Sự biến đổi của hình thức tên riêng người Việt
Các bậc cha mẹ ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) hiện nay vẫn lấy tên đệm của cha làm tên họ cho con gái. Cách đặt tên như thế rõ ràng là rất khác với cách đặt tên truyền thống của người Việt là, con cái thường phải mang tên họ cha ( nguồn: dantri.com.vn02/03/2010).
Ông Vũ Tần ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang có ba con tên là Vũ Loạn Lạc, Vũ Thị Lạc Lang, Vũ Lang Thang. Sở dĩ ông đặt tên cho con như vậy là để nhằm “tuyên chiến” với bố mẹ ông, vì ông bà đã chối bỏ con dâu. (Nguồn: vnexpress - Tinh nhanh Việt Nam, 14 - 7 - 2006).
Để có thể tiếp cận được những vấn đề “ngoài cấu trúc” của tên riêng tiếng Việt, chúng tôi cho rằng, cần phải vận dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành bên cạnh các phương pháp nghiên cứu cấu trúc truyền thống trong ngôn ngữ học để tìm hiểu sự biến đổi cấu trúc hình thái của tên gọi dưới sự tác động của những nhân tố lịch sử - xã hội.
Sau đây là những kết quả khảo sát của chúng tôi về sự biến đổi hình thức của tên chính người Việt theo hướng tiếp cận nói trên.
2. Như đã biết, người Việt có nhiều loại tên gọi khác nhau như: tên chính (còn gọi là tên thật, tên khai sinh) tên tục, tên tự, tên hiệu, biệt danh, mật danh, bút danh…
So với các loại tên gọi khác, tên chính là tên gọi không chỉ dùng để xưng hô, mà nó còn có giá trị pháp lí trong việc khẳng định quyền lợi và nghĩa vụ của người có tên trong cộng đồng. Bởi vậy, tên chính phải được đăng kí trong các sổ hộ tích của chính quyền địa phương và được sử dụng trong các văn bản chính thức của nhà nước như: hồ sơ lí lịch, chứng minh thư, huân huy chương, giấy khen và trong các loại văn bằng chứng chỉ khác. Bất kì một sự thay đổi nào đối với tên chính cũng phải được sự đồng ý của cơ quan quản lí hộ tịch. Chính vì thế, người nào cũng phải nói tên chính, mà không nhất thiết phải mang thêm những tên gọi khác.
Tên chính của người Việt có cấu trúc là một chỉnh thể gồm 3 yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau theo trật tự: Tên họ, têm đệm, tên cá nhân.
Mỗi yếu tố như vậy có giá trị như là một đơn vị định danh đơn nhất. Trong hoạt động giao tiếp, chúng có khả năng tách ra khỏi kết cấu tên gọi để hoạt động một cách độc lập. Vì thế, chúng tôi gọi tên chính người Việt là một “ Tổ hợp định danh” (12). Cấu trúc tên gọi của người Việt theo mô hình khái quát nói trên không chỉ thể hiện đặc điểm mà còn phản ánh đặc trưng văn hóa trong cách đặt tên của người Việt. Đó là hình thức tên gọi đầy đủ và cũng là cách đặt tên được xem là truyền thống nữa. Tuy nhiên, trong thực tiễn, độ dài của tên chính người Việt ngày càng có xu hướng kéo dài. Chính điều này đã làm cho thành phần cấu trúc của tên chính người Việt có sự biến động đáng kể. Cụ thể như sau:
2.1Tên họcủa người Việt thường có cấu tạo đơn âm tiết (gọi tắt là họ đơn) như: Đinh, Lí, Trần, Lê, Nguyễn, Phạm, Vũ…có thể xem đây là cách đặt tên họ truyền thống của người Việt. Người ta có thể thống kê được số lượng các tên họ đơn của người Việt.
Chẳng hạn, năm 1992, Lê Trung Hoa thống kê được 163 họ (5). Phạm Tất Thắng thống kê được 174 tên họ vào năm 1996 (11).
