Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 28/04/2006 00:08 (GMT+7)

Phan Thanh Giản đã chết đúng theo luật định của người giữ thành

Trân trọng giới thiệu.

Phan Thanh Giản từ ký hiệp ước (1862) đến năm mất ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867) (có phải Phan Thanh Giản là người đầu tiên tự ký hay sự bắt buộc! Và để mất ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, Chấu Đốc, Hà Tiên hay là lệnh của vua Tự Đức và triều đình Huế?).

Khi tôi còn nghiên cứu về Huỳnh Thúc Kháng, năm 1988 tôi đã đến xin tham khảo ý kiến bác Hoàng Xuân Hãn là một trong những người có biết và được tiếp kiến với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tháng Giêng năm Quý Dậu 1993, đến thăm bác, bác tặng cho tôi một tấm hình của Tổng đốc Hoàng Cao Khải có hai câu thơ bằng chữ Hán của bác;

Gặp khi ngoài chiếm nước mình.

Kẻ ham danh lợi, người đành tử trung.

Bác có ý khuyên sau này nên dành thì giờ nghiên cứu thêm về Phan Thanh Giản. Tôi ngần ngại không dám hứa cùng bác, vì thấy rằng mình không nắm được tài liệu vững chắc, nhưng tôi cũng hứa đại cùng bác là “cháu sẽ cố gắng”. Đến 5 năm sau, sau khi gom góp tài liệu mà tôi cho đó là sự may mắn, có lẽ một ơn trên nào đó đã giành cho tôi. Cuối năm 2002, tôi và có sự giúp đỡ của ông Pierre Ph Chanfreau cũng như cha Claude Lange, M.Philippe Deviller ủng hộ tinh thần để được hoàn tất cuốn Phan Thanh Giản, patriote et précurseur du Vietnam moderne (ses dernières annees1862-1867). Khi mang đến nhà xuất bản L′harmattan, tôi phải cố gắng thuyết phục để nhà xuất bản cho thêm phần phụ lục (phần tài liệu) mà đến nay tôi nghĩ rằng chưa được khai thác. Chúng ta ở xa Pháp, có nghiên cứu trong giai đoạn này, thì những tài liệu đó có thể giúp được; những hình ảnh tôi đưa cho họ, tôi đã làm kỹ và đẹp hơn của nhà xuất bản in ra. Nhưng vấn đề in ấn tài liệu cũng còn hạn chế mà tôi không nêu hết nơi đây.

Tôi đã giành hết tâm huyết, đã nêu những tình trạng về Phan Thanh Giản và giai đoạn khó khăn mà ông sống trong cuốn sách tôi đã nêu trên. Sau đây tôi chỉ nêu lên vài trường hợp để chứng minh rằng Phan Thanh Giản là người đã biết nguy cơ của thời thế nhưng phải thừa hành sứ mệnh với kẻ làm tôi. Phan Thanh Giản đã có tội vì đó là luật của một kẻ trượng phu đã có trọng trách giữ thành và làm mất thành ngoài ý muốn.

Từ khi Pháp gây hấn ở Đà Nẵng (1858). Đánh phá Sơn Trà rồi chiếm luôn Đà Nẵng. Sau đó (1859) vào Nam đánh phá Thành Gia Định. Trong năm này Nguyễn Tri Phương có bản phúc lên triều đình Huế để cảnh tỉnh triều đình là một chiến tranh không cân đối về mặt trang bị kỹ thuật:

Tự Đức năm thứ 12 ngày 10 tháng 10 (1859).

Tờ 292 – 294 kho L.T.T.U.2.C.B. 247.

Viện Cơ mật trình báo cáo của Nguyễn Tri Phương về tình hình lực lượng quân Pháp và quân triều đình:

- Quân Pháp có vũ khí tinh xảo, súng đạn đầy đủ khi đánh.

- Quân Triều đình ở Quảng Nam có hơn 7 000 người thì bỏ trốn, bị sa thải, bệnh hoạn hoặc dùng để sai phái đã hết quá nửa, chỉ còn 3.200 người tại ngũ (1).

Trong vòng hai năm đánh nhau với quân ta (1859 - 1861) quân Pháp có sự yểm trợ của quân Tây Ban Nha đã lấy luôn Biên Hoà và Định Tường rồi chiếm cả tỉnh Vĩnh Long. Trương Văn Uyển đã phúc trình lên vua Tự Đức về những nhận xét của mình với chức vụ Tổng đốc Định Tường, Vĩnh Long.

