Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX
Có thể nói suốt cả cuộc đời, Phan Châu Trình đã kiên trì thực thi theo một chủ thuyết. Kể từ khi theo các đồng chí tham gia chuyến Nam du, cho đến khi từ Pháp trở về Sài Gòn và mất ở đây, ông vẫn ôm ấp cao vọng: khôi phục lại độc lập dân tộc, khôi phục chủ quyền cho đất nước. Muốn thế, trước hết phải thức tỉnh dân tộc, làm cho dân tộc thoát khỏi hôn mê của độc hại chuyên chế cổ hủ. Một trong các con đường đi tới là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, cải thiện đời sống nhân dân. Đây là con đường đấu tranh công khai hợp pháp, dần dần đưa dân tộc đi lên. Phải dựa vào chính sách "khai hóa văn minh" để công khai đấu tranh đòi các quyền dân chủ. Nhiệm vụ to lớn, lâu dài là làm cho dân ý thức được các quyền của mình, làm cho quyền dân chủ được thấm sâu, lan rộng đến mọi người.
Cùng với hai đ/c là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh cho rằng phải tìm kiếm một con đường đi lên cho dân tộc khác với con đường đấu tranh vũ trang bất hợp pháp. Phải kiên nhẫn tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu rõ, toàn dân một ý để đến ngày "đông tay vỗ nên bộp" **. Không thể nôn nóng đặt ra mục tiêu độc lập dân tộc ngay mà phải đi dần đến mục tiêu ấy theo kiểu "Ngu công dời núi", “Tinh vệ lấp biển" . Đó là chủ thuyết đấu tranh công khai đòi cải cách xã hội dân dần.
Chủ thuyết có vẻ ôn hòa này của các ông đã được nhân dân khắp ba kỳ hướng theo, dấy lên một phong trào Duy Tân rộng lớn. Chính quyền thực dân phong kiến hoảng sợ dồn phong trào trong máu lửa. Sự kiện này đánh dấu sự thức tỉnh của dân tộc, sự chuyển mình đấu tranh hướng theo ngọn cờ dân chủ tư sản, đánh dấu một giai đoạn mới khác trước về chất lượng. Quan niệm máy móc trước đây khi nghiên cứu Phan Châu Trinh là cố gắng quy tìm lập trường giai cấp của ông. Đi theo hướng này, hoặc cho rằng ông đang ở lập trường tư sản, hoặc cho rằng về thực chất ông vẫn là nhà nho phong kiến. Bởi vậy, nên thường chỉ thấy mặt hạn chế mặt tiêu cực, của lập trường hai giai cấp này, thể hiện các yếu điểm trong chủ thuyết và hành động của ông.
Ngày nay, đang ở giác độ tiến bộ xã hội, nếu chú ý nghiên cứu kỹ yêu cầu cụ thể của xã hội Việt Nam tại thời điểm ông sống, ta sẽ nhìn thấy đúng mức tầm chuyển hướng tư duy cho dân tộc của ông, từ một lối tư duy truyền thống, tư duy nông nghiệp phong kiến trì trệ khép kín sang tư duy cận đại hướng ra bên ngoài, hướng tới những giá trị mới mẻ của các nền văn minh cao hơn, phù hợp với hướng chung của thế giới.
Việc lựa chọn hướng đi của Phan Châu Trinh không phải là một sự ngẫu hứng mà được suy ngẫm, đúc rút từ những kinh nghiệm đấu tranh của bản thân, quê hương, dân tộc. Như ta đã biết, ông đã từng theo cha tham gia phong trào võ trang chống Pháp và đã tận mắt chứng kiến kết cục đau thương của phong trào này. Bản quán quê hương và gia đình đã phải ly tán, chia lìa vì mang tội "theo nghịch đảng". Ông đã quay về với sách vở thánh hiền, tham gia vào quan trường, không phải để "vinh thân phí gia" mà để thực thi chí lớn cứu nước an dân, nên đã có một cái nhìn thực tế về thực chất sự hư hại của chế độ đương thời. Do có óc quan sát đặc biệt sâu sắc và tinh tế mà ông đã đi tới quyết định trên, khác xa với những người đương thời với ông.
