Ông tiến sĩ “mắc nợ” nông dân
NHÀ KHOA HỌC CHÂN ĐẤT
Chúng tôi gặp TS Phạm Văn Kim trong dịp lễ tôn vinh nhà khoa học đúng ngày sinh nhật lần thứ 65 của ông. Trông ông khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn so với tuổi. Nước da ngăm vì sạm nắng. Gần bốn mươi năm nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng là ngần ấy năm TS Kim cùng nông dân không quản nắng mưa lặn lội trên đồng ruộng. Học trò của ông - nhiều người hiện là những tiến sĩ, thạc sĩ, giữ cương vị quan trọng trong xã hội - thường gọi ông là “nhà khoa học chân đất”.
Xuất thân từ gia đình nông dân nên TS Kim luôn trăn trở, băn khoăn với nỗi vất vả của nông dân. Ông tâm tình: “Mình ăn hạt gạo của nông dân là đã “mắc nợ” nông dân. Phải làm gì để nông dân bớt khổ, có cuộc sống ấm no, sung túc và con em nông dân có điều kiện đến trường?”. Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ ở Nhật năm 1976, ông trở về Việt Nam bắt tay vào công cuộc đổi mới phương thức sản xuất cùng nông dân. Trong khi nhiều nhà khoa học lúc đó không có điều kiện nghiên cứu đã tìm một cuộc sống khác thì ông vẫn kiên trì đem vốn kiến thức của mình cùng nông dân ứng dụng trên đồng ruộng. “Thời đó, nông nghiệp lạc hậu, kinh tế chưa phát triển, nông dân phải ăn độn, bữa đói bữa no. Nhìn cảnh đó, tôi không chịu nổi. Là nhà nông học, chẳng lẽ mình không giúp nông dân có những mùa vụ tốt...”.
Chính tinh thần trách nhiệm với nhà nông đã tạo thêm sức mạnh và ý chí không mệt mỏi cho TS Kim trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Bao nhiêu công trình nghiên cứu, bản thân ông cũng không nhớ mà chỉ quan tâm nghiên cứu đó có được ứng dụng tốt cho nông dân hay không, có gì chưa hoàn thiện cần được bổ sung. Để hiểu được điều đó, hàng chục năm trời, ông đã lặn lội khắp các cánh đồng lúa trù phú của miền Tây, thay vì chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm nghiên cứu những điều mình thích. Có lẽ vì vậy, TS Kim “đọc” được ở nông dân rất nhiều. Không chấp nhận để nông dân có được những mùa vụ bội thu nhưng phải đánh đổi bằng sức khỏe, nguy cơ bệnh tật về sau, ông tập trung nghiên cứu những kỹ thuật canh tác mới, kháng sâu, bệnh bằng phương pháp sinh học - sử dụng vi sinh vật diệt sâu bệnh hại lúa. Trong lúc khốn khó, ông băn khoăn trước cái đói của nông dân; khi đã khấm khá, ông lại trăn trở với những tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trên nông sản, tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Hai chuyên đề Nghiên cứu hợp tác với Viện nghiên cứu lúa Quốc tế Philippine và Trường Đại học Thú y - Nông nghiệp Hoàng gia Đan Mạch về cách “tiêm ngừa miễn dịch” cho lúa với bệnh khô vằn, cháy lá, đạo ôn đang gây hại ở ĐBSCL bước đầu đã mang lại kết quả rất khả quan, khi thử nghiệm trên đồng lúa ở Tiền Giang, An Giang. “Hai chủng vi khuẩn trong nghiên cứu này chưa được biến thành chế phẩm nhưng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn những cán bộ trẻ tiếp tục nghiên cứu phục vụ nông dân. Nói là nghỉ hưu nhưng các bạn cứ tìm tôi khi cần, miễn là phục vụ tốt cho nông dân “- TS Kim nói.
Trong những chương trình “Nhịp cầu nhà nông” của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ, TS Kim giải đáp một cách tận tình, với cách nói dễ hiểu mọi thắc mắc của nông dân về dịch bệnh, cách phòng trừ sâu hại trên cây lúa, cây ăn trái. Được mời chủ nhiệm nhiều đề tài, chủ trì nhiều hội thảo quan trọng trong nước và quốc tế, TS Kim chọn lọc những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích tập hợp viết thành sách phổ biến cho nông dân. Vì vậy, kỹ thuật IPM trên cây ăn trái, danh mục sâu bệnh hại cây trồng, các quy trình xử lý, dự báo bệnh trên lúa... lần lượt được in và trở thành tài liệu quý cho ngành nông nghiệp và nông dân ĐBSCL. TS Kim được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 1975-1995; các Bộ, ngành đã trao tặng cho ông Huy chương vì sự nghiệp Khoa học & Công nghệ, vì sự nghiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật... cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Nhưng niềm hạnh phúc nhất của ông vẫn là được chia sẻ những khó khăn với nông dân, giúp nông dân làm giàu.
THẦY CỦA NHỮNG SINH VIÊN NGHÈO!
