Những vấn đề đặc biệt trong phỏng vấn
Khó hẹn được phỏng vấn: Bạn muốn phỏng vấn một "ông cốp" hay một cô nàng nổi tiếng, trước hết hãy nhìn vào uy tín của mình. Bạn có được biết đến như một phóng viên thật thà, chăm chỉ, cởi mở, tác nghiệp vì lợi ích cộng đồng hay không?
Uy tín của bạn, cũng giống như uy tín của cơ quan truyền thông nơi bạn làm việc thường đi trước bạn. Vì vậy, hãy xây dựng cho một mình uy tín nghề nghiệp.
Khi đã vượt qua điều khúc mắc về uy tín và danh tiếng này, bước tiếp theo là:
- Thể hiện lòng nhiệt tình về bài viết của mình.
- Kiên trì. “Nếu cửa trước bị khóa, thử cửa sau xem sao. Nếu cửa
sau cũng bị khóa, hãy thử cửa sổ!” Đối với những nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí, cửa trước chính là những đại diện công chúng (PR) của họ. Cửa sau là các hiệp hội mà họ tham gia hay các ông bầu. Cửa sổ chính là bạn bè, đối tác làm ăn, họ hàng của họ. Nhiều phóng viên thích gọi điện cho mẹ của các nhân vật nổi tiếng, vì các bà mẹ thường muốn nói về con mình. Đôi khi, các nhân vật nổi tiếng đồng ý trả lời phỏng vấn chỉ để biết xem mẹ mình đã nói về mình như thế nào.
- Lạc quan. Chưa thử đề nghị phỏng vấn mà bạn đã nghĩ là mình có thể thất bại là một suy nghĩ rất tiêu cực.
- Viết thư cho nguồn tin nói về nội dung bạn muốn phỏng vấn. Có thể gửi bằng email, hoặc cách nào đó tùy bạn sáng tạo, miễn là đến được tay nguồn tin.
- Gửi cho họ vài câu khen ngợi, đưa ra những câu hỏi cho họ thỏa sức thể hiện cái tôi.
- Gọi cho nguồn tin mà bạn định phỏng vấn để kiểm tra lại thông tin bạn có từ các nguồn khác. Khi phóng viên Lisa McCormack ở Washington gọi cho ngôi sao Marshal Coyne để kiểm tra lại một câu mà anh đã từng nói với người khác, Marshal Coyne hét lên trong điện thoại: “Cô là người phóng viên quỷ tha ma bắt đầu tiên gọi cho tôi để kiểm tra độ chính xác câu tôi đã từng nói. Tôi thích cô rồi đấy!” Đây là bước đầy hứa hẹn để bạn có thể có được phỏng vấn.
- Hãy tìm cách tiếp cận nguồn tin của bạn một cách không chính thức. Đó có thể sau buổi nói chuyện với công chúng, ở cuộc họp báo, trong một buổi gặp gỡ tiệc tùng xã giao, trên đường chạy dạo bộ. Một cuộc nói chuyện vu vơ có thể khiến họ cởi mở hơn với bạn.
- Hãy tập trung vào chủ đề mà bạn biết nguồn tin sẽ thích nói và thích chia sẻ.
- Nói lời khen nịnh xã giao: “Biết là anh/chị bận. Người bận thường là những người thú vị nhất và quan trọng nhất… Nếu không tôi làm phiền với anh/chị làm gì…”
Hỏi những câu nhạy cảm: Những câu hỏi này có thể khiến cho nguồn tin xấu hổ, hoặc thể hiện sự chỉ trích liên quan tới công việc hay hoạt động chung của họ, hoặc câu hỏi riêng tư liên quan đến một sự kiện đáng buồn/đáng xấu hổ trong cuộc đời của họ.
Thường thì các phóng viên điều tra không viết bài dựa trên những gì một chính trị gia hoặc thương nhân trả lời trong cuộc phỏng vấn của họ. Họ sẽ phải làm “bài tập” ở nhà: nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn những người khác, có bằng chứng để “vặn vẹo” khi nguồn tin muốn khẳng định, từ chối, giải thích, và nếu có thể, đưa ra thông tin mới.
Những phóng viên kinh nghiệm tránh tranh cãi, hay buộc tội trong cơn tức giận, hay tỏ ra không thiện cảm.