Ngay từ 1905, cùng một hướng Nam du để khảo sát thực tiễn, bắt mạch sĩ khí dân tình, nhưng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lại đi tới những kết luận khác nhau. Phan Bội Châu căn cứ vào sự nhiệt tình, hăng hái chống Pháp của dân Nam để cho rằng, lòng dân Nam chịu ơn chúa Nguyễn đã nhiều, vẫn hằng thờ chúa cũ. Đây là đất chứa tiền của của cả đất nước, muốn làm bạo động võ trang ắt cần tới sự ủng hộ tài chính của dân Nam. Do vậy cần dựng một vi hoàng tộc làm minh chủ để tranh thủ sự ủng hộ nhân tài vật lực ở đây. Cũng tại thời điểm này, Phan Châu Trinh lập luận khác rằng, lòng người dân Nam yêu nước chưa bao giờ hết. Chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu với hệ thống khoa cử cổ hủ của nó là chất độc dược làm chết lòng! Bởi vậy, việc đầu tiên là phải đánh tan tư tưởng quân chủ cổ hủ, phải đánh tan mộng khoa cử, mới mong phục hồi lại hồn nước, từ đó mới dần đi tới độc lập tự chủ.
Tuy khác nhau về trình tự, nhưng sự thống nhất về đích đi tới của hai ông đều là khôi phục độc lập dân tộc. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người hiểu hai cụ hơn ai hết đã nhận xét là hai con người, hai khuynh hướng "tương phản nhi tương thành".
Trước đây, bởi ảnh hưởng quan niệm tuyệt đối hóa coi bạo lực cách mạng chỉ là bạo lực võ trang, và biện pháp đấu tranh cách mạng chỉ là đấu tranh võ trang, mà có nơi có lúc, chúng ta không chú ý khai thác cống hiến của cụ Phan Châu Trinh. Thậm chí, có người còn cho cụ là sợ Pháp, sợ vũ khí tối tân, người đại diện cho giai cấp tư sản dân tộc yếu ớt bạc nhược, nên đã lựa chọn con đường “cách mạng cải lương". Ngay ở khái niệm cải lương này cũng là vấn đề phải xem lại.
Nếu như theo quan niệm phổ biến trước đây, để tuyệt đối hóa sự đối lập không khoan nhượng giữa cải lương và cách mạng, thì cải lương phản động là tư sản, phải đấu tranh đến cùng, chống mọi biểu hiện cải lương. Khi đánh giá cụ Phan Châu Trinh là cải lương vô hình trung chúng ta đã khoác cho cụ một cái áo không vừa. Thực tế lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đã nảy sinh ra một yêu cầu dân tộc tiến lên con đường mới. Cụ Phan Châu Trinh là nhà yêu nước chủ trương mới, canh tân nhằm phát triển đất nước. Nếu cứ theo con đường cũ, thì nước không thể không mất vào tay ngoại bang. Bấy giờ, chủ quyền ta đã lọt vào tay thực dân Pháp, thực lực của ta thì yếu kém đủ đường, nếu tiếp tục con đường bạo động võ trang, ắt cũng sẽ thất bại! Phát hiện con đường mới - con đường cách mạng ôn hòa để nâng cao trình độ dân tộc lên mức mới, là công lớn của ông. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà cả dân tộc vừa mới trải qua một cuộc chống trả quyết liệt theo kiểu phong kiến cũ và không khỏi thất bại.
Khi một không khí thất bại bao trùm đất nước thì những bài thơ của ông, đặc biệt là bản "Tỉnh quốc hồn ca” đã có sức thổi bạt luồng tà khí đang vây bủa, để thức tỉnh hồn nước đang hồi mê ngủ. Nhiều lần ông khêu gợi lòng tự hào chính đáng cho dân nước:
"Ngồi mà nghĩ dư đồ Hồng Việt
Ta cũng là một nước Á đông
Xưa nay vẫn chán anh hùng… (1)
Đất nước có lịch sử oai hùng, văn hiến rực rỡ mà sao để lọt vào tay người. Lý giải nguyên nhân mất nước ông cho là do bởi:
Vua ngồi thăm thẳm cung sâu
Một đời chỉ biết đè đầu dân đen
Dưới đại thần đua chen tước lộc
Ngoài trăm quan hì hục thân danh... (2)
Và do mặt khác nữa là trình độ mọi mặt của dân ta thấp kém thua sút so với các nước khác trên thế giới nên khi tố cáo thực dân phong kiến Phan Bội Châu nhằm mục đích kích thích lòng căm thù giặc ngoại xâm, kêu gọi đồng bào đoàn kết nổi dậy đánh thực dân Pháp. Phan Châu Trinh đã phân biệt có những người Pháp văn minh. Ông còn tập trung tố cáo những tệ nạn ở chốn hương thôn, quan trường, vua quan bù nhìn tượng gỗ. Mục đích lúc này của ông là vạch chỉ cho nhân dân ta thấy rõ tính chất thối nát bất hợp lý của thượng tầng kiến trúc đương thời. Điểm mới này rất có ý nghĩa.
