Phạm Hoàng Thắng - làm giàu cùng nông dân
BIẾN “MÁY” SẮT THÀNH “MÁY” NHỰA
Chúng tôi ghé thăm DNTN Nhựa Hoàng Thắng (ấp Tân Lợi 2, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) vào cuối tháng 10-2005, khi đơn vị này vừa “tậu” thêm giải thưởng “Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững” tại Hội chợ Xuất nhập khẩu và tiêu dùng, hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn - đơn vị bảo trợ là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp. Hôm ấy, anh đang cùng công nhân sửa chữa phòng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp. Anh bước ra chào khách, nụ cười thân thiện luôn nở trên khuôn mặt rám nắng, hiền lành, đậm chấtNambộ.
Anh kể, quê anh ở xã Long Phú, huyện Long Mỹ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), từ nhỏ đã sớm gắn bó với ruộng đồng. Gia đình có 8 anh em, anh thứ 6. Tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng vất vả nhưng cũng ráng học hết lớp 12, sau này anh tiếp tục học và lấy bằng Đại học Quản trị Kinh doanh. Anh nói vui, các bước ngoặt cuộc đời anh đều gắn với con số 3: Năm 1986 anh vào làm ở Cửa hàng Lương thực huyện Long Mỹ, 3 năm sau chuyển công tác về Công ty Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ. Ba năm sau nữa thì cưới vợ, vợ chồng sống với nhau 3 năm, có với nhau một đứa con trai, rồi hai người chia tay. Gà trống nuôi con, đưa con đến cơ quan làm việc cũng được 3 năm thì xin nghỉ việc. Thời gian này, Hoàng Thắng nghiệm ra được hướng làm ăn, đó là sản xuất đồ nhựa. Thế là anh khăn gói lên TPHCM, nơi ngành sản xuất đồ nhựa phát triển nhất - để học nghề. Từ năm 1992 đến 1994, sau khi học được nghề ép nhựa, anh chắt bóp số vốn ít ỏi gầy dựng nên cơ sở sản xuất nhựa tại quận 11, TPHCM. Ba năm cầm cự với nghề nhựa ở TPHCM, cạnh tranh rất khốc liệt. Đến năm 1998 anh quyết định bán tất cả phương tiện sản xuất, máy móc để tìm một hướng đi mới.
Trong một lần về quê nội dự đám giỗ ở Long Phú, bà con họ hàng đến rất đông, nhiều người hỏi thăm: “Xưởng sản xuất nhựa mầy làm ăn sao rồi?”. Anh nghe mà buồn nẫu ruột, vì họ đâu biết rằng anh đã bán hết cơ nghiệp! Trong lúc trò chuyện, chú ruột anh Thắng là ông Phạm Thanh Phong đem câu chuyện về cái máy sạ hàng mà khuyến nông xã vừa được Trường Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam bộ tặng để làm thực nghiệm, ra kể. Vốn là nông dân kinh nghiệm đầy mình, ông Phong phân tích cái lợi và những hạn chế của cái máy sạ hàng bằng sắt của Trường Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam bộ chế tạo ra, mà ông đã làm thử. Ông Phong hỏi: “Cháu làm ngành nhựa, có thể chế cái máy bằng sắt nặng nề này thành cái máy bằng nhựa cho nhẹ, được không?”. Anh Thắng kể: “Tui nghe vậy, ban đầu giật mình vì đã gọi là máy thì làm sao làm được bằng nhựa đây?”. Tò mò, anh theo chú ra ruộng kéo thử máy, xem có gì lạ. Ông Phong phân tích: máy cũ nặng quá, 2 cha con kéo cả ngày cũng chỉ sạ được 2 công đất. Vả lại, do máy làm bằng sắt nên bị gỉ sét, khi kéo phải đem theo giẻ, thau nước để thường xuyên lau chùi bùn làm bít lỗ ở hộc đựng lúa.
