấy. Cha chàng lấy làm tiếc vì đã đối xử với Dăm Duông không tốt và mong chàng bỏ qua để về quê hương sum họp với gia đình, họ hàng, bạn bè. Chàng nghĩ lại và quyết định trở về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cha mẹ Dăm Duông mổ lợn, giết dê mở cuộc uống mời dân làng chung vui, mừng Dăm Duông trở về.

Một thời gian sau, Dăm Duông cưới Bar Mah, còn Dăm Diă cưới Bia Kơ Ton. Họ tổ chức đám cưới trong cùng một ngày. Hàng trăm ghè rượu xếp từng hàng dài, cuộc uống bắt đầu, mọi người đánh chiêng, đánh trống nhảy múa tưng bừng, nhộn nhịp.

Dăm Duông và Bar Mah cưỡi ngựa đốm bay trên chín tầng mây rất đẹp. Dân làng nhìn và không ngớt lời trầm trồ thán phục Dăm Duông và vợ chàng. Họ sống với nhau thật hạnh phúc.

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật

Toàn bộ tác phẩm Dăm Duông bị bắt làm tôi tớchủ yếu phản ánh những vấn đề của cuộc sống đời thường của người Xơ Đăng xưa kia. Thông qua nhân vật Dăm Duông, những mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ chủ và tôi tớ, chiến tranh, buôn bán, hôn nhân... của người Xơ Đăng được thể hiện khá sinh động.

Âm hưởng chính của tác phẩm là ca ngợi Dăm Duông từ khi chàng hãy còn là một đứa trẻ chăn trâu đến tuổi trưởng thành, lập gia đình. Lúc còn nhỏ cậu đã bộc lộ tư chất của một người tốt: Cần cù, chịu khó, siêng năng và ngoan. Những phẩm chất tốt đẹp đó thể hiện rõ qua công việc cậu làm: Đi chăn trâu, do sơ ý để trâu phá hoại hoa màu, cậu đứng ra nhận trách nhiệm và sẵn sàng nhận mọi hình phạt mà không hề kêu ca. Những tháng ngày làm tôi tớ cho Duông Nâng, Dăm Duông cũng rất chịu khó, làm sạch cỏ cả một rẫy lớn. Khi bị Duông Nâng đem đi bán, cậu cũng nhẫn nhục chịu đựng.

Dăm Duông còn là người khéo tay, giỏi đan lát. Những thứ làm ra như nong, nia, rổ rá... cái nào cũng đẹp, ai cũng thích và đều muốn mua bán, đổi chác.

Không chỉ chịu khó, cần cù, khéo tay, Dăm Duông còn là người sống có tình cảm. Điều đó thể hiện rõ trong quan hệ giữa cha con, anh em, bạn bè, họ hàng và người thân thích. Tình thương người là một trong những phẩm chất tốt đẹp của Dăm Duông. Khi được Nhâk Kân truyền cho nhiều phép thuật, điều đầu tiên chàng nghĩ tới là cứu những người dân đã chết trong cuộc chiến trước đây. Chàng nói với ông Nhâk Kân: “Giữa cháu với người nào đó tức giận nhau thì cháu và người đó thù ghét nhau thôi. Đâu phải cả dân làng thù oán gì cháu. Thế mà họ chết chung với kẻ thù. Ông nghĩ thế nào? Họ chết oan uổng cho nên cháu muốn họ phải sống lại”.

Suy nghĩ như vậy, cùng với lòng thương, Dăm Duông quyết định làm hồi sinh cả làng đã mất mát, chết chóc vì cuộc chiến với Duông Nâng trước đây.

Ngay cả đối với người trực tiếp hại mình, chàng cũng cho cơ hội được sống lại và đối xử tử tế. Vì chàng cho rằng Duông Nâng không đáng phải chết. Chính cách ứng xử cao cả đó đã đánh vào suy nghĩ của Duông Nâng làm cho kẻ vốn trước đây hại mình phải ân hận, hối cải.

Trong sử thi Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ, chiến tranh không phải là vấn đề trung tâm của tác phẩm. Cả tác phẩm chỉ có một cuộc chiến diễn ra giữa một bên là Măng Lăng và anh em của chàng là Tung Brung, Pom Moh, Ding Grang, Ring Rông với phía bên kia là Duông Nâng, Tek Teo, Greo Yang, Rang Neng, Tre Wet Krong Buông... Duyên cớ là do bị xúc phạm nên anh em Măng Lăng tiến hành cuộc chiến nhằm mục đích trả thù cho Dăm Duông, bảo vệ danh dự và tăng thêm uy lực, uy danh của dòng họ.

Trong tác phẩm, chiến tranh diễn ra trên một không gian khá rộng lớn. Những cuộc giao đấu giữa người anh hùng với địch thủ bao giờ cũng diễn ra khốc liệt: “Gió thổi vù vù cuốn theo cả bụi mù tung bay lên trời. Trời đất luôn thay đổi lúc sáng, lúc tối, lúc nóng như lửa đốt và lúc mưa rào, mưa đá. Từng cục đá to bằng ngón tay, ngón chân rơi làm cành cây gãy đổ răng rắc. Núi sạt lở ầm ầm. Lá cây rơi rụng hết xuống đất... Nhà rông, nhà ở đều cháy sạch. Cả một vùng lửa cháy sáng rực bốc lên tận trên cao. Người già, trẻ nhỏ nhốn nháo bỏ chạy tán loạn. Kẻ kêu la ở rìa làng, kẻ than khóc giữa sân, xôn xao, nhốn nháo khắp nơi...”.