Bởi vì, cho đến tận trước khi xã hội Việt Nam đối diện với Phương Tây, qua một thời gian hết sức lâu dài, kiến trúc ấy đã tỏ ra có tính hợp lý cao, nó bảo đảm duy trì trật tự xã hội theo hình chóp nón, có độ ổn định tương đối. Trong xã hội cũ đã ăn sâu một tư tưởng coi trật tự đó là tiền định, được chế định bởi một lực lượng siêu nhân, có thể coi như là quy luật, Phan Châu Trinh hiểu rất rõ tính chất "thâm căn cố đế" của tư tưởng này. Ông dốc sức vào đả phá, vạch trần trật tự của chính thể đó là:
Vua tôn như thánh như thần
Phận tôi rơm rác, phận dân trâu bò (3)
Ông chỉ rõ, đây là chính thể độc tôn, độc đoán. Vua có quyền tối thượng về cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính thể chuyên chế bóp nghẹt mọi nhân quyền và dân quyền, mọi con tim và khối óc:
"Cấm chẳng cho hỏi han việc nước
Cấm chẳng cho ao ước thở than… (4)
Khắp chốn công quyền đầy rẫy tệ nạn:
"Người cương trực lo lui bước trước
Lũ nịnh tà lần lượt đầy sân
Thói tham lam nhuộm sâu đến tủy
Thói tham quan như đĩ tham tiền (5)
Như thế, tại thời điểm đen tối ấy, ông đã biết đặt vấn đề phát triển, tồn vong của dân tộc vào một xu hướng rộng lớn hơn của thế giới, của khu vực đó là xu thế dân chủ tư sản. Để tìm hướng đi mới ông đã suy nghĩ về điểm mạnh, điểm yếu của dân tộc mình khi so sánh với các nước láng giềng, với phương Tây. So sánh đổi chiếu không phải là một, nhưng Phan Châu trinh đã biết vượt qua lối suy nghĩ tập tổ, “Hoa hạ man di”, vượt qua cả trình độ suy nghĩ tiểu nông hạn hẹp, dám vươn tới những mẫu hình kiến trúc mới, đặt ra vấn đề thay đổi thể chế, một việc “phạm thượng” chưa từng có trong lịch sử tư tưởng của dân tộc. Không chỉ vì trật tự Vua - Quan kiểu phong kiến đã từng kéo dài hàng trăm nghìn năm, mà điều lưu ý nữa là chế độ thực dân đang cố tình duy trì trật tự ấy, để làm công cụ cho chúng áp chế nhân dân. Tầm vóc tư tưởng của ông phải được nhìn nhận ở khía cạnh đó nữa.
Tuy nhiên, trên thế giới lúc bấy giờ vấn đề dân quyền, nhân dân đang là những làn sóng sôi nổi, dội vào cả phương Đông thức tỉnh dân tộc Việt Nam. Điểm khác ở chỗ, bấy giờ Việt Nam đã mất chủ quyền, nhân dân bị giam trong ngục tối, nhưng là người hết lòng yêu nước, ông đã dũng cảm, dám chỉ ra con đường dân tộc tiến lên. Suốt cả cuộc đời ông lúc được tự do hay cả lúc bị giam cầm, khi ở Việt Nam hay ở Pháp, tất cả đều nhằm một mục đích phấn đấu làm cho dân nước thấy rằng mình có quyền, cần hướng theo tôn chỉ mới:
Công quyền là thánh tự do là thần
Khắp thế giới toàn dân làm chủ (6)
Cùng với các đồng chí của mình, hòa với dòng tư tưởng cách tân đổi mới xã hội, hướng tới những giá trị chung phổ biến, đang có ý nghĩa cấp thiết đối với nhân dân Việt Nam. Phan Châu Trinh đã không tiếc sức mình tuyên truyền cổ vũ cho nền dân chủ. Do điều kiện lịch sử lúc đó và do cả những hạn chế của bản thân ông mà tư tưởng dân chủ này còn nhiều điểm đơn giản và gò ép Nho hóa. Dù thế nào chăng nữa việc đưa ý thức dân quyền thật sự là một cống hiến vào sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX.
Như trên đã nói, ông chủ trương cải cách đổi mới xã hội. Bởi vì nếu có như cũ thì dân nam chỉ có nước chết. Họ sẽ nổi dậy đấu tranh vũ trang. Đây là con đường chết, vì nước Việt Nam là nơi nước Pháp thâu lợi quyền và do đó nước Pháp sẽ mất lợi quyền. Ông khuyên chính phủ Pháp hãy thay đổi chính sách chính trị ở Việt Nam để có thể duy trì lợi quyền của cả hai nước. Đây là cơ sở của thuyết ỉ Pháp cầu tiến bộ của ông. Thực tế đã chỉ ra đó chỉ là ảo tưởng. Hy vọng ở thiện chí của chính truyền thực dân là một khả năng không có hiện thực.