Tự Đức năm thứ 13 (1860)

Tờ 19- 22 kho L.T.T.U.2.C.B.254.

Tờ tấu của Tổng đốc Vĩnh Long, Định Tường, Trương Văn Uyển phân tích nguyên nhân ta thua Pháp vì quân ta chưa đồng lòng nhất trí, quân lính không nghiêm. Xin nghiêm khắc thi hành phép quân, trừng trị những kẻ hèn nhát trước quân giặc để làm gương. Xin khen thưởng, bồi thường thích đáng với những người có công, những người đã hy sinh vì nước, để nâng cao tinh thần chiến đấu của quân dân(2).   

Nhưng triều đình trước đó lại sai người vào Nam để điều tra về thái độ của các quan trong Nam. Các quan này sau khi quan sát về và báo cáo lên vua Tự Đức về trường hợp của Trương Văn Uyển.

Tự Đức năm thứ 12, ngày 11 tháng 8 (1859)

Tờ 73 -75 Kho L.T.TU.2.C.B.247.

Viện Cơ mật báo cáo những nhận xét của hai quan viên được cử đi quan sát về qua Tỉnh Định Tường: Việc sửa chữa đồn luỹ nhiều lần đã làm hao phí tài vật và nhân công rất nhiều. Dân và lính nhiều người bệnh. Viên quan đốc là Trương Văn Uyển lại quá nghiêm khắc làm cho nhiều người bỏ trốn(3).

Như trên chúng ta thấy tình hình nội bộ đã không ổn định. Trương Văn Uyển cho sửa đồn luỹ để đề phòng, ngăn ngừa sự tấn công của giặc thì cho là tổn hao, sự nghiêm khắc đối với quân sĩ để chỉnh đốn hàng ngũ cho nghiêm minh thì cho là nghiêm khắc; nếu không nghiêm khắc trong hàng ngũ thì cho dễ dãi lơ là không tuân nghiêm lệnh. Nguyễn Tri Phương khi làm Tổng thống quân thủ Quảng Nam và Tham tán Phạm Thế Hiển phúc tường về việc quân triều đình bị thua do việc đề phòng lơ là, hào luỹ không kiên cố … (4)

Ngày 5 tháng 2 năm 1859 đến 1860 quân Pháp đánh chiếm Gia Định, quân ta không chống cự nổi. Sau đây là báo cáo của Tôn Thất Cáp và các quan cai trị tỉnh Gia Định đã ký tạm trước với Pháp 8 trong 11 điều khoản mà Phan đã nêu ra:

Tự Dức năm thứ 13, ngày 13 tháng 1 (1860)

Tờ 29 – 33 Kho L.T.T.U.2.C.B 254.

Thống đốc Gia Định Tôn Thất Cáp, Tham tán Lê Tô, Tán lý Lê Thuận Chiếu, Nguyễn Duy báo cáo về việc viên tướng Pháp Pigneau thúc giục trả lời thư hoà giải gồm 11 khoản do Pháp đưa ra. Trong khi chời đợi ý kiến của triều đình, quan viên Gia Định đã phải tạm ký, chấp nhận 8 điều khoản, nhưng Pháp vẫn không chịu, đe doạ tiếp tục chiến tranh và lại có những hành động khiêu khích.

Kèm theo có bản kê 8 điều khoản thoả thuận:

Cho phép thuyền bè của Pháp vào buôn bán ở cửa biển đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam, cửa biển Cần Giờ tỉnh Gia Định.

Không bắt giáo sĩ đạo Gia Tô, bắt bớ quấy nhiễu dân theo đạo Gia Tô…(5)

Phía Pháp không chấp thuận với tờ hoà ước này và thừa cơ đánh phá các đồn luỹ của ta ở phía Nam, cuối năm 1861, Pháp chiếm luôn Biên Hoà, Định Tường và cả tỉnh Vĩnh Long (một tỉnh của miền Tây).

