‘Ông lão mặt đỏ’
Nếu loài khỉ này được bảo vệ bằng cách giam cầm thì chỉ được một thời gian ngắn chúng sẽ chết. Hiện tại, người ta không còn cách nào khác ngoài việc nhìn thiên nhiên tự quyết định số phận giống khỉ hiếm này.
Khỉ mặt đỏ như máu có tên khoa học là Cacajao calvus. Chúng thường sống theo bầy từ 15-30 con, thỉnh thoảng cũng có bầy chỉ 10 con.
Ngoài ra, chúng còn có nhiều "cá tính" khác cũng không giống với các loài khỉ thông thường: Trong khi những loài khỉ khác luôn nhảy nhót lóc chóc, kêu chí chóe cả ngày thì khỉ Cacajao calvus luôn tỏ vẻ ta đây là... ông già. Chúng hoàn toàn im lặng, còn việc di chuyển trên cây thì hết sức êm ái.
Khỉ mặt đỏ không bao giờ thực hiện những cú nhảy chuyền cành mạo hiểm như những loại khỉ "trẻ con" khác. Do không gây ra tiếng động, nhưng vì sở hữu một khuôn mặt màu đỏ chói, nên ở Nam Mỹ, chúng trở thành loài khỉ bị con người chú ý nhiều và bị săn bắt nhiều hơn các đồng loại khác.
Khỉ mặt đỏ sống khá hiền lành. Đêm ngủ, ngày leo trèo trên các cành cây để kiếm ăn. Thức ăn chính của loài Cacajao calvus là trái cây, lá, côn trùng và các sinh vật nhỏ khác. Cả đời chúng sống âm thầm trên cành cây cao, hiếm khi thấy xuống dưới thấp.
Một điểm ngồ ngộ nữa là "khỉ trầm lặng" chỉ thích sống ở những vùng thường xuyên ngập nước, trong những khu rừng rậm có các nhánh thượng lưu sông Amazon (Nam Mỹ).
Mùa sinh sản của khỉ mặt đỏ Nam Mỹ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Con cái có thể sinh sản khi được 3-5 tuổi. Con đực trưởng thành lúc khoảng 5-6 tuổi. Cứ hai năm một lần, khỉ mẹ lại đẻ một khỉ con.
Đuôi của khỉ Cacajao calvus ngắn nhất trong tất cả các loại khỉ châu Mỹ. Chiều dài có thể trung bình vào khoảng 0,6m, chúng nặng trung bình khoảng 5kg.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 22/11/2005