PGS Phan Ngọc - vị học giả và nhà “bách khoa” cuối cùng của một thế hệ
Năm 1987, sau khi công bố trên báo Văn nghệmột bài viết để bảo vệ một số luận điểm trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiềucủa Phan Ngọc, phải đến 5 năm sau tôi mới dám tìm đến nhà ông, phần vì tự thấy vốn liếng chữ nghĩa của mình còn quá mỏng mảnh, phần vì e ngại sẽ bị hiểu như là muốn cầu thân (!). Cũng từ đó tôi gắn bó với ông, không chỉ như với một người thấy, mà còn như với một người cha. Song một “thằng học trò - con trai” như tôi kể ra cũng có phần ương bướng, vì có lần ông hỏi: “Lâu nay tôi coi anh như học trò, như con tôi, thế anh học được cái gì ở tôi?”, tôi trả lời: “Con chỉ học Thầy mỗi cái phương pháp thôi”, ông hỏi tiếp: “Tại sao chỉ có phương pháp?”, tôi cười hì hì mà rằng: “Con coi phương pháp học được ở Thầy là cái xương sống, còn tri thức con phải tích lũy là phần thịt da. Cơ thể có xương sống mà thịt da bủng beo thì vô nghĩa”. Nghe tôi nói vậy, ông cười.
Sinh năm 1925, trong một gia đình giàu truyền thống Nho học - cha ông là cụ Phan Võ, một nhà Hán học nổi tiếng từng làm Thượng thư dưới triều Nguyễn, thời kỳ đầu Phan Ngọc học chữ Hán chỉ để khỏi phật ý người thân, còn hoạn lộ của ông sẽ là thênh thang nếu ông đi theo con đường đã được gia đình hoạch định sẵn, đó là vào trường Luật. Thế nhưng, cậu tú Phan Ngọc - người học giỏi nổi tiếng nhất nhì ở đất Nghệ An hồi trước năm 1945, lại nuôi một chí hướng khác, ông vào trường Y và sau đó nhập ngũ làm lính ở sư đoàn 304, rồi về làm việc từ Bộ Văn hoá đến Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học KHXH - NV Hà Nội), sau đó là Viện Đông Nam Á (Viện Khoa học Xã hội - Nhân văn Quốc gia) cho tới khi nghỉ hưu. Về các công trình khoa học, xin sẽ đề cập sau, song về ngoại ngữ thì có thể nói rằng sau Trương Vĩnh Ký, thì PGS Phan Ngọc là một người hiếm hoi ở Việt Nam có một vốn liếng ngoại ngữ không dễ mấy ai có được. Từ khả năng tự học đáng kinh ngạc, dưới bút danh Phan Ngọc hoặc Nhữ Thanh, ông đã dịch Mỹ học Hegeltừ nguyên bản tiếng Đức; Spartacus từ nguyên bản tiếng Ý; Chiến tranh và hoà bìnhtừ nguyên bản tiếng Nga; Sử ký(Tư Mã Thiên), Chuyện làng Nho, Hàn Phi Tửtừ nguyên bản chữ Hán; David Copperfieldvà Trần trụi giữa bầy sóitừ nguyên bản tiếng Anh... Cách đây vài năm, ông đã xuất bản một cuốn Từ điển Anh-Việtvới hơn 100.000 mục từ và đang soạn tiếp Từ điển Việt - Anhvới số mục từ tương đương. Dường như có cái gì đó như là năng khiếu, bẩm sinh trong việc học tiếng nước ngoài của Phan Ngọc, điều này được ông giải thích một cách giản dị: “Tôi đã tìm ra cái mẹo của cách học”. Tuy nhiên, điều đáng nói là không giống như nhiều người trong chúng ta đang học ngoại ngữ như đi tìm một sinh kế, PGS Phan Ngọc đã vượt qua giới hạn dùng ngôn ngữ như công cụ môi giới văn hoá mà ông dùng ngôn ngữ để trực tiếp khảo sát văn hoá các dân tộc, các khoa học xã hội mũi nhọn đang phát triển trên thế giới theo cả chiều rộng cùng chiều sâu. Theo tôi, chức danh Phó Giáo sư ngành Ngôn ngữ học chưa phản ánh đầy đủ năng lực thực tế của Phan Ngọc. Đọc các công trình, nghe các bài giảng và qua tiếp xúc, có thể nhận thấy ông còn là nhà triết học, nhà Hán học, nhà mỹ học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn học... Những