Quá trình hình thành châu thổ sông Cửu Long
Tiếp cận từ Địa - Sử học
Châu thổ sông Cửu Long ngày nay rộng khoảng 40.000 km 2, bao quát gần như toàn bộ đất đai 12 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ (Việt Nam). Quá trình hình thành vùng châu thổ này diễn ra khá lâu dài và không kém phần phức tạp. Nó bị chi phối bởi những biến động địa chất, những đổi thay khí hậu và đặc biệt là bởi những đợt mực nước đại dương dâng cao, hạ xuống (cũng gọi là biển tiến, biển thoái hoặc hải xâm, hải thoái) trong vòng 7, 6 ngàn năm lại đây.
Trong vòng mấy ngàn năm đó, theo các nhà địa chất học kỷ Đệ tứ và địa - sử học, thì trên địa bàn châu thổ sông Cửu Long và vùng phụ cận đã diễn ra nhiều đợt biển tiến, biển thoái. Trong đợt biển tiến đầu tiên khởi đầu vào khoảng 11.000 năm cách ngày nay đến khoảng 6.800 năm cách ngày nay thì nước biển dâng ngang mực nước biển hiện tại. Sau đó, vào khoảng 6.000 năm cách ngày nay thì đạt mức cực đại, cao hơn mực nước biển hiện tại 4 - 5 m. Bấy giờ, toàn vùng châu thổ sông Cửu Long ngày nay đều tràn ngập nước mặn, trở thành vịnh biển rộng lớn; thậm chí nước biển còn xâm nhập sâu vào một phần lãnh thổ đông nam Campuchia. Những ngọn đồi, quả núi trong vùng Thất Sơn (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang) đều trở thành những hòn đảo nhấp nhô trong vịnh biển. Dòng chảy sông Mê Kông đổ ra ba cửa biển nằm sâu bên bờ vịnh. Cửa lớn nhất tại vùng Châu Đốc, giáp mạn bắc vùng Thất Sơn (An Giang); cửa thứ hai tại vùng đầu nguồn giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây; cửa thứ ba tại mạn bắc Hà Tiên trong vùng Giang Thành - Vĩnh Điều (Kiên Giang) mà dấu tích vật chất còn lưu lại những giồng đất cổ.
Sau khi dâng cao đến mức cực đại (+4 - 5m), nhấn chìm toàn bộ châu thổ dưới lòng vịnh biển nông (khoảng 6.000 năm cách ngày nay), nước biến bắt đầu quá trình hạ thấp liên tục kéo dài khoảng 1.600 năm và dừng ở mức +2 m trong vòng 700 năm. Theo với quá trình hạ thấp của mực nước biển và sự bồi lắng của phù sa mới của dòng sông Mê Kông, châu thổ sông Cửu Long bắt đầu xuất lộ, hình thành nên các thềm phù sa ở các độ cao +3, +2m lấn ra phía biển. Trên phác đồ Lịch sử hình thành châu thổ sông Cửu Longcủa Trần Kim Thạch (1988) đã ghi nhận thềm phù sa có tuổi 5.000 năm cách ngày nay hầu như chỉ hình thành ở mạn phía bắc vịnh biển bấy giờ; thềm phù sa có tuổi 4.000 năm (cao độ +2m) mở rộng hơn ở mạn bắc và xuất lộ trên mặt biển chạy dài ven bờ vịnh Rạch Giá - Hà Tiên ngày nay. Điều đáng chú ý là, tại vùng “Tứ giác Long Xuyên” bấy giờ, do có địa hào lớn (tức sự đứt gãy địa hình - địa chất), nên bề mặt phù sa mới của châu thổ vẫn nằm sâu trong lòng địa hào. Như vậy, vào khoảng 4.000 năm trước, châu thổ sông Cửu Long chưa hình thành theo đúng tiêu chí địa chất - địa mạo.
