Phát triển công trình xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu
Phát triển CTX về cơ bản là vấn đề tiết kiệm tài nguyên, tạo môi trường sống tốt cho con người. Hiện nay xu hướng trên thế giới đều tập trung vào tiết kiệm năng lượng (cả vận hành công trình và sản xuất vật liệu xây dựng) vì nhờ đó mà có thể cắt giảm lượng lớn khí thải CO 2trong thời gian dài vận hành công trình. CTX được hiểu là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua việc sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.
Ý thức được những lợi ích mà CTX mang lại, từ lâu ngành xây dựng Việt Nam đã tư vấn với Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả... Gần đây nhất, tại Quyết định 1393/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh. Hiện thực hóa các chính sách, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) cung cấp một khung hướng dẫn Lotus được thừa nhận cho công trình bền vững ở Việt Nam với mục đích thể hiện trách nhiệm với môi trường chung và giảm thiểu phát thải carbon, đảm bảo việc tuân thủ luật, tăng cường, quảng bá sản phẩm và hấp dẫn khách hàng. Lotus có 9 mục, mỗi mục bao gồm các tiêu chuẩn và tiêu chí thích hợp cho CTX. Nội dung chính của Lotus là bảo vệ tài nguyên năng lượng, nước và nguyên liệu; bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo sức khỏe và tiện nghi; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý mang tính bền vững và cộng đồng, cải tiến mới. Tùy theo các tiêu chí đạt được các công trình sẽ được nhận chứng chỉ Lotus vàng, bạc. . .
Trường học xanh – Tp Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Internet)
Tuy các chương trình, chính sách về CTX đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại nhưng trên thực tế, CTX mới được phát triển ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân chính thuộc yếu tố con người đó là năng lực, kiến thức về CTX của cán bộ quản lý các cấp các ngành còn thiếu, kinh nghiệm của tư vấn còn ít Bên cạnh đó, dù đã có nhiều văn bản, chính sách và bộ công cụ đánh giá CTX nhưng cho đến nay số lượng các CTX vẫn còn rất khiêm tốn do nhận thức chưa đúng về chi phí xây dựng cần thiết cho các CTX dẫn tới các dự án phát triển CTX còn xa rời thực tế và tính khả thi chưa cao. Liên quan đến các khoản chi phí đầu tư vào CTX, ông Yanick Millet – Giám đốc điều hành của VGBC chia sẻ: “Cao ốc xanh là một trong những giải pháp cắt giảm được nhiều chi phí trong việc tiêu thụ năng lượng. Nếu được thiết kế hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% lượng điện năng tiêu thụ, 30-50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà con giảm được 35% khí thải CO 2và giảm được 50-90% các loại rác thải khác.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời và cây xanh trên mái công trình. (Ảnh: Internet)
Với những con số ấn tượng như trên, việc phát triển CTX trong tương lai sẽ tăng dần theo hướng ứng dụng những công nghệ xanh và bền vững. Để thúc đẩy các CTX phát triển mạnh hơn nữa, trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan trong đó Bộ Xây dựng đóng vai trò chủ chốt cần hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển CTX. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương, các chủ đầu tư và cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Về mặt chính sách, cần có cơ chế khuyên khích các công trình đạt chuẩn về tiết kiệm năng lượng, xã hội hóa và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển CTX.
Chí Công