Theo Nguyễn Kim Thản, người Việt không có tên họ kép kiểu Âu Dương, Gia Cát, Tư Mã, Hạ Hầu như của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều dòng họ Việt vẫn tự đặt cho mình các tên họ đa âm tiết để phân biệt các chi họ khác nhau trong cùng dòng họ hoặc phân biệt với những tên họ đơn đồng âm với nhau nhưng khác nhau về ý nghĩa. Chính vì thế, khái niệm họ “kép” và họ “họ ghép” đã xuất hiện.
Họ képlà một tổ hợp đa âm tiết (phổ biến là hai âm tiết) tạo thành một kết cấu chặt chẽ dùng để gọi tên cho mỗi dòng họ khác nhau như: Nguyễn Công, Tôn Gia, Hoàng Phủ, Tôn Thất… Hiện nay, loại tên họ kép như vậy có xu hướng phát triển khá mạnh và tương đối ổn định.
Họ ghéplà một tổ hợp song tiết, trong đó âm tiết thứ nhất là tên họ của bố, còn âm tiết thứ hai thường chỉ ra tên họ của người mẹ. Họ ghép có kết cấu lỏng lẻo hơn họ kép vì sự liên kết giữa hai họ đơn thường chỉ có giá trị trong một thế hệ.
Ví dụ: Trần Lê(Văn) , Đoàn Nguyễn(Tuấn) , Phan Trần(Chúc)…
Như vậy, sự biến đổi cấu tạo từ đơn sang kép hay ghép của tên họ người Việt trước hết là do áp lực về mặt chức năng khu biệt nghĩa của các kí hiệu tên gọi.
Bên cạnh sự thay đổi trong chính bản thân cấu trúc tên gọi, sự thay đổi tên họ của người Việt còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố mang tính xã hội khác như: thay đổi do kị húy, thay đổi do vua ban và nhiều mục đích cá nhân khác.
Thay đổi họ do kị húy nghĩa là việc thay đổi tên họ để tránh đặt tên họ trùng với tên của vua chúa. Ví dụ, năm 1232, vua Trần Thái Tông ban chữ quốc húy và miếu húy. Vì cha ông tên là Lí, nên những người họ Lí phải đổi sang tên họ Nguyễn.
Thay đổi họ do vua ban là một hình thức khen thưởng đặc biệt chỉ dành cho những người có công lao to ớn đối với triều đình phong kiến. Người có công đó được lấy tên họ của vua để thay thế cho tên họ của cha mình. Ví dụ: Ngô Tuấn(1019 - 1105) người thành Thăng Long (nay là Hà Nội), tự là Thường Kiệt, được vua ban quốc tính họ Lí,nên gọi là Lí Thường Kiệt.
Trường hợp đổi họ vì nhiều mục đích cá nhân như hoạt động chính trị, trốn sưu thuế, trốn lính, tránh sự trả thù, lấy tên họ của ân nhân đã cứu mạng mình…
Tất cả những hiện tượng đổi họ nói trên thường chỉ diễn ra dưới chế độ phong kiến trước đây. Việc đổi tên họ trong xã hội hiện đại tuy vẫn diễn ra, nhưng lại thể hiện dưới một hình thức khác. Sau đây là một số trường hợp thường gặp:
Đổi tên họ do tên họ của bố và tên họ của con không giống nhau.
Ở xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, Hưng Yên có 9 dòng họ xin đổi tên họ. Nguyên nhân là trong mỗi dòng họ, giữa tên họ bố và tên họ của con không có sự thống nhất (Nguồn: tin Truyền hình VTV1 ngày 1 - 7 - 2005). Ví dụ, người bố có tên là Lu Đình Cung (trong đó Lulà tên đệm), còn tên con gái của ông lại là Đình Thị Nhàn(trong đó “Đình” là tên họ gốc). Một người bố khác có tên là Đỗ Bá Lu,còn con gái ông ta có tên là Bá Thị Vượng(trong đó, “Bá” là tên họ gốc).
Những cách đặt họ “đặc biệt” như vậy ta gặp khá nhiều ở tỉnh chung quanh Hà Nội đã gây khó khăn cho cơ quan quản lí hộ tịch cũng như việc sinh hoạt của những người có tên trong giao tiếp cộng đồng.
