Quá trình hình thành và phát triển của một làng nghề: Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ
Quá trình chuyển đổi ngành nghề tại một làng quê
Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nằm cách thủ đô Hà Nội 17km, có 13000 người dân sinh sống với mật độ dân số trung bình là 4000 người/km 2. Đây là một làng quê được nhiều người biết đến vì đã từng có “hội pháo” nổi tiếng vào ba ngày mồng 4, 5, 6 tháng giêng âm lịch thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, hoạt động chính của làng là cấy lúa, chăn nuôi, dệt vải, đánh cá, buôn bán trâu bò… Trong đó nổi bật nhất và có tiếng nhất vẫn là nghề buôn trâu bò (1). Nghề buôn trâu bò ở đây có từ mấy trăm năm trước, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của chợ Giầu ở làng Phù Lưu (2) (cách làng Đồng Kỵ khoảng 2km). Trước năm 1945, ở Đồng Kỵ có khoảng 20 người chủ buôn chuyên thu mua trâu bò từ tất cả các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, nhưng chủ yếu từ các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An… Mỗi chủ buôn trâu bò chuyên thu mua trâu bò ở 1 hoặc 2 tỉnh. Sau đó, họ thuê khoảng 5 đến 10 người (3) dắt trâu bò theo đường bộ về bán. Tại chợ Giầu, trâu bò được bán cho những người từ các tỉnh của đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… để cày kéo hoặc giết mổ. Một vài chủ buôn trâu bò ở Đồng Kỵ và Phù Lưu còn xuất khẩu trâu bò cho Hồng Kông giết thịt (4). Mỗi phiên chợ có khoảng 500 con trâu và bò được mua bán tại chợ Giầu. Bên cạnh đó cũng hình thành nên một số người cho vay vốn. Trong việc buôn bán trâu bò, để có số vốn lớn có thể mua 50 con trâu bò/chuyến, người Đồng Kỵ phải huy động vốn nhàn rỗi của anh em trong gia đình họ; rồi họ vạy lãi những người xung quanh với lãi suất từ 1,5% - 10%/tháng (tuỳ theo số lượng và thời gian vay) bằng hình thức tín chấp. Sau khi có lãi từ việc buôn bán trâu bò, họ thường hoàn trả đầy đủ người cho vay cả vốn và lãi. Qua đó họ cũng tạo ra được quan hệ và lòng tin trong gia đình và cộng đồng. Ngoài người Đồng Kỵ ra, các xã làng lân cận khác cung có người buôn trâu bò (5). Tuy nhiên, người Đồng Kỵ chiếm số đông áp đảo và thường liên kết với nhau chặt chẽ thông qua quan hệ gia đình, dòng họ và quan hệ thương mại vì vậy họ luôn chiếm ưu thế trong nghề buôn trâu bò này. Từ năm 1949 đến 1954, làng Đồng Kỵ bị biến thành làng tề, làm tay sai cho Pháp nên người dân bị cấm không được ra khỏi làng để đề phòng càn bộ Việt Minh trà trộn. Vì vậy, nghề buôn trâu bò ở Đồng Kỵ cũng bị dừng từ năm 1949 – 1954. Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, nghề buôn trâu bò ở Đồng Kỵ cũng hoạt động trở lại vì sản xuất nông nghiệp rất cần trâu bò cầy kéo nên các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng tìm đến chợ Giầu mua trâu bò. Nhưng đến năm 1960, do chính sách cấm tư nhân buôn bán của nhà nước Việt Nam nên hoạt động buôn bán trâu bò ở Đồng Kỵ đã chấm dứt. Điều đáng nói là trong nghề buôn bán trâu bò, người Đồng Kỵ có mặt khắp nơi ở các tỉnh phía Bắc để mua bán trâu bò nên họ đã có mối quan hệ xã hội rộng lớn từ đồng bằng đến trung du, miền núi và có nhiều thông tin về kinh tế, xã hội của các địa phương khác ở các tỉnh ở miền Bắc của Việt Nam. Chính những thứ đó sau này đã giúp người Đồng Kỵ thích nghi nhanh với cơ chế thị trường và phát triển nghề mộc mỹ nghệ.
Bên cạnh nghề buôn trâu bò nổi tiếng đó, trong làng Đồng Kỵ còn có nghề dệt vải từ rất lâu đời, trong khi những người đàn ông lo buôn bán ở bên ngoài thì những người phụ nữ trong làng đều hăng hái làm công việc ruộng đồng và tham gia dệt vải. Trước đây cả làng Đồng Kỵ có tới 400 đến 500 khung cửi (6). Dân làng Đồng Kỵ đã sản xuất ra một loại vải nổi tiếng (7) bán ở chợ Giầu và các chợ trong vùng. Nghề dệt vải ở Đồng Kỵ chỉ tồn tại đến năm 1987 - 1988. Những người trước đây làm nghề dệt vải đã chuyển sang buôn bán gỗ nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ.