lĩnh vực ông nghiên cứu không dừng lại ở các hiểu biết thông thường mà luôn nhất quán theo phương châm “cách vật, trí tri” (biết đến tận cùng sự vật, biết đến tận cùng sự biết). Theo tôi, một số trí thức lớn cùng thời với ông và được lưu danh tên tuổi ở Việt Nam đều có xu hướng như vậy, sự uyên bác của họ như mang dáng dấp của những nhà “bách khoa”. Phải chăng sau khi tiếp xúc với văn hoá - văn minh phương Tây, họ không còn bằng lòng với “bể học” phương Đông, mà họ muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về cái thế giới tri thức rộng lớn và khác lạ mới mở ra trước mắt cộng đồng? Và phải chăng đối với họ, vấn đề không chỉ là phương pháp khoa học, là phương thức tư duy kiểu mới... mà còn là sự khám phá nền tảng vật chất - tinh thần đã khai sinh ra các sản phẩm đó, vì thế mà phẩm chất khoa học và đòi hỏi về tính “bách khoa” trở nên cần thiết, để rồi sau khi nắm vững hệ thống tri thức ấy, họ mới chuyên tâm đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu chuyên biệt của mình? Thời gian trôi đi, thế hệ trí thức như Phan Ngọc vơi mỏng dần, có lẽ chỉ còn lại mình ông, người mà cốt cách “ông đồ” và tri thức hiện đại đã phối kết với nhau như là hiện thân của sự nghiệp khoa học ông đã và đang theo đuổi để chứng minh người Việt Nam với bản sắc văn hoá của mình hoàn toàn có đủ khả năng hội nhập, đuổi kịp và đứng vững trong nền văn minh công nghiệp, văn minh tin học.
“Mục đích của đời tôi là chỉ tìm phương pháp làm việc có lợi ích cho nhân dân nước tôi” - năm 1993 Phan Ngọc đã viết như vậy trên tạp chí Văn học, và quả thật là ông đã dành tất cả tâm sức cho mục đích. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, chiến tranh khốc liệt trên cả hai miền, vậy mà không mấy ai biết trên cái gác xép chặt chội ở số nhà 57, phố Bùi Thị Xuân - Hà Nội lại có vị học giả đang cặm cụi, nghiền ngẫm suy tư để trả lời câu hỏi: sau chiến tranh, nước Việt Nam phải phát triển văn hoá như thế nào trong một thế giới hiện đại? 30 năm sau, câu trả lời ông tìm ra từ ngày ấy mới được công bố; vì theo ông công cuộc đổi mới khởi đầu từ Đại hội Đảng VI cho ông những điều kiện cần thiết. Nhìn vào danh mục các vấn đề nghiên cứu của PGS Phan Ngọc, hắnlà sẽ có người nghi ngờ chất lượng khoa học của chúng nếu không tìm hiểu cơ chế làm việc của ông. PGS Phan Ngọc tự đặt ra yêu cầu rất nghiêm ngặt rằng bản thân phải đạt tới một sự thức nhậnvề đối tượng và về phương pháp làm việc. Ông cho rằng: “Nếu không thực hiện được sự thức nhận ấy - dù người nghiên cứu có tài giỏi, uyên bác đến đâu, anh ta có làm việc nghiêm túc, công phu đến đâu - công trình của anh ta vẫn cứ thiếu chính xác”. Từ sự thức nhận, ông nghiên cứu văn hóa - lĩnh vực cực kỳ đa dạng với phương thức tiếp cận đa ngành, liên ngành và luôn luôn cố gắng nắm bắt một cách cập nhật tri thức về những lĩnh vực khác nhau của văn hóa. Các tri thức địa - văn hoá, lịch sử học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, nhân chủng học... được ông vận dụng một cách hệ thống, phù hợp và hiệu quả. Cá tính sáng tạo đầy bản lĩnh của ông được bảo đảm bằng một trí tuệ uyên bác, một phương pháp làm việc nghiêm túc, lập luận chặt chẽ, kết hợp uyển chuyển, linh hoạt giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý trí và