Nói 'không' với than đá để chống biến đổi khí hậu
Đây là một trong những nội dung được Phong trào Toàn cầu về Biến đổi Khí hậu (BĐKH) 350.org tại Việt Nam đưa ra khi đã phát động chiến dịch “Công dân Hành động vì Khí hậu”, với nhiều hoạt động tại các thành phố lớn của đất nước như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Chương trình được bắt đầu từ tháng 9/2014, là chiến dịch quan trọng hưởng ứng chương trình People’s Climate Mobilisation (tạm dịch: Huy động Cộng đồng vì Khí hậu) do 350.org toàn cầu khởi xướng trong năm nay.
Theo đó, Chiến dịch chọn than đá là chủ đề chính, và có mục tiêu huy động sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng trong việc kêu gọi Chính phủ Việt Nam sửa đổi quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, nhằm chuyển đổi sử dụng các loại năng lượng tái tạo thay cho năng lượng từ than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, để đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.
Hưởng ứng phong trào này một trò chơi kết hợp trực tuyến và ngoại tuyến do 350.org Đông Á khởi xướng, sẽ được thực hiện tại Hà Nội bắt đầu từ ngày 21/09 có tên "Săn rồng than đá" được thực hiện.
Theo đó, người tham gia tại các quốc gia khác nhau sẽ dựa vào các manh mối trên website (trang thông tin điện tử) của trò chơi này, để tìm ra những “con rồng than đá”, là những cơ sở có liên quan đến than đá trong thành phố nơi họ sinh sống, và qua đó tìm hiểu thêm thông tin về ảnh hưởng tiêu cực của than đá tới môi trường và sức khoẻ con người.
Ban tổ chức cho biết, Chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi quan điểm của công chúng về vấn đề than đá, và mối liên hệ của nó với biến đổi khí hậu, từ đó nêu bật hướng phát triển tất yếu của Việt Nam trong tương lai phải dựa trên năng lượng tái tạo để đảm bảo tính bền vững cho cả con người và môi trường.
Theo các nghiên cứu trước đó chứng minh, than đá là nguyên nhân gây ra 20% hiện tượng hiệu ứng nhà kính và khí thải ga, vốn là nguyên nhân hàng đầu làm biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà có một số nhà khoa học đã ví than đá là kẻ thù của loài người.
Được biết Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra tại New York vào tuần tới cũng sẽ đề cập tới vấn đề sử dụng than đá.
Theo đó một bản cáo của Ủy ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu cũng được đưa ra và xoáy sâu vào vấn đề sử dụng than đá trong phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia khiến cho môi trường bị ảnh hưởng.
Cụ thể báo cáo dẫn chứng từ Ba Lan, bao nhiêu năm qua, nguồn than đá dồi dào đã được khai thác và sử dụng triệt để, cung cấp đến 90% sản lượng điện, hậu quả là gây ô nhiễm nặng nề về môi trường, trở thành đất nước có chất lượng không khí thấp nhất ở Châu Âu.
Tại đây, nồng độ bụi hạt kích cỡ lớn dễ gây ra các vấn đề về tim mạch và hô hấp tại các thành phố của Ba Lan thường xuyên vượt quá giới hạn cho phép hàng ngày và hàng năm. Vì vậy, việc Ba Lan đi tìm nguồn điện năng sạch để thay thế là điều cấp bách. Và nước này đã chọn điện hTheo bản kế hoạch dự thảo gần đây về chính sách năng lượng thì đến năm 2050 nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào than đá, cả carbon đen và carbon nâu, nhờ vào việc tăng cường điện hạt nhân và một phần đáng kể năng lượng tái tạo.
Hoặc ở Ấn Độ, nguồn điện cung cấp cho khoảng 300 triệu dân cũng đang lệ thuộc vào nhiên liệu than đá. Dù có một tiềm lực điện hạt nhân đáng kể với 21 tổ máy (hay lò phản ứng), Ấn Độ cũng vẫn phải sử dụng đến 80% than carbon cho các nhà máy nhiệt điện và nước này cũng, tất nhiên, nước này cũng bị xếp vào danh sách các nước có bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Và vì vây, Ấn Độ có kế hoạch mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu quá trình dùng than carbon cho phát điện từ 80% hiện nay xuống dưới 20% bằng cả hai mũi nhọn, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Từ các dẫn chứng trên, bản báo cáo của Ủy Ban Toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu, có đoạn nhấn mạnh: "Sự biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính trong quá khứ đã gây những hậu quả kinh tế nghiêm trọng ... Nếu không có hành động mạnh mẽ hơn trong 10-15 năm tới, điều này sẽ dẫn đến khí thải toàn cầu đạt đỉnh và sau đó rơi xuống, kết quả gần như chắc chắn là sự ấm lên toàn cầu trung bình sẽ vượt quá 2 độ C , một mức mà cộng đồng quốc tế đã đồng ý không được để vượt qua", báo cáo viết.
Giảm tốc độ biến đổi khí hậu - việc phải làm
Bão lốc, sóng thần, nước biển dâng - những hình thái thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều do biến đổi khí hậu
Than là một trong những loại nhiên liệu hóa thạch quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới nổ ra, than đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Tuy nhiên đối với môi trường, khai thác than làm thay đổi và phá hủy cảnh quan thiên nhiên nghiêm trọng. Việc xây dựng hầm mỏ lộ thiên hay trong lòng đất là nguyên nhân gây ra xói mòn đất đai và cái chết của lớp thực vật trên bề mặt. Ở những nơi không có cây cối, sự xói mòn sẽ kéo dài từ 50 - 60 năm sau khi khai mỏ.
TS Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục và Phát triển Môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng không còn cách nào khác chúng ta phải làm giảm tốc độ của biến đổi khí hậu có liên quan đến nhiều lĩnh vực như nền kinh tế chúng ta phải làm.
"Hiện nay tất cả các nước trên thế giới đang sử dụng nguồn nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch như dầu lửa, than đá... Cần phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý để giảm khí thải nhà kính", TS Ninh nói.
Theo đó ông Ninh cho rằng, trong nông nghiệp và lâm nghiệp sử dụng nhiều phân bón hữu cơ để tránh phát thải khí metan rất nhiều. Có rất nhiều các biện pháp liên ngành và đòi hỏi các chính sách phù hợp với từng nước và từng địa phương với mục tiêu tối đa.
Mặt khác, chúng ta phải làm sao có những biện pháp đối phó thích nghi sống cùng biến đổi khí hậu và tránh thiệt hại tối đa, chính sách, truyền thông các biện pháp ứng phó. Khi chúng ta đắp đê biển chúng ta trồng rừng ngập mặn ở phía ngoài để bảo vệ.
"Đối với mỗi cá nhân chúng ta phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Bao gồm giữ gìn môi trường, sử dụng giao thông tốt nhất như đi nhiều người một xe, dùng bóng đèn tiết kiệm, ra khỏi phòng tắt điện ngay, tắt máy tính khi không dùng. Mỗi cá nhân phải nhận thức rằng năng lượng và sự bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng sẽ làm cho thế giới tốt hơn", TS Ninh gợi ý.