Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 25/10/2006 14:06 (GMT+7)

Rác thải ở Việt Nam sẽ được xử lý bằng “công nghệ tiên tiến nhất”

Sau đây là cuộc phỏng vấn ông David Dương, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty California Waste Solutions:


Một điển hình về tinh thần đoàn kết


- Theo tôi được biết, vừa qua, thay vì phải đóng cửa nhà máy tại thành phố San Jose, Công ty California Waste Solutions (CWS) của ông đã lật ngược ván cờ, thoát khỏi tình thế hiểm nghèo bằng việc trúng thầu hợp đồng chế biến rác lớn ở thành phố này. Nhưng dường như, chiến thắng đó có ý nghĩa lớn hơn cả lợi ích về kinh tế?


- Norcal là công ty thu gom xử lý rác lâu đời tại thành phố San Francisco và là công ty rác lớn thứ tư tại Mỹ. Họ đã lợi dụng quyền công ty mẹ có hợp đồng trực tiếp với thành phố San Jose (CWS là công ty có hợp đồng phụ đến tháng 6.2007 sẽ hết hạn), để gây khó dễ, nhằm mục đích loại bỏ tư thế đấu thầu trực tiếp với thành phố của CWS vào tháng 8.2006 cho một hợp đồng mới. Chúng tôi đã vận động được toàn thể cộng đồng người Việt sống tại San Jose để đòi lại công bằng và giành thắng lợi. Hội đồng thành phố San Jose đã chọn chúng tôi là đơn vị thắng thầu thu gom và chế biến rác. Hợp đồng này có hiệu lực trong sáu năm, từ 2007 đến 2013 và hai năm gia hạn tiếp tục cho đến năm 2015 trên hai khu vực A và C với khoảng 80% số hộ dân của thành phố. CWS giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu 10/10 trong cuộc bầu chọn này.


Chiến thắng này không chỉ của riêng tôi. Sâu xa hơn, đây chính là sự biểu lộ sức mạnh của cộng đồng Việt Namở thành phố San Jose . Sự đấu tranh công khai của tôi đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo cộng đồng người Việt.


Hơn nữa, chúng tôi không thể thua. Vì như thế, sẽ làm mất “chỗ đứng” của cộng đồng hơn 100.000 người Việt ở San Jose .


700 thành 3 triệu


- Cái "nghiệp rác" "dính" vào ông từ khi nào?

- Năm 1979, 21 tuổi, tôi theo gia đình sang định cư tại bang California, nước Mỹ. Tiếng Anh còn bập bõm, cả gia đình 16 người chẳng biết làm gì để sống. Ba tôi đã phải rất vất vả đi tìm việc cho từng người. Rồi mỗi người tìm được một nghề: Phụ bán mì, dọn phòng... Còn ba tôi, hồi ở Sài Gòn, ông đã làm nghề thu gom, xử lý phế liệu và sản xuất giấy.


Tối tối, gia đình tôi thường vào trung tâm thành phố San Francisco . Ba tôi phát hiện ra người dân thường đổ rác ra đường. Trong đó, có rất nhiều phế liệu và giấy có thể tái chế. Ông nghĩ, Việt Nam lúc ấy còn nghèo mà đã có nghề thu gom, xử lý phế liệu, thì ở xứ Mỹ, chắc chắn cũng phải có việc đó. Thế là, cả gia đình tôi chia nhau, mỗi người lên một tuyến xe buýt đi tìm xem chỗ nào thu mua phế liệu. Hôm sau, mẹ tôi là người phát hiện ra một kho rác rất lớn. Tôi nhớ rất rõ, cả gia đình lên chiếc xe buýt số 16 đến nơi. Đó là một nhà máy chuyên thu gom và bán nguyên liệu tái chế. Về nhà, ba tôi tập trung gia đình được 700 USD và mua một chiếc xe tải nhỏ. Từ đó, ai đi học, đi làm, cứ đi. Còn ai rảnh thì luân phiên nhau lái xe tải đi thu gom những phế liệu có thể bán. Sau hai năm, gia đình chúng tôi đã phát triển lên thành chín xe tải. Ba tôi quyết định thuê một cái kho để trữ và bán sau.


Đến năm 1983, thấy số lượng phế liệu thu gom được ngày càng nhiều nên ba tôi nghĩ tới việc sang một số nước châu Á tìm nguồn có thể bán trực tiếp. Ông tìm được một số bạn hàng theo mối quan hệ từ ngày còn ở Việt Nam . Công việc tiến triển theo đà thuận lợi, chúng tôi mua được một nhà kho lớn và thành lập nhà máy xử lý phế liệu. Gia đình tôi phải phân công người đi thu gom, người làm việc tại nhà kho. Cũng lúc đó, thấy nhiều người Việt sang chưa có công ăn việc làm, ba tôi đã hướng dẫn cho họ mua xe tải, đi thu gom phế liệu và bán cho chúng tôi. Những người không có vốn được ba tôi cho mượn.


