Ra mắt cuốn sách “Tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”
Cuốn sách tổng hợp các tư liệu chứng minh chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam của các tác giả Trần Đức Anh Sơn (chủ biên), Võ Văn Hoàng, Nguyễn Nhã, Trần Văn Quyến và Trần Thắng, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2014.
Cuốn sách tổng hợp các tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Phần thứ nhất viết về “Quá trình chiếm hữu, xác lập, thực thi chủ quyền và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, Chương 1 nêu quá trình chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tại chương này đã nêu rõ các vấn đề mà rất nhiều người quan tâm như: Tên gọi, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên quần đảo Hoàng Sa; Quá trình chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa; Tổ chức quản lý hành chính của của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp theo, chương 2 với tiêu đề “Tranh chấp chủ quyền và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”. Chương này đã nêu rõ theo tiến trình thời gian chia như sau: Thời kỳ 1884 – 1954, Thời kỳ 1954 – 1975, Thời kỳ từ 1975 đến nay
Phần thứ 2, nêu đậm tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tại Chương 1 với tiêu đề “Thư tịch cổ Việt Nam chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” nêu rõ: “Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Lê - Trịnh, chúa Nguyễn và Tây Sơn (thế kỷ XVII - XVIII); Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Nguyễn (thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX)
Sang đến chương 2 với vấn đề “Thư tịch cổ nước ngoài chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” các tác giả làm rõ: Hoàng Sa trong thư tịch cổ phương Tây (thế kỷ XVI - XIX), Hoàng Sa trong thư tịch cổ Trung Quốc (thế kỷ XVII - XIX)
Chương 3, cuốn sách làm rõ “Tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa” với các thời đoạn: Tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc (1884 - 1954) ; Tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thời Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975)
Tại Chương 4, các tác giả đã công bố nhiều “tư liệu bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” với những phân loại rõ rang như: Bản đồ cổ Việt Nam chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Bản đồ cổ phương Tây chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Bản đồ cổ Trung Quốc chứng minh quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Bản đồ cổ Trung Quốc do phương Tây xuất bản chứng minh quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc ”.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (chủ biên cuốn sách Tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa), sinh năm 1967 tại Huế. Tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, chuyên ngành Dân tộc học, trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1989. Tốt nghiệp tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học, trường Đại học KHXH và NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2002.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Nguyên trưởng khoa Việt Nam học trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam). Hiện là phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng.
Đã xuất bản:
* Phong vị xứ Huế (với Lê Hòa Chi) (song ngữ Anh - Việt), Nxb Thuận Hóa, 1991; tái bản: 1995, 1997, 2003.
* Cố đô Huế. Đẹp và Thơ (Viết chung), Nxb Thuận Hóa, 1992; tái bản: 1993, 1996, 1998, 2001, 2002.
* Đồ sứ men lam Huế. Những trao đổi học thuật (Chủ biên), Nxb Thuận Hóa, 1997.
* Từ kinh đô Trà Kiệu đến cố đô Huế, Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế xuất bản, 1997.
* Huế - Triều Nguyễn. Một cái nhìn, Nxb Thuận Hóa, 2004; Nxb VHTT tái bản, 2008.
* Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (song ngữ Việt - Anh), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
* Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008; Nxb VHTT tái bản năm 2011.
* Rong ruổi thực lục, Nxb Lao động, 2008; Nxb Văn hóa Văn nghệ tái bản, 2013.
* Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2014.
* Hoàng Sa - Trường Sa. Tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế (Chủ biên), Nxb Hội nhà văn, 2014.