trái tim mỹ cảm, giữa quan điểm Mác-xít và phẩm cách một nhà Nho. Tuy nhiều năm không trực tiếp công tác tại một trường đại học, song với việc tham gia giảng dạy và các công trình nghiên cứu của ông đã có ảnh hưởng trong nhiều thế hệ nhà khoa học và các sinh viên. Về phần mình tôi thấy, từ thực tế lịch sử phát triển khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam, tình huống có một nhà khoa học đã xây dựng được một lý thuyết nghiên cứu riêng, xác lập một hướng nghiên cứu riêng, có luận điểm riêng… và sau họ là sự hình thành những thế hệ học trò “nối nghiệp” là rất hiếm hoi. Có lẽ cả thế kỷ XX chỉ có thể kể ra tên tuổi của các học giả như Cao Xuân Huy, Trần Đình Hượu, Từ Chi… hiện tại dường như chỉ còn một vài người như Phan Ngọc, Nguyễn Tài Cẩn… và cần lưu ý rằng, các công trình của họ chủ yếu ra đời vào thời điểm mà khái niệm “đầu tư” còn hết sức xa lạ! Hiện tượng đó dường như là kết quả của thói quen tiếp nhận và ứng dụng hình thành đã lâu đời (ít nhất cũng từ ngày tiếp xúc với Nho giáo và đôi khi, còn là sự tiếp nhận hời hợt và ứng dụng cẩu thả!). Đến lượt các thế hệ hậu sinh, dù có muốn thì cuộc mưu sinh, và cả sự chắp vá - manh mún - thực dụng nữa, đã không giúp hình thành nên một bản lĩnh khoa học để mỗi người dám dấn thân và hết mình. Trong hoàn cảnh đó, những con người như PGS Phan Ngọc thật sự là tấm gương để những người làm khoa học soi vào và tự răn mình.
Trong các công trình nghiên cứu của ông, PGS Phan Ngọc sử dụng thao tác luận(operationalist - một phương pháp nghiên cứu ở Việt Nam ít người biết và sử dụng) để làm việc và ông kiên trì với công cụ đó một cách nhất quán. Con người thức nhận(prise de conscience) Phan Ngọc không tiếp cận sự vật - hiện tượng theo lối miêu tả, ông tiếp cận từ cách đặt vấn đề: Tại sao có hiện tượng ấy? Tại sao cái hiện tượng ấy có thể tồn tại và diễn biến qua lịch sử? Nói cách khác là ông đi tìm lý do tồn tại của sự vật - hiện tượng. Về thao tác, ông thường quy hiện tượng ra thành một chùm quan hệ rồi tìm trong đó quan hệ nào có thể trực tiếp tác động để qua đó góp phần đổi mới cuộc sống. Nghiên cứu Nho giáo, ông đi tìm cái bất biếntrong cái khả biếnvà từ chùm các quan hệ nội tại của Nho giáo, Phan Ngọc rút ra kết luận: quan hệ giữa Khổng Tử và học thuyết chân truyền của ông mới thật sự là quan hệ cơ bản nhất của Nho giáo; còn các Nho gia hậu sinh đã làm nênHán nho, Tống nho, Minh nho... đã không còn giữ được Khổng giáo chân truyền, nói cách khác, luận thuyết của các Nho gia hậu sinhlà cái khả biếnnảy sinh từ cái bất biếncủa Khổng Tử . Nhận xét về ý nghĩa xã hội của Nho giáo nói chung, PGS Phan Ngọc viết: “Đạo Khổng tôn thờ đẳng cấp, nó phục vụ một xã hội chia thành những đẳng cấp khác nhau. Nó không phải là một chủ nghĩa nhân đạo dù cho bên ngoài nó nói toàn là nhân nghĩa, đạo lý. Nó không chấp nhận sự bình đẳng giữa cá nhân với cá nhân”. Từ nhận xét ấy ông cho rằng: “Muốn đổi mới một xã hội Khổng giáo, người ta phải bắt đầu từ việc xây dựng một xã hội bình đẳng, không dựa trên một thứ bậc có sẵn, mà phải dựa trên từng cá nhân với tư cách người lao động, trên một pháp luật bảo đảm quyền lao động và bắt buộc phải lao động, trên sự xoá bỏ mọi đặc quyền khác chấp nhận sự bình đẳng của cá nhân trước pháp luật”.