Khi xem qua cái máy, trong đầu anh Thắng định hình có thể làm được máy sạ hàng, nhưng khó nhất vẫn là 2 cái bánh xe, không biết làm sao thay thế bằng nhựa? Trở lại TPHCM, anh bắt tay vào nghiên cứu, tìm nguyên liệu gò thủ công thành cái khuôn thân máy, bánh xe và tìm chỗ gia công thử ra cái đầu tiên (vì lúc này máy móc xưởng anh đã bán hết). Anh nói: “Lúc đó tui chưa tin chắc, sợ mình đầu tư khuôn đúc mà làm ra sản phẩm không sử dụng được thì lỗ nặng. Hơn 3 tháng mày mò nghiên cứu, cuối năm 1999 tôi làm ra 7 cái máy sạ hàng bằng nhựa đầu tiên. Lúc này tôi mới thấy ngộ ngộ, vì sao gọi là máy? Thôi thì sửa lại cái tên dụng cụ sạ hàng bằng nhựa!”.
Từ TPHCM anh Hoàng Thắng bỏ xe đò chở 7 cái dụng cụ sạ hàng về Cần Thơ, rồi tiếp tục một chặng xe đò khác về thị trấn Long Mỹ. Khi xe vừa thả hàng xuống gần Trạm Khuyến nông của huyện thì gặp một cán bộ khuyến nông quen, thấy dụng cụ sạ hàng bằng nhựa, vừa đẹp vừa nhẹ liền hỏi thăm. Sau đó mượn ngay 2 cái đưa về UBND huyện để xin phép cho nông dân thử nghiệm. Sau một hồi hỏi han lai lịch và anh Thắng giới thiệu về sản phẩm của mình, vị chủ tịch cho triệu tập khẩn cấp một số vị lão nông lại, khi dụng cụ sạ hàng được đưa trình diễn, mọi người trầm trồ hết lời khen ngợi. Sau một tuần sản phẩm máy sạ hàng được đưa về thử nghiệm tại các đồng ruộng của huyện Long Mỹ, nông dân “khoái” cái “máy là lạ” này hết cỡ, nên huyện nói sẽ mua 500 cái, nhưng trước tiên ký hợp đồng 300 cho nông dân sử dụng vào mùa đông xuân, với giá 400.000 đồng/1 cái. Anh Thắng nhớ lại: Tin vui ấy giống như một sự đền bù cho những tháng ngày mất ăn mất ngủ làm ra cái dụng cụ sạ hàng bằng nhựa đầu tiên, và là viên gạch đầu tiên đặt nền móng để anh mở rộng sản xuất theo định hướng gắn với nông dân sau này.
LÀM GIÀU TRÊN QUÊ HƯƠNG
Khi ký được hợp đồng bán 300 cái dụng cụ sạ hàng với huyện Long Mỹ, Phạm Hoàng Thắng biết sự nghiệp của mình sẽ có hướng đi mới đầy triển vọng nhưng vẫn không khỏi băn khoăn. “Lúc đó tui mừng quýnh lên nhưng rồi lại sợ, hồi hộp không biết mình có sản xuất đúng theo thời gian đã ký kết được không”. Nhưng rồi với bản lĩnh và từng có kinh nghiệm trong ngành nhựa, anh Phạm Hoàng Thắng quyết định vay vốn mua thêm máy móc, trang thiết bị, cho đúc khuôn và tăng cường nhiều công nhân có kỹ thuật. Song song đó anh cũng tiến hành làm thủ tục đăng ký độc quyền sáng chế kiểu dáng công nghiệp đối với dụng cụ gieo hạt (sạ hàng) bằng nhựa tại Cục Sở hữu trí tuệ ViệtNam, thuộc Bộ Công nghiệp.