Đối với những trường hợp con không rõ bố, thì người mẹ có quyền quyết định cho con mang tên họ của mình. Vấn đề này cũng đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận: đứa trẻ mang họ mẹ có quyền lợi bình đẳng hoàn toàn như những đứa trẻ mang họ bố. Một số người khác muốn đổi sang tên họ của bố mẹ nuôi, thì cũng được pháp luật Việt Nam cho phép.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, một số dòng họ Việt ở nước ta đã tiến hành việc tái lập gia phả, trùng tu từ đường (nhà thờ họ), quy tập mồ mả, chấn chỉnh gia phong dòng tộc và các nghi lễ thờ cúng khác. Một số dòng họ còn tổ chức việc gặp gỡ thường niên để tưởng niệm tổ tiên trên phạm vi toàn quốc. Phong trào chấn hưngdòng họ trong xã hội đã làm xuất hiện thêm một số khái niệm mới như “ văn hóa dòng họ” hay “ dòng họ văn hiến”. Đứng trước tình hình đó, tổ chức UNESCO Việt Nam đã sáng lập ra câu lạc bộ các dòng họ. Nhiều dòng họ đã lập ra trang web riêng trên mạng internet để trao đổi thông tin như:http://hodovietnam.vn;http://HoPham.com;http://hokhuatvietnam.org;www.trinhtoc.com.
Tất cả những hiện tượng mang tính xã hội như vậy đã ít nhiều tác động đến sự biến động của hình thái cấu trúc truyền thống và làm cho quá trình đặt tên họ của người Việt ngày càng trở nên phức tạp hơn.
2.2Tên đệmtruyền thống của người Việt tồn tại dưới hình thức đơn âm tiết như: Văn, Đức, Công, Trọng, Hữu…(trong tên của nam) và Thị, Thanh, Kim, Diệp, MĨ…(trong tên của nữ).
Trong số những tên đệm đó, người Việt thường sử dụng hai hình thức tên đệm là “ Văn” và “ Thị” để phân biệt giới tính cho tên gọi. Song hai hình thức tên đệm này không đáp ứng được thị hiếu thẩm mĩ ngày càng phát triển của người Việt. Thậm chí có người còn cho rằng, tên đệm Thịcòn có ý nghĩa miệt thị đối với phụ nữ. Chính vì vậy, người ta chuyển sang sử dụng nhiều hình thức tên đệm khác. Việc lựa chọn các hình thức tên đệm khác nhau đã làm cho vị trí và chức năng của tên đệm có sự biến động đáng kể. Điều đó thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, trong toàn bộ cấu trúc của tên chính của người Việt, gánh nặng khu biệt giới tính chủ yếu rơi vào hai loại tên đệm “ Văn” và “ Thị”.
Ví dụ: Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Thị Lí(tên của nữ) ; Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Thái Văn A(tên của nam).
Ngoài ra, đối với những tên gọi có cấu trúc gồm hai yếu tố: tên họ và tên cá nhân (như Trần Hanh, Phan Anh, Phạm Hổ, Nguyễn Lữ…), thì sự vắng thiếu vị trí của tên đệm cũng có giá trị phân biệt giới tính. Những tên gọi chỉ gồm hai yếu tố như vậy thường là tên gọi của nam.
Thứ hailà, những tên đệm khác nếu được thay thế vị trí của hai tên đệm “Văn” và “Thị”, thì sẽ không thể phân biệt được giới tính tên gọi một cách rõ ràng. Các tên đơn này có thể kết hợp với một yếu tố của tên họ hoặc với một yếu tố của tên cá nhân để trở thành tên họ ghép hay tên kép.
Ví dụ: Trần Hồng Hà, Nguyễn Trung Thành, Đặng Hoài Thu, Mai Tứ Quý…
Chính điều này đã dẫn đến nhiều quan niệm khác nhau về vị trí và cấu trúc của tên đệm. Chẳng hạn, Lê Trung Hoa, trong tên gọi Trần Văn Minh Hiếu, thì hai âm tiết Vănvà Minhlàm thành tên đệm kép (5).