Sau thời gian dừng ở mực +2m trong vòng 700 năm, nước biển lại tiếp tục hạ thấp với tốc độ nhanh hơn. Người ta coi đây là đợt biến thoái đầu tiên. Chỉ trong vòng khoảng 250 năm, từ 1650 đến 1400 trước Công nguyên (3650 - 3400 năm cách ngày nay), mực nước biển từ độ cao +2m đã hạ thấp dưới mực nước biển hiện nay -0,8m (tức hạ thấp tới 2,8m). Cũng trong khoảng thời gian này, vào lúc mực nước biển hạ thấp đến độ cao 1,5m - 1 m thì tại cửa biển Châu Đốc, sông Mê Kông tách chia hai nhánh, đồng thời chuyển dòng chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Hai dòng chảy này dần về sau trở thành hai con sông chính có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển chung diện mạo và đặc điểm của toàn vùng châu thổ sông Cửu Long. Có thể nói, sự kiện chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông trong đợt biển thoái đầu tiên này (1650 - 1150 trước Công nguyên) là bước ngoặt quan trọng về tự nhiên, phải tiếp tục trải qua quá trình trên dưới ngàn năm, sau đợt biển tiến thứ hai, biển thoái thứ hai, vào khoảng trước sau Công nguyên, bề mặt châu thổ sông Cửu Long mới thực sự hiện lên rõ nét. Trên phác độ “Đường bờ biển cổ” của Trần Kim Thạch (1988), vào khoảng 2.000 năm cách ngày nay, vịnh biển nông thời trước đã được phù sa mới của sông Mê Kông lấp đầy. Vùng cửa biển cổ ở Châu Đốc trở thành đỉnh của tam giác châu thổ. Đường đáy châu thổ tức đường bờ biển bấy giờ, có hướng chủ đạo từ đông bắc xuống tây nam (từ phụ cận Thành phố Hồ Chí Minh đến phụ cận Hòn Đá Bạc, nơi cửa sông Ông Đốc). Gần khoảng giữa đường bờ biển cổ ấy có những dải đất phù sa bồi tụ ở cửa sông Tiền, sông Hậu cổ. Như vậy, đến khoảng đầu Công nguyên, trên dưới 2.000 năm cách ngày nay, hình hài đầu tiên (cũng gọi là phần thượng) của châu thổ sông Cửu Long đã hình thành.
Trên bề mặt châu thổ bấy giờ, nhờ hình ảnh thu được từ vệ tinh viễn thám, được Trần Kim Thạch phác hoạ (1988), chúng ta nhận biết có nhiều con sông lớn. Ví như sông cổ Hậu Giang (Proto Bacssac) chảy từ Châu Đốc xuống Rạch Giá ngang qua Ba Thê (Thoại Sơn - An Giang) rồi trở ra Cạnh Điền (Kiên Giang) vào rừng U Minh. Con sông thứ hai tạm gọi là Bình Minh (Proto Hàm Luông) chảy từ Châu Đốc đến Cần Thơ rồi rẽ sang Trà Vinh. Con sông thứ ba từ Sa Rải chảy xuống Tân Hiệp (Long An) là sông Vàm Cỏ cổ (Prot Vaico). Con sông thứ tư là Trảng Bàng cổ (Proto Trảng Bàng) chảy đến Thái Mỹ (Củ Chi) rồi trở ra vùng Lê Minh Xuân (Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh) hợp lựu với sông Sài Gòn cổ và sông Đồng Nai chảy ra cửa biển cổ ở vùng Bưng Sáu xã (Thủ Đức) từng là nơi tạo ra cửa khẩu xưa của Sài Gòn.
Hình ảnh các con sông cổ kể trên cho biết châu thổ sông Cửu Long trước sau Công nguyên có hệ thống dòng chảy phân bổ khá đều, khiến cho nước trong nội địa dễ dàng thoát ra biển… Hay nói cách khác, châu thổ sông Cửu Long bấy giờ là vùng tự nhiên thông thoáng. Đó là đặc điểm nổi bật của vùng châu thổ này ở buổi đầu hình thành.