Theo các cụ già lão trong làng Đồng Kỵ (8), trước cách mạng tháng Tám 1945, cả làng chỉ có khoảng 20 - 30 người thợ làm nghề mộc, trong đó có 10 thợ cả (mỗi thợ cả có 2 đến 3 thợ phụ) chuyên đi nhận làm nhà thuê, đóng giường, tủ để đồ, bàn, ghế, chạn bát… phục vụ chủ yếu nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương. Vào thời kỳ này, ở gần làng Đồng Kỵ có các làng nghề chạm khắc đồ gỗ như Phù Khê Thượng (9) thuộc (xã Phù Khê), làng Me Cả (xã Hương Mạc) và Thiết Úng (xã Vân Hà - Đông Anh, Hà Nội). Sau khi bị cấm buôn bán (năm 1960), đời sống người dân trong làng Đồng Kỵ túng bấn, đói kém hơn. Không cam chịu cảnh đói nghèo, người Đồng Kỵ lập tức chuyển mạnh sang nghề dệt vải, đánh cá và tìm kiếm nghề mới. Một số người Đồng Kỵ (10) có đầu óc kinh doanh và hiểu biết về đồ gỗ đã chọn việc mua bán đồ gỗ cổ bởi vì họ xác định đây là mặt hàng có nhu cầu cao (ai cũng cần giường nằm, tủ đựng đồ, bàn thờ tổ tiên, bàn ghế để ngồi…), đặc biệt đồ cổ thường có giá trị cao và càng ngày càng quý hiếm. Mặc dù, thời kỳ này việc buôn bán bị nhà nước cấm, nhưng người Đồng Kỵ vẫn buôn bán đồ gỗ được vì họ đã biết lợi dụng chính sách của nhà nước cho phép người dân đi tản cư (11) được mang theo đồ dùng sinh hoạt, trong đó có đồ gỗ. Họ đã mua đồ gỗ ở Hà Nội để vận chuyển về Đồng Kỵ bằng xe kéo tay. Sau đó, người Đồng Kỵ lại bán lại cho người có tiền trong làng xã và các làng xã xung quanh. Từ cuối năm 1960, do đồ cổ thu mua thấy khan hiếm dần và nhu cầu mua tăng lên, một vài người đi buôn đã nghĩ ra việc làm đồ giả cổ. Lúc đầu, họ mua các bộ bàn thờ, giường, tủ, sập gụ về sau đó mời các nghệ nhân, thợ mộc giỏi nghề ở các làng có nghề mộc lâu đời như Phù Khê đến tháo rời ra từng chi tiết để xem các mộng đục, chất liệu gỗ làm. Sau đó, họ tìm gỗ giống như vậy để làm theo mẫu các sản phẩm đã được tháo ra xem. Sau khi thấy làm được họ bắt đầu làm giả các sản phẩm phức tạp hơn như sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối. Lúc khởi đầu, chỉ có hai gia đình làm thử đồ gỗ giả cẩ nên việc làm khảm trai ở các cánh tủ họ phải sang phố Thinh Yên ở Hà Nội để thuê làm (12). Sau đó số lượng hộ làm đồ gỗ tăng dần lên tại phố Thịnh Yên làm không kịp và phải chờ đợi lâu nên người Đồng Kỵ đã tìm đến làng Chuôn Ngọ (13) để thuê mời thợ khảm trai ở Chuyên Mỹ và thợ đục, chạm gỗ giỏi từ các làng nghề mộc Phù Khê, Hương Mạc, Thiết Úng đến Đồng Kỵ làm việc với mức lương rất cao và cho con cháu họ phụ giúp, đồng thời học nghề. Như vậy, người Đồng Kỵ đã tạo ra các mối quan hệ và mạng lưới cung cấp lao động, vật tư và gia công với các làng nghề xung quanh.
Bên cạnh đó, từ những năm 1960 - 1970, khi nhà nước có chủ trương cho phép khai thác rừng lấy gỗ phục vụ cho xuất khẩu và phục vụ công nghiệp, sinh hoạt nên một số người Đồng Kỵ đã chuyển sang nghề thợ xẻ gỗ. Lúc đó, có trên 200 cặp thợ xẻ làng Đồng Kỵ có mặt khắp các nông lâm trường ở miền Bắc để xẻ gỗ thuê cho các đơn vị kinh tế nhà nước. Ngoài ra trong làng có khoảng 100 người chuyên môn đi làm thuê về nhà cổ, bàn ghế, giường tủ ở các địa phương khác. Điều đáng nói là, ngày công của những người đi làm ngoài thường cao hơn 4 - 5 lần người thợ mộc làm trong hợp tác xã (trong HTX lúc đó cũng có một tổ mộc xây dựng khoảng 70 - 80 người). Trong số thợ mộc đi làm xa, có người đi làm 3 đến 6 tháng mới về quê một lần nên họ cũng tích luỹ được nhiều tiền vốn mang về quê hương. Chính vì những lý do này mà những người thợ mộc ở Đồng Kỵ đã nắm bắt được rất rõ thông tin về chất lượng gỗ, nguồn gỗ quý hiếm, có tài làm hàng ngang (xẻ và pha gỗ) và có nhiều tiền vốn hơn các làng nghề truyền thống khác xung quanh Đồng Kỵ.
