Ốc tù và kêu cứu
Ốc tù và là gì?
Ốc tù và theo tên gọi của ngư dân Khánh Hoà là “ốc chà và”. Mặt ngoài màu kem với nhiều vân màu nâu đậm và nâu nhạt. Ốc chà và là loài có miệng lớn màu hồng nâu, mép ngoài gợn sóng, môi trong có nhiều gờ xen kẽ các rãnh màu đen. Với chiều dài tối đa 350mm, nhìn cấu tạo tổng thể, loài ốc này có dạng kèn. Theo sách Đỏ Việt Nam, ốc tù và là loài ốc quý, có giá trị mỹ nghệ cao, số lượng tương đối ít. Ốc tù và đang tồn tại trong tình trạng bị khai thác triệt để ở khắp nơi, kể cả những con non. Mức độ đe doạ bậc V (loài có giá trị kinh tế có thể bị đe doạ tuyệt chủng).
Ngư dân Duy Tri, chuyên sống bằng nghề lặn biển tầm hải vật ở đảo Hòn Tre (Nha Trang) và khu vực bán đảo Hòn Hèo (huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) kể chuyện, trước đây, ốc tù và đặc ken dưới các rạn san hô. Điểm lạ ở loài này là trọng lượng càng lớn, chúng càng sống ở tầng nước sâu. Điều này trùng khớp với thông số sinh học của ốc tù và được ghi trong sách Đỏ Việt Nam: “Ốc tù và phân bố tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vào đảo Hòn Mun, Hòn Tre (tỉnh Khánh Hoà). Sống ở vùng triều đáy mềm. Có khi xuống sâu 20 - 30m”.
Trong khi san hô gai (Nhím bà) tiêu diệt những rặng san hô và khiến cho con người phải mất rất nhiều công sức để trừ diệt thì ốc tù và lại góp phần giúp con người tiêu diệt “Nhím bà” một cách đắc lực. Người ta gọi chúng là vệ sĩ của san hô. Vùng biển nào có nhiều ốc tù và, vùng biển đó, các rạn san hô sẽ được an toàn. Vậy mà, chỉ vì mối lợi trước mắt, con người đang săn tìm và tiêu diệt ốc tù và.
Đấu trường khốc liệt
Cuộc chiến giữa nhím và và ốc chà và ngày nào nay đã trở thành đấu trường khốc liệt giữa loài người và những con ốc lành như cục đất. Phần thắng tất nhiên thuộc về đội quân được trang bị bình hơi, kính lặn, ống thở, bẫy bọng... và nói chung đủ món đồ chơi dư sức đưa những con cá mập nặng hàng trăm ký lô lên bờ, huống chi chỉ là những con ốc.
Ông Trương Kỉnh, trưởng Ban quản lý khu bảo tồn vịnh Nh Trang thông báo tin buồn: Báo cáo nghiên cứu gần đây của Viện hải dương học Nha Trang cho thấy, trong suốt 10 năm qua, tại các điểm rạn nghiên cứu và giám sát đã không còn tìm thấy ốc tù và. Nguyên nhân của thực trạng này là do vỏ ốc đang trở thành món quà lưu niệm thời thượng. Thịt ốc cũng là món ăn chơi thu hút nhiều thực khách lắm tiền khoái ăn của lạ.
Tại chợ Đầm, khu vực cảng Cầu Đá và tại cửa hàng mỹ nghệ lớn nhất Nha Trang nằm trên đường Trần Phú, dễ dàng bắt gặp hàng trăm vỏ ốc tù và được trưng trong những chiếc tủ kiếng với giá bán từ 30.000 - 700.000đ/chiếc. Cô bán hàng liến thoắng: “Do nó đẹp, hiếm lại có dương khí mạnh nên khách du lịch rất thích”.
Không dừng lại ở trào lưu “chơi vỏ”, thời gian gần đầy, thút nhắm thịt ốc tù và cũng đã và đang là mốt của những du khách lắm tiền. Theo mách nước của nhiều cư dân bản địa, chúng tôi phóng qua cầu Trần Phú, đến khu vực thắng tích Hòn Chồng, nơi có 20 quán nhậu chuyên đặc sản biển hớp hồn dân nhậu bởi những món trứ danh như ốc nhảy hấp - nướng gừng, ốc giác luộc sả chấm muôi tiêu chanh, ốc sao, ốc bàn tay lụi than hồng ăn với mắm gừng... Hỏi đặc sản chà và, các ông bà chủ này đều gật đầu: “Có nhưng hơi đắt à nghen! Con một ký trở lên giá 800.000đ/ký. Loại từ nửa ký đến 800gram giá 700.000đ/kg. Mấy ông bà chủ ở các điểm còn lại tỏ ra nuối tiếc: Chà và giờ hút hàng lắm. Giá cả leo thang ngày một. Muốn ăn phải dặn trước mới được”.
Săn được một con ốc tù và bán cả vỏ lẫn thịt được cả triệu đồng. Hấp dẫn thế nên cánh thợ lặn ở thành phố biển ra sức tầm nã “loa kèn đại dương”. Không chỉ những con ốc cụ, ngay cả những con tù và be bé cũng bị người ta trục xuất khỏi lòng đại dương một cách không thương tiếc.
Một kế hoạch nhân giống tù và thả biện để gia tăng số lượng thiên địch của nhím bà đã từng được đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể nhân giống được. Một trở ngại khác, ngay cả khi nhân giống rồi, liệu những con ốc chà và có kịp lớn để trở thành khắc tinh của sao biển gai trước sự ruồng bố kịch liệt của hàng ngàn thợ lặn?
Kỹ sư Đào Việt Hà(Viện Hải Dương học Nha Trang): Cẩn trọng khi ăn ốc tù vàKhông chỉ những loài ốc thông thường, gần đây, người ta còn ăn những loài ốc lạ, tiềm ẩn độc tốt chết người (tetrodotoxin) như ốc trám, ốc đụn, ốc ngọc... và đặc biệt là ốc tù và. Đây là hợp chất có cấu trúc đặc biệt nên không bị phân huỷ khi chế biến xào nấu ở nhiệt độ cao, thậm chí khi cấp đông. Điều đáng quan tâm là hiện vẫn chữa có những công bố cuối cùng về độc tố trong ốc biển. Cùng một loài nhưng độc tính của từng cá thể cũng khác nhau... Do vậy, mọi người cần thận trọng trước những loài ốc có tiền sử gây chết người hay ốc lạ như ốc tù và. |
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 107 (2034), 5/11/2007, tr 15