Gần 40 năm đâu chỉ lo “trồng cây”, TS Phạm Văn Kim còn lao tâm khổ tứ với sự nghiệp “trồng người”. Ông là một trong những người đề xướng và mở rộng ngành đào tạo Nông học, Bảo vệ thực vật, nghiên cứu sinh chuyên ngành Bảo vệ thực vật. Tạo đà cho sự phát triển này, TS Kim đã tự tìm nguồn kinh phí từ nước ngoài để đưa đào tạo cán bộ trẻ tại các trường đại học quốc tế, giúp họ tiếp cận với những tiến bộ mới, nâng cao kiến thức, trình độ phục vụ khoa học, xây dựng quê hương. Ông đã viết hàng loạt giáo trình, tài liệu tham khảo: Vi sinh đại cương, Các nguyên lý bệnh hại cây trồng... Đến lúc về hưu, nói theo TS Kim là “bước bên lề cuộc đời”, nhưng ông vẫn tận tụy với những nghiên cứu mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, hỗ trợ cho sinh viên. Ông tiếp tục thực hiện những giáo trình, tài liệu: Biện pháp sinh học trong phòng trừ bệnh cây, Giám định bệnh hại cây trồng, Chất hữu cơ và mầm bệnh trong đất, Phương pháp nghiên cứu khoa học bảo vệ thực vật, sinh thái nấm... với sự dày công đầy tâm huyết, xem đó là “tài sản” để lại cho thế hệ sau. Khi nói chuyện với sinh viên, với các nhà khoa học trẻ, ông thường nhắc: “Phải biết hòa hợp giữa cái riêng và cái chung để hướng tới những định hướng phát triển cao cả. Còn nếu vì cái tôi quá lớn, không quan tâm đến sự phát triển của tổng thể xã hội thì con người sẽ rơi vào bế tắc...”. Và có lẽ chính ông đã dành cuộc đời mình để minh chứng cho chân lý sống đẹp đẽ ấy.
TS Trần Thị Thu Thủy, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật - Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, nhắc về kỷ niệm với TS Kim bằng giọng đầy cảm kích: “Đi học thạc sĩ ở Nhật về, hành trang của thầy Kim là kiến thức và rất nhiều sách mang về cho học trò thay vì dành dụm tiền bạc cho bản thân. Thầy rất yêu mến những sinh viên thuộc gia đình nông dân nghèo. Năm học nào, thầy cũng trích lương của mình đóng học phí cho sinh viên nghèo, có chí cầu tiến. Nhiều lần, trường yêu cầu thầy viết bản thành tích, thầy bảo bận việc này, việc nọ; nhưng khi sinh viên nhờ hướng dẫn nghiên cứu thì thầy rất sẵn lòng”. Gắn bó với Tiến sĩ Kim trong nghiên cứu và giảng dạy, TS Thủy rất hiểu và xem ông là tấm gương của sự tận tụy, nhiệt huyết. Đến giờ, TS Thủy vẫn còn giữ quyển sách thầy Kim mang về từ Nhật tặng cho, như một thứ tài sản quý giá.
Trong niềm vui ngày tôn vinh TS Kim, tiễn ông về hưu, nhiều lớp cựu sinh viên đã lặng người xúc động khi nhìn thấy mái tóc bạc trắng của ông. Hôm ấy, TS Phạm Hồng Cúc, giám đốc một công ty giống cây trồng, trong một chuyến công tác ngang qua Cần Thơ hay tin có buổi lễ tôn vinh TS Kim, đã vội vàng ngừng công việc, đến thăm ông. Đứng trên bục khá lâu như để nén xúc động, TS Cúc mới nói nên lời: “Thành quả của thầy chính là sự thành đạt của chúng tôi hôm nay. Chúng tôi là lớp học trò của thầy những năm 1968-1972...”. Chị chợt dừng lại ở đó, lấy khăn lau nước mắt. Cả hội trường trên một trăm chỗ ngồi hôm ấy chật ních học trò của Tiến sĩ Kim; mọi người đều hướng về ông với ánh mắt trìu mến.
Trong niềm xúc động của lễ chia tay với các đồng sự, TS Kim đã bày tỏ lòng tri ân đối với các cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Trường Đại học Cần Thơ như là các bác Bảy Khai, Sáu Bá, Tư Quang đã động viên và tạo điều kiện cho ông được an tâm công tác và nghiên cứu. Và ông cũng điềm đạm nhắc đến “một nửa” của mình - TS Lê Thị Sen, người vợ đã tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp của chồng - bằng cả tình yêu thương lẫn lòng biết ơn: “Tôi có thể làm được những điều mình ấp ủ với kết quả như hôm nay là có sự chia sẻ và đóng góp công sức rất lớn của nhà tôi!...”.
Nét đẹp của sự khiêm tốn trong từng lời nói, hành động của Phó Giáo sư - TS Phạm Văn Kim đã bộc lộ phong cách trong sáng về lối sống và đạo đức. Chính vì vậy mà ông đã lưu giữ được những tình cảm trân trọng, yêu thương của đồng nghiệp, bao thế hệ học trò và của nông dân ĐBSCL...
Nguồn: baocantho.com.vn 20/11/2005