Phát hiện dụng cụ bói toán 4.500 tuổi ở Trung Quốc
Hai vật thể làm bằng ngọc bích này được phát hiện trong một ngôi mộ cổ ở làng Lingjiatan, hạt Hanshan, tỉnh An Huy.
Gu Fang, chuyên gia ngọc bích thuộc Hiệp hội di sản văn hóa Trung Quốc, cho biết con rùa làm bằng ngọc bích bao gồm mai rùa và bụng rùa, trên đó có vài cái lỗ. Vật thể hình thuôn rộng 8,2 cm và dài 11 cm được tìm thấy nằm giữa bụng và mai rùa. Trên vật này cũng có một số đường kẻ đứt quãng.
"Chúng rõ ràng không phải vật dụng trong đời sống hằng ngày, cũng không phải đồ trang trí, mà đó là dụng cụ dùng trong hoạt động mê tín", Gu nói.
Những lỗ nằm giữa mai rùa và bụng cho thấy có gì đó được đút vào trong. Và có thể có những sợi dây xuyên qua các lỗ. "Nó gợi chúng ta nhớ đến hành động xúc xắc. Chỉ khi sợi dây được tháo ra thì tình trạng của vật bên trong con rùa mới được nhìn thấy", Gu nói.
Các nhà khảo cổ cho rằng con rùa bằng ngọc bích này là một dụng cụ cổ xưa dược dùng để dự đoán tương lai, được thực hiện trước những sự kiện quan trọng.
Vào triều đại nhà Thương, khoảng 1.000 năm sau thời điểm ra đời của ngôi mộ làng Lingjiatan, việc sử dụng rùa để bói toán là hoạt động phổ biến, nhằm dự đoán điềm lành, điềm xấu.
Các đường kẻ trên vật thể hình thuôn cũng thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ. Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình này có thể là nguồn gốc của bát quái, biểu tượng vẫn được người Trung Quốc cổ sử dụng trong bói toán.
Nguồn: vnexpress.net 24/11/2005