Nhìn nhận lịch sử - văn hoá trong tính liên tục của nó,Phan Ngọc chứng minh quá trình tiếp thu văn hoá Hán của nước Việt Nam sau thế kỷ X là một kiểu lựa chọn đúng, vì có như thế người Việt Nam mới có thể xây dựng được sự thống nhất chính trị - văn hoá sao cho có thể đủ sức đương đầu với các thế lực phong kiến phương Bắc. Ông luận chứng bản sắc văn hóa dân tộc là một kiểu lựa chọn từ quan hệ qua lại giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại, và chính sự lựa chọn này đã làm ra cái riêng, cái bản sắc của văn hoá mỗi cộng đồng. Để chứng minh Nho giáo ở Việt Nam mang chứa nhiều đặc điểm khác biệt so với Nho giáo Trung Hoa, ông đưa ra khái niệm “độ khúc xạ trong giao lưu văn hóa” - khái niệm khúc xạhiện đã và đang được sử dụng khá phổ biến trong giới nghiên cứu văn hoá, có lẽ bởi nó vừa chuyển tải những nội hàm lý luận - thực tiễn có tính khoa học, vừa đảm bảo tính hữu lý khi người nghiên cứu cần phải giải mã một sự vật - hiện tượng văn hoá đã nảy sinh như là sản phẩm tất yếu của quá trình tiếp biến giữa các quan hệ “nội sinh” và “ngoại sinh” có tính bản chất… Là người nghiên cứu cẩn trọng và nghiêm túc, Phan Ngọc luôn ý thức về tính chính xác của các khái niệm khoa học, và khi chưa thoả mãn với các khái niệm đang tồn tại, ông chủ động xây dựng các khái niệm mới đồng thời chú ý giới thuyết về chúng sao cho vừa có thể phản ánh tốt nhất về đối tượng và tương ứng với trình độ nhận thức của thời đại, vừa giúp người đọc hiểu cặn kẽ về cách thức tiếp cận của tác giả. Có thể kể ra các khái niệm như: vượt gộpđược ông giới thuyết: “Tôi dùng chữ “vượt gộp” để dịch khái niệm Aufhebencủa Đức hay dépassementcủa Pháp. Vượt gộpcó nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó có nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. Như vậy vượt gộpkhông phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới”; về thức nhận, Phan Ngọc viết: “Tôi tự nhận là người làm việc thức nhận(prise de conscience), tức là suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn tới sự suy nghĩ”... Theo dõi sinh hoạt khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam hàng chục năm nay, trong phạm vi khảo sát của mình, tôi nhận thấy các nhà khoa học có phong cách làm việc như PGS Phan Ngọc thật sự là không có nhiều.
Biên độ các vấn đề nghiên cứu của PGS Phan Ngọc rất rộng rãi. Ông quan tâm tới Nguyễn Trãi, tới Nguyễn Đình Chiểu, tới văn hóa cố đô Huế. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một say mê của ông, ông nghiên cứu Hồ Chí Minh một cách trân trọng, sâu sắc, có các lý giải riêng. Với văn hoá Việt Nam, ông có các công trình như Bản sắc văn hoá Việt Nam , Một cách tiếp cận văn hoá, Thử xét văn hoá - văn học bằng ngôn ngữ học, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học... Bằng phong cách học, ông nghiên cứu Truyện Kiềuđể tìm ra cống hiến nghệ thuật thiên tài của Nguyễn Du “trứơc đó không ai làm được và sau đó khó có ai làm được”. Ông quan tâm tới cách chữa lỗi chính tả cho học sinh. Ông viết các công trình Cách lựa chọn của sáu nền văn hoá(Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã, Đông Nam Á, Pháp), Đạo giáo ở Trung Quốc và ảnh hưởng ở Việt Nam. Cùng Phạm Đức Dương ông xuất bản cuốn Tiếp xúc ngôn ngữ Đông Nam Á, cùng Lê Ngọc Cầu ông viết Nội dung xã hội và mỹ học tuồng Đồ. Ông nghiên cứu và xuất bản Đỗ Phủ - nhà thơ dân đenvà mới cho ra đời Thi thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ. Ông bàn chuyện dịch Đạo đức kinhvà đã dịch - xuất bản cuốn Đạo đức kinh dễ hiểu. Ông còn dịch và xuất bản những công trình nghiên cứu lớn như Hình thái học của nghệ thuật(M. Kagan), Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc(B.L.Riftin)... Danh mục các công trình này tự chúng đã cho thấy học giả và dịch giả Phan Ngọc có một phạm vi khảo sát rất rộng rãi với một nền tảng lý thuyết và kiến văn mà tình huống phát triển của các khoa học ngày càng phân nhánh và chuyên sâu như ngày nay khiến người ta không dễ trang bị. Nên không ngẫu nhiên, từ ngày mở cửa, PGS Phan Ngọc đã được mời tới giảng dạy tại một số trường đại học ở Pháp, Niu Dilân, Hồng Kông và Singapore.
