Ông tiến sĩ... “cát”
Cát đổi đời!
Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có tổng cộng 21 xã, thị trấn thì có đến 14 xã vùng cát với diện tích lên tới 7.000 hécta. Hơn 10 năm trước, không ít hộ gia đình ở các vùng cát thấp trũng của huyện Hải Lăng đã tìm đến những cồn cát cao ở thôn Đông Dương, xã Hải Dương định cư chỉ để thoát khỏi cảnh thường xuyên phải chạy lũ nơi quê cũ khi mùa mưa đến... Vậy mà giờ đây, khu vườn của các hộ gia đình này cứ như một bộ sưu tập đủ thứ rau, hoa quả các loại.
Chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Đông Dương khoe với chúng tôi rằng, đây là cách lấy ngắn nuôi dài và nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị đã ổn định. Gần 20 hộ gia đình ở thôn Đông Dương đã đánh thức vùng đất cằn khô, trắng đến lóa mắt bằng mồ hôi để đổi lấy màu xanh của những loại cây trồng đã và đang nuôi sống con người. Trên vùng cát hoang hóa của xã Hải Dương, bằng nghị lực, tình yêu đất đai và khát vọng chiến thắng đói nghèo, con người đã làm cho cuộc sống nảy mầm lên xanh trên cát trắng…
Làng Thâm Khê, xã Hải Khê (huyện Hải Lăng), nơi người dân vẫn thường tự hào về bề dày lịch sử của một ngôi làng ngót gần 700 tuổi, cuộc sống luôn gắn liền với biển cả. Thế nhưng gần 10 năm trở lại đây, vùng đất, con người và cuộc sống đang từng bước đổi thay khi Thâm Khê biết lồng ghép giữa khai thác biển và phát triển nông nghiệp, nuôi cá nước ngọt và trồng cây công nghiệp.
Ông Trần Đăng Thánh, Trưởng thôn Thâm Khê vốn là một người lính, buổi đầu về với cuộc sống đời thường, hoàn cảnh gia đình hết sức nghèo túng. Dù đã kiên trì bám biển, quanh năm lênh đênh nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng cuộc sống vẫn luôn túng thiếu. Song nhờ phát triển kinh tế vườn, bình quân hàng năm, ông thu được từ tiền hoa màu, cây ăn quả, cá nước ngọt hơn 20 triệu đồng.
Cùng với gia đình ông Thánh, ở Thâm Khê có trên 20 hộ gia đình cùng tham gia phát triển kinh tế vườn, nuôi cá nước ngọt, trồng cây lâm nghiệp có nguồn thu ổn định, từ 20 đến 30 triệu đồng/năm…
Cũng như ở Hải Lăng, vùng cát hoang hóa ven biển của huyện Triệu Phong chiếm 5.000ha/9.000ha đất tự nhiên. Sau khi dự án cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát ven biển của Tiến sĩ Hoàng Phước thành công, đã có 356 hộ gia đình di, giãn ra vùng cát làm ăn sinh sống. Cùng với việc lập vườn của bà con, nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, đặc biệt kênh tiêu thủy ra biển có tác dụng cải tạo môi trường, đảm bảo cho quá trình sản xuất bền vững. Trên những vùng cát mà cách đây không lâu chỉ một màu trắng lóa, giờ đây đã phủ một màu xanh của hàng chục loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như ngô lai, hành tím Đà Lạt, đậu phụng, dưa leo…
Người bắt cát đổi đời
Sinh ra, lớn lên ở miền cát Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, từ thuở nhỏ cậu bé Hoàng Phước đã hiểu được bao vất vả nhọc nhằn của người dân lao động một nắng hai sương, thiếu đất đai sản xuất. Năm 1954, Hoàng Phước tập kết ra miền Bắc, và trở thành kỹ sư xây dựng, làm việc hơn 20 năm ở các công trình thuỷ lợi lớn.
Năm 1975, ông Phước được phân công công tác về tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) và đến năm 1990 giữ chức Giám đốc Sở Thủy lợi tỉnh Quảng Trị. Nhưng mãi đến năm 1993, ông mới có điều kiện bắt tay nghiên cứu cải tạo môi sinh, môi trường vùng cát.
Những ngày đầu đến với cát, nhiều người coi ông Phước là kẻ cuồng vọng, bẻ nạng chống trời hay dã tràng xe cát... Không vì thế mà nản lòng, sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tìm ra đặc điểm của cát là di động theo 3 hiện tượng: cát bay, cát nhảy và cát chạy. Sở dĩ có 3 hiện tượng này là do nắng, gió và mưa. Nắng hút nước, làm cho cát trở nên khô và nhẹ. Khi có gió (đặc biệt là gió Lào), cát dễ dàng bay đi nơi khác, xa từ 500 đến 600 mét. Còn khi mưa xuống, hạt cát bị hất tung lên, gặp dòng chảy sẽ bị cuốn trôi... Ba hiện tượng trên lấp dần nhà cửa, ruộng đồng và đường sá.
Song song với kết quả này, ông Phước tìm ra những ưu điểm của vùng cát. Mạch nước ngầm trong cát có chất lượng tốt, khối lượng lớn, đủ để cung cấp cho vùng cát. Vùng cát ở độ cao từ 6 đến 30 mét so với mực nước biển, rất ít khi bị ngập lũ, thích hợp cho việc sản xuất nông- lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ, hải sản...
Bằng biện pháp nông - lâm - thủy lợi kết hợp, ông Phước đã cải tạo thành công vùng cát. Đến năm 1997, trên hơn 5.000 ha cát ven biển huyện Hải Lăng và Triệu Phong đã có hàng trăm ha rừng phi lao, tràm hoa vàng lên xanh tốt. Chính quyền địa phương cho di, giãn dân ra vùng cát, xây dựng làng sinh thái trên cát. Đã có 600 hộ dân thuộc 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong sinh sống bền vững trên cát và làm giàu trên cát... Bà con vùng cát rất kính trọng ông Phước, tặng cho ông những cái tên thân mật như "Ngài khai canh", "Ông Tiến sĩ cát"...
Về phần mình, ông Phước đã bảo vệ thành công một cách xuất sắc luận án Tiến sĩ. Năm 1995, tại Hội nghị Chống sa mạc hóa ở Bangkok (Thái Lan), ông Phước được Viện Sinh thái Hoa Kỳ tặng Bằng danh dự Văn hóa quốc tế…
Rời vùng cát ven biển huyện Triệu Phong, bất chợt tôi nhớ đến câu ca dao: "Mẹ già muốn ăn cá thu/ Gã con về biển mịt mù tăm hơi". Câu ca một thuở nghe buồn đến da diết ấy giờ đây chỉ còn là kỷ niệm trong trí nhớ của những phận đời nghèo khó từng lam lũ trên cát trắng những tháng năm dài. Người dân vùng cát hôm nay đã thực sự có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Họ mãi mãi không quên ơn ông "Tiến sĩ cát", tôn vinh ông như một vị thánh, một người khai canh ra vùng đất này
Nguồn: vnn.vn 23/4/2006