Từ khoảng đầu Công nguyên về sau có thể coi như là thời điểm mở đầu một thời kỳ mới trong quá trình hình thành châu thổ sông Cửu Long ngày nay - thời kỳ hình thành vùng đất hạ châu thổ. Nó hầu như trùng khớp với biển thoái thứ 3 kéo dài khoảng 500 năm, từ năm 50 trước Công nguyên đến 500 sau Công nguyên. Bấy giờ mực nước biển từ độ cao 0,40m (50 năm trước CN) dần hạ thấp dưới mức hiện tại là 0,80m. Châu thổ sông Cửu Long theo đó lại được mở rộng thêm về phía đồng nhờ nước biển rút dần. Phù sa của các dòng chảy ngày càng bồi tụ mạnh về phía biển, mà chủ yếu về hướng đông và đông nam làm cho miền đất duyên hải của châu thổ ngày càng lồi cong ở khoảng giữa, là nơi có các cửa biển của hai con sông Tiền, sông Hậu. Hậu quả dẫn đến là ảnh hưởng của gió mùa đông nam, của dòng hải lưu ngoài biển ngày càng trở nên gia tăng trên dải đất duyên hải và cận biển. Theo đó, nhiều giồng cát (hoặc nhiều dãy giồng cát) ven biển lần lượt xuất hiện, rồi được tôn cao nhờ tác động của gió.
Sự nảy sinh và hình thành hệ thống giồng cát duyên hải cùng hệ thống giồng đất phù sa nằm dọc theo các dòng chảy của sông Tiền - sông Hậu đã có tác động lớn đến sự hình thành nên địa mạo, địa hình mới ở cả hai vùng châu thổ; đồng thời nó “phá vỡ” hình ảnh tự nhiên “thông thoáng” thời trước ở vùng thượng châu thổ và đưa đến sự hình thành tự nhiên những vùng trũng lớn trong lòng châu thổ như vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Ô Môn - Phụng HIệp. Nó cũng có ảnh hưởng đến sự lưu thông của các dòng chảy ở vùng hạ châu thổ, dẫn đến hiện tượng đổi dòng, chia nhánh hoặc bị ngăn chặn hoàn toàn. Sông Tiền lần lượt chia hai nhánh thành sông Mỹ Tho, sông Cổ Chiên, rồi lại thêm nhánh sông Cung Hầu. Sông Hậu chảy đến Cần Thơ, chai ra nhiều nhánh, rồi lại nhập lại ngay; đến gần bờ biển tại tách ra nhiều nhánh rồi chảy ra các cửa Ba Thắc, cửa Định An, cửa Trần Đề (hoặc Tranh Đề).
Về mạn nam, châu thổ sông Cửu Long mở rộng về hướng nam - đông nam dần hình thành nên bán đảo Cà Mau; theo đó, đường bờ biển kéo dài thêm về phía nam, và lòng vịnh Hà Tiên - Rạch Giá thêm rộng. Vị trí bán đảo Cà Mau bấy giờ nằm trong vùng giao thoa giữa nước biển Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; lại còn đón nhận cùng lúc các cơn gió mùa đông nam có cường độ mạnh đã góp phần đẩy phù sa bồi lắng nhiều dọc theo bề phía đông bán đảo và bờ tây vịnh Hà Tiên - Rạch Giá. Nó cũng làm cho thế đất bán đảo cao ở mạn đông và thấp về phía tây; dẫn đến phần lớn các sông rạch ở đây chảy theo hướng từ đông sang tây hoặc bắc - nam. Đó là những biểu hiện đặc thù về thành tạo địa hình tự nhiên của vùng đất này mà chắc hẳn đã hình thành trong thời gian đợt biển thoái vào khoảng 6, 7 thế kỷ sau Công nguyên.
