Những yêu cầu đổi mới cơ bản giáo dục nước ta
Vấn đề mấu chốt trong đổi mới sự nghiệp giáo dục Việt Nam mà Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Ðảng khẳng định là "Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục". Ðây là cách đặt vấn đề giáo dục với yêu cầu mới: Chuyển từ chủ trương giáo dục cho mọi người sang chủ trương mọi người đều phải thực hiện việc học tập suốt đời. Cách đặt vấn đề trên căn cứ vào tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học, đồng thời căn cứ vào yêu cầu đổi mới giáo dục của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Ðến thăm lớp nghiên cứu chính trị khóa I Trường đại học nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân"(H).
Ngày nay, trước bối cảnh phát triển như vũ bão của thế giới hiện đại, tư tưởng về sự học hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.
Khái niệm học tập (hay giáo dục) suốt đời cần phải được hiểu khác trước thì nó mới có tác dụng như một chiếc chìa khóa để giải quyết những vấn đề đặt ra trong những năm đầu của thế kỷ 21 như tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển xã hội bền vững, xóa nghèo toàn diện: nghèo về tri thức, nghèo về nhân văn và nghèo về thu nhập. Như vậy, sự hiểu biết của chúng ta về học tập suốt đời là phải từ bỏ quan niệm và thái độ truyền thống về phân biệt giữa giáo dục ban đầu và giáo dục liên tục. Giáo dục ban đầu bao gồm giáo dục từ mầm non (giáo dục nhà trẻ và mẫu giáo) đến giáo dục đại học. Nếu chủ trương giáo dục cho mọi người thì hệ giáo dục ban đầu đã có đủ khả năng để mỗi cá nhân trong xã hội được thụ hưởng một lần trong đời mình. Còn nếu chủ trương học tập suốt đời thì phải đầu tư thật sự cho hệ giáo dục liên tục để cho người lao động và người lớn (mà trong văn kiện của Ðại hội X của Ðảng đã nhấn mạnh là hệ giáo dục cho người trung niên trở lên) luôn tìm thấy cơ hội học tập và điều kiện học tập dưới một hình thức giáo dục ngoài nhà trường, cũng không loại trừ việc học trong hệ nhà trường chính quy.
Mô hình giáo dục mở ghi trong văn kiện Ðại hội X của Ðảng chính là mô hình gắn kết giáo dục ban đầu và giáo dục liên tục thành một hệ thống, trong đó tại bất cứ thời điểm nào và bất cứ không gian nào, mỗi thành viên trong xã hội, không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần xã hội, nghề nghiệp và địa vị xã hội đều có thể tiến hành việc học tập theo nhu cầu của cá nhân như để nâng cao học vấn, hoàn thiện tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, lấp những lỗ hổng trong kiến thức quản lý, trau dồi văn hóa lãnh đạo, tu dưỡng đạo đức.
Mô hình giáo dục lý tưởng ấy chính là mô hình xã hội học tập mà Ðảng ta đề cập từ Ðại hội IX và khẳng định phải phát triển nó một cách tích cực trong những năm trước mắt. Việc thực hiện được mô hình ấy hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc khắc phục thái độ và quan niệm lỗi thời hiện nay về giáo dục thường xuyên - hệ thống bảo đảm cho giáo dục liên tục được mở rộng cho một lượng người học ít ra cũng nhiều gấp ba lần so với số người theo học hệ giáo dục ban đầu. Chừng nào mà còn coi nhẹ giáo dục thường xuyên thì chừng đó, giáo dục thường xuyên vẫn không khác cách tổ chức học bổ túc văn hóa của mấy chục năm về trước. Trong xã hội hiện đại, việc tổ chức hệ giáo dục thường xuyên là để con người thực hiện việc học suốt đời. Giáo dục thường xuyên đáp ứng những thách thức của một thế giới nhanh chóng thay đổi, nó mở ra sự đa dạng hóa hết sức rộng rãi đối với các hình thức học tập để mọi tài năng đều được phát huy, những thất bại học đường sẽ bị hạn chế, giúp cho người có nhu cầu học, đặc biệt là thế hệ trẻ loại bỏ được cảm giác bị loại thải trong cuộc sống xã hội và luôn nhìn thấy viễn cảnh phát triển của cá nhân mình.