Với những câu hỏi riêng tư: Chỉ nên hỏi những câu hỏi này nếu chúng phục vụ cho một phần bài viết. Nên có lý do phù hợp cho câu hỏi. Hãy giải thích vì sao bạn hỏi vậy: vì lợi ích của cộng đồng, để giáo dục…chứ không phải để khai thác và chỉ trích vấn đề khó khăn khúc mắc của nguồn tin. Ai cũng có những khó khăn khúc mắc của riêng mình. Nếu bạn đủ sức thuyết phục, họ sẽ kể cho bạn nhiều hơn bạn tưởng.
Tránh ép buộc. Hãy để nguồn tin tự do chọn lựa những chi tiết họ muốn kể. Hãy tiếp cận các lĩnh vực nhạy cảm một cách gián tiếp. Nếu bạn muốn hỏi về kinh nghiệm của một người dùng ma tuý, hay nói về những gì bạn biết xảy ra với những người khác.
Hãy lắng nghe những tín hiệu gợi mở từ phía nguồn tin. Đôi khi, họ muốn kể chuyện về bản thân họ, nhưng họ không chắc là bạn có quan tâm hay không. Còn bạn, lúc đó lại ngại hỏi. Tốt nhất, bạn nên chủ động hỏi, vì họ biết đâu sẽ nói chi tiết thú vị cho bài viết mà bạn bỏ qua vì không nghe hoặc không để ý.
Hãy chính xác: Những phóng viên mới phỏng vấn thường rất lo lắng về nhiều chuyện: thiết lập quan hệ thế nào, tránh câu hỏi ngốc nghếch thế nào, nên đôi khi đãng trí quên những chi tiết nhỏ. Do đó kết quả là thiếu chính xác: tên sai, hiểu nhầm, thông số kỹ thuật sai, câu mà nguồn tin nói đôi khi bị dẫn sai.
- Để giải quyết, bạn hãy kiểm tra lại tên, địa chỉ, tuổi, chức danh của nguồn tin. “Tôi muốn kiểm tra lại…” Bạn cũng cần kiểm tra lại những điểm chính. Hãy nhắc lại những thông tin quan trọng mà bạn có được trong cuộc phỏng vấn để chắc chắn rằng bạn hiểu đúng.
- Những câu nói. Trừ phi bạn chắc chắn về độ chính xác, còn nếu không tốt nhất hãy đọc lại để nguồn tin xác nhận là bạn đã ghi nhận đúng.
- Hãy đưa ra bối cảnh. Những bình luận của nguồn tin có thể bị hiểu sai vì phóng viên không hiểu bối cảnh (thậm chí tồi tệ hơn nữa là bỏ qua). Bạn dẫn lời nói của một siêu sao nói rằng: Tôi ghét mẹ tôi. Thực tế, cô ấy nói rằng: “Mẹ và tôi có mối quan hệ yêu – ghét bình thường như tất cả các bà mẹ và con cái khác. Có lúc mẹ tôi cố chỉ huy tôi hoặc uốn nắn những sai sót trong tính cách của tôi, những lúc này tôi ghét mẹ tôi. Nhưng cũng có lúc tôi yêu mẹ tôi. Đó là khi mẹ làm bánh và gửi cho tôi với lời nhắn: Mẹ yêu con vì con đặc biệt.
- Hãy kiểm tra chéo. Đôi khi, bạn đưa tin sai vì nguồn tin nói sai. Hãy kiểm tra lại với một nguồn tin khác nếu bạn thấy nghi ngờ.
- Bạn có ý nghĩ rằng ý nghĩ của mình là đúng. Bạn kết luận trước khi bạn đặt câu hỏi và nghe họ giải thích. Khi núi lửa St. Helen ở Washingtonphun trào năm 1980, rất đông phóng viên tường thuật ngọn núi ở bang Oregon . Một biên tập viên ở New York đã giải thích rằng: “Đây là một trong những điều mà mọi người đều biết, nên phóng viên chả buồn kiểm tra lại.” Thực tế cho tháy, những suy nghĩ của họ không phải lúc nào cũng đúng và sai sót là điều không tránh khỏi.
(Dịch từ Metzler, K - 1997, Creative Interviewing: The writer"s guilde to gathering information by asking questions, 3rd edition; USA: Allyn & Bacon)