Tiếp đến, từ khoảng giữa thế kỷ thứ VI, lại bắt đầu đợt biển tiến mới kéo dài đến 600 năm, từ khoảng năm 550 đến khoảng năm 1150 sau Công nguyên, với mức nước biển dâng cao trung bình +0,80m. Bấy giờ chắc hẳn nước mặn đã tràn ngập các vùng đất thấp ven biển; thậm chí còn xâm nhập sâu vào những vùng trũng không có hệ thống giồng cát che chắn (vùng rừng U Minh, Tứ giác Long Xuyên). Ngoài ra, nước mặn còn theo các sông rạch, lan toả vào các vùng trũng trong lòng châu thổ (vùng Đồng Tháo Mười). Sự xâm nhập của nước biển chắc chắn đã có ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên, đến môi trường sinh thái của châu thổ. Nó có thể làm ngưng trệ tiến trình mở rộng đất đai châu thổ. Song, về cơ bản, hình thế chung cũng như địa hình, địa mạo, cùng hệ thống các dòng chảy không có những biến động lớn.
Đến giữa thế kỷ thứ XII, về sau mực nước biển dần hạ thấp rồi dừng lại ở mức nước biển hiện tại. Cũng từ đấy, châu thổ sông Cửu Long bước vào thời kỳ phát triển mới theo chiều hướng không ngừng mở rộng phù hợp với quy luật tự nhiên của nó.
Tiếp cận từ thư tịch học
Nguồn thư tịch cổ có những ghi chép liên hệ đến vùng đất châu thổ sông Cửu Long không nhiều mà hầu hết là do các quan chức, các sứ thần Trung Hoa, Việt Nam thời xưa thực hiện. Trong đó, những ghi chép xưa cũ nhất, theo tài liệu hiện biết, là của Khang Thái, Chu Ứng. Hai vị quan Trung Hoa này được Lữ Đại - Thứ sử triều đình nhà Ngô thời Tam Quốc (230 – 280) cử đi sứ đến nước Phù Nam (1), mà địa bàn trung tâm là vùng châu thổ sông Cửu Long. Khi về nước (năm 250), hai vị quan này đã viết một vài cuốn sách về đất nước này. Riêng Khang Thái đã biên soạn Phù Namtruyện, Phù Namký, Phù Namthổ tục, Phù Nam thổ tục truyện. Chu Ứng thì viết cuốn Phù Nam dị vật chỉ. Trúc Chi - một người đương thời, có viết cuốn Phù Nam ký. Các sách nói lên đều đã bị thất lạc từ lâu. Người ta chỉ biết chúng nhờ được trích dẫn một phần hoặc được soạn lại trong một số thư tịch được biên soạn từ thế kỷ V - VI về sau. Ví như Thuỷ kinh chú, Thái Bình ngự lãm, Thái Bình hoàn vũ ký, Thông điển, Sử ký chính nghĩa…Hoặc trong các cuốn sách sử như Lương thư, Nam Tề thư, Tuỳ thư, Đường thư.Ngoài ra, có một nhà sư Trung Hoa, tên Nghĩa Tĩnh từng du hành đến các nước trong vùng Nam Hải (tức Đông Nam Á ngày nay), từ năm 671 - 695 cũng có viết về phong tục, địa lý Phù Nam trong hai cuốn Nam Hải ký quy nội pháp truyện và Đại Đường Tây vực cầu pháp tăng truyện.
Từ nội dung những đoạn trích dẫn hoặc biên soạn về nước cổ Phù Nam trong các sách kể trên (có niên đại từ thế kỷ thứ V - VI đến thế kỷ X), chúng ta có thể hình dung được phần nào cảnh trí thiên nhiên, môi trường sinh thái của châu thổ thời bấy giờ (tương ứng với thời kỳ biển thoái kéo dài 800 năm sau Công nguyên).
Trước hết, sách NamTề nhưcó đoạn mô tả “Nước Phù Namở phía Namxứ Nhật Nam , trong vịnh lớn phía tây Đại Hải, có một con sông lớn chảy từ hướng tây và đổ ra biển”.
Lương thưcũng có đoạn chép: “Nước Phù Nam có sông lớn, rộng 10 dặm, từ hướng tây bắc chảy về hướng đông rồi đổ ra biển, đất đai thấp trũng, mênh mông, bằng phẳng”. Trong một đoạn khác, Lương thưcho biết thêm: “(Phù Nam ) rộng hơn 3.000 dặm, đất đổ từ trên cao và bằng phẳng”.
