Sản phẩm công nghệ cao về cắt gọt
Trần Thái Bình cho biết, qua nghiên cứu thực tế, Bình và nhóm sinh viên nhận thấy hiện nay các thiết bị công nghệ cao ứng dụng nguyên lý Stewart-Gough (6 động cơ tuyến tính được chia thành 3 cặp sắp xếp trên 1 đường tròn, mỗi cặp nằm ở đỉnh của 1 tam giác, cách nhau 120 độ) ở nước ta ít có đề tài nghiên cứu và thực hiện, trong khi đó nguyên lý này có rất nhiều ứng dụng quan trọng như: gia công cắt gọt, robot phẫu thuật dùng trong y tế, thiên văn học… trên thế giới. Vì vậy trong thời gian 3 tháng, nhóm quyết định chọn đề tài này làm đồ án tốt nghiệp.
Sản phẩm dựa trên nguyên lý Stewart-Gough gồm 6 cánh tay robot kết nối với 1 bệ cố định và 1 bệ di động. Khi 6 cánh tay này thay đổi chiều dài thì bệ di động sẽ di chuyển theo quỹ đạo đã lập trình sẵn. Trên bệ di động có 1 động cơ kết nối với ổ dao, khi động cơ quay truyền động cho dao quay để tạo ra những chuyển động cắt trên bề mặt tấm phôi bằng mica hoặc những vật liệu mà chúng ta mong muốn. Robot chạy bằng phần mềm được viết trên nền visual studio 12.0 và sử dụng mã G - code để lập trình (lập trình từng câu lệnh cho máy CNC, mà các loại máy phay, tiện khác không sử dụng được).
Với thiết kế đó, máy có thể gia công những chi tiết có hình dạng phức tạp, hình dạng 3D mà máy phay thông thường không làm được như quỹ đạo tròn, phay hình cầu, phay hình ngôi sao... với độ chính xác khá cao.
Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật nhận xét: “Hội đồng đánh giá rất cao sản phẩm này vì dù chỉ là một đề tài cấp sinh viên nhưng có thể tính ứng dụng rất cao, đem lại hiệu quả trên nhiều bề mặt. Đề tài nhận được sự đồng thuận với điểm số cao nhất là 9,65”.