Nguyễn Kim Thản cũng cho tên gọi Hoàng Xuân Liên Hươngcó hai tên đệm nằm ở hai vị trí khác nhau - đó là Xuânvà Hương(8).
Rõ ràng là, cấu trúc của tên đệm trong tên chính của người Việt hiện nay đã có sự biến động phức tạp hơn so với những tên đệm truyền thống trước đây. Sự biến đổi này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc của toàn bộ tên gọi và làm cho ranh giới giữa các yếu tố trong tên người trở lên không rõ ràng.
2.3Tên cá nhântrong cấu trúc tên gọi truyền thống của người Việt thường chỉ có một âm tiết. Chính điều này đã làm cho Dương Lan Hải và Phan Thiều đã từng cho rằng, tên cá nhân của người Việt chỉ có cấu trúc đơn tiết.
Tuy nhiên, để thỏa mãn nhu cầu về tâm lí - thẩm mĩ ngày càng phát triển của người Việt, hiện nay các hình thức tên gọi đơn âm tiết như vậy càng ngày có xu hướng đa tiết hóa (còn gọi là “tên kép”) để thể hiện được nhiều ý nghĩa hơn và phong phú hơn.
Ví dụ: Nguyễn Thị Minh Khai, Đoàn Thị Lam Luyến, Vũ Thị Noel, Bùi Văn Minh, Mai Văn Chương, Trần Thành Đăng Chân Tín, Lâm Thị Bạch Ngọc Mĩ Nhân…
Các hình thức tên kép này phát triển rất đa dạng. Bên cạnh một số tên kép dễ nhận biết do nó có hình thức trùng với các từ ghép như: (Nguyễn) Trung Thành, (Hoàng) Trường Sơn, (Mai) Vĩ Đại, (Hồ) Thành Công, (Lê) Quang Vinh…còn nhiều tên cá nhân khác lại có kết cấu hình thức giống như những cụm từ, nên việc phân biệt chúng gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều tên gọi rất khó phân biệt được đó là tên đơn, tên kép hay chỉ là một thành tố của tên đệm.
Ví dụ: Đặng Quốc Bảo, Vũ Bảo Ngọc, Trần Mĩ Vân, Cao Thái Sơn, Trần Khôi Nguyên, Hồ Thành Công, Mai Thành Đạt, Đỗ Tiến Sĩ…
Các tên kép này có độ dài tối thiểu là 2 âm tiết, nhưng cũng có khi nó được kéo dài 5 - 6 âm tiết. Nếu cộng tất cả các âm tiết có trong tên chính (bao gồm cả độ dài của tên họ, tên đệm và tên cá nhân), thì độ dài tối đa của tên chính người Việt có thể lên tới 10 âm tiết.
Chẳng hạn, tên của một thí sinh thi đại học được ghi thành 3 hàng là: Công Tằng Tôn Nữ Long Lanh Như Hạt Sương Sa(gồm 10 âm tiết). Nếu trừ tên họ là “ Công Tằng Tôn Nữ” (4 âm tiết), thì tên cá nhân còn lại gồm 6 âm tiết (nguồn: Ngoisao-net-Loanh quanh chuyen dat ten.html/ 7 - 3 - 2006).
Một số người khác còn được cha mẹ đặt cho một cái tên không đẹp và còn có sự liên tưởng với ý nghĩa xấu.
Chẳng hạn, ở tỉnh Quảng Nam có một số người được cha mẹ đặt tên là: (Dương Thị) Ly Tan, (Lê Thị) Vô Lí, (Võ Thị) Xin Thôi, (Nguyễn Thị) Nghĩa Trang(nguồn; báo thanh niên số ra ngày 13 - 3 - 2010).
Cũng tại Quảng Nam, một nam học sinh lớp 12 được cha mẹ đặt tên cho là: Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởivì lí do rất đơn giản: ông bố này bị UBND xã phạt sáu nghìn rưởi vì sinh con thứ 5. (nguồn: dantri.com.vn 8 - 24 - 2006).