Sách Tam Tạng kinh - Cao tăng truyệncòn có đoạn bổ sung “Phù Nam là cửa biển có ngàn son sông”.
Căn cứ vào ghi chép trong các thư tịch cổ kể trên, dư luận khoa học ngày nay đều đã có sự nhìn nhận chung, thống nhất về vị trí của nước Phù Namlà ở phần lãnh thổ phía NamĐông Dương, mạn nam nước Lâm Ấp (Nam Trung bộ Việt Nam ngày nay). Trong đó “vịnh lớn phía Tây Đại Hải” (Biển Đông) chỉ có thể là vịnh Thái Lan. “Con sông lớn chảy từ hướng tây đổ ra biển” hoặc “con sông lớn, rộng 10 dặm, từ hướng tây bắc chảy về phía đông rồi đổ ra biển” chắc hẳn tương ứng với dòng chảy của phần hạ lưu sông Mê Kông. Và, với đoạn miêu tả “Đất từ trên cao đổ xuống và bằng phẳng” hoặc “đất đai thấp trũng, mênh mông, bằng phẳng”, có thể đoán chắc đó là vùng đất một châu thổ rộng lớn mà ngày nay thường quen gọi là châu thổ sông Cửu Long.
Theo đó mà suy đoán, thì vào khoảng thế kỷ V, VI, châu thổ sông Cửu Long đã hình thành, thậm chí đã được bồi tụ bằng phẳng, rộng lớn, tuy có phần thấp trũng. Dòng sông Cửu Long đã trở thành một con sông chính rộng lớn trong mạng lưới có ngàn con sông nhỏ. Hình ảnh ấy hầu như khá tương hợp với những dữ liệu ghi nhận được từ địa - sử học đã có đề cập ở phần trên. Có điều thư tịch cổ còn cho biết thêm vùng châu thổ này, vào thời đó, đã từng là địa bàn quan trọng của nước cổ Phù Nam, có kinh đô cách bờ biển 500 dặm (khoảng 200km) ( Lương thư), là vùng đất đã được con người chinh phục, khai phá mở mang trên quy mô rộng lớn.
Đến thời kỳ lịch sử nối tiếp sau đó, theo thư tịch cổ, thì vùng đất này (được coi là thuộc lãnh địa của nước Thuỷ Chân Lạp) bấy giờ có những đổi thay lớn về cảnh quan thiên nhiên.
Tuỳ thư, sách viết về chính sử nhà Tuỳ, trong đoạn viết về chính sử nhà Đường, khi đề cập đến Thuỷ Chân Lạp cũng viết “(là) vùng đầm lầy rộng lớn”.
Chỉ vài dòng ghi ngắn gọn như trên cũng đủ để khẳng định vào khoảng thời gian từ thế kỷ VII - IX, cảnh tượng tự nhiên trên vùng châu thổ rộng lớn từ bằng phẳng, mênh mông, nhiều sông ngòi đã bị biến thành “nhiều hồ lớn”, “vùng đầm lầy rộng”. Biến động tự nhiên này hẳn liên quan trực tiếp đến đợt biển tiến tự dâng cao đến +1m diễn ra cùng thời.
Biến động này đã có ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng thấp trũng trong lòng châu thổ như đã đề cập ở phần trước. Thậm chí nó còn để lại hậu quả lâu dài sau khi mực nước biển hạ thấp ngang mực hiện nay vào khoảng thế kỷ XII - XIII.