Một lần tôi bày tỏ với ông nỗi thắc mắc: từ lai lịch thì có thể lý giải việc Thầy trau dồi tri thức về phương Đông ra sao, nhưng thật tình con không hiểu Thầy thâu nhận tri thức phương Tây vào lúc nào? Ông kể: thời kháng chiến chống Pháp, trên chiến khu Việt Bắc, GS Trần Đức Thảo và ông cùng ở trong một chiếc lán giữa rừng sâu, mỗi người một cái sạp tre. Trước khi đi ngủ, không dầu không đèn, hai anh em thường nằm dài chuyện vãn với nhau. Chuyện mãi cũng chán, một hôm GS Trần Đức Thảo bảo với Phan Ngọc: tớ nghe nói cậu biết nhiều về phương Đông, từ nay trở đi, trước khi đi ngủ cậu trình bày cho tớ nghe được không. Phan Ngọc trả lời, như thế thì phải “có đi có lại”, tối nay em nói về phương Đông, tối mai anh lại nói về phương Tây cho em nghe. Hai người nhất trí, và các bài giảng cho nhau nghe giữa GS Trần Đức Thảo và Phan Ngọc đã diễn ra trong bóng tối như vậy trong gần 2 năm trời. Nghe ông kể xong, tôi chỉ còn biết bày tỏ lòng kính trọng vì xem ra thời nay, điều kiện của chúng tôi hơn thời của các ông rất nhiều, nhưng ý chí thì lại kém các ông nhiềubậc!
Tính đến năm 2006 này, PGS Phan Ngọc tròn 81 tuổi và mỗi lần tới mừng thọ ông, tôi đều không muốn Thầy của mình già đi. Mà thực tế thì ông vẫn chưa già, vẫn nguyên vẹn nhiệt huyết và sự say sưa như gần 15 năm trước tôi đã biết. Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, có lúc tưởng chừng sẽ gục ngã, vậy mà thầy Phan Ngọc của tôi vẫn trụ vững, và bằng nỗ lực không mệt mỏi, ông đã từng bước tự khẳng định mình với bản lĩnh của một trí thức lớn cả vệ trí tuệ và nhân cách. Cái gác xép bé tý xíu của Thầy tôi ở phố Bùi Thị Xuân ngày trước nay đã được thay thế bằng một “thư phòng” rộng rãi, sáng sủa, chất đầy sách vở trên tầng 6 của chung cư CT1A khu Mỹ Đình 2. Hàng ngày, ngoài giờ nghỉ ngơi, dự hội thảo, đi giảng bài hoặc gặp gỡ các nhà khoa học, PGS Phan Ngọc lại cặm cụi bên máy vi tính, và những dòng chữ như là kết quả từ các suy tư của một vị học giả lại hiện lên. Gặp những lúc như thế, tôi chỉ im lặng ngồi xa để nhìn, vì tôi không muốn làm gián đoạn luồng suy nghĩ của một con người mà tôi tin là nhà “bách khoa” cuối cùng của một thế hệ các nhà khoa học ở Việt Nam. Và tôi lại chờ đợi để được đọc những dòng ông viết!
Nguồn: Đại học Quốc gia Hà Nội, số 10.2006