Sản phẩm và thị trường tiêu thụ
![]() |
Khu phố dọc đường vào làng Đồng Kỵ, nơi giới thiệu và bán sản phẩm |
Như vậy, nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ bắt đầu khởi động từ những năm 1960 và nó bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1980 khi có thị trường tiêu thụ lớn ở Sài Gòn và Campuchia. Trong quá trình hình thành và phát triển của nghề gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ cần phải khẳng định vai trò lớn lao của một số người dân năng động. Đó là những người đã lựa chọn việc sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ và đã mời hoặc tuyển dụng các nghệ nhân, các thợ mộc có tay nghề trong các làng nghề truyền thống đến Đồng Kỵ để làm các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đồng thời đào tạo nghề cho con cháu họ. Điều đặc biệt quan trọng là, khi biết nghề người dân Đồng Kỵ không muốn làm thợ mà muốn làm ông chủ. Họ sẵn sàng vay mượn vốn để lập xưởng, mua nguyên, vật liệu và thuê người đến làm tại gia đình họ. Với suy nghĩ và cách làm như vậy nên số hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ tăng nhanh, thị trường của làng nghề phát triển mạnh cả trong và ngoài nước.
Trải qua nhiều năm học nghề, tìm kiếm thị trường và phát triển nghề, đến nay, việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ đã thu hút được 225 doanh nghiệp, 2260 hộ gia đình và hơn 100 cửa hàng cung cấp vật tư, giới thiệu và bán sản phẩm ở địa phương. Các hoạt động liên quan đến đồ gỗ ở Đồng Kỵ đã giải quyết việc làm cho 12300 lao động, trong đó có 49% là lao động nữ và có 42% số lao động từ các địa phương khác đến như Bắc Giang, Hà Tây, Nam Định, Hải Dương… Mức thu nhập bình quân là 800 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng (tuỳ theo trình độ chuyên môn). Không những thế, chính từ sự năng động và phát triển mạnh mẽ của làng nghề Đồng Kỵ trong việc sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ đã kéo theo sự phát triển của nhiều làng nghề khác ở xung quanh như 4 làng ở Phù Khê, 6 làng ở Hương Mạc, làng Chõ (xã Tam Sơn) và làng Thiết Úng (xã Vân Hà – Đông Anh – Hà Nội). Ngày nay, khi đến Đồng Kỵ chúng ta thấy ngay không khí kinh doanh nhộn nhịp và sầm uất của một làng nghề mộc, chạm. Ngoài các sản phẩm được chế tác theo kiểu truyền thống Việt Nam, đồ gỗ Đồng Kỵ còn có những sản phẩm chế tác theo kiểu văn hoá truyền thống Trung Quốc, theo mẫu mã của khách hàng Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, châu Âu, châu Mỹ… Với bản chất linh hoạt và óc kinh doanh sáng tạo, người dân Đồng Kỵ luôn tìm ra một hướng làm ăn mới, tích luỹ các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và các mối quan hệ cần thiết để khi có thời cơ là vùng dậy và phát triển ở mức cao hơn. Từ quá khứ đến hiện tại của làng nghề Đồng Kỵ đã phản ánh một quá khứ phát triển năng động và sáng tạo của người dân làng nghề, đặc biệt trong đó có sự xuất hiện tinh thần kinh doanh, sự kế thừa và phát huy vốn xã hội của làng nghề như những kiến thức truyền thống, các mạng lưới quan hệ xã hội.
___________________
1. Theo thông tin của ông Vũ Văn Quang (74 tuổi) ở xóm Đột, làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã cùng bố đẻ và chú ruột của ông làm nghề buôn trâu bò ở Đồng Kỵ (điều tra ngày 25/12/2006).
2. Làng Phù Lưu nay thuộc xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Vào thế kỷ 15, chợ Giầu đã là một chợ lớn trong vùng. Chợ Giầu 1 tháng có 6 phiên chợ vào các ngày mồng 4, 9, 14, 19, 24 và 29 âm lịch.