Nhiều thư tịch cổ ghi lại cảnh quan châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ XII về sau đều có những mô tả khá thống nhất. Có thể kể đến trước hết là cuốn ký sự của Châu Đạt Quan về phong thổ nước Chân Lạp ( Chân Lạp phong thổ ký). Trong cuốn ký sự này có đoạn viết: “Theo hướng Khôn Thân (Tây Nam - 1/6 nam) đi ngang qua biên giới Côn Lôn và vào cửa sông. Sông này có hàng chục ngả, nhưng chỉ có thể vào được cửa thứ tư (tức cửa sông Tiền); các ngả khác có nhiều bãi cát, thuyền lớn không đi được. Nhìn lên bờ thấy toàn là cây mây cao vút, cổ thụ, thế nên các thuỷ thủ cho rằng rất khó mà tìm đúng cửa sông. Ở một đoạn khác lại cho biết: “Bắt đầu từ Chân Bồ, hầu hết cả vùng đất là bụi rậm của con sông lớn này chạy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cây cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang; không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng này, tiếp đó là những con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm”. Đây là cảnh tượng vùng châu thổ sông Cửu Long được Châu Đạt Quan ghi lại sau chuyến đi sứ đến nước Chân Lạp vào năm 1296 - 1297.
Anlexandre de Rhode, một nhà truyền giáo phương Tây, đến vùng đất châu thổ này vào thế kỷ XVII cũng đã có nhận xét đây là vùng đất “quạnh hiu, hoang mạc”.
Về sau, và cuối thế kỷ XVIII, trong cuốn sách Phủ biên tạp lục. Lê Quý Đôn một nhà bác học hàng đầu thời bấy giờ vẫn có những mô tả: “Phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Lạp, cửa Đại, cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng mấy ngàn dặm”.
Như vậy là liên tục từ thế kỷ XII - XIII đến tận thế kỷ XVIII, châu thổ sông Cửu Long phát triển theo hướng ngày càng hoang dã, quạnh hiu, vắng bóng người, những dã thú, chim chóc lại sinh trưởng nhanh chóng. Hoặc nói cách khác là châu thổ này trở về với cảnh trí thiên nhiên nguyên sơ tưởng như chưa hề được khai phá. Cho nên, không phải ngẫu nhiên khi lưu dân người Việt lần lượt đến vùng châu thổ này đều cùng chung ấn tượng sâu đậm đây là vùng đất mới không chỉ với con người mới đến mà với cả cảnh tượng thiên nhiên hoang sơ, mới lạ.
Vài điều gợi mở
Những dữ liệu của địa - sử học, những ghi chép của thư tịch cổ về vùng châu thổ sông Cửu Long đã gợi mở cho chúng ta những hiểu biết liên quan đến tiến trình hình thành, đến diện mạo, cảnh quan, đến những nét đặc thù của vùng châu thổ này.
Nếu nhìn một cách tổng quát thì đây là vùng châu thổ hình thành khá muộn màng, song tốc độ phát triển và mở rộng rất nhanh. Nhờ đó, đến nay nó trở thành vùng châu thổ rộng lớn nhất Việt Nam (khoảng 40.000 km 2). Mặt khác trong quá trình thành tạo, trải qua 3 giai đoạn tiếp nối có đặc thù riêng, đã dẫn đến hình hể, địa mạo địa hình đa dạng và phức tạp, hệ thống sông rạch chằng chịt. Trong dó, ảnh hưởng của đại dương (biển tiến - biển thoái) rất lớn.
Do những đặc điểm thành tạo đó về mặt tự nhiên, nên cảnh trí thiên nhiên và môi trường sinh thái vùng châu thổ này hàm chứa nhiều nhân tố đối nghịch nhau đối với cuộc sống con người và động vật. Hay nói cách khác đây là vùng châu thổ có tiềm năng rất lớn, song hiểm hoạ tai ương cũng rất nhiều. Khảo sát thiên nhiên, phân tích hiện tượng, lý giải nguyên nhân của những tác động tự nhiên luôn là vấn đề khoa học vừa cơ bản vừa thực tiễn nếu như muốn đạt tới sự phát triển bền vững cho thiên nhiên và cho con người xã hội đương đại và tương lai.
