Ra mắt cuốn “Học giả Đào Duy Anh”: Khắc họa một trí thức trọn đời với văn hóa dân tộc
GS Phan Ngọc nhận định: "Đào Duy Anh là học giả lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX và có uy tín quốc tế. Ông là người thực sự mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam theo quan điểm duy vật… Có thể nói, không một người nào trong nước hay ngoài nước nghiên cứu văn hóa, xã hội, lịch sử Việt Nam mà lại không đọc những công trình của ông, thậm chí không dựa vào những kiến giải của ông để làm việc”.
Là thế hệ hậu sinh, chưa một lần được gặp gỡ, trò chuyện với GS Đào Duy Anh nhưng bằng lòng ngưỡng mộ và kính trọng một bậc học giả đã dành trọn đời mình cho đất nước, cho văn hóa dân tộc, hai nhà nghiên cứu Lê Xuân Kiêu và Kiều Mai Sơn đã dày công tra cứu, tập hợp tư liệu để hoàn thành cuốn "Học giả Đào Duy Anh” dày tới 400 trang in. Đây là cuốn sách đầu tiên tập hợp các bài viết về ông trong suốt hơn 70 năm qua, tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của GS Đào Duy Anh đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Gồm 31 bài viết của 29 tác giả, sách được chia làm 2 phần. Ở phần 1, giới thiệu những bài viết ghi lại những cảm xúc, những kỷ niệm đối với một học giả lớn, một người thầy lớn, một con người đáng kính. Phần 2, gồm các bài nghiên cứu và đánh giá những đóng góp của Đào Duy Anh trong sự nghiệp xây dựng văn hoá dân tộc và ảnh hưởng của ông đối với xã hội, với những thế hệ đi sau.
Bao quát cuốn sách là thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Duy Anh, hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến hoạt động khoa học. Qua các bài viết của các học trò - đều là những nhà sử học có uy tín trong nước như GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, hay những nghiên cứu của các chuyên gia về văn hóa (PGS.TS Đỗ Lai Thúy), tôn giáo (GS.TS Đỗ Quang Hưng)... chân dung khoa học của Đào Duy Anh hiện lên, thật đáng khâm phục. Đứng trước những vấn đề của thực tiễn văn hóa dân tộc cũng như nhiều trí thức khác, khát vọng của ông là góp phần gây dựng nền văn hóa riêng cho dân tộc mình, một nền văn hóa giàu bản sắc, có khả năng tiếp thu tinh hoa của các dân tộc khác và nhất là phải tự chủ trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với thế giới. Cả cuộc đời ông đã đeo đuổi, kiên trì và nhất quán cho sự nghiệp đó với một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn. Ông luôn đứng vững trên mặt trận văn hóa, cần cù lao động khoa học với một tấm lòng yêu văn hóa dân tộc tha thiết, bất chấp những sóng gió trong cuộc đời không dễ gì có thể vượt qua.