Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 01/03/2006 23:27 (GMT+7)

Nứt đất - Chỗ nào cũng nứt

GS. TS Nguyễn Trọng Yêm, Viện Điạ chất, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài KC.08.01 - xây dựng bản đồ thiên tai lãnh thổ Việt Nam, cho biết, mạng lưới khe nứt ở nước ta tương đối dày đặc.

Theo bản đồ thiên tai nứt đất lãnh thổ Việt Nam, dọc quốc lộ 18A, rìa Tây đồng bằng Bắc Bộ (thuộc địa phận các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình) khu vực sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, sông Lô, dọc theo bờ biển phía Nam, v.v..., đâu đâu cũng thuộc đới đứt gãy ần chứa nguy cơ nứt đất.

"Phần lớn các sông và thung lũng ở nước ta chạy theo các vết nứt", GS Yêm tiết lộ.

Các khe nứt lại thường xuyên kết hợp với nhau, nhiều phương, nhiều kiểu thành hình hài đặc biệt. Có khi các khe nứt chỉ cắt một dạng địa hình với một độ cao nhất định.

Nhưng có khi lại cắt qua nhiều dạng địa hình với hình thái và độ cao khác nhau, cắt qua những dạng địa hình tự nhên và nhân tạo khác nhau. Chúng cắt qua đồi, qua vườn, qua ruộng, qua nền nhà, qua trường học, qua các công trình thuỷ điện, đê điều, v.v...

Nguy cơ lớn

Trong lịch sử Việt Nam, nứt đất từng gây ra nhiều tác hại lớn. Một đới nứt rộng dọc đường 18A từ Phả Lại đi Đông Triều, Uông Bí khiến hầu như nhà nào trong các làng cũng bị nứt vỡ ở những mức độ khác nhau.

Khu vực ở giữa đồng bằng Bắc Bộ, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, v.v..., nhà cửa, ruộng vườn, đồi núi, trường học cũng bị nứt vỡ tương tự. Khu vực Đại Nội Huế có hai dải gồm nhiều khe nứt đất lớn phá hoại phiều nhà cửa và công trình văn hoá, lịch sử.

Một số khu vực ở Hà Nội như Cầu Giấy, Giảng Võ, nhiều năm trước đây cũng có nhiều vết nứt. Đập thuỷ điện Thác Bà nằm trên đoạn đới đứt gãy sông Chảy bị nứt phải sửa chữa nhiều lần.

Ngoài ra, đất nứt thường xuyên xuất hiện ở Đak Lây, Đak Nông. Năm 1992, một vết nứt không đo được độ sâu dài mấy trăm mét xuất hiện làm một đoạn đường sụt thấp 0,5 m, gây ách tác giao thông.

Năm 1993, một vết nứt khác kéo dài từ huyện Krong Ana đến huyện Krong Pak. Năm 1999 đến nay, đất nứt xảy ra liên tiếp và mức độ nghiêm trọng hơn, v.v...

Không chỉ ảnh hưởng về vật chất, nứt đất còn ảnh hưởng tới tư tưởng của nhân dân. Năm 1997, bà con ở Chí Linh, Hải Dương, (một trong những nơi xảy ra hiện tượng nứt đất nhiều nhất) đang đêm kéo nhau bỏ chạy vì tưởng trời làm gây tai hoạ giết hại cả làng. Ở Đak Lây, khi gặp hiện tượng nứt đất, dân làng đua nhau cũng lễ.

Đặc biệt, tác hại nghiêm trọng nhất của nứt đất, theo các chuyên gia, chính là việc khó có thể xác định được thời điểm xảy ra nứt đất, không có biện pháp gì xử lý hữu hiệu khi nứt đất xảy ra.

Theo các chuyên gia, hiện nước ta đang phát triển mạnh các đập nước, các công trình xây dựng, các công trình thuỷ điện, nếu không chú ý đến vấn đề nứt đất, các công trình sẽ khó đảm bảo độ an toàn nếu nứt đất xuất hiện.

Nên tham khảo mô hình

Theo GS Yêm, giai đoạn năm 1976 - 1980, khi các vết nứt liên tục được phát hiện ở nước ta, nhà nước và các nhà khoa học từng đầu tư và thực hiện nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến nứt đất. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc nghiên cứu ít được quan tâm hơn.

"Đây là hiện tượng tự nhiên có thật, từng và sẽ tiếp tục xảy ra ở nước ta. So với các loại hình thiên tai khác, tác hại của nứt đất không hề nhỏ", một nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực này cảnh báo.

Các nhà khoa học cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là phải có nhận thức đúng đắn về thiên tai nứt đất và phổ biến rộng cho trong nhân dân.

Ngoài ra, đối với những công trình đặc biệt (nhà cao tầng, thủy điện, v.v...), khi xây dựng tốt nhất tránh các vùng có nguy cơ nứt đất lớn. Với những công trình một đến hai tầng, nên tham khảo các mô hình thiết kế mà Viện Địa chất đề xuất.
Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm, có kỹ năng và phương tiện nhất định trong điều tra, nghiên cứu vấn đề này ở quy mô lớn và liên tục.

Thiên tai nứt đất được hiểu là hiện tượng nứt vỡ mặt đất, nứt võ vỏ trái đất do những chuyển động từ từ của vỏ trái đất (hoặc những phần sâu hơn) sinh ra.
Mười loại thiên tai được Viện Địa chất nghiên cứu gồm bão, hạn, lũ, xói lở bờ sông, xói lở bồi tụ bờ biển, nứt đất, động đất, và tai biến môi trường sinh thái, v.v...

Ngày 20/2/2006, một trận sụt lún đất nghiêm trọng xảy ra ở Tân Hiệp, Cam Tường, Cam Lộ, Quảng Trị buộc 122 hộ dân ở đây phải sơ tán khẩn cấp. Ngay sau đó, đoàn nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Huế do GS. TSKH Nguyễn Thanh dẫn đầu phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Trị tiến hành khảo sát khu vực trên.

Theo GS. TSKH Nguyễn Thanh, nguyên nhân vụ sụt lún có thể do khu vực này nằm trên tầng đá vôi, bên dưới là những hang động tạo thành những dòng suối ngầm. Nước chảy qua nhiều làm mềm nhão tầng địa chất bên dưới gây sụt lún.

Theo TS. Trần Trọng Huệ, Viện trưởng Viện Địa chất, không loại trừ khả năng sụt lún là do nứt đất. "Nứt đất có thể là một trong những nguyên nhân gây sụt lún ở Quảng Trị" TS Huệ nhận xét "Tuy nhiên, kết quả từ phía các nhà khoa học khảo sát trực tiếp từ hiện trường mới là câu trả lời chính xác nhất".


Nguồn: NetNam  24/2/2006

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.