Say mê máy phát điện
Kỹ sư Lê Minh Hồng là giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam. Năm 1976, ông tốt nghiệp khoa chế tạo máy Bưu điện, rồi về công tác tại phòng kỹ thuật Công ty công trình bưu điện.
Ông kể: “Năm 1994, tôi thường đi công tác tại nhiều tỉnh phía Bắc như ở Quảng Bạ, Hà Giang, thấy gió ở vùng này rất nhiều, bà con thường làm những chiếc chong chóng bằng tre, nứa rất to làm những chiếc sáo tre dùng sức gió để đuổi đàn chim, bảo vệ hoa màu. Từ đó, ý tưởng làm chiếc máy phát điện chạy bằng sức gió, bằng năng lượng tự nhiên, được hình thành dần…”.
Ông bắt tay vào làm, tự tìm đọc các loại sách, tài liệu kỹ thuật nói về máy điện chạy bằng sức gió, tự mua dây về cuốn môtơ, ghép nam châm, cánh quạt dùng bằng gỗ (gỗ thông dầu - loại gỗ nhẹ không cong vênh khi gặp mưa nắng). Các chi tiết máy đều dùng vật liệu sẵn có trong nước, chỉ có các loại tụ điện là mua hàng nước ngoài. Chiếc máy phát điện đầu tiên là chiếc quạt gió ra đời, công suất: 300W, đủ nguồn điện dùng cho một hộ gia đình thắp sáng, xem ti vi. Năm 1996, ông thành lập xưởng lắp ráp sản xuất quạt gió, mỗi tháng làm được 5 chiếc, công suất mỗi chiếc : 500W, nhóm ông tự tổ chức tiếp thị quảng cáo, bán sản phẩm đến tận các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Chế tạo được máy phát điện chạy bằng sức gió, nhưng vẫn không thuận tiện vì phụ thuộc vào gió, ông lại tiếp tục tìm đọc sách báo kỹ thuật, sáng chế thiết bị hộp kính thu ánh nắng mặt trời để biến thành dòng điện. Thú vị là ông ghép thiết bị quạt gió cùng với hộp kính thu hút ánh sáng cùng với nhau, nguồn điện năng sinh ra từ quạt gió và hộp kính, được dẫn vào bộ ắc quy tích điện và bộ đổi điện một chiều 12VDC, được chuyển thành điện xoay chiều dân dụng 220V. Cơ sở sản xuất của ông hiện đang sản xuất các loại thiết bị phát điện công suất từ 1kW đến 30kW.
Kỹ sư Lê Minh Hồng có nhiều sáng chế rất thú vị như: Dùng sức trâu kéo cày để biến thành dòng điện. Ông cho biết: “Ngày trước người nông dân ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ hay dùng con trâu ép mía kéo mật, người dân thường buộc một đầu dây vào con trâu, đầu kia buộc vào chiếc cối xay bằng đá (hoặc bằng gỗ) dùng để ép mía. Khi quất roi cho con trâu chạy vòng tròn, con trâu sẽ kéo chiếc cối đá xoay vòng. Từ công việc nhà nông này tôi đã nghiên cứu, thay chiếc cối đá ép mía thành chiếc đinamô phát điện”.
Bộ đinamô phát điện dùng sức trâu kéo cũng rất đơn giản gồm: 1 đinamô phát điện (công suất 1kW), 1 hộp số tăng tốc và ắc quy tích điện, dùng một con trâu kéo quay tròn đinamô liên tục trong 6 giờ, điện năng đủ dùng cho nhiều ngày (dùng để thắp sáng, xem tivi, chạy máy bơm nước). Đầu tư cho 1 bộ đinamô dùng sức trâu kéo vào khoảng trọn bộ: 5 triệu đồng.
Ông còn chế tạo ra bộ lưu điện quạt cây 50W, dùng cho các gia đình để phòng khi đột xuất mất điện. Bộ lưu điện chỉ gồm thiết bị nạp điện và bộ ắc quy tích điện nối với quạt cây hoặc đèn chiếu sáng. Nguồn điện này có thể sử dụng được thêm 10 tiếng đồng hồ. Giá sản phẩm này hiện nay đang bán ở cửa hàng là: 600.000đ/bộ.
Nguồn: KH&ĐS Số 36 Thứ Sáu 5/5/2006