Săn tìm các tiểu hành tinh nguy hiểm
Tìm kiếm tiểu hành tinh là một phần của dự luật uỷ quyền cho NASA tiến hành các hoạt động trong năm 2007 và 2008. Sau khi dự luật được ký, NASA có một năm để lập kế hoạch xác định 90% các tiểu hành tinh có tiềm năng đe doạ Trái đất trong vòng 15 năm tới. Những tiểu hành tinh này có kích thước tối thiểu là 140m.
- Giới hạn tối thiểu, vẫn còn lớn!
Được biết vào năm 1998, Quốc hội Mỹ đã buộc NASA bắt đầu tìm kiếm các tiểu hành tinh nguy hiểm, có kích thước trên 1km - công việc NASA hiện đang làm. Còn vào đầu những năm 1990, các chuyên gia săn tìm tiểu hành tinh đã đặt ra mục tiêu xác định các thiên thể có kích thước 1km bởi họ nghĩ có thể phát hiện ra hầu hết những thiên thể đó.
Tuy nhiên, với tốc độ khám phá hiện nay, NASA sẽ không hoàn thành được mục tiêu này. Tính tới ngày 21/12/2005, các nhà thiên văn đã xác định được 818 tiểu hành tinh có nguy cơ đe doạ Trái đất, với kích thước từ 1km trở lên. Mục tiêu là phát hiện 90% tổng số các thiên thể như thế vào năm 2008, nghĩa là cần phải xác định thêm khoảng 272 tiểu hành tinh nữa.
Tuy nhiên, vào năm 2003, uỷ ban tiểu hành tinh đã kết luận: các vụ va chạm ở mức huỷ diệt, do những tiểu hành tinh lớn gây ra, rất hiếm. Chúng chỉ chiếm 30% tổng nguy cơ mà tiểu hành tinh nói chung gây ra đối với con người trong thời kỳ dài. Những vụ va chạm nhỏ hơn có nguy cơ lớn hơn do chúng phổ biến hơn nhiều. Nguy cơ lớn nhất (53%) đến từ những vụ va chạm mà trong đó tiểu hành tinh có kích cỡ chưa tới 1km lao xuống biển, gây sóng thần. 17% còn lại là những vụ va chạm trên đất liền.
Sau khi cân nhắc nguy cơ và sự khó khăn trong việc dò các thiên thể bé, tiểu ban khuyến nghị cần xác định các tiểu hành tinh có kích cỡ ít nhất là 140m. Nguyên nhân là chúng chiếm 90% nguy cơ tiềm năng. Mặc dù vậy, giới hạn trên vẫn lớn hơn nhiều so với kích cỡ của tiểu hành tinh lớn nhất đã lao vào Trái đất trong lịch sử gần đây. Một thiên thể 60m đã san bằng hàng nghìn kilomet rừng khi nó nổ tung trên bầu trời vùng Tunguska của Siberia vào năm 1908.
- Cần phải nhỏ hơn nữa
Theo dõi các thiên thể nhỏ hơn và mờ nhạt hơn đòi hỏi phải có các kính thiên văn khảo sát thế hệ mới. Ứng cử viên hàng đầu là Pan-Starrs, một dãy gồm 4 kính thiên văn có đường kính 1,8m, với góc rộng mà ĐH Hawaii đang chế tạo dưới sự tài trợ của Lầu Năm Góc. Mỗi kính sẽ có những thiết bị dò với độ phân giải 1,4 tỷ pixel, làm cho chúng trở thành những chiếc camera số lớn nhất thế giới. Chiếc kính thiên văn đầu tiên sẽ được thử nghiệm vào đầu năm 2006.
Một công cụ nữa để săn tìm tiểu hành tinh và khảo sát bầu trời là Kính thiên văn khảo sát Large Synoptic, đường kính 8,4 m. Kính sẽ được hoàn tất vào năm 2012 với sự tài trợ của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ. Don Yeomans thuộc Phòng thí nghiệm động cơ phản lực nói: ""Chúng ta cần áp lực từ trên xuống để xác định những tiểu hành tinh nhỏ hơn nữa"". Tuy nhiên ông cũng khuyến cáo rằng mục tiêu 140m do Quốc hội đặt ra sẽ khó đạt được bởi Pan-Starrs được thiết kế để phát hiện những vật thể có đường kính 300m.
Brian Marsden, Giám đốc Trung tâm hành tinh nhỏ thuộc Trung tâm Vật lý thiên thể Harvard-Smithsonian, cho biết Pan-Starrs sẽ khảo sát một phần bầu trời với tần suất 4 ngày/lần. Điều đó có nghĩa là nó dễ dàng bỏ qua những thiên thể di chuyển nhanh khi chúng ở gần Trái đất nhất.
Nguồn: vnn.vn 24/12/2005