Ðể đổi mới hệ thống giáo dục thường xuyên ở nước ta, các nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục cần vượt ra khỏi sách giáo khoa giáo dục học và tâm lý học truyền thống, trong đó cắt khúc đời sống con người thành các giai đoạn tuổi thơ, tuổi trẻ học đường, tuổi lao động, tuổi về hưu...; nghĩa là, biệt lập từng giai đoạn phát triển của con người. Trong xã hội ngày nay, cách nghĩ và cách hiểu đó không đáp ứng được những đòi hỏi của tương lai bởi bây giờ là thời điểm buộc mọi người thấy rằng, không thể hy vọng tích lũy một lần đã đầy đủ vốn tri thức để dùng cho cả cuộc đời. Người ta sẽ sống lâu hơn, giờ lao động trong ngày sẽ rút bớt đi, nhưng tri thức ngày càng nhiều lên, bất cứ lứa tuổi nào cũng phải được trang bị những kiến thức mới, những kỹ năng mới thì mới thích ứng với lối sống của xã hội hiện đại. Dừng việc học tập là chấp nhận việc bị loại ra khỏi thế giới năng động. Khi tổ chức hệ giáo dục thường xuyên trong thời đại điện tử (trong xã hội thông tin), nhà giáo dục cần nhận thức rõ một điều: Công nghệ mới có nguy cơ lớn nhất là tạo ra sự phân biệt và sự khác biệt. Những chênh lệch mới đang xuất hiện và tăng lên giữa các quốc gia khác nhau, tức là giữa những quốc gia đã thích ứng với những công nghệ mới với những quốc gia đang thiếu khả năng tiếp cận với những công nghệ mới vì lý do nào đó. Song, trong nội bộ một quốc gia, giữa những người có khả năng sử dụng công cụ mới và những người thiếu khả năng ấy cũng có những khác biệt. Sự khác biệt như thế là nguồn gốc của hiện tượng mất dân chủ và không ít hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội ngày nay như sự phân hóa giàu nghèo mang tính thời đại, những nguy cơ mới của những người "mù" tin học, v.v.
Sự phát triển hệ giáo dục thường xuyên, hiểu theo đúng khái niệm hiện đại, là để con người tránh được tình trạng rơi vào cảnh chỉ được tiếp cận với những thông tin mang tính chất "ăn xổi ở thì" và chỉ với tay tới những công nghệ lạc hậu. Trong văn kiện Ðại hội X của Ðảng có nhấn mạnh đến mục tiêu "hiện đại hóa" giáo dục. Có lẽ, đối với hệ giáo dục thường xuyên của nước nhà, cần lấy tư tưởng nêu trên để soi sáng cho cách làm trong những năm tới đối với hệ thống này.
Ðể triển khai hệ giáo dục thường xuyên, chúng ta cần có sự tiếp cận nhanh hơn với hệ thống này ở những nước đã có chiều sâu phát triển. Trước hết, cần lưu ý rằng, coi nhẹ giáo dục thường xuyên, có thái độ phân biệt cứng nhắc giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên sẽ làm cho giáo dục thường xuyên không thể trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Quan trọng hơn là, coi thường giáo dục thường xuyên sẽ là thái độ không ủng hộ việc tổ chức học tập suốt đời mà ta mong muốn.
Hệ giáo dục thường xuyên có quan hệ mật thiết và song hành với giáo dục chính quy. Giáo dục chính quy là hệ giáo dục quy định rất chặt chẽ và chi tiết về mục tiêu, nội dung, phương pháp, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, thời lượng học toàn năm và toàn kỳ, kiểm tra, thi cử, v.v. Trong khi đó, giáo dục thường xuyên cho người lớn thường rất đa dạng về hình thức, bao gồm giáo dục không chính quy, giáo dục phi chính quy, giáo dục bán chính quy và giáo dục cận chính quy. Giáo dục không chính quy tuy vẫn có tính trường quy nhưng lại mềm dẻo về kế hoạch lên lớp, phương pháp đào tạo, tài liệu học tập, cách thức quản lý, tiến độ và thời gian tiến hành, v.v. Giáo dục phi chính quy được tổ chức linh hoạt bởi lấy sự tự học làm phương thức học tập chủ yếu và mục tiêu là cần gì thì học nấy. Người ta có thể học qua các lớp bồi dưỡng, qua đài truyền hình, qua các hình thức trao đổi ý kiến rất linh hoạt, giúp cho người học tìm được cách học phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh sống, thỏa mãn được nhanh chóng nhu cầu học để phục vụ sản xuất và đời sống. Giáo dục bán chính quy hay cận chính quy là giáo dục theo phương thức vừa học vừa làm, nội dung học bám sát chương trình quốc gia nhưng cách tổ chức học và kiểm tra, đánh giá lại linh hoạt hơn. Ðó là những hình thức giáo dục nằm giữa hệ chính quy và hệ không chính quy.