Những tên gọi quá dài hoặc có hình thức và nội dung mang ý nghĩa không đẹp như trên đã tác động tiêu cực đến quá trình hoạt động của những tên gọi. Trên thực tế, đã có nhiều người phải đổi tên thành những tên gọi khác đẹp hơn như Xuthành Trinh, Hàothành Đồng, Bạcthành Tiềnhoặc Ngân…
Việc thay đổi tên chính cũng đã được pháp luật cho phép và được ghi trong điều 29, Bộ Luật dân sự và theo quy định của mục 7, Điều 36, 37, 38 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 - 12 - 2005 của Chính phủ về đăng kí và quản lí hộ tịch.
Tóm lại, trong thành phần cấu tạo của tên chính người Việt, thành tố tên cá nhân đã và đang có sự biến động đáng kể hơn so với các yếu tố tên họ và tên đệm. Yếu tố này chịu sự tác động của các nhân tố lịch sử - xã hội nhiều hơn các yếu tố khác, vì chúng là thành phần thể hiện ý nghĩa phân biệt chủ yếu của toàn bộ tên gọi.
3. Với tư cách là một phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ phục vụ đắc lực cho đời sống xã hội. Ngược lại, các phương tiện ngôn ngữ cũng chịu sự tác động bởi cách nhân tố lịch sử - xã hội. Các tên riêng nói chung và tên riêng chỉ người trong tiếng Việt nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật tương tác giữa ngôn ngữ và xã hội. Tuy nhiên, sự tác động đó có phá vỡ cấu trúc tên gọi truyền thống hay không và có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống giao tiếp của cộng đồng người Việt? Đây vẫn còn là vấn đề khá nan giải, cần được các giới chuyên môn tiếp tục quan tâm.
Tài liệu tham khảo
1/ Đình Cao,Chung quanh chuyện người Việt mình đặt tên , T/c Ngôn ngữ & Đời sống, S 1 - 2, 2002.
2/ Dương Xuân Đống,Từ Thị trong họ tên người phụ nữ Việt Nam , T/c Ngôn ngữ & Đời sống, S 1 - 2, 2002.
3/ Dương Kỳ Đức,Văn hóa trong tên người Việt, Ngữ học trẻ ’98, Hội Ngôn ngữ học, H. 1998.
4/ Phạm Hoàng Gia,Về số phận của tên họ kép hay ghép của người Việt , T/c Ngôn ngữ & Đời sống, số 1, Hà Nội 1999.
5/ Lê Trung Hoa, Cách đặt tên chính của người Việt (Kinh), Trong “Tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc phía nam”, Nxb KHXH, H. 1992.
6/ Bình Long,Nghĩa tên riêng của người , Ngôn ngữ (số phụ), S. 2, 1989.
7/ Vị Nghĩa Thư Sinh, Lại bàn về tên người và cách gọi tên . T/c Ngôn ngữ & Đời sống, số 9, H. 2002.
8/ Nguyễn Kim Thản,Vài nét về tên người Việt, T/c Dân tộc học,nxb KHXH, S. 4, 1975.
9/ Phạm Thuận Thành,Việc chọn chữ lót cố định cho dòng họ có từ bao giờ. T/c Ngôn ngữ & Đời sống, số 1 - 2, 2002.
10/ Phạm Tất Thắng, Vài nhận xét về yếu tố “Đệm” trong tên gọi người Việt , Trong “Tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á” Nxb, Văn hóa Thông tin, 1996.
11/ Phạm Tất Thắng,Tên người và cách sử dụng chúng trong giao tiếp gia đình , Trong “ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình người Việt”, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1996.
12/ Phạm Tất Thắng,Các kiểu cấu trúc tên chính của người Việt , T/c Ngôn ngữ, số 11 - 2003.
13/ Trần Ngọc Thêm,Về lịch sử hiện tại và tương lai của tên riêng người Việt , T.c Dân tộc học, số 3, 1976.
14/ Nguyễn Thu Thủy, Những dấu hiệu xã hội trong tên người Việt, T/c Tiếng Việt, S. 1, 1992.
15/ Nguyễn Minh Tuyết,Quanh cái tên người , T/c Ngôn ngữ & Đời sống, số 1, Hà Nội, 1995.