Sáu năm sau, tại khu vực vùng vịnh San Francisco đã có tới hơn 80 xe tải của người Việt chuyên đi thu gom phế liệu với số lượng khoảng 6.000 tấn/tháng.


Cũng năm đó, một bước ngoặt lớn đã đến. Một công ty chuyên thu gom, xử lý chất thải lớn thứ tư ở Mỹ là công ty Norcal đã điều đình để mua lại nhà máy của gia đình tôi. Thấy giá tốt, tới 3 triệu USD, ba tôi quyết định bán. Không còn nhà máy riêng nhưng tôi được họ mời làm tổng quản lý sáu nhà máy thu gom, xử lý, làm phân vi sinh. Tới năm 1991, nhận thấy đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nghề tôi quyết định nghỉ làm. Năm 1992, cùng với ba thành viên trong gia đình, tôi đứng ra thành lập Công ty California Waste Solutions.


Hiện nay, công ty của tôi có một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật và kỹ sư nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng nhà máy xử lý rác và bãi chôn lấp hợp vệ sinh cùng 320 nhân viên công đoàn (ở Mỹ, nhân viên được chia làm hai loại, nhân viên công đoàn và nhân viên thường. Đối với nhân viên công đoàn, doanh nghiệp phải trả lương gấp đôi nhân viên thường), bốn nhà máy phân loại, tái chế rác với công suất xấp xỉ 5,5 nghìn tấn/ngày. Đặc biệt, trong đó có một nhà máy phục vụ thung lũng Silicon nổi tiếng thế giới. Tổng doanh thu hằng năm của chúng tôi khoảng 36 triệu USD, trong đó, doanh thu từ rác tái chế khoảng 25 triệu USD. Ngoài dự án tại Tp Hồ Chí Minh, chúng tôi còn đầu tư tại Philippines một dự án chôn lấp và xử lý rác hợp vệ sinh.


Ý tưởng từ chuyến thăm quê


- Sao ông lại nghĩ tới việc xây dựng khu liên hiệp xử lý chất thải rắn tại Tp Hồ Chí Minh?


- Mặc dù xa quê hương, nhưng tôi vẫn đều đặn theo dõi tình hình đất nước qua báo chí. Tôi rất mừng vì từ năm 1988, Chính phủ mình đã có những động thái lớn nhằm mở cửa hội nhập với thế giới. Năm 1989, lần đầu tiên tôi về Việt Nam . Lúc ấy, tôi là đại diện của đoàn dân biểu bang California .


Đến năm 1994, tôi được cử tiếp đoàn đại biểu đầu tiên của Tp Hồ Chí Minh sang Mỹ do ông Phạm Chính Trực, Phó chủ tịch UBND dẫn đầu. Từ chuyến về thăm quê hương, từ chuyến tiếp đoàn đại biểu Tp Hồ Chí Minh và việc thường xuyên theo dõi tình hình đất nước, tôi nghĩ, các chính sách đã cởi mở, mình phải về góp phần xây dựng quê hương. Anh em, bạn bè bên Mỹ đã về giúp quê hương bằng nhiều ngành nghề nhưng chưa có ai tham gia vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại sao mình không đem kinh nghiệm và dàn chuyên viên của công ty về giúp TP Hồ Chí Minh giải quyết vấn đề rác thải?


Năm 1994, tôi đã đưa một đoàn chuyên viên về khảo sát Hà Nội, Hải Phòng và Tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khi đó, vấn đề môi trường chưa được các cơ quan chức năng quan tâm nhiều. Đến năm 2003, đoàn UBND Tp Hồ Chí Minh do Phó Chủ tịch Mai Quốc Bình dẫn đầu đã sang Mỹ và có chuyến thăm công ty tôi. Đoàn có nhã ý mời chúng tôi về đầu tư bảo vệ môi trường tại Tp Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi đã quyết định thực hiện một dự án lớn nhằm giải quyết vấn đề môi trường cho thành phố với hy vọng sẽ là mô hình cho quê hương mình.


- Lúc đó ông có nghiên cứu công nghệ xử lý rác ở Việt Nam ?


