Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 02/03/2007 21:11 (GMT+7)

Quần thể kiến trúc mộ táng độc đáo

Năm 1934, ông Hà Mỹ Suông (tức Hội đồng Suông) - một người Việt gốc Hoa đã bỏ ra 3.000 lượng vàng xây cất khu lăng mộ này để mai táng cha mẹ mình. Ông không có vợ con và mất ở nơi khác, nhưng ông để lại nơi đây một công trình điêu khắc nghệ thuật vào loại hiếm lạ và độc đáo nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Khu lăng mộ này ngày càng hấp dẫn nhiều nhà nghiên cứu và cả du khách trong và ngoài nước viếng thăm.

Từ đường Nguyễn Trung Trực (nơi đối diện cổng Trung tâm VHTT tỉnh Kiên Giang) đi vào một con hẻm sâu chừng 100m là đến khu lăng mộ thâm nghiêm, ẩnh hiện dưới những tán cây cổ thụ. Công trình tọa lạc trên một đồi đất nhân tạo cao 5m so với mặt ruộng. Đó là một quần thể kiến trúc gồm: khu nhà thờ, long đình, khu mộ táng và cụm kiến trúc non bộ khổng lồ. Chúng được bao quanh bởi tường rào ô thoáng bằng xi măng cốt thép. Ông Hà Mỹ Suông đã thuê 2 kíp thợ một kíp người Việt, một kíp người Hoa có tay nghề cao để xây dựng khu lăng mộ này.

Bà Thiều Thanh Xuân (tức Hai Ẩn), 70 tuổi - cháu họ ông Hội đồng Suông - người cai quản khu lăng mộ cho biết: “Ngày ít thì dăm bảy người, ngày nhiều thì cả đoàn vài chục người từ các tỉnh khác đi xe đò tới tham quan, có cả Tây “ba lô” tới quay phim chụp ảnh”.

Nhà thờ 9 gian đồ sộ có lối kiến trúc theo kiểu đình chùa của người Hoa. Mái chính điện được uốn cong ở 4 góc, trang trí hình hoa lá cúc và rồng bằng các mảnh sành nhiều màu. Tường trang trí nhiều bức họa khảm sứ miêu tả phong cảnh thiên nhiên và các tích truyện Tàu. Giữa chính điện bày một bàn thờ tam cấp. Hai bên tường là hai bức tranh vẽ hình Dương Cung Mẫu với xiêm y rực rỡ, có tiểu đồng theo hầu dâng đào tiên.

Đặc biệt, dưới nền khu nhà thờ này là một hầm ngầm có cửa thông về hướng tây, vách tường xây bằng đá, không khí bên trong lạnh lẽo, có những tranh tượng phù điêu miêu tả cảnh thập điện, những cảnh rùng rợn gọi là “đường xuống âm phủ” để răn đe con cháu về những cái chết thảm thương nếu ăn ở ác. Năm 1941, tầng hầm này là nơi diễn ra cuộc họp của Tỉnh ủy Hậu Giang, sau đó thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Rạch Giá, và trong hai cuộc kháng chiến còn là nơi ẩn náu của một số chiến sỹ cách mạng.

Sau nhà thờ là một long đình hai tầng tám mái uốn cong, diện tích 4m x 3,5m, cao 4m, có 14 cột đỡ mái, trang trí hình rồng đắp nổi cuốn quanh cột. Trong long đìnhcó bàn thờ và bia thờ ghi công đức của người quá cố, viết theo lối chữ cuồng thảo.

Khu lăng mộ có diện tích 7m x 7m. Điểm đặc biệt nhất là tường bao quanh với những bức phù điêu bằng cẩm thạch trắng của Ý nhập về qua đường Hồng Kông, loại đá đã từng tạo nên những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới của những nhà điêu khắc Ý. Quý nhất là những con lân, trái phật thủ, lá cúc bằng đá cẩm thạch hồng trang trí trên các cột đá. Chúng được chạm trổ vô cùng tinh xảo, sinh động, có hồn. Cổng vào cao 2,8m, vòm uốn cong, hai mặt đều có hình long chầu mặt nguyệt. Hai ngôi mộ được ghép bằng những khối cẩm thạch cũng khắc họa hoa văn và các linh vật. Người nằm trong mộ là cụ ông Hà Mỹ Đức và cụ bà Trần Thị Nghĩa Hương - song thân của Hội đồng Suông.

Hai bên mộ là hai công trình kiến trúc non bộ khổng lồ làm bằng đá ong, mỗi kiến trúc như một trái núi nhỏ, cao 7m, rộng 7m, có hang động, những ngách nhỏ đi qua dễ dàng, bên hông có đường lên núi, gọi là Đông Sơn Mộ và Tây Sơn Mộ. Đông Sơn Mộ còn gọi là Động Chúa Hòn tạo tác cảnh núi non hùng vĩ nổi lên giữa biển khơi. Trấn ngự trước cửa hang có hai con sư tử ôm quả cầu nằm trên bệ. Đứng giữa lòng non bộ nhìn lên giống như đứng trong một gác chuông hình bầu dục. Bên sườn non gắn các hình người, chim thú bằng đá. Những con kỳ cân canh giữ núi, cá thần túc trực, cảnh cung điện tráng lệ, cảnh đền thờ thần biển và Khương Tử Nha ngồi câu cá...

