Nuôi kiến vàng diệt sâu
Từ một phát hiện
Những năm trước đây, loài ruồi đục quả gây hại khá nặng trên các vườn ổi ruột trắng đặc sản của vùng Chợ Mới, Tân Phú (An Giang), làm rụng quả hàng loạt, nhà vườn thất thu nặng. Tình cờ, một vài hộ dân tranh thủ trồng mướp dưới gốc ổi để làm giàn cho mướp leo. Không ngờ khi thu hoạch xong mướp thì họ phát hiện cây ổi có mướp leo, cây kế bên đều có rất nhiều kiến vàng và hầu như không có loại sâu nào gây hại cho ổi nên chất lượng quả rất tốt, vỏ quả trơn bóng, không có vết nhám như trước đây và đặc biệt là khôngbị rụng hàng loạt. Theo các nhà khoa học, kiến vàng là thiên địch có ích, là kẻ thù nguy hiểm của nhiều đối tượng sâu hại. Nhờ lá mướp to, hấp dẫn kiến vàng đến làm tổ và lấy các đối tượng sâu hại làm thức ăn, do đó chúng cần mẫn tiêu diệt hết các loại sâu hại như rệp, sâu ăn lá, sâu đục thân, sâu đục cành, giòi đục hoa, ruồi đục quả, bọ xít xanh hại quả... Nhờ mật số đông, kiến vàng còn có khả năng xua đuổi loài kiến hôi, nguyên nhân gây hiện tượng trái cây bị sượng và khô nước hoặc hạn chế sự lây lan bệnh vàng lá greening do rầy chổng cánh. Theo đánh giá của các nhà vườn, nếu duy trì được mật số khoảng 40-50 con kiến vàng/cây cam thì có thể hạn chế được sự gây hại của sâu bệnh tới 70-80%.
Nhân nuôi và thả kiến vàng
Mùa thả kiến vàng tốt nhất từ tháng 4 đến tháng 12. Bà con tìm tổ kiến vàng ở các cây khác, dùng vải màn bao lấy tổ, cắt cành và đem treo mỗi cây một tổ kiến (làm vào ban đêm, khi kiến đã về tổ). Thả kiến từ ngọn xuống chúng mới có khả năng xua đuổi kiến hôi và các loài kiến khác. Cách ly vườn cây được thả kiến vàng bằng các mương nước để giữ kiến. Có thể chăng dây giữa các cây trong vườn giúp kiến di chuyển nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả trừ sâu sẽ cao hơn. Thời gian đầu có thể bổ sung thêm thức ăn cho chúng bằng cách treo các đầu cá, ruột gà, vịt trên cành cây.
Kiến vàng là loài thiên địch rất nhạy cảm với các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc tổng hợp và nhóm lân hữu cơ. Vì vậy trong vườn có nuôi kiến vàng cần hạn chế phun xịt các loại thuốc trừ sâu thuộc các nhóm này. Trong trường hợp mật độ sâu cao, cần can thiệp bằng thuốc hoá học thì có thể chọn Actara để phòng trị sâu rầy, bởi thuốc này ít bị ảnh hưởng đối với kiến vàng. Nếu kiến vàng có bị chết một ít thì chúng hồi phục rất nhanh do khả năng nhân đàn lớn.
Chú ý: Kiến vàng chỉ thích làm tổ trên cây lá rộng như cam, quýt, bưởi, xoài, chôm chôm, vú sữa... mà không thích ở cây lá hẹp như nhãn, vải, ổi... vì khó khâu thành tổ. Vì vậy ở vườn cây lá hẹp nên trồng xen một số cây lá rộng để dụ kiến vàng đến làm tổ. Mặt khác luôn chú ý đến số lượng kiến, số tổ nhất định trên từng cây để không làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây, vì nếu quá đông kiến sẽ làm hỏng nhiều lá cây do chiếm diện tích làm tổ. Điều chỉnh số lượng kiến bằng cách bố trí hợp lý mật độ cây lá rộng.
Nguồn: Kinh tế nông thông, số 32 (518), 7/8/2006