PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Các tổ chức xã hội cần chủ động hơn trong phòng, chống biến đổi khí hậu
Hiện nay vai trò của các tổ chức xã hội là một bộ phận không thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu, bởi vị trí của các tổ chức xã hội là cánh tay nối dài của nhà nước trong vai trò liên kết với cộng động. Những công việc chính quyền không làm hoặc không làm được, thì cộng đồng và đại diện là các tổ chức xã hội có thể làm tốt.
Khi được hỏi về vấn đề phòng, chống biến đổi khí hậu của các tổ chức xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trong nghị quyết 24 của Trung ương cũng như trong Chiến lược quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã có những điều khoản khẳng định một cách đầy đủ, rõ ràng, mạch lạc vai trò của các “Đoàn thể Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp”. Những quy định này xuống đến địa phương thường được thể hiện nhẹ nhàng đi nhiều và thậm chí đến các công đoạn thực hiện thì hầu như không thấy các tổ chức xã hội có vai trò gì đáng kể.
Theo PGS Hòe thì các tổ chức xã hội muốn đảm đương tốt vai trò của mình thì cần phải là một tổ chức xã hội thực sự, tích cực và chủ động trong hoạt động của mình, muốn vậy cần phải tăng cường năng lực trong ít nhất bốn lĩnh vực, đó là: Trí lực, Tổ chức, Sáng tạo, Tư vấn phản biện giám sát, vận động chính sách và vận động tài trợ.
Tuy nhiên, PGS Hòe cũng cho biết, hiện các tổ chức xã hội đã tham gia trong việc phòng, chống biến đổi khí hậu ở miền Tây sông Hậu rất hiệu quả, điển hình như tại Cần Thơ có mô hình cộng đồng tự quản và tu bổ đê bao chống lũ lụt ở một vài cù lao trên sông Hậu trong đó điển hình nhất là Cồn Sơn. Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu. Mặt ruộng trong để thấp hơn mặt đê 2-3m và thấp hơn mặt nước sông Hậu trên 1,0m. Con đê này bao quanh hết chu vi cồn, dài hơn 6 cây số, được người dân khởi đắp từ trước năm 1970, sau đó nước dâng đến đâu thì dân tự đắp lên đến đó. Đoạn đê trước nhà ai nhà đó tự tu bổ. Đoạn đê trước nhà máy xay xát do nhà máy lo. Mùa lũ nước ngập nhà nào thì nhà đó tự bơm nước ra sông. Con đê bao được dùng luôn làm hương lộ. Đây là mô hình điển của việc cộng đồng tham gia ứng phó biến đổi khí hậu ở Cần Thơ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
PGS Hòe cũng cho biết thêm, tại tỉnh Kiên Giang cũng thành công về kỹ thuật với mô hình kè 3 lớp “Phục hội ven biển và rừng ngập mặn bằng hàng rào cừ tràm” với sự tài trợ của GTZ và Úc. Mô hình này rất thành công nhưng lại tốn kém phải dựa vào tài trợ nước ngoài. Kiên Gian có chừng 100 km bờ biển đang bị xói lở. Hệ thống bảo vệ này gồm 4 lớp, từ biển vào gồm: kè đóng bằng gỗ cây tràm cừ để phá sóng; Vùng trồng cây ngập mặn non để bẫy bồ tích, chủ yếu là bùn; Rừng ngập mặn trồng mới và tái sinh dày chừng 10m; Đê biển có mái đổ bê tông làm đường giao thông.
Bước đầu cho thấy mô hình này có hiệu quả, bởi hàng rào làm giảm 63% sức mạnh của sóng vỗ bờ, bồi đắp thêm 20 cm bùn mỗi năm (chừng 700 tấn/ha), bảo vệ dải rừng ngập mặn phía trong ngay cả ở những nơi xói lở nghiêm trọng. Hàng ngàn cây tràm cừ người dân trồng trở nên có giá. Người dân tham gia xây dựng nên có thu nhập, còn con đê biển phía trong trở thành lộ có thể đi xe máy. Tuy nhiên vẫn chưa thể kết luận liệu cây tràm làm kè biển có bền như chúng được đóng cọc làm móng nhà hay không vì chúng vốn là loài cây quen chịu nước ngọt nhiễm phèn chứ không phải nước mặn. Lại còn mối nguy con hà phát triển sẽ tàn phá đám rừng ngập mặn mới được trồng. Nếu phun hóa chất bảo vệ cây ngập mặn thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề về chi phí và ô nhiễm biển chưa tính hết được.
Chính vì vậy, thay vì ứng phó thụ động với xói lở biển, thành phố Rạch Giá đã quyết định tiến ra biển, lấn biển mở rộng đô thị là hướng đi thành công của thành phổ trẻ miền tây.
Hiện nay, biến đổi khí hậu là vấn đề ít được nhắc đến ở Rạch Giá, bởi lẽ thành phố này có chiến lược ứng phó hiệu quả riêng của mình mà ít trông chờ vào tài trợ của Chính phủ hay nước ngoài.
Theo PGS Hòe để thực hiện tốt vai trò đó là: giáo dục truyền thống nâng cao nhận thức cho hội viên và cộng đồng về ứng phó biến đổi khí hậu; Tập hợp hội viên và người dân chủ động sáng tạo các mô hình cộng đồng chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; Phát huy các nguồn lực “xã hội hóa” ứng phó biến đổi khí hậu; Giám sát, tư vấn, phản biện xã hội các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, các tổ chức xã hội cần có tổ chức chặt chẽ, tích cực và chủ động tăng cường năng lực để thực hiện.