Bố cục và cảnh trí trên Động Chúa Hòn rất hài hòa với thiên nhiên, là cảnh thần tiên nhưng gần gũi với đời sống con người. Có lẽ nghệ nhân muốn dùng cảnh hùng vĩ Đông Sơn Mộ để gợi cho chủ nhân những giây phút hoài vọng về quê hương Phúc Kiến, đồng thời nói lên công đức của bậc sinh thành ví như biển rộng non cao.

Tây Sơn Mộ còn gọi là Động Bát Tiên giống như một đài sen lộng lẫy giữa bầu trời. Bên cổng đi vào là hai bảo lư lớn đặt trên hai con rùa đá. Chính giữa vòm hang có một khối lớn làm bằng xi măng như một chùm đèn treo trên trần. Cảnh trên tiên giới có “Bát tiên tri ngộ”. Sườn núi có hai hang động với những tòa lâu đài kiến trúc nguy nga, mô tả nơi tu luyện của 8 vị tiên. Ngoài cửa động có sư tử, dê, hổ trấn giữ. Trên cao chót vót là tượng Phật Bà đang ngự, cảnh Tề Thiên Đại Thánh cưỡi đại bàng. Ở lối lên hòn, bên phải là một hang thờ nhỏ, với những hòn đá xù xì rủ xuống như những thạch nhũ tự nhiên. Bên trái đắp một ngôi chùa nhỏ nép vào sườn núi có nhiều tượng nhỏ mô tả am động của các ni cô.

Các bức họa nằm rải rác trong khu di tích được vẽ theo lối quốc họa của Trung Hoa. Đã trên 70 năm, đến nay nét sắc xảo dường như vẫn còn nguyên vẹn, tạo nên sự hấp dẫn cho du khách. Qua cách trang trí, phối cảnh của khu lăng mộ ta thấy đạo lý của nhà Phật được các nghệ nhân thể hiện bằng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc vô cùng sinh động và tài hoa, kết tinh nhiều giá trị văn hóa. Nghiên cứu khu lăng mộ độc đáo này có thể chúng ta sẽ biết thêm những thông tin khoa học có giá trị về các mặt như lịch sử, địa lý, nhân văn, tôn giáo, kiến trúc... Hiện nay khu lăng mộ này đã được trao bằng di tích cấp tỉnh, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu đã từng đến viếng thăm thì nó hoàn toàn xứng đáng là di tích cấp quốc gia, nếu đem so sánh với nhiều di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng.

Hiện nay, di tích đang có dấu hiệu xuống cấp như tầng hầm bị tróc gạch, nền chỉ còn trơ đất xói mòn và ẩm ướt. Bà Xuân - người cai quản khu lăng mộ cho biết: “Kẻ trộm đã lấy mất một đĩa đào tiên bằng đá cẩm thạch hồng - thứ nguyên liệu quý có thể chế tác thành vòng đeo trang sức. Gia đình tôi lúc nào cũng lo ngay ngáy, phải bảo con cháu cất nhà ở xung quanh hàng rào bảo vệ”.

Bà Xuân còn một nỗi bức xúc khác, đó là: “Năm 1994 gia đình bà Lâm Thị Ngọc Lệ và Phạm Thị Hải (là hàng xóm) đã xâm lấn khu đất di tích chiều ngang 2m, chiều dài 40m làm nhà ở. Lúc đó vì nghĩ tình làng nghĩa xóm nên tôi không có ý kiến gì. Nhưng mấy năm gần đây, hai gia đình này ỷ thế đông người gây xích mích, cứ thấy khách đến thăm di tích là gia đình này tru tréo, chửi bới tôi, thậm chí còn hành hung cả con tôi”. Bà Xuân đã lập hàng rào bao lại phần đất theo bà là “bị lấn chiếm”. Đồng thời nhiều lần bà gửi đơn đi khắp nơi khiếu nại, xin đòi lại diện tích bị lấn chiếm, song vì không có đủ giấy tờ chứng minh chủ quyền đất nên ngày 30-8-2002 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định số 2075 QĐ-CT buộc bà Xuân phải tháo dỡ hàng rào, giữ nguyên hiện trạng nhà và đất cho bà Hai và bà Lệ.

Năm 2004, bà Xuân phải bỏ ra số tiền 25 triệu đồng để mua lại phần đất tranh chấp mà theo bà là “để trả lại mỹ quan cho di tích”. Nguyện vọng của vợ chồng bà Xuân bây giờ là: “Gia đình tôi cũng nghèo, xin được hiến giao toàn bộ khu di tích này cho Nhà nước tu bổ, cải tạo, quản lý, khai thác, chỉ xin Nhà nước cấp cho gia đình tôi một khu đất đủ làm nhà ở cho các cháu”.

Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ cứu xét nguyện vọng này và triển khai kế hoạch bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích phục vụ khoa học và góp phần phát triển nguồn tài nguyên du lịch của Kiên Giang. 
 

Nguồn: hoidantochoc.org.vn   (28/12/06)

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập ngay sau giải phóng năm 1975. Trong suốt 50 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động tư vấn chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây nhất là phản biện trong góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV của Đảng, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng...
Lãnh đạo VUSTA tham dự Hội nghị IAS 2025
Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Khoa học quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS 2025 (Hội nghị IAS 2025) tại Rwanda từ ngày 12/7 đến ngày 17/7/2025.
Thắp nến tri ân nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Ngày 24/7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947–27/7/2025), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trang trọng tổ chức Chương trình “Thắp nến tri ân” tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.