Những người nghiên cứu khoa học tuổi… sinh viên
Phạm Thị Minh Hải và hệ thống lọc sinh học
“Lọc sinh học là phương pháp “tái sinh nước” nhờ vào các vi khuẩn dị dưỡng bám trên các giá thể, chuyển các chất hòa tan độc hại đối với thủy sinh như N-NH4+, N-NO2-, H2S… thành dạng ít độc hơn. Lọc sinh học đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội khác biệt nên không thể áp dụng trực tiếp vào Việt Nam , nguyên nhân là do khó khăn về khả năng sử dụng và tính kinh tế của giá thể. Nghiên cứu của em là tìm loại vật liệu rẻ tiền làm giá thể vừa dễ áp dụng lại đáp ứng được các yêu cầu của hệ thống lọc sinh học, phù hợp với mô hình nuôi tôm thương phẩm nhỏ và vừa ở Việt Nam . Các loại vật liệu em nghiên cứu là vỏ sò, san hô và hạt nhựa. Trong đó, hạt nhựa cho kết quả lọc tốt nhất” - Mở đầu câu chuyện, Hải khái quát cho tôi về nội dung đề tài nghiên cứu vừa đoạt giải của mình. Vừa nói, Hải vừa dẫn tôi đi xem mô hình bể lọc sinh học thu nhỏ có sử dụng hạt nhựa làm giá thể, được cha mình áp dụng tại nhà để nuôi… cá rô phi. Thấy tôi ngạc nhiên vì trong bể lọc có cả tấm tôn nhựa, Hải giải thích “Do hạt nhựa có giá thành cao nên em đang thử nghiệm tấm tôn nhựa làm giá thể. Kết quả rất khả quan, nếu thành công thì sử dụng tôn nhựa sẽ giảm được 2/3 chi phí so với hạt nhựa”.
Nhiệm vụ mà cô bé cận 2 “điốp” đặt ra cho mình hiện nay là phải tập trung ôn thi học kỳ, sau đấy sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về đề tài này. Còn dự định tương lai sẽ học tiếp lên cao học với mơ ước được trở thành nhà khoa học về công nghệ sinh học.
° Hoàng Ngọc Lự với đề tài ấp nở và nuôi ấu trùng ghẹ xanh
Hoàng Ngọc Lự. |
Kết quả nghiên cứu tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng từ Zoea 1 đến ghẹ bột của Lự đạt 10,34 ± 1,74% (bằng với kết quả nghiên cứu cùng đề tài cấp Trung ương). Do thiếu kinh phí, thời gian thực hiện đề tài không nhiều nên nghiên cứu của Lự chỉ ở giai đoạn ương, nuôi ấu trùng ghẹ xanh. “Mong muốn lớn nhất của em là tiếp tục được nghiên cứu giai đoạn từ ghẹ bột lên ghẹ thương phẩm” - Lự nói. Để thực hiện ước mơ ấy, chàng sinh viên đang chờ nhận bằng tốt nghiệp này dự định sẽ cùng với người bạn về quê mở trại ương, nuôi và bán giống cua, tích luỹ kinh phí để tiếp tục nghiên cứu về… ghẹ.
° Phan Đỗ Anh Thư và sản phẩm cá cơm chiên chân không
Phan Đỗ Anh Thư. |
Tuy đề tài nghiên cứu khoa học của Thư chỉ đoạt giải khuyến khích, nhưng đối với cô bé, đó là cả một niềm hạnh phúc. Mong ước của Thư hiện nay là sản phẩm sớm xuất ra thị trường vì nếu được người tiêu dùng chấp nhận, nó không chỉ làm phong phú thêm mặt hàng, giải quyết đầu ra, tăng giá trị sử dụng cho loại cá cơm thường mà người tiêu dùng còn được sử dụng trực tiếp loại thực phẩm sạch, giàu chất dinh dưỡng”.
Nguồn: baokhanhhoa.com.vn 9/1/2006