Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
Chương 2 là nơi tác giả dẫn chứng những bằng chứng khoa học về não bộ để nói lên một điều, não bộ con người rất dễ bị ảnh hưởng và thay đổi từ môi trường sống. Trong chương 3, tác giả dẫn chứng trong quá khứ, những đột phá về công nghệ như bản đồ hay đồng hồ đã thay đổi cách tư duy, cách sống hay nền văn hóa của chúng ta thế nào. Chương 4, tác giả bàn về việc sách, một công cụ truyền tải khác, đã biến đổi ngôn ngữ của con người ra sao. Trong chương 5, tác giả quay lại đề cập đến việc Internet thực sự đang làm gì bộ não của chúng ta. Chương 6 là các phát minh mới đang biến đổi sách giấy thế nào. Chương 7 : Bằng chứng khoa học về não bộ con người biến đổi trên môi trường Internet. Chương 8 bàn về một tập đoàn như Google đã thiết kế, biến đổi môi trường Internet cho phù hợp với mô hình kinh doanh của họ, và việc đó ảnh hưởng thế nào đến chúng ta. Chương 9, tác giả đưa ra mối lo ngại của việc con người đang outsource những điều rất quan trọng của mình cho công nghệ, máy móc và dần trở nên vô cảm. Chương 10 là cảnh báo về một tương lai phụ thuộc thái quá vào công nghệ của con người.
Tóm tắt “Trí tuệ giả tạo”
Dẫn nhập :
- Về lâu về dài, nội dung sẽ ít quan trọng hơn bản chất của phương tiện truyền tải trong việc ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ và hành động
- Mọi công cụ, phương tiện đều thay đổi chúng ta, dù ít dù nhiều.
- Nội dung thực ra chỉ là một “miếng thịt mà tên trộm dùng để đánh lạc hướng chú chó canh nhà mà thôi”.
Chương 1 :
- Internet đang khiến kiểu tâm trí cũ “bình thản, tập trung, tuyến tính” tồn tại suốt hơn 500 năm qua trở nên lỗi thời.
- Nó cũng tạo nên một cách tư duy mới phù hợp hơn “nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn”
Chương 2 :
- Trái với quan diểm não bộ của người trưởng thành không thể thay đổi, não bộ của chúng ta thực chất rất mềm dẻo, thậm chí siêu mềm dẻo.
- Các neuron liên tục phá vỡ kết nối cũ và tạo ra kết nối mới.
- Não bộ có tính mềm dẻo, nhưng không có nghĩa là đàn hồi. Khi não chuyển sang trạng thái mới, trạng thái cũ sẽ mất đi. Và chẳng ai dám chắc trạng thái mới là trạng thái ta mong đợi.
- Cách chúng ta suy nghĩ và hành động không phụ thuộc hết vào gene cũng như trải nghiệm thời thơ ấu. Ta thay đổi cách suy nghĩ thông qua cách chúng ta sống, hay theo Nietzsche, thông qua công cụ chúng ta sử dụng.
Chương 3 :
- Các công cụ đã ra đời và biến đổi cách thức tư duy của chúng ta. Bản đồ tạo nên tư duy trừu tượng. Đồng hồ tạo nên con người đề cao hiệu năng làm việc, tính cá nhân và tư duy khoa học (đo đạc).
- Những công cụ giúp con người tăng cường khả năng tư duy và nhận thức luôn là người bạn thân thiết của con người. Con người coi chúng như bạn bè, và chịu ảnh hưởng từ chúng nhiều nhất.
- Chúng ta không chọn lựa được việc có sử dụng công nghệ hay không, nó cứ thế diễn ra, và cứ thế thay đổi cách chúng ta sống.
Chương 4 :
- Lịch sử phát triển của sách luôn gắn liền với lịch sử phát triển của ngôn ngữ loài người
- Cách sống của thời truyền miệng tạo nên một tâm trí thiên về diễn xướng, diễn thuyết, tranh luận. Các con chữ của thời kỳ này liền tù tì với nhau, không ngắt nghỉ, không chấm phẩy.
