Những điều cần biết về bệnh suy tim
Bệnh chia làm bốn cấp độ
Phần lớn bệnh nhân bị suy một bên, nhưng cũng có trường hợp suy cả 2 bên (suy tim toàn bộ). Dựa vào khả năng vận động của bệnh nhân, có thể chia suy tim thành 4 độ:
- Độ 1: Hoạt động thể lực không bị hạn chế.
- Độ 2: Hoạt động thể lực bị hạn chế nhẹ. Bệnh nhân bị hụt hơi khi gắng sức, thí dụ như khi lên một dốc dài. Có thể tiếp tục nếp sống và công việc bình thường.
- Độ 3: Sự hạn chế hoạt động đã rõ rệt hơn, đi bộ chỗ phẳng cũng phát sinh triệu chứng.
- Độ 4: Ngay cả khi nghỉ cũng thở hổn hển, bệnh nhân hầu như không thể ra khỏi nhà. Triệu chứng rõ nhất của suy tim là khó thở kiểu đoản hơi, giảm khả năng gắng sức, mau mệt mỏi. Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân phải ngồi lên mới thở được, ban đêm thường thức dậy vì khó thở. Ho khi gắng sức hoặc khi nằm; mất cảm giác ngon miệng, đầy bụng.
- Tăng cân do phù. Nếu suy tim trái, người bệnh thấy khó thở, phải ngồi lên mới thở được. Trong trường hợp suy tim phải, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, phù chân (ít gặp). Khi bị suy tim toàn bộ, cả hai nhóm dấu hiệu của suy tim phải và trái đều xuất hiện.
Nguyên nhân thường gặp
Các nguyên nhân gây suy tim thường gặp gồm:
- Tăng huyết áp.
- Bệnh van tim do thấp khớp.
- Sau nhồi máu cơ tim.
- Bệnh cơ tim nguyên phát.
- Rối loạn nhịp tim kéo dài.
- Một số bệnh tim bẩm sinh.
- Dùng một số loại thuốc (như hóa chất điều trị ung thư).
Các bác sĩ cũng lưu ý tình trạng béo phì âm thầm gây ra những tổn thương tiềm ẩn, có thể dẫn đến suy tim. Ở những người béo phì nhẹ, khả năng co bóp của tim cũng suy giảm, và khả năng co bóp của tâm thất trái ở những người cực béo bị suy giảm đáng kể so với người bình thường. Cơ thể càng to lớn thì tim phải hoạt động càng nhiều, vì thế nó phải tự tăng kích cỡ lên và điều này khiến nó phải "trả giá". Ngoài ra, tình trạng béo phì có thể gây ra hội chứng ngừng thở trong khi ngủ, vốn rất nguy hiểm cho tim.
Chế độ ăn uống và hoạt động của bệnh nhân
Các bác sĩ khuyên người bị suy tim cần lưu ý:
- Có chế độ vận động hợp lý: Tuyệt đối cấm mang nặng, lao động nặng. Phải tập thể dục và thực hiện các chương trình phục hồi chức năng với sự theo dõi của bác sĩ.
- Tạo tâm lý thoải mái, cởi mở với mọi người. Đừng nên quá thất vọng khi có một chẩn đoán mới.
- Cần đến khám bác sĩ thường xuyên.
- Chú trọng đến vấn đề ăn uống:
+ Giảm muối:
Bệnh nhân suy tim nên ăn nhạt, giảm hẳn lượng muối ăn vào so với người bình thường. Càng ăn mặn, cơ thể càng dễ giữ nước, làm tăng thể tích máu và bắt tim phải làm việc nhiều hơn. Liều lượng 2 - 3 g natri/ngày được coi là tốt nhất cho đa số bệnh nhân suy tim. Tránh dùng những thức ăn mặn như dưa muối, thịt khô, cá khô, cà muối, đồ hộp... Người bị suy tim nặng phải kiêng ngặt hơn; chỉ được dùng những thức ăn công nghiệp không có natri, tránh dùng sản phẩm từ sữa (như phô mai) hay sản phẩm có hàm lượng muối cao...
+ Giảm rượu bia:
Bệnh nhân phải giảm hẳn rượu bia, vì rượu có thể làm giảm sút khả năng bơm máu của tim. Uống rượu bia thường xuyên cũng có thể dẫn tới bệnh cơ tim, làm tim lớn, giãn nở nhưng bơm máu không hiệu quả. Người suy tim nặng không được uống một giọt rượu nào. Với đa số bệnh nhân suy tim nhẹ và vừa, nếu không bỏ hẳn được rượu thì chỉ nên uống không quá một lon bia hay một ly rượu nhỏ mỗi ngày.
+ Bổ sung vitamin:
Việc bổ sung vitamin dưới hình thức một viên đa sinh tố mỗi ngày sẽ có ích đối với bất cứ người nào bị bệnh kinh niên kèm theo tình trạng suy dinh dưỡng. Đặc biệt, bệnh nhân suy tim có uống thuốc lợi tiểu sẽ mất một lượng vitamin theo nước tiểu nên việc bổ sung đa sinh tố rất cần thiết.
Nguồn: nhandan.com.vn 17/11/2005