Những người học hệ chính quy (đặc biệt là thế hệ trẻ) sẽ tiếp tục học theo các hình thức khác nhau của hệ giáo dục thường xuyên. Song, điều đó không có nghĩa là người học hệ thường xuyên không còn cơ hội quay lại trường học chính quy. Ðối với những người lao động có nhiều sáng kiến, nhiều kinh nghiệm, lại có thành tích cao trong học tập ở hệ giáo dục thường xuyên thì nhà trường chính quy, đặc biệt là trường đại học cần mở rộng cửa tiếp đón họ, tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ năng lực tiềm tàng trong họ.
Giáo dục thường xuyên luôn gắn chặt với cộng đồng, mục tiêu của nó nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ những nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng địa phương nên cách tổ chức của nó thường bám chắc trong từng cộng đồng. Hiện nay, ở nước ta đang phát triển những trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và huyện, những trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường. Trong tương lai gần, sau khi cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở thì những trung tâm này phải có nội dung đào tạo, bồi dưỡng tương đương trung học để hỗ trợ mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học. Và sau việc hoàn thành nhiệm vụ giáo dục bắt buộc ấy, chắc chắn là sẽ xuất hiện những trung tâm bổ túc sau trung học, những cao đẳng hoặc đại học cộng đồng, v.v.
Vấn đề học suốt đời tất yếu dẫn đến chủ trương phát triển rộng rãi hệ đại học mà ở nhiều nước, người ta gọi là đại chúng hóa đại học. Ðây là câu hỏi buộc chúng ta phải tìm lời giải đáp từ bây giờ, bởi vì, sẽ đến một lúc trên thị trường lao động sẽ có nhu cầu nhân lực ở trình độ đại học nhiều hơn. Lúc đó, văn bằng đại học là điều kiện để người ta củng cố vững chắc hơn nơi làm việc đã kiếm được và học vấn đại học sẽ bảo đảm cho người ta thăng tiến nhanh hơn, tăng thu nhập vững chắc hơn, v.v.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển hệ đại học mà Ðại hội X của Ðảng đã đề ra, chúng ta cần đánh giá cho đúng vai trò của trường đại học trong thế giới hiện đại. Giáo dục đại học là một động lực mạnh để phát triển kinh tế - một động lực mà giáo dục trung học không thể tạo ra được. Song, cũng phải thừa nhận rằng, giáo dục đại học luôn là tiêu điểm của việc học trong xã hội. Trường đại học vừa lưu giữ, vừa sáng tạo những tri thức, lại là nơi chuyển tải kinh nghiệm văn hóa và khoa học - công nghệ cho các thế hệ theo học.
Trên quan điểm phát triển giáo dục suốt đời thì phải giữ các luận điểm sau:
- Áp lực xã hội và nhu cầu của thị trường lao động đã và sẽ làm đa dạng hóa mạnh mẽ các cơ sở đào tạo đại học. Các trường đại học sẽ không còn độc quyền về giáo dục đại học; hệ thống giáo dục đại học sẽ dần dần phức tạp về cơ cấu, chương trình, số lượng sinh viên, quan hệ quốc tế, v.v.
- Trong vai trò xã hội của mình, các trường đại học có thể sử dụng quyền tự chủ vào việc tranh luận những vấn đề lớn về đạo đức và khoa học mà xã hội sẽ phải đối mặt. Mặt khác, trường đại học là cầu nối với chỗ còn lại của hệ thống giáo dục, bằng cách cung cấp cho người lớn khả năng trở lại việc học và thực hiện chức năng của một trung tâm nghiên cứu làm phong phú và bảo tồn nền văn hóa.
- Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo đại học sẽ cung cấp cơ sở nền tảng cho các chương trình phát triển, cho việc hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ trung, cao cấp.
Giáo dục đại học phải trở thành công cụ để cải cách và đổi mới nền giáo dục của quốc gia.
- Các trường đại học phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu làm chủ công nghệ của nông dân và công nhân trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trường đại học vừa phải cung cấp những chuyên gia quen thuộc với những công nghệ tiên tiến, nhưng mặt khác có nhiệm vụ làm tăng năng lực trí tuệ của người lao động tăng lên ở mọi trình độ.
- Vai trò quan trọng của các trường đại học quốc gia và địa phương là làm cầu nối giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển.
- Các cơ sở đại học có nhiệm vụ lấp dần khoảng trống về kiến thức và làm phong phú thêm đối thoại giữa các dân tộc và các nền văn hóa.
Như Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã chỉ ra, trong nhiệm kỳ này, toàn Ðảng, toàn dân phải đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới giáo dục. Cốt lõi của vấn đề đổi mới giáo dục là xây dựng nước ta trở thành một xã hội học tập, lấy tư tưởng học tập suốt đời làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt các hệ thống giáo dục trong xã hội.
GS.TS Phạm Tất Dong
(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 8, trang 215