Đây là hành động của người anh hùng: “Cơn giông bão vẫn ào ào thổi lật ngã những tảng đá to, đá nhỏ lên trời như những cánh diều bay... Nhằm thẳng vào Tek Teo, Greo Yang, Măng Lăng cầm chiếc khiên chắc trong tay xông đến tông thẳng vào, tiếng binh khí chạm vào nhau loảng xoảng, chiếc khiên của đối phương bị vỡ, thanh gươm cũng đã gãy, không còn một vật trong tay để thủ thân... một nhát gươm chém “phập”, chúng lảo đảo từ trên không rơi xuống”.

Trong sử thi Xơ Đăng cũng như sử thi Ba Na, cuộc chiến thường diễn ra giữa người anh hùng và đối thủ với những cuộc đấu tay hai, tay ba. Chúng ta không thấy những cuộc chiến tranh có quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia như sử thi của các dân tộc khác. Điều đáng chú ý ở đây là kết thúc cuộc chiến, đối phương bị trừng trị và cả làng đối thủ cũng bị thiêu trụi, dân chúng gần như chết hết. Chúng ta không thấy cảnh chiếm đoạt tài sản, thu phục dân làng để mở mang địa giới, tăng thêm sức mạnh cộng đồng của người chiến thắng.

Trong sử thi Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ, yếu tố thần kì được miêu tả khá rõ. Người anh hùng thường cưỡi voi, ngựa khi ra trận, nhưng ở đây chiếc khiên vừa là vũ khí, vừa là phương tiện đi lại trên không trung. Trong những cuộc giao đấu của người anh hùng ở trên không trung, chiếc khiên là phương tiện thần kì giúp cho nhân vật đi lại trên một không gian rộng lớn. Sức mạnh của chiếc khiên được mô tả: “những chiếc khiên bay vun vút.... cây cối ngả nghiêng... gió bão thổi ào ào. Bầu trời bỗng tối sầm lại, không còn ánh mặt trời hay mặt trăng rọi xuống. Dù chỉ một ánh sao cũng không ló dạng. Người ta chỉ nghe tiếng âm vang của khiên trên chín tầng mây mù vô cùng dữ dội, với những luồng gió mạnh ào ào ập đến. Các tảng đá bằng gùi to, gùi nhỏ trốc hết tung bay lên trời vô cùng khủng khiếp... Vặn một lần nữa “tiơng tơ rơ rơ rơơng tơng...” tiếng nổ ầm ầm vang vọng như trời long đất lở”.

Ngoài chiếc khiên biết bay, biết phát ra tia lửa, giông bão, sấm chớp... trong tác phẩm chúng ta còn bắt gặp nhiều yếu tố thần kì khác. Chẳng hạn, Dăm Duông có cây gậy thần đập xuống đất sẽ có những điều mình nguyện ước: Người chết sống lại, ngôi nhà mới được mọc lên, Dăm Duông có thể biến thành mọi con vật, thành cô gái, hay ông già râu tóc bạc phơ và chàng có thể cưỡi ngựa tông brông bay lên trời...

Chính nhờ có yếu tố thần kì mà nguồn cảm hứng của nghệ nhân dân gian được chắp cánh. Những hành động của nhân vật hiện lên thật bất ngờ, khiến người nghe đắm chìm trong những tình huống éo le, những bước ngoặt lớn. Có thể nói, yếu tố thần kì đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm sử thi này.

Trong tác phẩm Dăm Duông bị bắt làm tôi tớ, có những đoạn miêu tả khá sinh động, cảnh vật hiện lên như một bức tranh: “... Cánh đồng bao la trải dài hai bên dòng sông xanh ngắt. Cảnh vật nơi đây thật tuyệt vời. Cây cối mọc um tùm, tươi xanh. Đây là cây kơ chik mọc lưa thưa. Đó là cây dầu thẳng đứng. Kia là cây đa cổ thụ, cây sung sai trái, cây gạo đang nở rộ hoa sắc thắm thu hút đàn chim đến đây nô đùa trong nắng mai”.

Nhiều biện pháp nghệ thuật được tác giả dân gian sử dụng, chẳng hạn miêu tả cô gái “Bia Kơ Ton, cô gái ông Nhâk Kân, ở độ tuổi trăng tròn xinh như đoá hoa rừng, gương mặt đầy đặn và sáng đẹp như trăng mùa thu, dáng đi nhẹ nhàng yểu điệu...”.

Chúng ta có thể còn tìm thấy nhiều điều thú vị khác trong cuộc sống đời thường của người Xơ Đăng được phản ánh trong tác phẩm sử thi này. Công việc khám phá cái hay, cái đẹp của sử thi Xơ Đăng đang chờ đợi giới nghiên cứu văn hoá dân gian ở phía trước.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.