Ông Việt kiều mát tay làm trang trại
Ông Việt kiều… hâm!
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là cụ Mai Viết Lương, một lão thành cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, từng là tỉnh uỷ viên tỉnh Long Châu Hà (nay là An Giang và Kiên Giang).
Trong số các con cụ Lương, Mai Viết Phương là người thành đạt nhất và là nhà nông học có tiếng được bạn bè quốc tế kính trọng và nể phục. Với thâm niên gần 30 năm làm giảng nghiệm viên (phụ trách hướng dẫn sinh viên thực nghiệm) chuyên ngành nông học tại Trường Đại học Western Sydney - Australia, ông có điều kiện đi nhiều nước, tiếp cận nhiều loại giống cây quý.
Những năm đầu thập niên 1990, trong một lần về Việt Nam , ông được người bà con dẫn lên Bình Phước xem rẫy. Đến nơi ông rất ngạc nhiên và băn khoăn khi thấy vùng đất rộng lớn hàng trăm hecta lại dùng để trồng mì (sắn), loại cây giá trị kinh tế chẳng đáng là bao. Hỏi ra, ông mới biết là khu vực này đất bị bạc màu do người dân đốt rừng làm rẫy.
Trở lại Australia , ông đem dự định về một trung tâm thực nghiệm nông nghiệp bàn với vợ con và được cả gia đình hưởng ứng. Thế là gom góp toàn bộ gia sản tích cóp được, ông về Việt Nam với mộng lớn: cải tạo đất thành nông trại trồng cây ăn quả, đồng thời nhân các loại giống cây quý của thế giới có giá trị kinh tế cao đem bán cho nông dân.
Ngày thành lập Nông trại Minh Đức (1996) ở xã Minh Đức (Bình Long - Bình Phước), bạn bè đều cho ông là … hâm! Bỏ qua những lời cản ngăn, ông quyết chí biến khu đất 200 ha bạc màu thành nông trại kiểu mẫu với số tiền đầu tư trên 20 tỷ đồng…
Từ quả trứng đà điểu biếu bộ trưởng…
Khi đề cập đến chuyện cây, con giống, ông nói một cách say sưa. Ông chính là người đầu tiên đem đà điểu về nuôi tại Việt Nam . Năm 1996, ông tặng cho đồng chí Nguyễn Công Tạn, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT 2 quả trứng đà điểu, sau nở được 2 con. Thấy nuôi được, ông gửi tiếp 100 trứng, nở được 60 con. Rồi theo gợi ý của ông Tạn, ông đem 2.000 con về nuôi thử tại trại Ba Vì (Hà Tây) và đã đạt kết quả tốt.
Không chỉ nuôi đà điểu, ông còn đem giống cây Polonia, loại cây công nghiệp dùng để chế biến gỗ cao cấp về Việt Nam trồng thử. Ngoài ra, ông còn đang trồng thử nghiệm giống cây keo lai trên khu đất 100 ha ở nông trại Minh Đức. Ông trộn một loại hoá chất vào phân bón để hạn chế hoạt động của bộ rễ nhưng kích hoạt các lá cây quang hợp, giúp cây lớn gấp đôi bình thường. Ông dự tính chỉ trong vài năm tới, 100 ha cây keo lai này sẽ mang lại tiền tỷ.
Nhưng có lẽ điều mà ông mong chờ ở ngày sắp tới là việc trồng thử nghiệm thành công 10 giống chè mới. Đây là loại chè ông cùng đồng nghiệp cho lai tạo thành công ở Australia . Hương vị thơm, ngọt dịu của loại chè này rất được khách hàng Nhật Bản ưa chuộng. Giá xuất khẩu 100 - 150 USD/ kg.
… Đến những trăn trở
Bên cạnh những thành công nhất định, ông không khỏi băn khoăn, trăn trở khi các giống cây của ông chỉ có bó hẹp trong phạm vi nông trại và vùng lân cận. Ông tâm sự: “Các nhà nông học Việt Nam về lý thuyết không thiếu, nhưng bầu nhiệt huyết thì chưa đủ. Từ năm 1996 đến giờ, tôi mang về hàng chục loại giống cây mới, toàn là giống lạ và hiếm nhưng giờ phút này chưa có nhà nông học nào ghé đến nông trại của tôi để tham quan, nghiên cứu và tính chuyện nhân giống cho nông dân”.
Giọng ông chùng xuống: “Ngành nông nghiệp Việt Nam nhất là lĩnh vực cây ăn trái còn quá lạc hậu về kỹ thuật cũng như về giống. Vì vậy, nếu chỉ bằng lòng với hiện tại, không có bước đột phá thì người nông dân sẽ mãi tụt hậu. Tôi chỉ mong lai ghép và nhân giống được nhiều loại cây con mới bán cho nông dân”.