Quỹ Vifotec góp phần phát triển nền khoa học, công nghệ đất nước
Năm 2022 là cột mốc đánh dấu 30 năm Ngày thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – Liên hiệp Hội Việt Nam (VIFOTEC). Vượt qua bao khó khăn, Quỹ VIFOTEC đã có nhiều đóng góp cho ngành Khoa học và Công nghệ, góp phần thúc đẩy nền khoa học, công nghệ phát triển và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch LHHVN Phan Xuân Dũng và Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang trao Cờ thi đua cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền Giải thưởng, Hội thi (8/2022)
Chắp cánh cho các công trình khoa học
Năm 1992, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, Quỹ VIFOTEC được thành lập theo sáng kiến của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng với một số cơ quan, như: Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Quỹ VIFOTEC với sứ mệnh là cơ quan thường trực đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà sáng tạo, các nhà khoa học thông qua việc tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo khoa học, công nghệ Việt Nam, 16 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc. Từ năm 2004, Quỹ VIFOTEC cũng chú trọng phát triển các tài năng khoa học trẻ tuổi qua việc tổ chức các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, hàng nghìn công trình đoạt Giải thưởng VIFOTEC đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Từ sự hỗ trợ của quỹ, nhiều doanh nghiệp đã trở thành đơn vị khoa học và công nghệ có tiếng trong nước và quốc tế, như: Công ty TNHH một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón, Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam...
Sau nhiều năm tham gia giải thưởng, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học - Phân bón Lê Văn Tri cho rằng, Quỹ VIFOTEC thực sự đã chắp cánh cho các công trình khoa học trong suốt 30 năm qua. Quỹ đã hình thành được các hội đồng khoa học chuyên sâu cho từng lĩnh vực có đủ trình độ, uy tín và công tâm trong xét thưởng; khi đánh giá công trình đã chú trọng rất cao tính ứng dụng, tạo ra sản phẩm và đem lại lợi ích cho xã hội...
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam” (8/2022)
Để đạt được thành công đó, theo Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC Phan Xuân Dũng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải khẳng định Quỹ đã luôn làm theo lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự đầu tiên của Quỹ, đó là: Khoa học - công tâm - liêm khiết - hiệu quả. “Những lời dặn dò tâm huyết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành động lực và định hướng để trong suốt chặng đường 30 năm, Quỹ VIFOTEC vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam” (8/2022)
Đồng hành cùng khoa học, công nghệ Việt Nam
Đảng và Nhà nước luôn khẳng định giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và chìa khóa để tiến vào thời kỳ mới. Các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đều nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, trong đó đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, các nhà công nghệ phải đề cao trách nhiệm, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu, tạo ra các công nghệ mới về năng lượng, vật liệu, sinh học, môi trường, y tế…, gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đưa khoa học, công nghệ về phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền và phổ biến khoa học, kỹ thuật tới từng người lao động, để họ áp dụng vào đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm ra nhiều của cải cho gia đình và xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Vifotec Lê Xuân Thảo phát biểu tại hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam” (8/2022)
Để Quỹ VIFOTEC ngày càng lớn mạnh và các công trình đoạt Giải thưởng VIFOTEC nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất và đời sống, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Vifotec Lê Xuân Thảo cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nghiệp vụ tham gia giải thưởng đến tận cơ sở; kiến nghị với Nhà nước cho vay vốn từ Quỹ Khoa học, công nghệ để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải; có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại; có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm khoa học, công nghệ…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, Bộ sẽ nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ để có thể ban hành những chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam. Đồng thời, Bộ sẽ hỗ trợ kinh phí thông qua Quỹ VIFOTEC để triển khai ứng dụng các công trình đoạt giải thưởng vào sản xuất và đời sống...