Triều đình Tự Đức bèn sai Nguyễn Bá Nghi đang coi về Bộ Hộ vào Nam kỳ để làm cuộc điều tra tình hình chung. Khi đến Nam kỳ, Nguyễn Bá Nghi liền nghiên cứu, xem xét tình hình, nghĩ rằng ở Nam kỳ trong tình thế này, giải pháp tốt nhất là nên thương thuyết với người Pháp:

Tình trạng ở Nam kỳ nói chung. Hai tỉnh Gia Định và Định Tường đã rơi vào tay người Pháp và ngay cả tỉnh Biên Hoà cũng thế. Ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên đã bị cô lập từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu với người Pháp; chúng ta không thể nào kháng cự nổi với sức mạnh của tàu bè họ, ngay cả bộ binh của ta cũng thế, nếu trường hợp có rút lui, chúng ta chỉ có vùng cao nguyên để tạm trú mà thôi.

Chi bằng chúng ta nói chuyện hoà bình lâu dài với người Pháp, hy vọng có thể người Pháp sẽ trả lại Gia định cho chúng ta …(6)

Khi Nguyễn Bá Nghi trình về Tự Đức những nhận xét này, Tự Đức liền gởi vào Nam cho Nguyễn Bá Nghi những căn dặn, vẫn còn tin một sự vững chắc của triều đình như một cây cổ thụ: Triều đình cũng như ngươi đã thấy tình trạng hiện tại đã nguy ngập. Hãy nghĩ lại trọng trách của ngươi. Sự thông minh tuyệt vời và sự can đảm của ngươi sẵn có. Như chúng ta đã biết, sau một trận bão lớn mới thấy sức mạnh của một thân cây.(7)

Những tờ trình cũng như những cuộc điều tra dưới sự chỉ thị của vua Tự Đức và triều đình Huế về các tỉnh Nam kỳ thì thấy sự việc nước nhà đã đi vào ngõ bí không lối thoát. Tự Đức họp đình thần, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp được chọn vào Nam để nói chuyện cùng người Pháp.

Thật thế, khi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Nam kỳ, vua có tiễn phái đoàn chén “ Ngự tửu” và những lời trần tình của vua, tôi như lời thống thiết chấp nhận sứ mạng của kẻ tôi trung, vâng lệnh. Nhưng còn số mệnh của đất nước chỉ có trời giải quyết. Như vậy kẻ bề tôi như Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp phụng mệnh của kẻ ngoại giao là “kèo nài, kéo dài được chừng nào hay chừng ấy.”

Dựa trên những dữ kiện mà chúng ta đã may mắn tiếp cận được dẫn cho chúng ta thấy, đâu có phải Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp là những người đã tự ý ký trước hiệp ước với Pháp. Phái đoàn nghĩ rằng đã nhượng bộ tạm thời như vây, mà người Pháp còn gây hấn và để cứu vãn ba tỉnh còn lại ở miền Tây phái đoàn phải ký với sự bắt buộc, có thể giữ được một phần đất còn lại cho dân cho nước, một phần đất phì nhiêu của miền Nam.

Những bức thư của những nhân chứng người Pháp lúc đó như Charles Lemire, một chuyên gia về đường điện tín (Télégraphes) đã đến Việt Nam năm 1861. (8)

Khi Phan Thanh Giản vào Nam cùng Lâm Duy Hiệp năm 1862 để điều đình với Pháp. Charles Lemire qua những bức thơ viết về cho gia đình, ông đã mô tả cách trang bị thông tin, liên lạc nhanh chóng qua những đường dây điện tín đã thiết lập từ Tây Ninh - Sài Gòn - Biên Hoà và Định Tường. Chính Bonard cũng có đề nghị với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp là triều đình Huế có muốn thiết lập đường dây điện tín từ Huế vào Vĩnh Long phương tiện thông tin dễ dàng thì ông sẽ làm cho; nhưng Phan Thanh Giản đâu phải là người dám quyết định một mình.

Việc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ tháng 6 năm 1867, chúng ta thấy rằng trước khi người Pháp thực hiện ý đồ, người ta đã chuẩn bị từ những năm trước và lấy nhiều lý do là họ không được yên ổn giao thông với Cao Miên và quân ta cùng với số người Cao Miên chống phá họ v.v…

Ngày 20-6-1867, Pháp chiếm thành Vĩnh Long, 22-6 chiếm thành Châu Đốc và 24-6 lấy nốt thành Hà Tiên. Như tôi đã tìm được tài liệu của “Journal officiel” [Công báo] trong thư viện của Việt Nam Trung tâm văn khố No.2 và so lại với Trung tâm văn khố Pháp ở Aix-en-Provence đã giống nhau, thì Pháp đã làm sẵn một tờ tuyên cáo và nền hành chính sẵn cho 3 tỉnh Tây Nam kỳ.

