Phân bón sinh học một phần tất yếu của nền nông nghiệp sạch
Chính sự lạm dụng này đã làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động của các tập đoàn vi sinh vật trong đất, kìm hãm quá trình khoáng hoá các chất hữu cơ ở trong đất, làm cho đất rời rạc, không còn khả năng giữ ẩm, giữ nước, dễ bị xói mòn, cuối trôi khi có mưa lớn.
Đó là chưa nói đến việc sử dụng phân bón vô cơ thiếu đồng bộ, cân đối, làm gia tăng độ acid trong đất, làm cho đất ngày càng chua. Trong môi trường pH thấp, các vi sinh vật có ích hoàn toàn bị giảm hoạt tính, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển, tấn công cây trồng, làm cho cây trồng suy giảm khả năng chống chịu sâu bệnh.
Do vậy, việc khẩn cấp của chúng ta hiện nay là phải dùng phân bón theo hướng phục hồi môi trường, môi sinh, thanh khiết dòng nước ngọt, giải độc đất ruộng, giúp cho cây trồng phát triển tươi tốt và tự nhiên. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, một môi trường trong lành và bền vững là mục tiêu của Đảng và nhà nước ta, là hướng đi của thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp.
Năm 1991 – 1992 nhóm Việt kiều Bắc Mỹ do cố giáo sư tiến sỹ Phạm Văn Hữu đứng đầu đã mang về cho Tổ quốc nhiều quy trình sản xuất phân bón sạch với kỹ thuật vi sinh công nghiệp hiện đại phục vụ cho nông nghiệp, kết hợp với các loại phân bón vô cơ vừa cho năng suất cây trồng cao vừa vệ sinh thực phẩm. Đây là hướng đi mới nhất của các nhà khoa học nhằm giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là môi trường, môi sinh, năng suất cây trồng, chất lượng nông sản sạch, v.v..
Kể từ khi Công ty Sông Gianh, đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Dự án VIFOTEC Thiên Nông chuyển giao quy trình sản xuất phân bón bằng công nghệ vi sinh công nghiệp hiện đại của Mỹ và Canada, đến nay, cả nước đã có hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ sản xuất phân bón sinh học, đa dạng về chủng loại. Tổng sản lượng hàng năm cung cấp trên thị trường hơn nửa triệu tấn; đã góp phần tích cực xây dựng nền nông nghiệp sạch của nước nhà thu được nhiều thành tựu đáng kể.
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đường lối đổi mới và chiến lược phát triển kinh tế của Đảng: “Áp dụng rộng rãi công nghệ và các biện pháp sinh học trong các khâu chính của quá trình sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường và thoái hoá đất…”, vừa qua, một số đơn vị đã tổ chức khai thác nguồn phân gia cầm, gia súc, các loại thực phẩm nông sản kém phẩm chất, hết hạn sử dụng như: bơ sữa, kẹo bánh, đồ hộp thịt cá, các phế thải nông nghiệp, rác thải thành phố để tái chế, sản xuất phân bón sinh học rất hiệu quả.
Nếu các doanh nghiệp sản xuất phân bón sinh học khắp cả nước, cùng đồng lòng, đồng sức, triển khai thu gom nguồn nguyên liệu này trên diện rộng, có thể nói: Mỗi năm chúng ta thu được một khối lượng không nhỏ. Đây là nguồn nguyên liệu rất quý, giàu chất hữu cơ và các thành phần dinh dưỡng khác.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
- Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, phổ biến sâu rộng, hướng dẫn cho bà con nông dân hiểu biết rõ hơn việc chuyển dịch cơ chế bón phân cho cây trồng theo hướng phục hồi môi trường, môi sinh. Đi đôi với công tác tư vấn kỹ thuật nông nghiệp, cần soạn thảo quy trình bón phân cho cây trồng, phương pháp bón phân: sinh – hoá kết hợp. Có như vậy, sử dụng phân bón cho cây trồng vừa cân đối và hợp lý, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
- Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu khuyến nông, trong học đường, giáo dục cho thế hệ con em nâng cao hiểu biết hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng việc sử dụng các sản phẩm phân bón sạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Vì đây là vấn đề trở thành mối quan tâm, trách nhiệm của mỗi người dân và toàn xã hội.
- Ngành quản lý sản xuất phân bón trong nước cần ban hành cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, quy mô sản xuất và các điều kiện có liên quan để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, không ngừng nâng cao uy tín, đạo đức doanh nghiệp trong kinh doanh.
- Đề nghị Chính phủ và các ban ngành liên quan có những giải pháp và chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, để khai thác tiềm năng nguồn nguyên liệu sẵn có ở trong nước nhằm phục vụ tốt hơn nền sản xuất nông nghiệp nước nhà phát triển theo hướng cân đối và bền vững, giảm thiểu tình hình khó khăn phân bón nhập ngoại hiện nay.
Nguồn: Kinh tế nông thôn cuối tuần, số 35 (107)