- Đọc sách luôn là đọc thành tiếng. Ngồi im lặng chăm chú đọc sách là một điều gì đó bất thường
- Bản năng sinh tồn của con người có thiên hướng muốn nắm bắt thông tin từ môi trường quanh mình một cách nhanh chóng. Để tạo nên thói quen đọc sách như ngày nay là một quá trình con người đào tạo tâm trí của mình, đi ngược bản năng tự nhiên.
Chương 5 :
- Máy tính, rồi Internet dần trở thành phương tiện đa năng và duy nhất, thay thế chức năng toàn bộ các công cụ trước đó.
- “Phương tiện mới chẳng bao giờ để phương tiện cũ được yên, nó luôn tìm cách lật đổ cái cũ cho đến khi nó leo lên được vị trí thống trị thì thôi”.
- Chức năng của Internet : cắt nhỏ, phân mảnh thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng của người dùng. Con người đánh đổi lại bằng khả năng tập trung và tư duy ngày càng rời rạc, thiếu tính hệ thống của mình.
Chương 6 :
- Cứ mỗi khi một phương tiện truyền thông mới ra đời, chúng ta lại đều dự đoán về cái chết của sách in. Nhưng sách in vẫn kháng cự tốt đẹp cho đến tận thời của Internet.
- Thế nhưng việc ra đời của những thiết bị như Kindle hay tablet đang đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của sách giấy.
- Cuối cùng con người đọc sách chẳng khác đọc báo hay tạp chí là bao : chỗ này một tí, chỗ kia một tẹo.
Chương 7 :
- Vấn đề lớn nhất của việc có quá nhiều siêu liên kết : con người mất rất nhiều năng lực của não để đánh giá mức độ liên quan và hữu ích của các siêu liên kết, và chẳng còn nhiều năng lượng cho mục đích chính của việc đọc : diễn giải ý tưởng.
- Ẩn dụ về đọc trên môi trường Internet : cố gắng đọc 1 quyển sách trong khi cũng vừa cố gắng giải trò chơi ô chữ.
- Quá quen với việc thấy được sự trù phú của thông tin bày ra trước mắt trên Internet, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái thèm, đói thông tin nếu rời xa môi trường Internet.
- Không được thu nhận thêm thông tin, con người rơi vào trạng thái trầm cảm, mất kết nối hay cô đơn.
Chương 8 :
- Google, công ty Internet lớn nhất thế giới, đang cố gắng phân mảnh thông tin tối đa, muốn con người online càng lâu càng tốt để xác suất con người thấy/click quảng cáo càng cao
- “Những bộ não tốt nhất của thế hệ chúng tôi chỉ chăm chăm làm mỗi nhiệm vụ là nghĩ ra những phương thức mới dụ dỗ người dùng click quảng cáo càng nhiều càng tốt”
- Google, vốn theo chủ nghĩa Taylor, coi não bộ con người như một máy tính; coi sự khác biệt trong cách thức tư duy là một lỗi lập trình và cần một thuật toán tốt hơn.
Chương 9 :
- Việc ghi nhớ của con người thời nay chỉ đơn thuần là ghi nhớ địa chỉ web, nơi mà truy cập vào đó, họ sẽ lấy lại được toàn bộ thông tin mình cần một cách nhanh chóng.
- Sự giàu có về sự kết nối trong các neuron, vốn là nền tảng của trí thông minh, khả năng tư duy, trí sáng tạo và dự đoán tương lai nay được thay thế bằng sự giàu có trong việc sưu tập các đường link trên Internet.
- Bằng việc oursource trí nhớ ra những tấm silicon vô tri, chúng ta đang trên con đường giải phóng bộ não khỏi chức năng thừa thãi là ghi nhớ và tự do để làm những tác vụ sáng tạo khác, hay đang trên con đường tiến tới hình thành một con người không có ký ức, cảm xúc, sự đồng cảm?
Chương 10 :
- “Con đường dễ dàng không phải bao giờ cũng là con đường tốt, thậm chí có thể dẫn đến diệt vong. Nhưng con đường dễ dàng sẽ luôn là con đường mà công cụ khuyến khích chúng ta đi theo”.
- “Chúng ta biến đổi công cụ, và rồi sau đó chúng biến đổi lại chúng ta”. Biết đâu đến một ngày, chúng ta sẽ trở thành tù nhân của công cụ?