Còn về phía triều đình ra lệnh cho quan quân 3 tỉnh này mà cho đến ngày hôm nay chúng ta mới đủ tài liệu để nêu ra là: Phan Thanh Giản đâu có phải là người tự ý bỏ thành. Chúng ta xem chỉ thị của triều đình Tự Đức.

(Bài tấu bị rách nát không đọc được hết ).

Tự Đức năm thứ 20, Tứ nguyệt, Thất nguyệt (1867)

Ngày […] - […]. Tờ 187-192.Kho L.T.T.U.2 C.B.295.

Bài tấu của Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình, Trần Tiến Thành. Phan Huy Vịnh, Phạm Phú Thứ xét trình tội trạng của Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ, Trần Hoan…trong vụ Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Những người này đã bỏ thành không kháng cự trước sức tấn công của quân Pháp là vì có lời thẩm nghị trước đây của đình thần: các quan chức phải bỏ thành không được kháng cự nếu quân Pháp tấn công. Nếu quân Pháp chiếm Vĩnh Long thì rút về An Giang, Hà Tiên . . .Tuy nhiên bọn họ cũng không tiên liệu trước được tình thế!(9)

Phan Thanh Giản sau khi mất thành, ông không chết ngay được; vì triều đình đã đến quý phải trả tiền bồi thường chiến tranh cho Pháp. Ông đã thanh toán khoản đó để Pháp không lấy lý do gây hấn với ta. Vì chúng ta còn lại hai miền đất Trung kỳ và Bắc kỳ. sau đó Phan Thanh Giản đã tuyệt thực và uống thuốc phiện hoà với dấm thanh để kết liễu đời mình cũng như những lời nguyện của ông viết trong thơ cho dân: lá cờ Pháp không thể phấp phới trên thành luỹ này, nơi đó có Phan Thanh Giản sống; cũng như Phan Thanh Giản không muốn trở lại triều đình, vì Phan Thanh Giản là nhân chứng cái chỉ thị của vua. Tinh thần của một người rèn luyện tư tưởng của Khổng giáo: “Trung quân, ái quốc”.

Trên căn bản và nguyên lý của tài liệu công cũng như tư thì từ ký hiệp ước 1862 đến việc mất ba tỉnh miền Tây Nam kỳ 1867; Phan Thanh Giản hoàn toàn vô tội, ông chỉ là kẻ thừa hành để bảo vệ sự bình an cho dân, còn bảo vệ lãnh thổ thì Phan Thanh Giản chỉ cầu xin trời đất vì một Phan Thanh Giản không thể làm nổi. Muốn có một quân đội hùng mạnh, kỷ cương và vũ khí tối tân hơn thì khi Gia Long lên ngôi (1802) đã phải nghĩ ngay đến vấn đề này. Gởi người tài giỏi ra nước ngoài để học cái văn minh của người mà về truyền bá cho nước ta. Vì sự đóng cửa và hạn chế của vua cũng như đình thần, đã đưa đến nước nhà một sự chậm tiến. Khi có dịp nguy mới tìm đến việc kêu cứu như một sự muộn màng, khó cứu chữa. Phan Thanh Giản chết bằng cách này hay bằng cách khác đúng theo luật định của người giữ thành.

_____________

1. Châu Bản triều Tự Đức(1848 -1883),Tuyển chọn và tóm lược, Trung tâm Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh 1969 ( lưu hành nội bộ ). Trang 58.

2. Châu Bản triều Tự Đức(1848 -1883), đd, trang 64.

3. Châu Bản triều Tự Đức(1848 -1883) trang 56.

4. Châu Bản triều Tự Đức(1848 -1883) trang 56.

5. Châu Bản triều Tự Đức(1848 -1883)… Trang 65.

6. B.A.V.H.1932. trang 221. Bài của Lê Thanh Canh “Notes pour servirà lòhistoire de l’établissment du protectorat Francais et Annam”.

7. B.A.V.H. 1932 Trang 222.

8. B.S.E.I 1936, bài của Luois Malleret “Charles Lemire ou la foi coloniale (1831912)”.

9. Châu Bản triều Tự Đức(1848 -1883) trang 98.

Nguồn Xưa và Nay, số 146, tháng 8 năm 2003.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).
84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.