Đối với con người và xã hội, theo ghi chép ở thư tịch cổ như đã kể trên, thì trong năm, sáu thế kỷ đầu Công nguyên, cộng đồng người tại chỗ đã tiến hành cuộc chinh phục lần đầu tiên vùng đất châu thổ mới hình thành và còn nguyên sơ này. Họ đã thành công, đã dựng lên một đất nước văn minh nhất - nước Phù Nam (theo cách gọi tên của sử gia Trung Quốc) thời bấy giờ. Khảo cổ học đã phát hiện hàng chục đô thị rộng lớn trên vùng thấp trũng của châu thổ, đã minh chứng phần nào về trình độ phát triển kinh tế - xã hội thời đó. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vào khoảng thế kỷ thứ 7, 8 về sau một đợt biển tiến kéo dài mấy thế kỷ, mực nước biển dâng cao +1m đã làm cho một phần đất châu thổ chìm sâu dưới mặt nước biển. Từ đó, công cuộc chinh phục lần đầu tiên châu thổ sông Cửu Long, sau mấy thế kỷ phát triển rực rỡ dần suy thoái. Thậm chí, vài thế kỷ sau đó, nhiều vùng đất thấp trũng của châu thổ sông Cửu Long đã lại trở về trạng thái tự nhiên hoang sơ.
Quả thực, từ sự kiện lịch sử có phần tang thương mà đến nay vẫn còn nhiều ẩn số đã đang đặt ra cho hậu thế nhiều vấn đề khoa học có tầm chiến lược cần được nghiên cứu, nhanh chóng triển khai nếu muốn đạt tới tính bền vững đích thực cho công cuộc chinh phục lần thứ hai đã và đang diễn ra ngày càng rộng lớn, càng mạnh, càng nhanh vùng châu thổ giàu tiềm năng và luôn được coi là một trong những vùng trọng điểm kinh tế của đất nước.
Một trong những vấn đề khoa học cần được đặt ra nhằm soi sáng những ẩn số của lịch sử là phải trực tiếp công cuộc nghiên cứu có hệ thống kho tàng di sản văn hoá cổ liên hệ trực tiếp đến cuộc chinh phục lần đầu tiên vùng châu thổ sông Cửu Long. Trong đó, đối với khảo cổ học là nghiên cứu các di tích thường được gọi là di tích văn hoá Óc Eo. Đây là một nền văn hoá cổ nổi tiếng thế giới từ 60 năm qua (1944 - 2004) là một nền văn hoá đặc sắc của cộng đồng cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long sinh sống trong những thế kỷ đầu Công nguyên.
Cũng bởi tính đặc sắc của nó, việc nghiên cứu nền văn hoá cổ này, một mặt góp phần soi sáng những bí ẩn của lịch sử; mặt khác, những di tích của nó còn có thể đặc biệt hấp dẫn đối với dân chúng, với du khách trong, ngoài nước ham thích tìm tòi, học hỏi về sự lịch sử văn hoá - xã hội vùng châu thổ sông Cửu Long trong buổi ban đầu được khai phá.
Chú thích
1. Theo Hán ngữ thì Phù có nghĩa là giúp đỡ, nâng đỡ. Nam: phương Nam . Nước Phù Namcó nghĩa là nước (những nước) ở phương Nam được sự giúp đỡ, nâng đỡ của Thiên triều nhà Đông Ngô (Trung Quốc). Nó không phải là từ phiên âm của Phnom (của tiếng Khmer) mà giới khoa học xưa nay thường ngộ nhận. Cộng đồng dân cư ở châu thổ sông Cửu Long chưa bao giờ tự gọi là Phù Nam .
Tài liệu tham khảo
1. Nhiều tác giả:Văn hoá Óc Eo và các nền văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên, 1994.
2. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải:Văn hoá Óc Eo: những khám phá mới, Nxb KHXH, Hà Nội. 1990.
3. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải:Văn hoá Óc Eo: những khám phá mới, Nxb KHXH, 1965.
4. Bùi Phát Diệm, Đào Linh Côn, Vương Thu Hồng:Khảo cổ học Long An: những thế kỷ đầu Công Nguyên, Long An, 2001.
5. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Chủ biên):Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập I: Lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
6. James C.M. Khoo (editor):Art and Archaeology of Fu nan. Orchid Press, Bangkok , 2003, 163p