Nước rửa chén, bát từ cám gạo
Ý tưởng làm nước rửa chén, bát của Đạt bắt nguồn từ những lần đi ăn cỗ đám cưới, chứng kiến nhiều nhà hàng xóm khi xong công việc thì cá nuôi trong ao hồ đều bị chết. Đạt tự đặt cho mình câu hỏi câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó? Qua những lần lên mạng và nghiền ngẫm kiến thức học được trong trường, em biết chính nước rửa chén bát là nguyên nhân gây ra điều đó bởi trong nước rửa bát có chứa những thành phần độc hại. Một lần quan sát những chậu nhôm của gia đình để thức ăn chăn gà, vịt đều trắng sáng mà không phải rửa bằng bất cứ loại nước xà phòng nào. Đạt nghĩ "chắc chắn trong cám gạo có chất gì đó thì mới có hiện tượng như vậy", em lấy một nhúm cám hoà vào nước để rửa bát thì thấy bát sạch dầu mỡ, sáng bóng. Từ đó, em âm thầm nuôi ý tưởng sẽ chế ra loại nước rửa chén không độc hại mà hiệu quả tẩy rửa vẫn cao.
Là một cậu học sinh học giỏi môn Sinh học, cậu học trò liền chia sẻ ý tưởng của mình với cô giáo dạy môn Sinh. Ý tưởng và tinh thần học hỏi của em đã được cô giáo khen thưởng và động viên tận tình giúp đỡ. Sau mỗi buổi học hai cô trò lại vào phòng thí nghiệm của trường phân tích thành phần cám gạo. Qua đó, em phát hiện ra nhiều điều thú vị. Đó là cám gạo còn có tên gọi là gạo mịn, gạo bóng có nhiều chất dinh dưỡng. Có lần em đã tổ chức các bạn họp lớp và phổ biến kiến thức về tác dụng tốt của nước rửa bát từ cám gạo và thu thập ý kiến của các thành viên sau 10 ngày sử dụng. Hầu hết các bạn đều cho rằng hỗn hợp này rửa sạch dầu mỡ trên bát đĩa và da tay không bị dị ứng
Để chứng minh cho chúng tôi, em lấy 3 thìa cám có sẵn trong nhà, pha vào chai đựng 250 ml nước, lắc đều thành dung dịch có màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng. “Lượng hỗn hợp này đủ dùng trong 3 ngày đối với gia đình khoảng 3-4 nhân khẩu" – Đạt nói. Để tìm ra lượng cám thích hợp khi pha với nước được dung dịch tẩy rửa hiệu quả cao, Đạt phải làm rất nhiều thí nghiệm khác nhau. Nếu lượng cám ít thì tẩy rửa không hiệu quả mà nhiều sẽ gây lãng phí nguyên liệu. Mầy mò, em thấy liều lượng thích hợp nhất là 12 g cám gạo hoà với 100 ml nước. Với giá 6 nghìn đồng/kg cám thì cứ 1 kg cám gạo sẽ pha được hơn 8 lít hỗn hợp và rửa được số lượng lớn bát đĩa.
Đặc điểm của loại nước này là khi rửa chén bát sạch hoàn toàn mỡ, khô ráo. Ngoài ra, hỗn hợp có khả năng tẩy sạch vết ố của trà, cà phê trên chén, bát nhanh, không có mùi tanh khó chịu như khi dùng nước rửa bát không rõ nguồn gốc. Không chỉ trên những đồ bằng gốm sứ, trên vật dụng làm bằng nhựa thì hiệu quả tẩy rửa cũng cho kết quả tương tự. Hơn nữa, nước rửa bát chế từ cám gạo có thể thải trực tiếp xuống ao hồ mà không gây nguy hại cho cá hay các loài thuỷ sinh. "Khi đổ nước rửa chén bát ra ao thả cá nhỏ, em quan sát liên tục trong 10 ngày thì hoạt động của các vi sinh vật trong ao đều bình thường. Nước rửa này không gây dị ứng, hại da tay mỗi khi rửa một lượng bát đĩa lớn” – Đạt cho biết.
Điều khiến Đạt trăn trở là khả năng tẩy rửa dầu mỡ của nước rửa từ cám gạo chưa cao bằng các loại nước rửa chén bát thông thường. Thời gian tới, cùng với việc học tập, em tiếp tục nghiên cứu xác định rõ chất thực sự có tác dụng làm sạch các vết dầu mỡ, vết ố trà, chất làm đẹp da tay, mùi hương đặc trưng của nước rửa chén này và cách giữ dung dịch lâu hơn để tiện cho sử dụng. Đạt hy vọng sẽ được sự giúp sức của các nhà chuyên môn để một ngày không xa loại nước rửa chén do em “sáng chế” sẽ có mặt trên thị trường.