Đúng hẹn, anh trở lại huyện Long Mỹ với lô hàng đầu tay 300 dụng cụ sạ hàng mà anh đặt tên: “công cụ sạ hàng Nhựa Hoàng Thắng”, đó cũng là tên của doanh nghiệp mà anh sáng lập. Khi nhận hàng, nhiều vị lãnh đạo và nông dân nhìn “công cụ sạ hàng Hoàng Thắng” thấy “đã con mắt hơn”, vì so với máy sạ hàng mà anh đưa đi thử nghiệm lần đầu có cải tiến hơn, thiết kế lại mấu chống trượt để kéo trên ruộng bánh xe không bị trượt bùn, thay đổi trục chỗ tâm bánh xe cho chắc chắn hơn, thay đổi ống đựng hạt... Anh nói: “Lần đầu mình đưa sản phẩm ra thị trường, chất lượng sản phẩm sẽ quyết định uy tín và thương hiệu cho sự phát triển sau này”.
Sau đó Hoàng Thắng đã có một quyết định táo bạo là chuyển toàn bộ việc sản xuất về vùng sông nước ĐBSCL, và anh đã chọn vùng đất Thốt Nốt - Cần Thơ làm khu sản xuất. Đúng như anh nghĩ, năm 2000, anh bán ra thị trường 500 chiếc, thì đến 2003 số lượng máy công cụ sạ hàng bán ra thị trường là gần 20.000 chiếc và cho đến nay số lượng công cụ sạ hàng của DNTN Nhựa Hoàng Thắng bán ra thị trường là trên 50.000 chiếc. Theo dự tính của anh, vụ đông xuân năm nay doanh nghiệp của anh sẽ bán trên 20.000 chiếc và theo anh tìm hiểu thị trường máy sạ hàng sẽ còn phát triển mạnh.
Ngoài công cụ sạ hàng, từ năm 2003 DNTN Nhựa Hoàng Thắng đã tung ra thị trường hơn 400 xe phun dung dịch kéo tay, để phun xịt hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Với sản phẩm này có 10 vòi phun, bề rộng làm việc của máy từ 5-6m, nông dân đi trước kéo máy theo sau để nó tự phun thuốc, như vậy sẽ giúp nông dân tránh bớt tác hại trực tiếp khi phun xịt kiểu thủ công. Những sản phẩm của nhựa Hoàng Thắng đưa ra thị trường đều được nông dân chấp nhận bởi độ bền và hiệu quả của nó, sản phẩm bảo hành 1 năm, nhưng từ cái máy sạ hàng đầu tiên ra đời đưa vào sử dụng đến nay đã hơn 5 năm, mà nông dân nói vẫn chưa thấy hư, sử dụng còn rất tốt!
Dụng cụ sạ hàng của DNTN Nhựa Hoàng Thắng được các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL đưa vào áp dụng cho chương trình “3 giảm 3 tăng”. Đến nay, sản phẩm công cụ sạ hàng nhựa này đã có mặt trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Hơn thế nữa, dụng cụ sạ hàng của Nhựa Hoàng Thắng đã chào hàng đến nhiều nước như Lào, Campuchia,Thái Lan,Malaysia, Ấn Độ,Bangladesh... và đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các nước này.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ tại TPHCM, đến nay DNTN Nhựa Hoàng Thắng đã phát triển phân xưởng sản xuất trên 4.000m2 ở xã Thuận Hưng, Thốt Nốt với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, trị giá lên đến hàng chục tỉ đồng và đội ngũ công nhân có tay nghề tham gia sản xuất. Từ năm 2001 đến nay, DNTN Nhựa Hoàng Thắng được tặng nhiều huy chương vàng, cúp vàng, giải Bông lúa vàng Việt Nam, giải “bạn nhà nông”, thương hiệu năng động, quả cầu vàng... về thương hiệu, chất lượng sản phẩm, cải tiến sản phẩm phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp... do Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Đầu năm nay, Giám đốc Hoàng Thắng được Bộ Công nghiệp tặng Bằng khen và cấp giấy chứng nhận Nhà doanh nghiệp giỏi.
Nguồn: baocantho.com.vn16/11/2005