- Theo tôi biết, thời gian đó, đã có một số ít doanh nghiệp Việt Nam phân loại rác hữu cơ để làm phân vi sinh. Tuy nhiên, phần lớn vẫn xử lý rác bằng cách đem chôn. Việc này đòi hỏi một kỹ thuật cao và tiên tiến. Nếu không thực hiện đúng tầm sẽ gây ra tốn kém và nguy cơ làm tổn hại môi trường lâu dài. Những đô thị lớn như Tp Hồ Chí Minh cần phải có một khu liên hợp xử lý chất thải rắn khép kín.


- Dự án xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn của ông trị giá tới 90 triệu USD, một số tiền rất lớn! Ông có quá "phiêu lưu”?


- Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua. Các chính sách, luật, cơ sở hạ tầng đã thay đổi nhiều theo hướng mở cửa hòa nhập với sự phát triển kinh tế của thế giới, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là mối quan hệ cấp cao Việt-Mỹ đang được đẩy lên một tầm cao mới đã trở thành tín hiệu tốt đối với chúng tôi nói riêng và đối với các công ty người Mỹ nói chung.


- Khi thực hiện dự án, ông có xét tới hiệu quả kinh tế?


- Làm kinh doanh, ai chẳng nghĩ tới hiệu quả kinh tế. Nhưng tôi đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam , với ý định góp phần làm sạch và tốt hơn cho môi trường của đất nước nên khi thực hiện dự án, tôi đặt lợi nhuận xuống hàng thứ yếu. Tôi nói cụ thể cho anh nghe nhé. Tại Mỹ, tôi chỉ làm công việc phân loại, xử lý và bán nguyên liệu tái chế. Mà rác ở Mỹ có tới 60-70% là thành phần vô cơ. Vì thế, số lượng nguyên liệu tái chế có thể bán thu được rất lớn và thời gian quay vòng rác chỉ là hôm trước nhận, hôm sau xuất. Đó còn chưa kể, khi thu rác, tôi nhận được 120 USD/ tấn . Còn ở Việt Nam , dự kiến chúng tôi chỉ thu 16,4 USD/tấn. Trong khi đó, 60-70% rác tại đây lại là hữu cơ. Điều đó có nghĩa, số lượng nguyên liệu tái chế không có nhiều và thời gian xử lý để ra phân vi sinh lên tới 2-3 tháng, mà giá bán phân vi sinh không bằng giá bán phế liệu.


Dự án xử lý chất thải hiện đại nhất Việt Nam


- Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong dịp đi thăm và làm việc tại Mỹ, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh của ông đã được Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải đặc biệt quan tâm. Với thuận lợi đó, ông sẽ triển khai dự án như thế nào?


- Theo kế hoạch, tháng 3.2007, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước sẽ đi vào hoạt động. Khu liên hợp này sẽ gồm một nhà máy phân loại rác, tái sinh tái chế, một nhà máy sản xuất phân vi sinh compost và bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh. Các nhà máy này hoạt động đồng bộ nhằm giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp. Có thể hình dung quy trình hoạt động của khu liên hợp này như sau: trước tiên, rác đi qua nhà máy phân loại, được tách lọc những vật liệu có thể tái chế được như nhựa, bao nylon, kim loại, giấy. Trong tương lai, những vật liệu này sẽ được tái chế thành vật liệu xây dựng. Các chất hữu cơ trong rác thải sau đó sẽ được tách ra để sản xuất phân bón. Các chất còn lại sẽ được đem chôn tại bãi chôn
lấp. Khu liên hợp có khả năng xử lý 3.000 tấn rác/ngày.


Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp Hồ Chí Minh, như vậy, mỗi ngày, khu xử lý rác của chúng tôi sẽ "ngốn" hơn nửa lượng rác của thành phố (khoảng 5.000 tấn rác/ngày). Đặc biệt, bãi chôn lấp được thiết kế theo công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ, đáp ứng tối đa tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Khi rác bắt đầu phân hủy, nó sẽ tạo ra hai chất phụ có hại cho sức khỏe, đó là nước thải (còn gọi là nước rỉ rác) và khí gas (metal). Bãi chôn lấp được thiết kế có hệ thống thu hồi và xử lý hai chất phụ này với hiệu quả cao nhất để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Nước rỉ rác sẽ được xử lý theo công nghệ kết hợp giữa hóa học và sinh học. Còn khí metal sẽ được dùng để sản xuất điện cung cấp cho cả khu liên hợp.

Với nguyện vọng và tâm huyết của một Việt kiều sống tại Mỹ, tôi rất hãnh diện và tự hào được đóng góp cho đồng bào và quê hương tôi bằng tất cả kinh nghiệm và kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường, lĩnh vực xử lý chất thải rắn ở xứ người!


- Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Quân đội nhân dân

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.