Để thức dậy hồn nước, Phan Châu Trinh còn đặt ra vấn đề phản ánh rất sâu vào Nho giáo, vào nọc độc khoa cử, xương sống của nó, đả phá trật tự tiên thiên vua quan cũ kỹ. Ông dành nhiều thời gian, sức lực cho việc hạ bệ mẫu người nho sĩ đương thời với nguyên lý cũ cho rằng "Sĩ nhất tứ dân". Đối với ông, đây chẳng phải như vậy mà là bóng người:
Chẳng qua là quơ quào ba chữ
May ra rồi ăn xớ của dân (7)
Ông đề ra nhiệm vụ phải xóa bỏ nhân sinh quan cũ kỹ của loại này, bắt tay vào xây dựng những quan niệm con người lý tưởng mới có trí tuệ cao xa, mang màu sắc người hùng của giai cấp tư sản đang lên. Nhưng nhìn kỹ ta vẫn còn thấy phảng phất ở đây hình ảnh người quân tử với những phẩm cách cáo đẹp cổ truyền như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đi sâu vào tầng sâu nhất của đời sống tinh thần ông đã biết đặt vấn đề xây dựng phong tục tập quán mới tốt đẹp, chống lại những thói hư tật xấu ở chốn hương thôn mà nhiều người đã nói tới!
Càng nhận thấy tính chất ưu trội của một nền văn hoá mới cao hơn, ông càng thấy phải hướng nhân dân mình theo đó, vừa cố gắng duy trì những phẩm giá tốt đẹp của văn hóa cổ truyền. Bởi vậy mà có người nói ông phê phán Nho nhưng lại đứng trên lập trường Nho. Thực ra không phải như thế, bởi vì, so với các nguyên lý Nho giáo ông đã có bước tiến vượt về căn bản, như trên đã nói. Bên cạnh đó những giá trị nhân đạo, đạo đức cá nhân của Nho giáo vẫn có ý nghĩa phù hợp trong mọi thời đại, phải kế thừa và phát triển. Đây là sự tiếp thu có phê phán rất đáng trân trọng của ông.
Khác với "Lễ trị”, “Đức trị” của Nho giáo, ông chủ trương lấy pháp luật làm chuẩn mực để điều hành xã hội: ông coi Rútxô, Môngtétxkiơ là những tiền bối, sách của họ được coi là sách gối đầu giường. Ông coi học phương Tây là cần thiết, nhưng ông cảnh tỉnh luôn những người học phương Tây một cách thụ động, máy móc. Với loại sùng ngoại vô lối này, ông nói bọn họ là hủ Tây. Hủ Tây và hủ nho, đều là hạng người dân nước cần sớm lìa xa, kẻo vạ cho dân nước. Nhìn lại khoảng đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam ở thời kỳ bi đát nhất, không có lối ra, trên thì cính quyền thực dân có đủ mọi mánh khóe dã man khôn khéo, giữa thì bọn tham quan ô lại mất hết tính người, dưới nữa dân ta lầm than, trình độ hết sức thấp kém, lạc hậu. Mọi nẻo đường hầu như đã bị chặn đứng. Không bó tay chờ chết, Phan Châu Trinh và các đồng chí của mình đã không tiếc sức vạch ra một hướng đi, theo dòng tư tưởng canh tân đất nước trước đây, hướng dân tộc phát triển mạnh theo con đường tư bản chủ nghĩa, hòng dần dần đưa nước ta hòa nhập vào dòng văn minh chung của thế giới. Nhân dân đã không nhầm khi đi theo ngọn cờ của các ông. Về mọi mặt dân tộc Việt Nam đã có những nhảy vọt, từ phạm trù tư duy phong kiến truyền thống sang phạm trù tư duy thời cận đại, chuẩn bị cho những bước tiếp theo.
Nhìn chung, những phát hiện, đóng góp của ông có ý nghĩa tiếp nối chủ nghĩa yêu nước truyền thống, khơi dậy những giá trị tốt đẹp. Ông là đại biểu xuất sắc cho tầng lớp tri thức tiến bộ chuyển hướng tư duy dân tộc sang một thời kỳ mồi một cách chủ động tích cực, xứng đáng là nhà dân chủ tiên khu của Việt Nam đầu thế kỷ XX này.
*****
Chú thích:
** Quan niệm xuyên suốt của Phan Châu Trinh
(1) Thơ Phan Châu Trinh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr. 128.
(2) Sách đã dẫn, tr.238.
(3) (4) (5) Sách đã dẫn, tr. 238, 249.
(6) Sđđ, tr. 249.
(7) Sđđ, tr. 131.