Những “người mẹ” của giống ngô mới
“Mang nặng, đẻ đau”
Một ngày giữa tháng 10, tôi có dịp đến Viện Nghiên cứu Ngô tại thị trấn Phùng (Đan Phượng – Hà Nội). Vùng trồng ngô rộng lớn như một dải lụa xanh biếc. Nhấp nhô trên “dải lụa” là các cán bộ nữ đang miệt mài làm việc. Họ dùng tài, trí của mình cho ra đời những giống ngô mới, cống hiến vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.
Tại một đầu bờ, tôi được trò chuyện cùng tiến sĩ Nguyễn Thị Lưu, một trong những cán bộ nữ có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học tại Viện. Sau khi kiểm tra thông số một giống ngô đang lai tạo, chị vội lau những giọt mồ hôi trên trán và nói về công việc của mình: “Hàng ngày, khoảng 6 giờ sáng là chúng tôi có mặt tại ruộng ngô để kiểm tra”. Các chị xuống thăm để nắm bắt tình hình phát triển của ngô, kịp thời khắc phục sự cố.
Nhưng, không phải lúc nào công việc cũng “thuận buồm xuôi gió”. Chị Lưu kể, một ngày tháng 11/2006, cả khu đồng ngô giống hôm trước còn xanh mơn mởn, sau một trận mưa đá đã nằm nghiêng ngả, lá giập nát. Bao công sức của chúng tôi đã bị thiên tai “cướp đi” một cách trắng trợn.
Không chỉ có vậy, nhiều khi gặp sự cố trong quá trình nghiên cứu khiến các chị lao đao. Chị Nguyễn Thị Thanh, đang làm việc tại ruộng ngô bên cạnh kể: “Có lần triển khai mô hình dưới cơ sở, gặp thời tiết không thuận, giống mẹ có râu, nhưng giống bố lại chưa có phấn, mọi người nháo nhào tìm cách xử lý. Dù đang làm việc ở xã Yên Bình (Lương Sơn – Hoà Bình), tôi vẫn lặn lội quay về Viện, huy động toàn bộ chị em trong tổ lấy phấn. Nhờ vậy, gần 3ha ngô tránh khỏi nguy cơ mất trắng”. Rồi có những ngày mưa lớn, các chị phải “đội mưa” ra đồng chụp bao bảo vệ do ngô chưa ra râu, nếu không sẽ bị lẫn giống. Không quản ngại xa xôi, các chị đến nhiều thôn, bản tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất các ngô giống mới. Bao nhiêu vất vả, khó khăn nhưng các chị vẫn toàn tâm, toàn ý chăm lo cho “đứa con tinh thần” của mình.
Niềm đam mê cháy bỏng
“Các cán bộ khoa học nữ ngoài công việc xã hội còn phải dành thời gian cho gia đình. Nếu không đam mê nghiên cứu thì khó có thể cho ra đời những sản phẩm chất lượng tốt”, chị Lưu cho biết. Chị Lưu là nhà khoa học có nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao. Tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, với những trăn trở và say mê nghiên cứu khoa học, chị quyết định làm việc tại Viện. Ngoài việc dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu, nhằm tìm ra các giống ngô mới tốt hơn, chị vẫn đảm bảo “giữ lửa” để gia đình hạnh phúc. “Làm nghề này nhiều khi phải đi xa và dài ngày nên cần người chồng thông cảm, chia sẻ. Cũng may, gia đình luôn ủng hộ, động viên tôi công tác. Đó chính là động lực lớn giúp tôi yên tâm làm việc”, chị Lưu tâm sự. Mặc dù chị đang giữ rất nhiều trọng trách trong cơ quan như Trưởng ban nữ công, thành viên Câu lạc bộ nữ khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhưng chị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài chị Lưu, nhiều cán bộ nữ khác của Viện cũng rất say mê nghiên cứu như các chị Nguyễn Thị Nhài, Ngô Thị Minh Tâm, Nguyễn Thị Bích, Đoàn Thị Bích Thảo... Toàn Viện hiện có 35 cán bộ nữ, góp phần tạo ra nhiều giống ngô mới như LVN10, LVN4, LVN12, LVN23 (ngô rau), LVN 9, HQ2000 (ngô giàu đạm), VN 8960, LVN98, ngô nếp VN2, VN6... Các giống ngô này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với nhiều vùng sinh thái. Chủng loại giống cũng rất đa dạng, màu sắc đẹp và hình dạng hạt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Cũng theo chị Lưu, để được công nhận là giống ngô tốt, chất lượng cao phải trải qua một chu kỳ dài, nếu thuận cũng phải mất 5 – 6 năm, qua nhiều vụ trồng thử nghiệm, nếu có tính vượt trội hơn giống cũ thì mới được công nhận. Sau đó mới chuyển giao, triển khai tới các địa phương để sản xuất đại trà. Hiện, tổng lượng giống cung cấp cho sản xuất của Viện đạt gần 1.000 tấn/năm, tạo đà cho nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Với những đóng góp hết sức to lớn, tập thể cán bộ khoa học nữ Viện Nghiên cứu Ngô đã vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng giải thưởng: “Tài năng sáng tạo nữ”.