3. Mỗi người trong nhóm sẽ chịu trách nhiệm trông coi và dắt 5 con trâu bò về Đồng Kỵ đi theo đường bộ.
4. Những ông chủ xuất khẩu trâu bò đi Hồng Kông điển hình là cụ Dương Văn Đạn, Dương Văn Quế, Dương Văn Tùng và Vũ Văn Cường. Điểm tập kết trâu bò để xuất khẩu ở ga Yên Viên (Gia Lâm – Hà Nội), sau đó trâu bò được chở bằng tầu hoả đi Hải Phòng và sang Hồng Kông bằng tầu thuỷ.
5. Ở làng Phù Khê (xã Phù Khê) có 2 người, làng Nghĩa Lập (Phù Khê) có 2 người, làng Chõ (Tam Sơn) có 3 người, làng Sặt (xã Đồng Quang) có 3 người, làng Phù Lưu (xã Tân Hồng) có 3 người.
6. Lê Hồng Lý, 1999: Văn hoá truyền thống làng Đồng KỵViện Nghiên cứu Văn hoá dân gian, Hà Nội.
7. Loại vải do làng Đồng Kỵ sản xuất là vải Cời khổ nhỏ để trắng hoặc nhuộm nâu vừa bền vừa mịn. Loại vải này là vải tấm rộng từ 35 – 37cm để làm khăn và may quần áo.
8. Cụ Nguyễn Văn Thất (81 tuổi), xóm Giếng, làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang. Từ Sơn, Bắc Ninh, trước đây cũng làm nghề mộc (đóng đò). Cụ Nguyễn Văn Đức (81 tuổi, trước đây làm thợ xẻ gỗ thuê), ở xóm Bằng, làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh.
9. Nghề mộc ở làng Phù Khê được hình thành từ trước thế kỷ 14, trước đây, thợ mộc ở làng này chuyên làm nhà cổ, đình, đền, chùa và một số đồ dùng gia dụng.
10. Chính gia đình ông Vũ Văn Quang, Dương Văn Hùng (xóm Đột) và ông Vũ Văn Quảng (xóm Đoái - Đồng Kỵ) là người đi tiên phong trong việc kinh doanh buôn bán đồ gỗ cổ này. Các mặt hàng họ kinh doanh chủ yếu là sập gụ, tủ chè, xa lông, bàn thờ, tranh ảnh, phù điêu… Họ không buôn bán đồ sành, sứ cổ vì các loại hàng này khó bán hơn đồ gỗ.
11. Người Hà Nội đi tản cư về các vùng tự do ở Bắc Ninh và Bắc Giang.
12. Ở phố Thịnh Yên, Hà Nội, có ông Thuận và ông Tươi chuyên nhận làm khảm trai - ốc cánh tủ cho khách hàng theo yêu cầu.
13. Làng Chuôn Ngọ, thuộc xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Tây. Đây là làng khảm trai - ốc nổi tiếng nhất ở miền Bắc của Việt nam từ hàng trăm năm nay.
14. Trong đó có ông Vũ Văn Thảo chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Thảo Hữu và ông Vũ Quý, giám đốc công ty đồ gỗ mỹ nghệ Hưng Long.
15. Năm 1980, cả làng có khoảng 100 hộ sản xuất đồ gỗ giả cổ và có khoảng 15 – 20 người mang sản phẩm vào Sài Gòn bán.
16. Cụ thể là 1 bộ bàn ghế S (cuốn thư lệch hay bộ Louis 16) giá mua ở Đồng Kỵ khoảng 0,6 cây vàng/bộ, giá bán tại Campuchia khoảng 1,5 cây vàng/bộ. Còn 1 bộ Rồng to mua ở Đồng Kỵ khoảng 1,5 cây vàng/bộ thì giá bán tại Campuchia khoảng 3 cây/bộ. Trong đó chi phí vận chuyển từ Đồng Kỵ đến Campuchia là 3 chỉ vàng/bộ.
17. Theo thông tin của ông Vũ Văn Thảo, người vừa sản xuất vừa buôn bán đồ gỗ từ Đồng Kỵ vào thị trường Sài Gòn, Campuchia, Lào, Trung Quốc thì từ những năm1985 – 1986, người Đồng Kỵ đã phát hiện ra một số thương lái mua đồ gỗ ở Campuchia sau đó bán lại ở thị trường Lào và Thái Lan nên họ đã bắt đầu tạo mối quan hệ và làm ăn với Lào.
18. Đường bộ qua cửa khẩu chưa được phép buôn bán do Việt Nam và Trung Quốc chưa thực hiện việc tự do buôn bán qua biên giới.
19. Ở Hà Nội, họ mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đồ gỗ ở phố Lê Duẩn, Bà Triệu, Hoàng Hoa Thám…
Nguồn: Xưa & Nay, số 293, 10/2007, tr 25