Sản phẩm khoa học mang “Tư duy đột phá”
Được thành lập từ tháng 2/2010, nhưng cho đến nay STDe đã nghiên cứu và liên tục công bố 15 bộ sản phẩm du lịch mang “Tư duy đột phá”, xóa bỏ những rào cản về nhận thức về tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, TS.Nguyễn Thu Hạnh – Chủ tịch STDe chia sẻ.
Trao đổi với vusta.vn, TS Hạnh cho biết, STDe đã trở thành một cái tên, một hình ảnh, một ấn tượng hấp dẫn trong giới truyền thông. Theo thống kê hiện tại, đã có khoảng 90 bài báo và 30 video truyền hình tuyên truyền cho các sản phẩm mang tư duy đột phá của STDe.
Tuy nhiên, theo TS Hạnh, nhiều dự án nghiên cứu của STDe khi công bố đã bị rơi vào tranh cãi, đả kích, thậm chí “ném đá”, cho là những tư duy điên rồ, viển vông, xa rời thực tế.
Hiện nay doanh nghiệp chính là nhân tố chính để hình thành nên thị trường tiêu thụ các ý tưởng sáng tạo của STDe còn chưa “mặn mà” với các nhà nghiên cứu khoa học mang tư duy đột phá. Đối với doanh nghiệp, tư duy ăn sẵn, dựa nhiều vào việc khai thác “tài nguyên thô” cùng với tầm nhìn ngắn hạn, đã làm cho họ hầu như không quan tâm đến các nghiên cứu khoa học giàu chất sáng tạo của STDe, TS Hạnh cho biết.
Mặt khác, giá thành các sản phẩm nghiên cứu nói chung và nghiên cứu theo “tư duy đột phá” nói riêng, rất khó định giá vì đây là sản phẩm trí tuệ vô hình. Các ý tưởng khoa học rất dễ bị đánh cắp, chưa có công cụ bảo hộ hữu hiệu cho quyền sử hữu trí tuệ của các nhà khoa học, những điều này cũng là một trong các nguyên nhân đã trở thành rào cản lớn trong việc hình thành nên thị trường sử dụng sản phẩm nghiên cứu mang “Tư duy đột phá”.
Khi chúng tôi hỏi: “Trong 15 bộ sản phẩm du lịch mang “Tư duy đột phá”, TS có thể cho biết những sản phẩm nào được đánh giá cao nhất”. Trả lời, TS.Nguyễn Thu Hạnh cho biết: “Trước tiên là Dự án “Biến mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch”. Đây là dự án thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các giải pháp “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó.
“Khách sạn bóng đêm” – Ý tưởng đột phá của sản phẩm du lịch Giờ trái đất (Ảnh internet)
Ý tưởng độc đáo của dự án này chính là xem những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, bão, lụt là tài nguyên du lịch. Dự án đưa ra những ý tưởng cụ thể gắn với từng loại hình thời tiết khắc nghiệt. Từ mưa Huế, đến bão ở Đà Nẵng, lụt ở Hội An, tất cả đều được xâu chuỗi thành một hệ thống các sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt.
"Các loại hình du lịch khi được triển khai sẽ khẳng định phong cách sống mềm dẻo, thuận theo tự nhiên của người dân vùng biển miền Trung, nâng cao hiểu biết của khách du lịch về các giác trị di sản văn hóa hữu hình và vô hình của các thành phố du lịch", TS. KTS Nguyễn Thu Hạnh chia sẻ.
Theo đó, nhiều loại hình nghệ thuật có thể trở thành sản phẩm du lịch trong khung cảnh trời mưa ở Huế. Thưởng trà cung đình Huế, chơi và nghe đàn chủ đề mưa, ngắm mưa, thiền mưa, thưởng thức các món ăn Huế ngày mưa, tự làm đồ lưu niệm trong thời gian mưa lụt... là những đề xuất đơn giản nhưng sáng tạo. Bên cạnh các sản phẩm du lịch tổ chức trong nhà, các sản phẩm du lịch ngoài trời như xem múa rối nước, đua xe và lội nước trong ngày lụt, thả đèn hoa đăng, bơi thuyền, câu cá... cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được đối tượng khách là thanh, thiếu niên thích khám phá, mạo hiểm.
Tiếp đến là Dự án “Mô hình khách sạn “Bóng đêm” là mô hình khách sạn tiết kiếm năng lượng điện ở mức tối thiểu, nhân viên trong khách sạn 80% là người khiếm thị, hoạt động chính của khách sạn là những trải nghiệm trong bóng tối như: cảm giác ăn, uống và sinh hoạt, giải trí trong điều kiện “tranh tối, tranh sáng” hoặc tối hoàn toàn... “Khách sạn bóng đêm” sẽ mang lại những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn và đặc biệt khó quên cho du khách.
Theo TS Hạnh, người khiếm thị tuy hạn chế về thị giác nhưng các giác quan khác như thính giác, khứu giác, xúc giác... rất nhạy bén, họ đi lại trong bóng tối tốt hơn bình thường và có khả năng chơi đàn, làm thơ hay. Các hoạt động tại khách sạn bóng đêm có sự tham gia của người khiếm thị sẽ làm cho khách sạn hấp dẫn, phong phú hơn.
Rồi Dự án “Sản phẩm du lịch từ Rơm Đường Lâm”, với ý tưởng làm sản phẩm du lịch tại các làng quê có tiềm năng du lịch như Đường Lâm là rất khả thi vì rơm là một vật liệu có sẵn với trữ lượng dồi dào, đặc biệt là vào mùa gặt. Sợi rơm có màu sắc đẹp tự nhiên, màu sắc khá đa dạng, có thể liên kết linh hoạt để chế tác thành nhiều dạng sản phẩm du lịch khác nhau , từ đồ lưu niệm nhỏ cho đến các hình thù trang trí với kích thước lớn tạo cảnh quan trên cánh đồng hoặc đường làng.
Sản phẩm du lịch từ Rơm Đường Lâm (Ảnhinternet)
Rơm cũng có thể trở thành vật liệu để xây dựng những nhà nghỉ đặc biệt hấp dẫn, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Rơm là chất xúc tác để tạo nên nhiều món ăn ngon, mà chỉ nông thôn mới có. Do giá thành đầu tư rẻ, lại chỉ đòi hỏi tay nghề thủ công (hầu như ai cũng có thể làm được) nên sản phẩm du lịch từ rơm dễ phát triển ở quy mô rộng theo mô hình các làng nghề thủ công. Mặt khác tính mới lạ từ các sản phẩm rơm không phải là nhỏ nếu chúng ta đầu tư mẫu mã đẹp và đa dạng hóa chức năng sử dụng của chúng để rơm có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động du lịch nông thôn.
Ngoài ra còn giúp người dân làng cổ Đường Lâm khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch và giảm thiểu được việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả hơn các giá trị của cánh đồng.
Dự án “Sản phẩm Du lịch từ gió Bạc Liêu”, với dự án này chúng tôi đã giúp cho nhà máy điện gió Bạc Liêu có một hướng mới để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ gió, tạo thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”.
Với các sản phẩm khoa học mang “Tư duy đột phá” là niềm tự hào, là thương hiệu của STDe nhưng nó vẫn chưa lan tỏa được mạnh trong thực tế vì nhiều rào cản từ điều kiện kinh tế xã hội tại Việt Nam, TS Hạnh cho biết.